No icon

chiec-guong-giet-nguoi-hang-loat

Chiếc gương giết người hàng loạt

Đầu năm 2007, nhà khoa học Mỹ – Tiến sĩ Waine tuyên bố với giới báo chí: Ông đã giải mã được bí ẩn của chiếc “Gương soi ma quỷ” từng gây tai họa cho người Pháp suốt hơn 200 năm qua.

Hồi tháng 11/1977, Hiệp hội sưu tập đồ cổ nước Pháp mở một cuộc họp báo bất thường, công bố trước cộng đồng xã hội một tin “lạnh sống lưng”: Cảnh báo tất cả những người sưu tập và đam mê chơi đồ cổ tuyệt đối không nên tìm kiếm, mua, lưu giữ chiếc gương soi cổ trên khung gỗ của nó có khắc chữ “Louis Alvarez 1743”, bởi nó là một chiếc “gương ma quỷ” giết người hàng loạt, suốt hơn 200 năm qua đã có tới 38 người Pháp “bất đắc kỳ tử” vì soi nó!
Lịch sử đầy tội ác
Chiếc gương kể trên được xuất xưởng năm 1743, mà Louis Alvarez là tên của người thợ gương chế tác ra nó, và cũng là nạn nhân đầu tiên của nó. Chỉ hai ngày sau khi hoàn thành chiếc gương này, người thợ lành nghề nổi tiếng đang khoẻ mạnh bình thường bỗng lảo đảo chúi đầu gục xuống ngay trong nhà xưởng.
Pháp y khám nghiệm tử thi cho hay, Alvarez chết vì chứng tràn máu não (Cerebral hemorhage). Khi đó không ai nghi ngờ và liên hệ giữa sự kiện “bất đắc kỳ tử” này của người thợ gương với chiếc gương soi bất bình thường do chính ông ta làm ra. Chiếc gương về sau được đưa ra bày bán tại cửa hàng tạp hoá và thế là nó bắt đầu cuộc lữ hành dài dặc gieo rắc tội ác.
Tesemer là một ông chủ cửa hàng kinh doanh bột mì tại thành phố cảng Mareseille. Một hôm ông tới cửa hàng tìm sắm quà mừng sinh nhạt cho người vợ yêu, ngước lên bất chợt nhìn thấy chiếc gương soi lồng trong khung gỗ chạm khắc vô cùng tinh xảo đặt nơi tầng trên cùng tủ hàng, ông ta mê quá liền móc hầu bao mua luôn, không mặc cả.
Ngay tối hôm đó, trong phòng khách ngôi biệt thự lộng lẫy của mình, Tesemer trịnh trọng châm sáng 25 cây nến trên mâm bánh gatô sinh nhật, đoạn bê hộp quà ra. Người vợ yêu quý hồi hộp chứng kiến và chờ đợi Tesemer rón rén nhẹ nhàng bóc lớp giấy bọc, để lộ ra chiếc hộp các-tông xinh xinh, mở nắp và lấy ra chiếc gương soi lồng khung chạm khác vô cùng tinh xảo, bất giác vỗ tay reo lên đầy kinh ngạc. Rồi bà tưởng thưởng cho chồng một nụ hôn thắm thiết.
Lúc này, Tesemer thuận tay đưa chiếc gương lên soi và nở nụ cười mãn nguyện với mình. Bỗng ông cảm thấy ớn lạnh toàn thân, rùng mình và đầu óc đột nhiên đê mê, mọi cảnh vật trước mắt chông chênh, chao đảo. Bà vợ tá hoả vội ôm đỡ lấy ông và cố dìu ông tới giường đặt nằm xuống. Nhưng Tesemer nhanh chóng chìm vào giấc hôn mê sâu, sáng sớm hôm sau, khi bác sĩ được mời vừa đặt chân vào phòng, thì Tesemer ngoẹo đầu ngừng thở.
