No icon

nhung-dieu-kieng-ky-vao-ngay-tet-nguyen-dan

Những điều kiêng kỵ vào ngày Tết nguyên đán

Có thờ có thiêng, có kiêng có lành, vào những ngày Tết nguyên đán, bạn cần kiêng kỵ gì? Hãy thực hiện đúng để có một năm mới an khang thịnh vượng nhé

Tết là một ngày lễ lớn của dân tộc nên người người, nhà nhà đều rất háo hức để chuẩn bị kỹ càng cho những ngày này. Vì vậy, cần lưu ý một vài điều kiêng kỵ trong những ngày này để có một cái Tết trọn vẹn.

1. Kiêng quét nhà, đổ rác

Người Việt xem việc quét nhà vào ngày đầu năm là một việc cấm kị, bởi điều này có nghĩa là mình đang tự đuổi ông Thần Tài ra khỏi nhà. Ngoài ra, cũng có tục không cho lửa hay nước vào đầu năm vì lửa và nước tượng trưng cho sự tài lộc và thịnh vượng của cả gia đình.

KIÊNG KỴ NGÀY TẾT

2. Kiêng không nói những lời “xui xẻo”

Những điều nói ra trong 3 ngày đầu năm được tin là sẽ ảnh hưởng đến cả năm. Vì vậy trong những ngày này mọi người luôn cân nhắc rất kỹ trước khi nói ra một điều gì đó.

3. Kiêng cho lửa, nước ngày Tết

Lửa và nước tượng trưng cho sự tài lộc và thịnh vượng của cả gia đình nên không ai muốn cho 2 thứ này vào ngày đầu năm. Điều đó đồng nghĩa với việc cho đi lộc của nhà mình.

4. Kỵ xông nhà người khác khi có tang hay đang gặp xui

Người có tang hay đang gặp chuyện xui rủi không nên xông đất nhà người khác vì như vậy sẽ đem điềm xui rủi đến cho gia chủ.

5. Kiêng làm vỡ chén đĩa

Chén đĩa chính là biểu tượng của gia đình nên rất kiêng làm vỡ, vì điều này nghĩa là mọi mối quan hệ trong gia đình cũng sẽ bị “đổ vỡ”.

6. Kỵ mai táng

Vì Tết Nguyên Đán là một ngày lễ lớn của dân tộc nên những nhà có tang thường cất khăn tang trong 3 ngày Tết. Trong 3 ngày ấy, hàng xóm sẽ đếm thăm hỏi, động viên gia đình có tang như một sự chia sẻ.

7. Kiêng các món chế biến từ tôm

Điều này thường phổ biến ở miền Trung hơn các vùng khác. Tôm thường đi lùi nên họ kiêng ăn tôm đầu năm vì không muốn mọi thứ trong năm mới cũng “đi lùi” như tôm.

8. Kiêng để cối xay gạo trống vào ngày đầu năm

Một số vùng quê Nam bộ tin rằng việc để cối xay gạo trống đầu năm sẽ đồng nghĩa với việc thất bại, mất mùa trong năm tới.

9. Kiêng vay mượn đầu năm

Người Việt tin rằng đầu năm mà đi vay mượn tiền hay đồ đạc sẽ gây túng thiếu cả năm.

10. Kiêng xuất hành mùng 5

Ngày mùng 5 là ngày nguyệt kỵ nên người ta rất kiêng xuất hành vì sợ gặp điều không hay. Có câu “Mồng năm, mười bốn, hai ba. Đi chơi còn lỗ huống hồ đi buôn” là nói về việc này.

11. Kiêng mặc đồ màu trắng, đen

Đây là 2 màu thường mặc trong tang lễ, có ý nghĩa chết chóc nên người Việt rất kiêng mặc quần áo có 2 màu này vào những ngày Tết. Thay vào đó, họ thường mặc quần áo màu đỏ để may mắn.

