nghien-cuu-phat-hien-thien-dinh-co-the-tai-cau-truc-nao-bo-trong-tuan
Nghiên cứu phát hiện thiền định có thể tái cấu trúc não bộ trong 8 tuần
- bởi map --
- 14/11/2015
Thiền chính niệm có thể tạo ra các thay đổi đáng kể trên các khu vực não bộ có liên quan đến trí nhớ, cảm nhận tự thân, sự đồng cảm, và căng thẳng, theo một nghiên cứu được đăng ngày 30/1 trên tạp chí Psychiatry Research: Neuroimaging (tạm dịch: Nghiên cứu tâm thần học: Hình ảnh học thần kinh).
Phương pháp giảm stress dựa trên chính niệm (MBSR: Mindfulness-Based Stress Reduction) bao gồm 8 buổi học hàng tuần và trọn một ngày tập huấn để học các bài tập phát triển ý chí, bao gồm một bài thanh lọc tinh thần, yoga chính niệm, và ngồi thiền định.
Trong nghiên cứu này, các nhà nghiên cứu đến từ Bệnh viện đa khoa Massachusetts, Đại học Massachusetts, và Đại học Giessen của Đức, đã chọn ra 16 người đăng ký tham gia các khóa học MBSR giảm stress.
Các ảnh chụp cộng hưởng từ (MR) não bộ của những người này đã được chụp trước và sau khóa học, và những biến đổi đã được so sánh với một nhóm khác gồm 17 người không tập thiền.
Trong vòng 8 tuần, mật độ chất xám của những người tham gia khóa học MBSR đã biến đổi tại các vùng não có liên hệ đến khả năng học tập và trí nhớ, cảm xúc, sự tự quy chiếu, cũng như khả năng đứng trên quan điểm của người khác để nhìn nhận vấn đề.
Theo phát biểu của tiến sĩ Sara Lazar từ Bệnh viện đa khoa Massachusetts trong một thông cáo báo chí, nghiên cứu này cho thấy các biến đổi trong cấu trúc não bộ là tương ứng với các cải thiện được ghi nhận bởi những người tham gia, ví như “một cảm giác an lành”.
“Thật thú vị khi quan sát thấy tính linh hoạt của não bộ và rằng, thông qua việc luyện tập thiền định, chúng ta có thể đóng một vai trò tích cực trong việc thay đổi [cấu trúc] não bộ và gia tăng sức khỏe cũng như chất lượng cuộc sống”, Tiến sĩ Britta Hölzel, đồng nghiệp của TS Sara Lazar tại Bệnh viện đa khoa Massachusetts và Đại học Giessen, nhận định trong thông cáo báo chí.
“Những nghiên cứu khác trong các nhóm bệnh nhân khác nhau đã cho thấy thiền định có thể tạo ra các cải thiện đáng kể đối với nhiều loại bệnh, và hiện nay chúng tôi đang nghiên cứu các cơ chế cơ bản bên trong não bộ đóng vai trò thúc đẩy cho sự thay đổi này”.
Tiến sĩ Amishi Jha, một nhà thần kinh học từ trường Đại học Miami, nhận định rằng phát hiện này có thể tạo tiền đề cho các nghiên cứu trong tương lai về tiềm năng của MBSR trong việc điều trị các tình trạng bệnh lý như căng thẳng rối loạn sau chấn thương (post-traumatic stress disorder).
Trong chuyên mục “Khoa học Huyền bí”, Đại Kỷ Nguyên khám phá các nghiên cứu và các sự kiện có liên quan đến các hiện tượng và giả thuyết đang thách đố hiểu biết của chúng ta hiện nay. Chúng tôi sẽ đào sâu vào những ý tưởng có thể kích thích trí tưởng tượng và mở ra những khả năng mới. Hãy chia sẻ với chúng tôi những suy nghĩ của bạn về những chủ đề có thể gây nhiều tranh cãi trong phần bình luận bên dưới.
Comment