Qua chẩn đoán cho hay ông chết bởi cơn tràn máu não bột phát lúc 7giờ 30 sáng ngày 3/6/1743, khi mới 31 tuổi. Người vợ trẻ quá đau buồn không muốn nhìn thấy vật lại nhớ tới người, liền đem tất cả những đồ riêng tư của chồng sinh thời cho, tặng người khác hoặc nhờ bán tống bán tháo,và chiếc gương định mệnh ấy cũng thất lạc kể từ đó.

(Ảnh minh họa)
22 năm sau, tức năm 1765, người ta lại thấy chiếc gương “yêu quái” đó tái xuất hiện, và nó thuộc quyền sở hữu của vị Biên tập viên trẻ của một nhà xuất bản, mới 35 tuổi, tên là Armold, ông ta mua được chiếc gương tại một hàng xén vỉa hè Paris, và đem về treo trên chiếc đinh tường ngay phía đầu giường nằm của mình trong buồng ngủ.
Về sau, tại nhà xuất bản nọ bàn tán xôn xao về sự “mất tích” của Armold, vì không thấy ông đi làm mấy ngày liền. Người sốt ruột nhất là ông chủ nhà xuất bản, liền cử người tới tận nhà riêng của Armold tại khu chung cư tìm, nhưng cánh cửa bị khoá. Mời bà quản lý toà nhà tới dùng chìa khoá riêng mở cửa, vừa bước vào bỗng mọi người la hoảng đứng sững khi thấy Armold nằm sóng soài trên sàn phòng ngủ.
Mọi thứ cho thấy ông đang cạo râu thì xảy ra chuyện. Cảnh sát tiến hành khám nghiệm hiện trường, xác nhận Armold đột tử khi đang chuẩn bị cạo râu sau khi tắm, giám định pháp y chứng thực nguyên nhân dẫn tới tử vong là… tràn máu não!
Ba cái chết bất ngờ xoay quanh một vật thể là chiếc gương soi vẫn chưa đủ đánh động sự cảnh giác của mọi người, mà suy cho cùng thì những sự kiện “bất đắc kỳ tử” hàng ngày diễn ra trong bệnh viện hay ngoài xã hội có vô số, mà chiếc gương ma quỷ này sau khi giết chết người chủ mới cũng lại một lần nữa bặt tung tích luôn.
Sáu năm sau, Henry, một ông chủ cửa hàng đồ cổ khi dạo khu chợ mua bán đồ cũ bỗng bắt gặp một chiếc gương soi thật tinh xảo, rất đẹp, và ông ta mua được với giá quá rẻ mạt, đem về bày trong cửa hàng đồ cổ của mình với hy vọng bán lại được với giá cao.
Chính ngọ ba ngày sau đó, khi Henry ngồi trong cửa hàng bắt chân chữ ngũ vừa nhâm nhi tách cà phê nóng vừa lơ đãng đưa mắt qua cửa nhìn dòng người qua lại trên đường phố, hưởng thụ khoảnh khắc thoải mái sau bữa cơm trưa, nhưng chỉ hai tiếng đồng hồ sau, khi bà vợ Henry tới cửa hàng tìm chồng có công chuyện, bà ta bỗng tá hoả khi thấy Henry nằm phủ phục gục mặt trên bàn, nửa tách cà phê chưa uống hết đổ nghiêng chảy trên mặt bàn.
Bà vợ hốt hoảng kêu người đưa Henry tới bệnh viện cấp cứu, nhưng rồi chỉ chưa đầy 20 phút sau, bác sĩ bước ra lắc đầu cho hay: Nạn nhân đã tử vong! Nguyên nhân dẫn tới đột quỵ là tràn máu não. Henry hưởng thọ 47 tuổi.
