No icon

hoa-dien-vi-mao-pham-ran-than

Hóa điên vì mạo phạm ‘rắn thần’

Không biết từ bao giờ, người dân xã Tràng Đà (TP Tuyên Quang) vẫn quen gọi một loại “rắn đỏ” thường xuyên xuất hiện tại đây là “thần rắn” – là “ngựa ngài”.Thậm chí, họ còn lập miếu thờ cho “ngài” để cầu an và tuyệt nhiên không ai dám có hành vi bất kính với loài rắn kì lạ nơi đất thiêng này. Có thể, những lần mạo phạm “thần xà” bị “ngài” trừng phạt mà người dân vẫn truyền miệng kể cho nhau nghe, chính là sự răn đe đáng sợ đối với mọi người.

Những tin đồn về ‘rắn thần’

Nằm cách TP Tuyên Quang 4 km, đền Cấm thuộc xóm 16, xã Tràng Đà nổi tiếng linh thiêng với cảnh đẹp sơn thủy hữu tình. Ngôi đền thờ phụng Thánh Mẫu thượng ngàn, được xây dựng trên lưng chừng núi Cấm Sơn – một đỉnh núi trong dải non ngàn trùng điệp chạy mãi qua Tân Long, Ba Xứ, trên cao có cổng trời phù vân, huyền ảo. Thời gian gần đây, du khách đến đền lễ Mẫu cầu may, đều được người dân bản xứ kể cho nghe về một loài rắn lạ thường xuyên xuất hiện ở nơi thờ phụng. Theo người dân, loài rắn này dài khoảng 1,5m, có đầu đo, đuôi đỏ và rất hiền lành, chưa thấy cắn ai bao giờ. Tuy nhiên, những câu chuyện mang đậm màu sắc huyền bí, kì dị xung quanh nó đủ để bất cứ người bạo gan nào cũng phải rùng mình.

“Cách đây hơn một tháng, tôi ra dọn hàng vào lúc sáng sớm lại gặp một “ngài” bò ra. Sẵn nhang tôi thắp lên, lầm rầm khấn vái thì một lúc sau “ngài” bò đi đâu không biết. Hôm đó tôi bán rất đắt hàng, gặp một lúc mấy xe du lịch chở khách đoàn lên đền lễ Mẫu” – một chủ quán nước nói.

Đền Cấm ở xã Tràng Đà, TP Tuyên Quang.

Nhiều người bản địa cho biết, chuyện gặp “rắn đỏ” với họ dễ như cơm bữa. Chỉ với riêng ông Quang mới làm bảo vệ ở khu đền Cấm vài năm cũng gặp “hỏa xà” đến mấy chục lần. “Có lần, vừa đi tuần quanh đền một vòng về, vào chiếc giường cá nhân thì thấy một ông rắn đầu đỏ, đuôi đỏ to bằng bắp chân cuộn tròn nằm trên đống chăn. Tôi khấn một câu, thì rắn vẫn lặng im, khấn câu thứ hai thì rắn nhúc nhích, khấn câu thứ ba thì rắn chầm chậm bò theo kẽ đá mất hút vào hang sâu” – ông Quang cho biết.

Lân la ở các quán nước khu vực đền Cấm, không khó để du khách được nghe nhiều câu chuyện đầy màu sắc hoang đường liên quan đến loài rắn đầu đo, đuôi đỏ mà những người dân nơi đầy thường gọi là “ngựa ngài” – ngựa cưỡi của thần linh. Theo lời người dân, cách đây 4 năm, có người đàn ông ở xóm khác đi qua đền, thấy con “rắn đỏ” bò trên đường liền bắt lấy đem ra chợ bán. Đến chợ, ông mở túi ra thì thấy con rắn bong hết vảy trông rất sợ nên không ai dám mua. Sau lần đó, người đàn ông này về nhà bỗng gặp bạo bệnh rồi chết. Nhiều người cho rằng đó là sự trừng phạt của thần linh đền Cấm khi bị bắt mất “con ngựa quý”. Chẳng biết chuyện kể trên có bao nhiêu phần trăm sự thật, nhưng cũng khiến không ít người rùng mình sợ hãi.

Nằm ở lưng chừng núi Cấm Sơn, án ngữ trước mặt đền Cấm là 3 cây si, cây đa và cây vải chua đã có tuổi đời đến cả trăm năm. Bước vào trong đền, hình ảnh đầu tiên khiến tôi ấn tượng là 2 con rắn hổ mang (được làm bằng vải) dài hàng chục mét, to hơn bắp chân,  xanh đỏ uốn lượn trên xà nhà. Miếu thờ “rắn thần” được thiết kế khá cầu kỳ. Bên ngoài còn được ốp đá màu đỏ thẫm, bên cạnh là bát hương và đồ cúng tế. Từ ngày đồn miếu thờ “thần rắn” rất thiêng, xuất hiện nhiều vị khách lạ, có người đến xem, có người đến khấn vái.

Đang choáng ngợp với hình dạng của đôi rắn thờ thì ông Trương Xuân Đô – Tổ trưởng Tổ quản lý đền Cấm cho biết: “Đôi rắn này được làm mô phỏng theo lời tả trong truyền thuyết về đền Cấm. Còn loài rắn thường xuất hiện ở nơi tâm linh này lại không phải là rắn hổ mang mà rắn đầu đỏ, đuôi đỏ trông rất lạ. Chừng tháng 7 – 2012, có một con “rắn đo” to bằng bắp tay nặng khoảng 5 kg ra phơi nắng ở bãi đá đầu đền. Trẻ con có đứa bạo gan đưa tay sờ vào đuôi rắn cũng không thấy rắn phản ứng gì”.

