No icon

thuc-hu-ve-thoi-mien-phu-thuy-cua-loi-noi

Thực hư về thôi miên: “Phù thủy” của lời nói

Thôi miên có làm cho thần kinh con người tê liệt, mê man như lời đồn thổi của những người cho bị là nạn nhân? Phóng viên Lao Động đã đồng ý để thạc sĩ Nguyễn Mạnh Quân – Giám đốc Trung tâm UNESCO – thôi miên.

Trước đó- ngày 18.2, một chủ cửa hàng mỹ phẩm ở Hà Nội khai báobị một phụ nữ thôi miên đã mất tài sản trị giá tỉ đồng; một đồn năm, năm đồn mười về những huyền bí của thôi miên…

Tôi đã… bị thôi miên

Trước khi “dấn thân” vào “giấc ngủ” thôi miên, chúng tôi đã được xem trực tiếp thạc sĩ (ThS) Nguyễn Mạnh Quân thôi miên thanh niên còn khá trẻ tên là Hoàng. Những gì Hoàng kể lại khiến chúng tôi không mấy tin, nên quyết định “được” ThS Mạnh Quân thôi miên.

Biết chúng tôi không tin lắm chuyện thôi miên nên ThS Mạnh Quân bắt đầu “khám bệnh” cho tôi. Theo yêu cầu, tôi giơ ngang cánh tay, ThS Quân dùng lực tay phải để ấn vào một điểm đã định trên cánh tay tôi, tay trái của ông “điểm” vào “huyệt” trên cơ thể. “Điểm” đúng huyệt “gây” bệnh thì cánh tay tôi đã không cưỡng lại được lực của tay ThS Quân, gập xuống rất mạnh, cảm giác như bị vật nặng đè xuống. Tôi được ông xác định ba bệnh: Cao huyết áp, tim mạch và dạ dày. Đúng là tôi đã mắc cả ba thứ bệnh “con nhà giàu” ấy.

Dường như đã “củng cố” được lòng tin của kẻ “vô thần”, ThS Quân hỏi tôi có đồng ý “được” thôi miên không. Tôi hỏi lại vì sao lại phải đồng ý và nhận được lời  giải thích rằng, nếu tôi không đồng ý thì ông không thể thôi miên được, bởi nếu người được thôi miên không muốn và không đồng ý thì bộ não của họ sẽ luôn phân tích và phòng vệ, đấy là cơ chế tự vệ của bản năng con người. Không ai có thể thôi miên được một người nếu mà người đó không muốn, còn nếu họ muốn thì họ sẽ lắng nghe những lời “dẫn dụ” hoặc để ý vào những động tác của các chuyên gia, bằng những kỹ thuật chuyên môn có thể ở âm điệu, tốc độ của lời nói hay tốc độ của những hành động cùng với những hình ảnh và cảm xúc tích cực ẩn ở các câu ám thị (những lời nói của các chuyên gia lúc đó) và sau đó một khoảng thời gian, tần số não của họ sẽ tự động hạ xuống tần số Alpha và họ sẽ tự đi vào trạng thái thôi miên.

ThS Quân cho hay, những người thiếu tự tin hoặc khó tập trung sẽ rất khó để có thể vào trạng thái thôi miên được vì khả năng cảm nhận và chuyển tải thông tin từ ngôn từ ra hình ảnh và cảm xúc trong não của họ bị hạn chế, ngoài ra trong ý thức của họ luôn sợ là thôi miên sẽ làm người ta mê muội, lú lẫn, hoặc thậm chí họ sợ là sau đó họ sẽ không tỉnh lại được. Tôi đồng ý thôi miên.

Theo lời ThS Quân, tôi nhắm mắt, buông lỏng cơ thể, đầu óc không nghĩ ngợi điều gì ngoài tập trung nghe những lời ông nói. Quả thật, lúc “tỉnh” nghe những lời của ông nói bên tai Hoàng thì thấy chẳng có gì hấp dẫn cả. Thế nhưng khi mình ở trong trạng thái “vô nghĩ”, tâm tĩnh lặng, chỉ tập trung vào lời nói của ThS Quân, thì mới thấy “nghệ thuật” của những lời nói – cứ như “mật rót” vào tai. Cung bậc của lời nói khiến người “được” thôi miên như mơ màng, cơ thể nhẹ nhõm nhưng tâm thức thì tỉnh hoàn toàn, nghe rõ từng lời nói của ông.

Trong khi đang “chìm đắm” theo từng lời nói, tôi bỗng nghe ThS Quân nói “bây giờ tôi sẽ đếm đến 3 và tới số 3 thì chị mở mắt ra”. Sau khi nghe đếm đến 3, tôi mở mắt ra trong trạng thái như kẻ bị ngái ngủ.

Ông lại yêu cầu tôi nhắm mắt lại để ông làm những “kỹ thuật” cần thiết để “đưa” tôi ra hẳn khỏi trạng thôi miên. Bên tai tôi không còn những lời “thủ thỉ” nữa mà giọng ông mạnh mẽ hơn, rõ ràng hơn, ông nói nhanh và dứt khoát như yêu cầu tôi phải thực hiện“nhịp tim, huyết áp, nhiệt độ thân nhiệt và tất cả mọi cơ quan chức năng trong cơ thể lập tức hoạt động khoẻ mạnh, ổn định, điều hoà…”, thế là tôi “tỉnh” ngủ.