Một người bạn thân của Henry tới dự đám tang, ông này vốn cũng từng là bạn thân của Biên tập viên Armold đã qua đời mấy năm trước, trong đám tang vô tình ông ta nhìn thấy và nhận ra chiếc gương “Alverez 1743”, bất giác biến sắc mặc, và mồ hôi lạnh, chân tay run lẩy bẩy, bởi mấy năm trước khi dự tang lễ Armold ông cũng bắt gặp chiếc gương này, ông ta bỗng giật mình liên hệ cái chết của hai ông bạn mình với chiếc gương, bởi nguyên nhân dẫn tới cái chết đột ngột đều là… tràn máu não!
Trong đó liệu có mối liên hệ nhân – quả gì không? Tuy chẳng có chứng cứ xác thực nào, nhưng theo lời khuyên của ông bạn này, gia đình của Henry đã vứt bỏ chiếc gương. Và kể từ đó bắt đầu những tin đồn về chiếc gương “ma quỷ Alvarez 1743” lan truyền khắp nước Pháp.
Thế rồi loáng cái gần 70 năm nữa trôi qua, khi hồi ức về chiếc gương “ma quỷ” này đã nhạt nhoà trong đầu óc mọi người, thì điều bất hạnh lại dội xuống đầu ông Hanmer và vợ ông là bà Juna.
Bà bác sĩ ngoại khoa Juna một lần dạo chợ trời đã mua được chiếc gương cổ này, bởi màu sắc khung gương rất hợp với màu sắc bàn viết của bà, và sau khi mua về bà luôn đặt trên bàn viết trước mặt. Ông Hanmer thấy vợ có vẻ yêu thích chiếc gương liền nói vui rằng bà khuân “đồ đồng nát” về nhà mà cứ coi như của quý, nhưng bà Juna bảo: Đây là chiếc gương cổ thật xinh xắn, đặt trên bàn viết rất hài hoà, thích hợp.
Ngay sau đó đã xảy ra chuyện đau lòng cả hai ông bà nối tiếp nhau lảo đảo ngã gục xuống sàn nhà, người thân phát hiện vội vã đưa ông bà tới bệnh viện cấp cứu, nhưng cả hai đều trút hơi thở cuối cùng trên đường trước khi tới bệnh viện, nguyên nhân dẫn tới tử vong đều là tràn máu não!
Tới lúc này, chiếc gương soi trên khung gỗ điêu khắc tinh vi có chạm hàng chữ “Alvarez 1743” chính thức được mọi người quan tâm, cảnh giác xa lánh.
Cuộc bàn cãi bất tận – không hồi kết
Suốt một thời gian dài cả năm sau đó, xoay quanh chiếc gương soi hung thần này lại có thêm hơn 20 người nữa từ 22 tới 57 tuổi bị chết tức tưởi không rõ nguyên nhân, mà hầu hết trước khi đột tử đều rất khoẻ mạnh, không nghiện ngập thứ gì có hại cho sức khoẻ như rượu, thuốc lá v.v… họ đều chết chỉ trong vòng ba ngày tiếp xúc, sử dụng chiếc gương và nguyên nhân dẫn tới “bất đắc kỳ tử” là hoàn toàn giống nhau.
Trong số nạn nhân có một số người vì không biết sự tình nên mua phải chiếc gương “ma quỷ”, nhưng cũng có người xuất phát từ lòng hiếu kỳ và cả “cứng bóng vía”, không mê tín dị đoan, cố ý lấy thân mình ra kiểm nghiệm, kết quả là chuốc lấy bi kịch sát thân. Chẳng lẽ đây là chiếc gương có khả năng giết người hàng loạt? Dân tình bàn tán xôn xao, mỗi người nói một phách, nhưng tựu chung không một ai mạo hiểm lấy thân mình ra kiểm chứng lần nữa.
