No icon

vach-mat-chuyen-thoi-mien-va-cach-phong-chong-bi-phu-phep

Vạch mặt chuyện thôi miên và cách phòng chống bị “phù phép”

Bạn có thể “cưỡng” lại phép thôi miên hay dễ dàng bị nó khuất phục? Từ khi chính thức được công nhận (cách đây hơn 200 năm), thuật thôi miên đã thu hút đông đảo giới khoa học nghiên cứu, vẽ nên những bức tranh tương đối phong phú về nó.

Trong đó, người ta đã khẳng định thôi miên đúng nghĩa không phải một thứ tà thuật xấu xa như nhiều người lầm tưởng, ngược lại, đó là một phương pháp khoa học tiến bộ vận dụng rất hữu hiệu trong nhiều lĩnh vực như y học, tội phạm học…

Một câu hỏi lớn được đặt ra là, có phải ai cũng có khả năng thôi miên và bị thôi miên hay không? Làm cách nào để thoát được sự khống chế khi bị thôi miên? Hôm nay chúng ta sẽ cùng khám phá và đi tìm lời giải đáp cho câu hỏi đó.

Nói như nhà thôi miên vĩ đại Wolf Messing, ai cũng có khả năng thôi miên, đây là sự thật. Thôi miên thiên về khả năng khai thác sức mạnh tiềm ẩn của tinh thần con người vì vậy ai cũng có thể làm được. Khác nhau giữa chúng ta chỉ ở chỗ, mỗi cá nhân lại kiểm soát sức mạnh tinh thần của bản thân ở những mức độ không giống nhau, người ít, kẻ nhiều.

Chúng ta thường có quan niệm sai lầm lệch lạc rằng, khi bị thôi miên, người ta bị biến thành con rối, tuân theo răm rắp những mệnh lệnh của chủ nhân nhưng thực ra thì không phải vậy. Giữa nhà thôi miên và đối tượng dù trong tình huống nào cũng độc lập với nhau về ý thức.

Đối tượng vẫn tỉnh táo, nghe và nhận biết được mọi thứ xung quanh. Từ nhận định này, có thể thấy, phương thức đầu tiên có thể giúp bạn chống lại thuật thôi miên khi nó còn chưa bắt đầu đó là: bạn sẽ không bao giờ bị thôi miên nếu như bản thân bạn không hề muốn. Nếu bạn chủ động, ý thức của bạn sẽ đủ sức chống chọi lại tác động của những biện pháp thôi miên như ru ngủ, cái nhìn cố định…

Theo kết quả nghiên cứu tiến hành bởi Tiến sĩ David Spiegel – nhà tâm lý học tại Đại học Stanford (Mỹ), 10-15% người lớn rất dễ bị thôi miên, tỉ lệ này là 80-85% với những trẻ dưới 12 tuổi (lứa tuổi mà chu trình xử lý của não chưa hoàn chỉnh), trong khi đó, khoảng 20% người lớn rất khó bị thôi miên. Kết quả trên chứng tỏ rằng, những người có ý chí mạnh mẽ hoàn toàn có thể chống lại “tà thuật” này.

Trong xã hội, những ai có trí thông minh cao và khả năng tự vệ thần kinh sẽ khó bị thôi miên hơn rất nhiều. Tuy nhiên, trí thông minh ở đây thiên về kiến thức xã hội, kinh nghiệm và sự va vấp trong cuộc sống hơn là kiến thức sách vở. Bên cạnh đó, không nên cho rằng, phụ nữ có sức khỏe yếu hơn mặt bằng chung nam giới nên dễ bị “đánh gục” bởi trong thực tế, rất nhiều phụ nữ có tinh thần và ý chí mạnh mẽ hơn cả cánh mày râu, trong khi một số anh lại hay phân vân, lưỡng lự nên bị thôi miên rất dễ dàng.


Thiền giúp bạn có thể kiểm soát tốt hơn năng lực tinh thần cá nhân.

Như vậy, có thể thấy rằng, cách chống lại thôi miên tốt nhất chính là rèn luyện ý chí tinh thần, khả năng tự vệ thần kinh của bản thân. Nghe thì có vẻ phức tạp nhưng thực ra có một phương thức rất đơn giản đã được người Á Đông vận dụng từ lâu đời, đó chính là thiền. Đây là một liệu pháp tâm lý, giúp con người vượt qua sự căng thẳng, mệt mỏi, tĩnh tâm, sáng suốt hơn trong cuộc sống hiện đại.

Nó là sự tổng hợp dung hòa của cả 3 yếu tố: sự tập trung cao độ, thư giãn cùng thả lỏng. Về bản chất, đây cũng chính là 3 yếu tố căn bản của thôi miên. Nói một cách khác, thiền chính là cách tự thôi miên bản thân mình. Làm như thế có nghĩa là bản thân bạn có thể kiểm soát tốt hơn năng lực tinh thần cá nhân, từ đó chống lại được thôi miên từ bên ngoài nếu như không muốn.

Trong những năm trở lại đây, ở Việt Nam còn xuất hiện một số hiện tượng lừa đảo bằng “thôi miên”. Hầu hết những kẻ lừa đảo này có một chút khả năng về năng lượng bẩm sinh cơ thể. Theo các chuyên gia, thực chất thì nó chỉ đúng là thôi miên một phần thôi bởi những đối tượng xấu thường sử dụng câu chuyện vỉa hè để làm thu hút sự chú ý, tập trung của nạn nhân, còn sau đó chúng lại dùng năng lượng từ cơ thể mình phát ra tới nạn nhân, khống chế họ bằng ám thị.

Biểu hiện của việc bị thôi miên theo lời một nhân chứng từng bị lừa kể lại đó là hai mắt lờ đờ, không biết gì, ú a ú ớ và làm theo mọi yêu cầu của bọn xấu. “Thôi miên” kiểu này vì thế cũng chỉ đủ kéo dài trong vài ba phút, thế nên, theo các nhà khoa học, chúng ta hoàn toàn có thể chủ động phòng tránh được. Bạn nên tuyệt đối cảnh giác với tất cả người lạ, tránh nói chuyện với họ khi chỉ có một mình, có như vậy, bạn mới không bị rơi vào bẫy của những kẻ tội phạm.

TAMTHUC

Comment