gia-thiet-phong-thuy-ve-su-phat-tich-doi-vua-nha-nguyen
Giả thiết phong thủy về sự phát tích 13 đời vua nhà Nguyễn
- bởi map --
- 07/02/2015
Tương truyền, nhà Nguyễn phát tích nhờ mộ Triệu Tổ Nguyễn Kim được hổ táng, thiên táng vào long khẩu (miệng rồng) núi Triệu Tường phía sau làng Gia Miêu.
Nhà Nguyễn định đô ở Huế và đồi Hà Khê, nơi có chùa Thiên Mụ nổi tiếng được xác định là long mạch đế vương nhà Nguyễn.
Mộ Tổ biến mất trong miệng rồng
Ông tổ nhà Nguyễn là Nguyễn Công Duẩn, lập nhiều chiến tích trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn nên được phong tước, con cháu được đời đời làm công thần nhà Lê. Ông có 7 người con trai, sau phân thành 7 chi. Chi thứ tư sinh ra Nguyễn Kim, có ba người con.
Năm 1802, cháu đời thứ 11 của Nguyễn Kim là Nguyễn Phúc Ánh thống nhất hai xứ Đàng trong và Đàng ngoài thành Việt Nam như ngày nay. Sau khi lên ngôi, Nguyễn Ánh lấy niên hiệu là Gia Long (Gia là Gia Định, Long là Thăng Long) thể hiện việc thống nhất toàn vẹn đất nước.
Vua Gia Long từ hơn 200 năm trước đã phong cho Gia Miêu là đất Quý Hương (tên Nôm là Bái Đền), huyện Tống Sơn là Quý Huyện. Làng Gia Miêu xưa giờ chia thành 3 làng: Gia Miêu 1, Gia Miêu 2, Gia Miêu 3. Lăng Triệu Tổ Nguyễn Kim là nơi hợp táng ông bà Nguyễn Kimthuộc địa phận làng Gia Miêu 3. Năm 1808, Vua Gia Long đặt tên cho khu mộ Nguyễn Kim là lăng Trường Nguyên (suối dài vĩnh cửu).
Theo truyền thuyết, ở vùng núi Triệu Tường (trước có tên là Thiên Tôn) vốn có một long khẩu (miệng rồng). Nơi đó được chọn để táng mộ Nguyễn Kim. Quan tài ông sau khi đưa vào miệng rồng thì bỗng nhiên trời mưa to gió lớn, sấm sét dữ dội.
Thấy vậy, người đi đưa tang hoảng sợ, chạy tán loạn. Đến khi gió bão tan, mưa tạnh, mọi người trở lại chỉ thấy núi đá chi chít, cây cỏ um tùm, không thể nào nhận ra được nơi có long khẩu chứa quan tài của Triệu Tổ. Về sau có ai hỏi lăng mộ Nguyễn Kim an táng nơi đâu, chỉ được trả lời: “Ngài được hổ táng, thiên táng nên không thể biết”.
Hà Khê, long mạch đế vương nhà Nguyễn
Các vua chúa nhà Nguyễn rất quan tâm đến phong thủy khi chọn đất xây dựng thủ phủ, nơi định đô. Khi làm Trấn thủ xứ Thuận Hóa kiêm trấn thủ Quảng Nam, chúa Nguyễn Hoàng đã đích thân đi xem xét địa thế nơi đây, chuẩn bị cho mưu đồ mở mang cơ nghiệp, xây dựng giang sơn nhà Nguyễn sau này.
Trong một lần rong ruổi vó ngựa dọc bờ sông Hương ngược lên đầu nguồn, Nguyễn Hoàng đã tìm thấy long mạch đế vương ở đồi Hà Khê, nổi danh về phong thủy với thế đất “rồng cuộn hổ ngồi”. Dãy núi Kim Phụng chạy đến sơn phận của huyện Phong Điền thì bị một ngọn đồi tách khỏi dãy Trường Sơn để chạy xuyên theo hướng Đông Nam.
Trên đường đi, sơn mạch của dãy núi ấy có đoạn nổi lên (thành rú Lại Bằng), có đoạn lại chìm xuống dưới các cánh đồng, rồi nổi lên lần nữa thành gò, thành đồi – cứ thế kéo dài ra trông như một con rồng đang uốn lượn, lên xuống qua nhiều núi, nhiều rừng như Phụ Ô, Bồn Trì, Bồn Phổ cho đến xã Hà Khê (cách trung tâm TP. Huế khoảng 5 – 6km về hướng Tây) thì đột khởi thành đồi Hà Khê mà người ta thường cho là thế đất “đầu rồng nhìn ngoảnh lại”.
Sách “Đại Nam thực lục” viết: “Nơi đây nổi lên một gò cao (đồi Hà Khê) có hình tựa như đầu một con rồng đang ngoảnh lại. Phía trước đồi có con sông lớn uốn khúc bao quanh, phía sau có hồ nước lớn, tạo thành phong cảnh tốt tươi. Người dân địa phương cho biết gò này rất thiêng.
Một đêm, có một bà lão mặc áo đỏ, quần lục xuất hiện trên đồi, nói với mọi người rằng: “Rồi đây sẽ có một vị chân chúa đến xây chùa trên gò này để kết tụ linh khí, làm bền long mạch, cho nước Nam hùng mạnh”. Nói xong liền biến mất. Người trong vùng gọi bà là Thiên Mụ – tức bà già ở cõi trời xuống. Chúa Nguyễn Hoàng cho nơi ấy có linh khí, mới dựng chùa, gọi là chùa Thiên Mụ”.