Người lâm nạn cuối cùng cũng là vị nạn nhân thứ 38 của chiếc gương ma quỷ: Tiến sĩ Smith. Là một nhà khoa học kỳ cựu, nên ông không tin trên đời này có tồn tại cái gọi là “yêu ma quỷ quái” (demons and ghosts), lại càng không tin có chiếc “gương ma quỷ”. Theo ông thì chắc chắn là trong chiếc gương này có chứa một điều bí ẩn gì đó chưa khám phá ra được, và ông quyết tâm nghiên cứu “tìm cho ra nhẽ”.
Tháng 5/1997, sau nhiều ngày truy tìm vất vả, cuối cùng tiến sĩ Smith mới tiếp cận được chiếc gương “Alvare 1743” nọ, đã từ lâu lắm nó được cất kỹ, gắn “xi” trong một chiếc tráp gỗ dầy, người chủ bán chiếc gương giấu trong tráp này cảnh báo vị Tiến sĩ khoa học rằng, tốt nhất là không nên sử dụng nó. Nghe xong tiến sĩ Smith cảm ơn lòng tốt của ông ta, nhưng vẫn làm theo ý mình.
Đem chiếc tráp về tới nhà, Smith nóng lòng muốn biết diện mạo chiếc gương ra sao, liền vội vã bật nắp tráp, cẩn thận nâng chiếc gương được bọc bằng vuông lụa hồng. Chiếc gương cổ tràn đầy màu sắc truyền kỳ, tới lúc này nó đã trải qua mấy trăm năm trầm luân, khung gỗ quý chạm khắc tinh xảo vốn sáng bóng màu sơn thì bây giờ đã ngả bạc, thậm chí có đôi chỗ đã bong tróc, mặt gương cũng đã hơi mờ, không còn bóng bẩy thần thái như xưa.
Xem ra đây chẳng qua chỉ là một chiếc gương cổ tầm thường. Tiến sĩ Smith quan sát, xăm soi rất kỹ và chẳng phát hiện ra điều gì khác lạ, ông lật mặt gương đưa lên soi, thấy hình ảnh mờ mờ, liền tìm mảnh vải mềm lau thật sạch mặt gương, rồi sao vào thấy khuôn mặt mình hiện lên rất rõ.
Smith xem với chiếc gương rất lâu cũng chẳng thấy cơ thể có biểu hiện gì khác, xem ra những lời đồn đại về chiếc gương chỉ là “xạo” mang tính hù doạ, nên Smith cảm thấy chẳng còn hứng thú tới việc nghiên cứu, khám phá sự bí ẩn của chiếc gương, chán nản thảy chiếc gương trên mặt bàn.
Nhưng chuyện không kết thúc đơn giản tại đó, vào buổi trưa ngày thứ ba, đang ngồi trong thư phòng bỗng Smith cảm thấy hoa mắt nhức đầu, đứng dậy định ra tủ với chai nước khoáng và chiếc cốc, liền bước chệnh choạng rồi ngã vật xuống mặt bàn, người nhà phát hiện vội quýnh quáng gọi xe cấp cứu đưa ông tới bệnh viện, nhưng ông xua tay ngăn lại.
Smith lấy hết hơi sức dặn dò người nhà, rằng hãy bọc thật kỹ chiếc gương, không để nó tiếp tục trôi nổi hại người ngoài xã hội, đúng là trong chiếc gương có chứa một bí mật nào đó.
Theo lời trăng trối của Tiến sĩ Smith, người nhà của ông đã niêm phong cất kỹ chiếc gương. Cái chết của tiến sĩ Smith đã đủ thúc giục Hiệp hội sưu tập đồ cổ nước Pháp khẩn cấp tổ chức buổi công bố báo chí gây chấn động dư luận lần ấy. Họ cho rằng cần phải thông báo cho nhiều người biết sự thật để tránh bị làm hại.
Chiếc gương này đã khiến rất nhiều nhà khoa học quan tâm đặc biệt, nhưng ám ảnh bởi lịch sử khủng khiếp của nó, nên không nhà khoa học nào cả gan giữ nó bên mình để tiến hành nghiên cứu. Họ đua nhau đưa ra những phán đoán của mình, nhưng đều vô phương chứng thực.