Mạo phạm đến “thần rắn” sẽ hóa điên?

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, một trong những lý do để người dân địa phương tôn rắn thành “thần” là câu chuyện lạ từ những người “vô tình” xúc phạm đến rắn. Theo người dân nơi đây, một hôm rắn về, có 6 người cầm gậy ra đánh đuổi. Trong đó có một người sau khi đánh rắn  về đã uống thuốc độc tự tử mà không hiểu lý do tại sao. Bà Tự, một người dân xóm 16, xã Tràng Đà kể lại, chồng bà một lần gặp rắn liền giật mình lấy gậy đè vào lưng rắn, về nhà bỗng dưng bị đau lưng. Sau đó, được đưa đi BV khám nhưng bác sĩ không tìm ra bệnh. Mấy hôm sau bà mới nghĩ ra chồng mình đã xúc phạm tới “rắn thần” nên bị quả báo. “Vợ chồng tôi mua hương hoa, lễ lạt đến miếu “rắn thần” để xin lỗi “ngài”, khi về đến nhà dù không thuốc thang, bấm huyệt mà bệnh đau lưng của chồng tôi tự dưng biến mất” – bà Tự cho biết thêm.

Từ ngày tin đồn “rắn thần” lan xa, không ít thầy cúng đã về làng để tìm gặp “thần rắn”, song người dân địa phương cho biết, chỉ những ai thành tâm mới có thể trông thấy “ngài”.

Mô hình đôi rắn hổ mang được thờ trong đền Cấm.

Bà Báu người bán hàng dưới chân đền Cấm chia sẻ: Chúng tôi không tuyên truyền mê tín nhưng quả thật, những người địa phương từng mạo phạm đến “thần rắn” ai cũng phát điên. Từ đó, chẳng ai dám chọc giận “ngài” nữa. “Thần rắn” trông dữ dằn thế nhưng, không cắn ai bao giờ. Gặp các “ngài” chỉ cần lòng thành cầu khấn thì các “ngài” sẽ tự động bỏ đi. Còn nếu như ai đó cố tình mạo phạm đến “ngài” hoặc vô lễ với thần linh trong đền thì sẽ  hứng chịu sự trừng phạt ghê gớm.

Để minh chứng cho điều mình nói không phải là chuyện hoang đường, bà Báu kể ra trường hợp một người tên Cường, SN 1973, ở cùng xóm nhà bà. Một buổi chiều đi qua khu vực đền Cấm, anh Cường bắt gặp một con rắn đầu đỏ, đuôi đỏ to bằng cổ tay liền bắt cho vào một chiếc túi vải mang về treo lên xà nhà. Sáng hôm sau, khi người này lấy rắn đem bán thì chỉ thấy trong túi có một con lươn đen nhẻm to đúng bằng con rắn hôm qua. Sợ quá, anh Cường đem thả con lươn xuống hồ rồi  ốm cả tháng trời. Người nhà phải làm lễ tạ lỗi ở đền, mãi anh mới khỏi, nhưng không còn tinh khôn được như xưa? Mặc dù vậy, khi chúng tôi hỏi địa chỉ nhà anh Cường thì bà Báu lắc đầu tỏ ra “bí hiểm”?

Để xác minh thông tin, chúng tôi đến tìm đến cơ quan chức năng địa phương, đại diện CA xã Tràng Đà cho biết: “Từ ngày có thông tin “rắn thần” hiển linh, rất đông người hiếu kỳ đổ xô về xem. Chúng tôi phải thường xuyên đến kiểm tra, giữ gìn an ninh trật tự và luôn cảnh giác với những hiện tượng mang tính mê tín dị đoan. Chính quyền địa phương cũng kết hợp tuyên truyền chống mê tín dị đoan trên đài truyền thanh xã để bà con hiểu rõ vấn đề cũng như không tụ tập đông người, cúng bái lễ lạt gây mất trật tự trên địa bàn, tránh tạo kẽ hở cho những kẻ “buôn thần bán thánh” trục lợi”.

Cũng theo vị cán bộ này, những thông tin mà người dân đồn thổi phần lớn là bịa đặt, hoặc nếu có cũng chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên. Từ sự việc nhỏ, một đồn mười, mười đồn  trăm, mỗi người thêm “mắm, muối” vào thì thành ghê rợn.

Rắn lạ có thể là loại “trăn lạ”?

Ông Trương Xuân Đô – Tổ trưởng tổ quản lý đền Cấm còn cho chúng tôi xem một đoạn clip được quay bằng điện thoại. Theo hình ảnh được ghi lại quả thực con rắn đầu đỏ, đuôi đỏ trông rất lạ, trên thân còn có các chấm đỏ, xanh. Anh Nông Văn Tiến, người quay clip đó, cũng là một thợ bắt rắn lâu năm cho biết: “Tôi đi bắt rắn ở nhiều nơi nhưng chưa bao giờ gặp loài rắn có đầu đỏ, đuôi đỏ như ở vùng đền Cấm. Điều đặc biệt là loài rắn này rất hiền, người sờ vào thì không cắn mà bỏ chạy lên núi. Ở trên Cấm Sơn, nơi Cổng trời có rất nhiều hang động, là nơi trú ngụ bao đời của loài rắn đỏ này”. Ngoài ra anh Tiến còn đưa ra giả thiết đây có thể là loài “trăn lạ” thường cư ngụ ở vùng núi cao.

TAMTHUC

Comment