12. Kiêng xuất hành mùng 1 Tết

Tục xông đất đầu năm quan niệm người đầu tiên bước vào nhà trong ngày mùng 1 Tết sẽ đem lại may mắn, hay xui xẻo cho gia đình ấy cả năm. Vì vậy, người xông đất thường được chọn trước, và cần hội đủ các điều kiện như khỏe mạnh, tình tình nhu hòa, hiếu thuận, đặc biệt là đang ăn nên làm ra… để xông đất.

Sáng mùng 1 Tết nếu người không được chọn mà cứ tự nhiên đến thì gia chủ sẽ không vui, sự tiếp đón cũng bớt niềm nở, chu đáo.

Do đó, những người “nặng vía”, xung tuổi với gia chủ đừng nên đến xông nhà ngày đầu năm.

13. Kiêng chúc Tết người đang nằm ngủ

Trước kia nhà cửa không chia riêng phòng ngủ, phòng ăn, phòng khách… nên khách tới chúc Tết có khi vẫn thấy người nằm trên giường ngủ nướng vì đêm giao thừa phải thức khuya.

Vì vậy khi khách tới chúc Tết thấy người nằm ngủ thì nên đợi họ dậy hãy nói ra lời chúc, chớ dại xởi lởi chúc lúc họ đang nằm ngủ vì rất có thể lời chúc tốt đẹp sẽ bị coi là trù ẻo, muốn cho người ta phải nằm trên giường bệnh (bởi tư thế đang nằm ngủ là tư thế bệnh, nên chụp ảnh, chúc tụng bị coi như trù ẻo – trừ nằm tạo dáng chụp ảnh).

Nếu không thể đợi người ta ngủ dậy để tặng những lời chúc tốt đẹp thì khách nên chờ dịp khác, chứ đừng đánh thức họ, bởi ngày Tết không nên đánh thức bất cứ ai để tránh bị thúc giục cả năm.

14. Có thai kiêng đi chúc Tết

Phụ nữ Việt xưa có bầu thường tránh đi chúc Tết, bởi quan niệm bà bầu tới nhà sẽ đem lại xui xẻo (lẽ ra tốn một thì lại tốn kém gấp đôi), chưa kể đứa bé trong bụng sau này sẽ kém duyên).

Ngày nay nhiều phụ nữ vẫn kiêng đi chúc Tết đầu năm.

Nhưng đầu năm các bà bán hàng ở chợ lại rất thích được bà bầu tới mua hàng, với mong muốn buôn may, bán đắt cả năm (bởi lẽ ra bán được một, nhưng bà bầu mua sẽ thành hai).

15. Kiêng về nhà ngoại vào ngày mùng 1, 4, 5 Tết

Xưa con gái và con rể chỉ được về nhà ngoại chúc Tết vào mùng 2 hoặc mùng 3 Tết.

Còn các ngày mùng 1, mùng 4 và mùng 5 thì kiêng, không được về nhà ngoại. Nguyên nhân là ngày mùng 1 Tết quan trọng nhất trong 3 ngày Tết, họ phải tỏ lòng hiếu đễ với bố mẹ, tổ tiên họ nội trước. Có về ngoại thì mùng 2, mùng 3 và khác những ngày kể trên thì mới đem lại vận may cho gia đình bên ngoại.

16. Kiêng ‘yêu’ dịp Tết vì sợ xui xẻo

Thời khắc chuyển giao giữa hai năm là lúc khiến cơ thể như lấy lại tinh khí và thắm nồng tình cảm vợ chồng. Nhưng tục xưa lại kiêng “yêu” ngày Tết, vì sợ nếu có thai thì con cái sinh ra sẽ ốm yếu, sức khỏe hai người cũng bị ảnh hưởng. Có quan niệm cổ còn cho rằng “yêu” những ngày Tết sẽ gặp vận đen, thậm chí là đại hạn.

Ngày nay quan niệm này đã bớt nặng nề hơn, nhưng một số cặp vợ chồng vẫn kiêng “chuyện ấy” ngày Tết.