Ngay từ thời Trung cổ đã có rất nhiều học giả tin rằng gương soi giống như một tấm sắt từ (ferromagnet), có khả năng hấp thụ mọi hơi độc chung quanh và làm cho độc tố mỗi lúc một tích tụ càng dầy trên bề mặt. Có thể chính vì truyền thuyết này mà cho tới ngày nay không ít người châu Âu đều mê tín: Người ta khi ốm đau không nên soi gương, bởi hơi độc do người ốm thở ra sẽ bám chặt trên bề mặt gương rồi bốc hơi lên dần, sẽ ảnh hưởng tới sức khoẻ của mọi người bình thường chung quanh.
Nhưng cách nói này rất thiếu chứng cứ khoa học, về căn bản không thể đứng vững. Bởi nếu đúng là mặt gương có khả năng hấp phụ hơi độc, thì chỉ cần xối rửa bằng nước lạnh là có thể hoà tan, làm sạch hết. Ngoài ra, tại sao chỉ có riêng chiếc gương này là có sức sát thương mạnh đến vậy, mà mấy trăm năm đã trôi qua, sức mạnh đáng nguyền rủa của nó vẫn không thuyên giảm?
Đối với câu hỏi này, các nhà khoa học Nga đã nêu ra cách giải thích mới mẻ: Họ cho rằng, chiếc gương này không chỉ có khả năng hấp phụ chất hoá học hữu hình, mà còn có thể hấp phụ các “Năng lượng thông tin” vô hình. Vật chất hữu hình có thể dễ dàng gột rửa, nhưng năng lượng vô hình thì vô phương rũ bỏ được.
Nói cách khác là chiếc gương này có “năng lực trí nhớ” nhất định, chính là loại năng lượng gì đó đã tích tụ trong gương mấy trăm năm qua, khi ở điều kiện đặc định nào đó chúng sẽ được giải phóng ra, nên làm nhiều người mất mạng đến vậy.

(Ảnh minh họa)
Còn về câu hỏi: Tại sao hàng vạn hàng triệu chiếc gương to nhỏ khác không có năng lượng giết người, mà chỉ riêng chiếc gương cổ này là có loại năng lượng đáng sợ đó, câu trả lời rất khác biệt nhau, không có sức thuyết phục.
Ngoài ra còn có rất nhiều cách đoán định khác, có người nêu ý kiến cần kiểm tra xem khi tráng gương người ta có thêm vào chất phụ gia độc hại nào không, nhưng không nhà khao học nào làm thí nghiệm xác minh cách nói đó.
Thời gian càng trôi đi thì bức màn bí mật bao trùm lên chiếc gương ma quỷ này càng dày thêm, nó kích phát sự kính nể và sợ hãi đối với cuộc sống tiềm ẩn trong lòng mọi người, họ không còn nhìn nhận chiếc gương soi này bằng con mắt của nhà khoa học nữa, mà tin rằng bên trong nó có chứa đựng một sức mạnh siêu nhiên đáng sợ nào đó, và đây là một chiếc “gương ma”, đích thực!
Câu chuyện này về sau còn được đạo diễn điện ảnh dàn dựng quay thành loại phim kinh dị đưa lên màn bạc, và để thoả mãn sự hiếu kỳ của khán giả, đạo diễn và ê kíp làm phim cố tình “thêm dấm thêm ớt”, “vẽ rắn, thêm chân”, khiến chiếc gương càng bị “ma quỷ hoá” đến đỉnh điểm.
Cuối cùng, câu chuyện kinh dị này vượt Đại Tây Dương lan truyền sang Mỹ, đã kích thích mạnh tính hiếu kỳ của giới khảo cổ học nước này, trong đó có tiến sĩ Waine. Và tháng 4/2005, ông ta đã thực hiện chuyến bay thẳng tới Paris.