Từ xa nhìn lại, đồi Hà Khê tựa như hình dáng một con rùa khổng lồ, cõng trên lưng ngôi chùa cổ kính đang cúi đầu xuống để uống nước sông Hương.
Tương truyền khi chùa xây xong chưa bao lâu thì có một con rùa khá lớn từ dưới sông Hương bò lên đồi Hà Khê để vào khuôn viên chùa Thiên Mụ cư trú. Mỗi lần khát nước rùa lại bò về hướng hồ nước sau chùa để uống, dần dà rùa đã làm đổ hàng rào phía sau chùa. Con rùa đã bị sét đánh trong một cơn giông và hóa đá tại chỗ.
Cuộc di dân, giải phóng mặt bằng đầu tiên trong lịch sử
Vua Thiệu Trị trong cuốn “Ngự đề đồ họa thi tập” đã nhắc đến vùng đất xưng vương của họ Nguyễn với hai địa danh nổi tiếng sông Hương – Núi Ngự. Núi Ngự Bình là nơi chầu về của muôn núi (quần phong triều củng), còn sông Hương là nơi trăm dòng đổ về (bách xuyên hợp phái).
Trong cuốn “Văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng Việt Nam dưới nhãn quan học giả L.Cadière”, Cadière viết: “Một bên là ngọn đồi Thiên Mụ (Hà Khê) với tháp Phước Duyên bảy tầng ngất ngưỡng như chọc thủng trời xanh để đưa xuống những nguồn phúc lộc, và bên kia hữu ngạn là mô đất Long Thọ – trường sinh bất tử.
Mô đất này cũng có những đặc tính nhiệm màu kỳ lạ mà sau này các thầy địa lý của triều đình Việt Nam cũng công nhận. Vì nó án ngữ nguồn chảy của sông Hương, tưởng như nó đang gối đầu lên dòng nước và nghiêng nghiêng đối diện với đồi Thiên Mụ tạo thành một thế phong thủy gọi là cánh cửa thông thiên và trục xe địa phủ”.
Quốc sử quán triều Nguyễn chép: vào năm 1636 chúa Nguyễn Phúc Lan (tức chúa Thượng) thấy đất Kim Long là nơi “có địa hình tốt đẹp” nên đã dời dinh đến đó và Kim Long trở thành thủ phủ đầu tiên đóng bên bờ tả ngạn sông Hương. Trước đó, các chúa Nguyễn có 4 lần dời dựng, thay đổi vị trí thủ phủ. đó là Ái Tử (1558 – 1570), Trà Bát (1570 – 1600), Dinh Cát (1600 – 1626), Phước Yên (1626 – 1636). Tuy nhiên, Gia Long Nguyễn Ánh không chọn đất Kim Long để định đô mà quyết định xây dựng một kinh đô mới.
Vua Gia Long
Sau ngày lên ngôi, vua Gia Long đã đích thân nghiên cứu tìm đất tốt, hướng tốt, thuận tiện để xây dựng kinh thành Huế. Cố đô Huế được xây dựng trên đất của 8 ngôi làng với tổng diện tích 520ha, chu vi 9.889m. Vì vậy dân cư 8 làng phải di dân để lấy mặt bằng gồm: Phú Xuân, Vạn Xuân, Diễn Phái, An Vân, An Hòa, An Mỹ, Thế Lại, An Bửu.
Trong đó đất làng Phú Xuân hầu hết đều nằm gọn trong phạm vi kinh thành sẽ xây. Vua Gia Long nghĩ rằng việc đền bù nhà cửa, ruộng vườn cần phải chu đáo, giữ yên lòng dân, do đó, để giúp dân làng Phú Xuân tái định cư, ổn định cuộc sống, nhà vua đã cấp 30 mẫu ruộng, 3 thửa đất để dựng nhà và 1.000 quan tiền.
Bảy làng còn lại mỗi nhà “được cấp 3 lạng bạc và mỗi ngôi mộ dời đi được cấp 2 lạng bạc”. Đây là đợt giải tỏa lớn, triệt để và khẩn trương, được tiến hành trong vòng 2 năm. Riêng phần mộ vắng chủ quy tập về nghĩa trang Ba Đòn có đến 10.000 ngôi.
Học giả Cadière viết: “Khi bắt đầu xây dựng Hoàng thành và Tử cấm thành, nhà vua cho dựng lên thành lũy, ban đầu bằng đất rồi dần dần bằng gạch. Bằng những việc làm trên, có lẽ Gia Long đã hết sức củng cố thêm những phòng thủ ma thuật thiên nhiên …
Các cung điện của kinh thành đều có ghi rõ ràng các can chi, ngày khởi công xây dựng. Các bảng ghi ngày tháng xây dựng đều có ghi ngày tốt giờ tốt. Hẳn rằng Gia Long khi cho xây dựng đều cho tuân thủ các tập tục này: chọn ngày tốt thượng lương.
Trước hôm đó, họ cho chuẩn bị kỹ lưỡng: ban đất, chuẩn bị nền móng, trụ cột, bào đẽo các cột kèo…. Cũng như ở Tây phương, người ta tổ chức long trọng lễ đặt viên đá đầu tiên”.
Lam Thư
Theo: Báo pháp luật
TAMTHUC
Comment