truyen-thuyet-ve-ngay-tan-the-ragnarok-trong-than-thoai-bac-au
Truyền thuyết về ngày tận thế Ragnarok trong thần thoại Bắc Âu
- bởi map --
- 20/11/2015
Trong thần thoại Bắc Âu, Ragnarok là một chuỗi các sự kiện khải huyền báo hiệu ngày tận thế, khi những tên khổng lồ băng và khổng lồ lửa sẽ hợp lực chống lại các vị Thần trong một trận tử chiến mà sau cùng sẽ huỷ diệt Trái Đất, nhấn chìm nó dưới biển. Theo truyền thuyết này, thế giới sẽ lại nổi lên mặt nước, các vị Thần còn lại sẽ trở về và hội ngộ, dân số trên thế giới sẽ sinh sôi nảy nở từ hai người duy nhất còn sống sót.
Thần thoại Bắc Âu phân chia các vị Thần thành hai thị tộc chính – Aesir và Vanir, ngoài ra còn có những người khổng lồ Jotnar. Người khổng lồ là những người xuất hiện đầu tiên, và họ sinh sống ở Jötunheimr, một trong chín thế giới trong vũ trụ quan của thần thoại Bắc Âu. Họ bị tộc thần Aesir trục xuất xuống thế giới đó và không cho phép tiến vào thần giới Asgard của mình. Những người khổng lồ thường xuyên đối đầu hoặc cạnh tranh với các tộc thần Aesir và Vanir.
Vũ trụ quan trong thần thoại Bắc Âu (2003) – tranh của Frances Melville. (Ảnh: Flickr)
Loki là con trai của một tên khổng lồ và được biết đến như một vị thần ranh mãnh với khả năng biến hình. Vai trò của Loki trong thần thoại Bắc Âu là khá đặc thù và đã làm dấy lên nhiều tranh luận khi ông ta dường như vừa giúp đỡ nhưng cũng lại vừa cản trở các vị Thần. Loki cũng được phép sống chung với tộc thần Aesir ở Asgard. Loki đã sinh hạ nhiều người con, bao gồm con ngựa tám chân Sleiphnir được thần Odin cưỡi, nữ hoàng địa ngục Hel, con rắn Jörmungandr, và con chó sói Fenrir, hai nhân vật cuối có vai trò quan trọng trong khải huyền Ragnarok.
Theo truyền thuyết, Loki đã chơi khăm thần Hod (Hoor), vị thần của mùa đông bị mù loà. Hành động này đã gây nên cái chết của thần Balder, con trai của nữ thần Frigg và thần Odin. Vì vậy, Loki đã bị trừng phạt bằng cách trói vào một vách đá cho đến ngày tận thế Ragnarok. Tình tiết này có nhiều điểm tương đồng với hình phạt dành cho Prô-mê-tê trong thần thoại Hy Lạp, vị thần đã bị xiềng vào một tảng đá vì đã ban cho loài người khả năng tạo ra lửa.
Tranh Loki và Sigyn (1893) miêu tả hình phạt của các vị Thần dành cho Loki. Tranh của Mårten Eskil Winge.
Giống với khải huyền trong Cơ-đốc giáo, Ragnarok đưa ra một loạt các dấu hiệu báo hiệu cho ngày tận thế. Dấu hiệu đầu tiên là Fimbulvetr, một mùa đông dài lạnh giá với tuyết rơi liên tục trong vòng một năm. Một con gà trống màu đỏ tên là Fjalar sẽ cảnh báo người khổng lồ về thời điểm bắt đầu của Ragnarok. Con gà trống thứ hai sẽ cảnh báo cho toàn bộ người chết về thời điểm bắt đầu của Ragnarok. Cuối cùng, con gà trống màu đỏ thứ ba có tên là Gullinkambi, một con gà trống sống trong hoàng cung Valhalla ở thần giới Asgard, sẽ cảnh báo tất cả các vị thần về sự khởi đầu của ngày tận thế. Tình cảnh xã hội nhân loại lúc đó đã được miêu tả như sau:
Anh em ruột chém giết lẫn nhau,
Anh chị em họ làm loạn luân thường.
Thế giới đáng sợ, truỵ lạc tràn lan
Thời đại của búa rìu và đao kiếm—
Những chiếc khiên bị chẻ đứt—
Thời của gió và chó sói—
Trước khi cả thế giới lao nhanh xuống đáy,
Không còn chút nhân tính nào
Giữa người với người.
Bài thơ Völuspá, tuyển tập Poetic Edda
TAMTHUCMột thế giới mới sau Ragnarök (1905) – tranh minh họa của Emil Doepler
Câu chuyện về ngày tận thế Ragnarok miêu tả cuộc chiến giữa các vị Thần, một cuộc chiến đã để lại các hậu quả nghiêm trọng cho cả loài người và các vị Thần. Loài người là những ‘nạn nhân vô tội’ trong cuộc chiến giữa các vị Thần. Khải huyền Ragnarok có khác với Khải huyền Cơ-đốc giáo ở chỗ con người đã bị trừng phạt vì không trung thành và tin tưởng vào Thần.
Loài người luôn cảm thấy hứng thú với viễn cảnh “ngày tận thế” ngay từ khi lịch sử bắt đầu được ghi chép lại. Theo Cơ-đốc giáo, đó là “Ngày phán quyết” được miêu tả trong Sách Khải huyền; theo Do Thái giáo, đó là Ngày tàn (Acharit hayamim); trong thần thoại Aztec, đó là Truyền thuyết về Năm Mặt trời; trong thần thoại Ấn Độ, đó là Truyền thuyết về những vị thần hiện thân Avatar và Người đàn ông trên lưng Ngựa. Theo hầu hết những thần thoại nêu trên, khi thế giới mà chúng ta vốn biết này đi đến hồi kết, một hiện thân mới của thế giới sẽ được tạo ra.
Liệu những thần thoại và truyền thuyết này chỉ đơn giản là một phép ẩn dụ cho tính chất chu kỳ của sự thay đổi có thể quan sát thấy trong sự luân chuyển giữa ngày và đêm, giữa các mùa trong năm, và trong sự ràng buộc của sự sống và cái chết, hay nhân loại sẽ phải đối mặt với ngày tận thế của chính mình trong một tương lại không xa?
Tác giả: John Black, Ancient Origins
Xem bài gốc ở đây.
Hoàng Sâm biên dịch
Comment