Chân tướng hư ảo

Việc Tiến sĩ Waine đệ đơn xin phép Hiệp hội Sưu tập đồ cổ Pháp, muốn tiến hành điều tra nghiên cứu chiếc “gương ma”, một lần nữa khơi dậy lòng hiếu kỳ của dân chúng đối với chiếc gương “đáng nguyền rủa” này, họ đầy lòng hoài nghi đổ dồn ánh mắt vào cái ông Tiến sĩ người Mỹ coi thường cái chết này, một mặt họ mong đợi Waine có thể khám phá, giải đáp được câu đố bí ẩn “rối bòng bong” ẩn chứa trong lòng họ suốt mấy trăm năm qua, mặt khác cũng khiến một số người lo lắng niềm tin thiêng liêng vào lời nguyền mà họ gửi gắm vào chiếc gương ma quỷ này bị vạch trần, phá vỡ.
Chuyện Waine có trở thành kẻ bị hại thứ 39 không, bỗng trở thành tiêu điểm chú ý của giới truyền thông và dân chúng. Nhưng Hiệp hội đồ cổ nước Pháp sau nhiều lần bàn thảo cân nhắc, đã quyết định từ chối lời đề nghị của Tiến sĩ Waine, bởi họ không muốn phải chứng kiến thêm một bi kịch mới nữa.
Waine hơi thất vọng nhưng không thối chí, ông quyết định tìm tới người cháu nội của Tiến sĩ Smith, chàng trai này bị thuyết phục bởi lòng chân thành và quyết tâm vì khoa học của Tiến sĩ Waine, tuy nhiên anh ta vẫn không an tâm, đã nhiều lần nhấn mạnh với Waine về cái chết “bất đắc kỳ tử” của ông nội mình.
Thấy Tiến sĩ Waine vẫn không tỏ ra nao núng trước lời “cảnh tỉnh”, cuối cùng anh ta đã đem chiếc tráp gỗ có đựng chiếc gương được niêm phong kỹ giao cho Tiến sĩ Waine. Thực ra, tấn bi kịch mấy năm trước dày vò mọi người thân trong gia đình tiến sĩ Smith rất nhiều, họ không muốn giữ lại chiếc gương sát nhân trong nhà mình chút nào, nhưng tuân theo lời trăng trối thiết tha của Tiến sĩ Smith, họ đành giữ lại và bảo quản rất kỹ lưỡng chiếc gương này.
Cuối cùng Tiến sĩ Waine theo chân chàng trai bước xuống tầng hầm chứa đồ và tận mắt nhìn thấy chiếc tráp gỗ niêm phong rất cẩn thận, bám đầy bụi bặm, bên trong có đặt chiếc gương ma quỷ.
Tiến sĩ Waine đặt chiếc tráp gỗ đựng gương vào chiếc va-ly du lịch, từ biệt gia đình tiến sĩ Smith đáp máy bay trở về Mỹ.
Tiến sĩ Waine mang chiếc tráp đựng gương về thẳng nhà riêng, đặt trong phòng thí nghiệm. Khi ông nóng lòng định bật nắp chiếc tráp, bỗng bà Maria vợ ông từ ngoài đẩy cửa xộc vào, khóc lóc yêu cầu hãy dừng ngay hành động điên rồ đó lại. Sau khoảnh khắc bối rối, Tiến sĩ Waine quay ra dỗ dành khuyên giải và nói rõ mục đích việc làm của mình cho Maria nghe, bà hơi nguôi ngoai và gạt nước mắt rời phòng thí nghiệm.
Nhưng thật lạ là bà “bước đi một bước giây giây lại dừng”, ngoái cổ lại nhìn chồng với ánh mắt bịn rịn, nuối tiếc như trong giờ phút vĩnh biệt! Dường như linh tính báo cho bà hay: Waine chồng bà sẽ chết là điều không thể tránh khỏi trong tương lai rất gần.