Hiểu đúng về thôi miên

Đồng nghiệp chứng kiến tôi được thôi miên liền hỏi cảm giác lúc “mơ màng” bởi thuật thôi miên: Lúc thôi miên có nghe thấy lời nói, tiếng động xung quanh không? Tôi cho hay vẫn nghe thấy cả, rất tỉnh nhưng có điều không “lưu” những tiếng động, lời nói ấy vào bộ nhớ mà chỉ lưu lời nói của ThS Quân theo đúng như đã thỏa thuận ban đầu, riêng cơ thể thì thấy nhẹ nhõm, lúc đó chỉ có “óc” là đang làm việc.

Khi trở lại trạng thái bình thường, tôi nói với ThS Quân rằng: Thủ thuật thôi miên đúng là “phù thủy” của lời nói. Ông cười và thừa nhận.

Và ngẫm về thuật thôi miên, tôi chợt hiểu nó có mối liên kết và nghĩ ngay tới “cội nguồn” của những lời ru con trẻ của các bà, các mẹ. Không ít người cho rằng lời ru đó chỉ là tập tục, muốn trẻ con ngủ thì cần phải yên tĩnh, sao lại hát ru. Khi “được” thôi miên, lúc đó tâm thức tôi cũng như một đứa trẻ – chẳng bận tâm lo nghĩ điều gì… lời nói “rủ rỉ” của ThS Quân chẳng khác gì lời ru của những làn điệu dân ca. Trẻ nghe ru thì ngủ, còn tôi thì vẫn thức, vẫn tỉnh táo, nên dư luận vẫn đồn đại thôi miên làm cho người ta mê man, mất ý thức là hoàn toàn không đúng.

Và để thức tỉnh tôi khỏi “giấc ngủ” thôi miên, lời nói của ông chuyển sang cung bậc dồn dập như tiếng kèn xung trận. Tôi lại vỡ ra một điều, tại sao trong những cuộc chiến ngày xửa ngày xưa, các tướng lĩnh lại hay dùng kèn, trống, tù và để thôi thúc quân lâm trận.

Ngẫm “thuật” thôi miên với những đúc kết của cha ông từ cuộc sống thì chẳng có một khoảng cách nào, ngoài thuật ngữ sử dụng và cũng chẳng có ma thuật nào hết. Chỉ có điều, không ít người lợi dụng thuật ngữ này để làm tấm bình phong che giấu hành vi lừa đảo của chính họ với những người không hiểu biết về thôi miên.

Vậy, vì sao thôi miên lại được ứng dụng và khá phổ biến ở nước ngoài? Tác dụng của thôi miên trong cuộc sống? Trả lời câu hỏi của tôi, ThS Nguyễn Mạnh Quân cho biết: Tên gọi “thuật” thôi miên ngày xưa hay liệu pháp thôi miên ngày nay thật ra đã được các trường đại học lớn nghiên cứu rất kỹ, trong đó phải kể đến như Trường Đại học Tổng hợp Konstanz, Trường Đại học Y Viena (Áo), Trường Đại học Tổng hợp Tuebingen(Đức)…

Và cũng đã từ lâu không phải chỉ có ở các nước này, mà trên thế giới- đặc biệt là tại Mỹ và Châu Âu- đã sử dụng liệu pháp này để phục vụ phòng và chữa bệnh, nâng cao sức khoẻ trong ngành y. Họ đã sử dụng thôi miên để chữa các bệnh do ức chế, rối loạn tâm lý, các bệnh như mất ngủ, đau mạn tính, tăng hoặc giảm cân, trợ giúp trong việc chữa các bệnh về tim mạch và huyết áp. Ngoài ra, người ta còn sử dụng thôi miên để giúp học sinh viên kích hoạt trí tuệ, làm tăng trí nhớ và tăng khả năng tập trung và tiếp thu trong học tập…

Thôi miên đưa tâm ta trở về trạng thái tĩnh lặng. Trong cuộc sống bộn bề, với bao nhiêu áp lực từ công việc, kế sinh nhai…, không ít người muốn “giải thoát” khỏi áp lực nặng nề đó đã chọn thiền để cân bằng lại chính mình. Theo bác sĩ Phan Xuân Trung trên Ykhoa.net thì: Nói một cách đơn giản, thiền là những phương pháp giúp hình thành thói quen tập trung tư tưởng để làm đúng công việc mà chúng ta muốn làm và đang làm. Đặc biệt, thiền giúp điều chỉnh lại trạng thái mất cân bằng giữa hưng phấn và ức chế của hệ thần kinh do quá trình sinh hoạt và làm việc căng thẳng gây ra.

Hãy hiểu đúng về thôi miên thì sẽ thấy những điều thú vị mà con người hãy hướng tới.

TAMTHUC

Comment