17. Kiêng ăn một số món đầu năm

Ngày Tết người Việt xưa nay kiêng ăn thịt chó, cá mè, thịt vịt, quả chuối… vì sẽ xúi quẩy cả năm.

Ở miền Bắc người ta cầu may năm mới bằng cách ăn cá chép 3 ngày đầu năm để được hanh thông chuyện học hành, thăng tiến (vì cá chép – loài cá vượt vũ môn hóa rồng). Nhưng người ta lại tránh ăn phần đuôi với mong muốn để tăng sự may mắn, luôn có dư thừa, tích lũy của cải trong năm mới.

Người miền Trung ngày Tết lại kiêng các món chết biến từ tôm vì sợ… đi giật lùi và công việc sang năm sẽ lùi chứ không thể tiến tới.

Một số vùng còn kiêng ăn trứng vịt lộn, thịt vịt ngày Tết vì cho là sẽ gặp xui xẻo cả năm.

18. Kiêng để cối xay gạo trống vào ngày đầu năm

Ở một số vùng quê Nam bộ còn có tục kiêng không để cối xay gạo trống vào những ngày đầu năm. Điều này tượng trưng cho việc thất bát, mất mùa năm tới. Chính vì vậy, người ta thường đổ một ít lúa vào cối xay, ngụ ý cầu mong năm mới lúa gạo đầy tràn.

Ngày Tết có lệ ai đến nhà, bất kể giờ giấc nào, gia chủ cũng dọn cỗ, mời uống rượu, ăn bánh. Khách không được từ chối bữa ăn, dù no cũng phải nhấm nháp chút ít.

19. Kiêng xõa tóc

Ở vùng quê Việt Nam kị việc để tóc xõa ngày Tết, bởi cho rằng tóc xõa sẽ rũ rượi như những hình ảnh ma quái, cõi âm. Vì vậy, ngày Tết phụ nữ nên chọn các kiểu tóc buộc, tết, kẹp gọn gàng khi ra đường.

Dân gian còn kiêng kị rất nhiều như: Kiêng giặt quần áo vào mùng 1, mùng 2 vì sợ quần áo để không mạo phạm đến thủy thần, dẫn đến gặp xui xẻo; Kiêng mở tủ vào mùng 1 vì sẽ làm thất thoát tiền tài và vận may suốt cả năm; Tránh nói điều không hay vì có thể đem lại sự không may; Kiêng trượt ngã để tránh sự xui xẻo, trục trặc trong công việc; Kiêng ngồi hoặc đứng trước cửa dịp Tết vì vừa vô duyên, vừa cản vượng khí tốt lành của năm mới trên đường vào nhà; Kiêng vỗ vai, quàng vai người khác vào dịp Tết để tránh xui xẻo, gặp chuyện buồn về tình duyên hay hạnh phúc gia đình; Kiêng quên khăn tay ở nhà người khác trong ngày Tết để tránh bỏ lại sự xui xẻo, khó khăn cho gia chủ: Người miền Trung thường kiêng mặc đồ màu trắng cả tháng Giêng vì sợ các màu tẻ nhạt u trầm, đặc biệt là trắng – đen là màu của tang lễ, chết chóc bị kiêng triệt để.

Một số tục kiêng kỵ từ ngày xưa vẫn còn được lưu truyền đến hôm nay cũng tạo nên những nét riêng cho ngày Tết. Tuy nhiên, những tập tục mê tín, những quan niệm không có tính khoa học cũng nên được loại bỏ.

20. Ngày Tết kiêng không cho:

– Không cho người khác đến xin lửa, vì sợ cho lửa đỏ là mất may mắn,

– Không cho nước đầu năm vì nước được ví như nguồn tài lộc, cho nước là sẽ mất tài lộc.

– Không vay mượn hay trả nợ, cho vay.

– Không treo những tranh “xui xẻo” như: đánh ghen, kiện tụng… trong nhà dịp Tết.

Nguồn: Sưu tầm

TAMTHUC

Comment