Sự quấy rầy của Maria đã phá vỡ sự yên tĩnh của Tiến sĩ Waine, ông ngồi thừ trước bàn nhìn đăm đăm vào chiếc tráp gỗ đựng gương, chần chừ suy ngẫm có nên mở nắp tráp hay không. Nhưng trách nhiệm của một nhà khoa học giàu kinh nghiệm đã thúc giục tiến sĩ Waine bình tĩnh trở lại.
Tiến sĩ Smith đã chết vào ngày thứ ba sau khi tiếp xúc, nghiên cứu chiếc gương, vậy thì cho dù mình không thoát khỏi số phận hẩm hiu chăng nữa, cũng nhất định phải tranh thủ, khoảng thời gian ngắn ngủi 72 giờ đồng hồ để khám phá bằng được điều bí ẩn chứa đựng trong chiếc gương này.
Chiếc gương “ma” bao năm ngủ kỹ trong bóng tối đầy bụi bặm cuối cùng đã nhìn thấy lại ánh sáng mặt trời, nó chỉ là một chiếc gương cổ bình thường loang lổ phai màu theo thời gian, nhưng Tiến sĩ Waine không dám khinh suất chủ quan, ông nhẹ nhàng lật qua lật lại chiếc gương, săm soi quan sát rất kỹ lưỡng từng phần một, từ hoa văn chạm trổ trên khung gương tới mặt gương, dựa vào kinh nghiệm khảo cổ lâu năm, ông nhận định rằng, tuổi của chiếc gương không “cổ kính” tới mức như lời đồn đại bấy lâu, và thế là ông bắt tay tiến hành giám định, quả nhiên cho thấy tuổi của chiếc gương này chưa quá 100 năm.
Điều này có nghĩa là mặt gương đã bị ai đó thay mới vào! Như vậy xem ra bí mật không phải chứa đựng ở mặt gương, vì vậy Waine đổ dồn ánh mắt hoài nghi vào chiếc khung gương bằng gỗ được chạm khắc tinh vi. Chẳng lẽ chiếc khung gỗ xinh xắn này lại là hung thủ giết người hàng loạt?
Suốt một buổi sáng ngày đầu tiên qua đi, sự nghiên cứu của Tiến sĩ Waine đối với chiếc gương vẫn chưa có tiến triển gì đáng kể, còn vợ ông, bà Maria lòng dạ như có lửa đốt, cứ đi đi lại lại phía ngoài cửa phòng thí nghiệm, chính điều đó khiến ông càng thêm rối ruột, khó tập trung. Bỗng trong óc ông loé lên một ý nghĩ lạ lùng, ông vui sướng tới mức muốn hét lên, vỗ bàn đứng bật dậy, vội đẩy cửa chạy ra ngoài như bị ma đuổi.
Chạng vạng tối, Tiến sĩ Waine rời thư viện có trường đại học quay về nhà, ông cố kìm nén niềm vui phơi phới trong lòng. Nếu như sự suy đoán của ông là chính xác, thì bí mật về chiếc gương “ma quỷ” này sẽ sớm được khám phá, giải mã.
Bà Maria thấy một ngày đằng đẵng qua đi mà tiến sĩ Waine chồng bà không hề hấn gì, lòng đã khấp khởi mừng thầm, thở phào nhẹ nhõm, nhưng vẫn không yên tâm, nên khi thấy ông Waine quay về, bà cứ xoắn xuýt bám theo sau.
Khi tiến sĩ Waine móc chìa khoá vừa mở toang cánh cửa phòng thí nghiệm, bà vội chen lên trước nhìn vào, bỗng bà ré lên một tiếng hét kinh hoàng, không dám bước thêm vào. Bởi bà nhìn thấy hai con chuột bạch thí nghiệm nhốt trong lồng sắt đặt trước chiếc gương đã chết đứ đừ tự bao giờ! Xem ra chiếc gương “ma” lại một lần nữa tác yêu tác quái!

Mà Maria túm chặt tay Tiến sĩ Waine, không cho ông bước vào, tiến gần tới chiếc gương. Ông phải hứa với bà rằng mình sẽ hết sức cẩn trọng không tiếp cận đối diện với mặt gương, mới tạm “xua” được bà ra khỏi phòng thí nghiệm. Sau đó với cử chỉ đầy hưng phấn và tự tin, tiến sĩ Waine bước vào phòng và bắt tay giải phẫu khám nghiệm hai con chuột bạch đã chết, khi mổ phanh phần trong não chúng tích đầy máu đọng, thì ra chúng cũng bị chết vì chứng tràn máu não!
Tiến sĩ Waine dùng lưỡi dao cực sắc gọt trên khung gỗ chiếc gương lấy một vài mẩu dăm gỗ làm mẫu hoá nghiệm, sau đó lại cất kỹ chiếc gương vào trong tráp gỗ, bọc lại cất vào một chỗ kín, người ngoài không dễ nhìn thấy.
Sáng hôm sau, Tiến sĩ Waine mang mẩu dăm gỗ tới một cơ quan nghiên cứu khoa học chuyên ngành nhờ hoá nghiệm, phân tích giám định, sau đó trở về nhà ông hồi hộp chờ đợi kết quả trắc nghiệm. Quả nhiên đúng như dự đoán của Tiến sĩ Waine, chiếc khung gỗ của gương “ma” được chế tác bằng một loại gỗ rất hiếm gặp – gỗ cây coura, mà loại cây này đã bị tuyệt chủng từ hơn 100 năm trước.
Theo tài liệu ghi chép thì loại gỗ cây coura này có chứa một loại chất cực độc, khi hứng luồng ánh sáng tự nhiên càng mạnh chiếu dọi vào thì chất độc từ gỗ càng bay hơi tạo thành luồng khí độc, khiến mạch máu não của người hít phải chỉ sau một thời gian ngắn bị tắc nghẽn, nứt vỡ, dẫn tới chứng tràn máu não, đột tử!
Lần này chính thói quen khi làm việc đã cứu mạng cho tiến sĩ Waine. Thường ngày khi thao tác thực nghiệm trong phòng thí nghiệm ông có thói quen kéo đóng kín rèm cửa sổ, bởi vậy ánh sáng tự nhiên chiếu vào phòng rất yếu, nên khí độc từ khung gỗ bay hơi rất yếu, nhưng khi Waine rời khỏi phòng thí nghiệm, để thoáng khí, bà Maria đã mở toang tất cả các rèm cửa sổ, ánh sáng mặt trời ùa vào phòng, làm khí độc từ khung gỗ thoát ra nhiều, dẫn tới cái chết của 2 con chuột bạch.
Điều bí ẩn cuối cùng đã được khám phá! Nhưng khi Tiến sĩ Waine rất đỗi vui mừng chuẩn bị tổ chức cuộc họp báo lớn công bố “Bộ mặt thật của chiếc gương ma”, bỗng ông tá hoả khi phát hiện chiếc tráp gỗ có chứa chiếc gương ma đã không cánh mà bay! Tuy FBI ngay lập tức nhảy vào cuộc, tiến hành điều tra truy lùng, nhưng cho tới nay vẫn không có kết quả.
Bởi không có hiện vật gốc, nên Tiến sĩ Waine vô phương chứng minh được mẫu dăm gỗ là được tước từ khung chiếc gương ma ấy, do đó sự giải thích của ông vẫn bị phản bác, hoài nghi. Và chiếc “gương ma” giết người hàng loạt cho tới nay vẫn là một điều bí ẩn, cả loạt án mạng trong mấy trăm năm qua có liên quan tới chiếc gương “Alvarez 1743” vẫn còn là các vụ án mờ.

Comment