hoa-giai-noi-oan-ve-than-giu-cua
Hóa giải nỗi oan về “thần giữ của”
- bởi map --
- 28/01/2013
Bên cạnh những yếu tố phù phép, bùa ngải mang tính chất dị đoan thì thần giữ của vẫn còn có những cơ sở khoa học để lý giải. Đây cũng chính là chiếc chìa khóa để từ đó những nhà khoa học mở dần cánh cửa nghi vấn và hóa giải những nỗi oan của thần.
Điểm xuất phát của thần giữ của
Việc chôn giấu và lưu giữ kho báu, lương thực là một trong những bản năng thuộc về con người, nó tồn tại từ khi cộng đồng mới bắt đầu hình thành với những thứ của cải sơ khai như ngũ cốc, thực phẩm, công cụ lao động, trang sức, cho tới vàng bạc, châu báu, tiền trong xã hội hiện đại. Việc làm này nhằm đảm bảo lo xa cho tương lai của cá nhân các gia đình và con cháu người có của.
Để đảm bảo cho các kho báu của mình được bền vững và đến đúng với địa chỉ người nhận trong tương lai, họ đã phải sử dụng những biện pháp bảo vệ, canh giữ khác nhau. Từ các loại bẫy đơn giản như chông, hầm, cung tên, cho tới đạn dược, thuốc độc. Bùa phép được xem như hình thức bảo vệ cao nhất, từ các thổ dân châu Mỹ, châu Úc, châu Phi cho tới các tộc người Ấn Độ, Ai Cập, ở mỗi nơi khác nhau, hình thức bùa chú này lại đi liền với tín ngưỡng và tôn giáo của người sở tại. Trên cơ sở chính thống và không chính thống, các loại phép thuật này lại được xếp là tà thuật hay không.
Thông thường, với những trường hợp mang tính chất cộng đồng hoặc phục vụ cho những người lãnh đạo cấp cao, phép thuật và việc chôn giấu của cải đó được chấp nhận dưới nhiều vỏ bọc. Những lăng mộ của các pharaong Ai Cập, các vị hoàng đế Trung Hoa, các tháp cổ của người Maya – châu Mỹ, là những đại diện tiêu biểu cho việc đi kèm với người chết thì vàng bạc, của cải cũng được chôn cất theo, thậm chí chôn cả người sống. Việc đem vấn đề này để đối chiếu với thần giữ của có vẻ khập khiễng nhưng có cơ sở về quan niệm và nguồn gốc của tục chôn người chết cùng của cải.
Nhà sử học Lê Văn Lan
Do tính chất gần gũi giữa Việt Nam và Trung Hoa, sự ảnh hưởng qua lại văn hóa hai nước, chúng tôi đã tìm hiểu sâu hơn về tục tuẫn táng (chôn người sống) của người Trung Hoa cổ đại. Đây là một chế độ dã man tàn nhẫn của người cổ đại, dần dần nó được thay thế bằng tượng gỗ, tượng gốm. Ở Trung Hoa, từ Tần Hán trở đi thì ít có người bị tuẫn táng như vậy, nhưng đến thời nhà Liêu, tục này lại một lần nữa sống lại. Liêu Thái Tổ sau khi chết đã lệnh bức phải chôn theo 100 vị đại thần, đến thời nhà Kim, Nguyên, Minh thì chế độ này vẫn tiếp diễn, mãi cho tới thời Minh Anh Tông mới kết thúc. Đến thời đầu Mãn Thanh, tục tuẫn táng lại được duy trì cho tới thời Khang Hy mới chấm dứt hẳn.
Trong chiến tranh với Nhật ở Mãn Châu, hiện tượng mua trẻ nam và trẻ nữ để tuẫn táng vẫn còn. Tờ Xích Phong nhật báo năm 1943 của Trung Quốc có đăng, sau khi Bốc Đan – đạo trưởng của Ngao hán kì kì (một chức danh của người Thanh – PV) chết, thuộc hạ của ông ta đã mua 4 đứa trẻ để chuẩn bị cho việc chôn cất. Việc này tuy không thành nhưng cũng đủ cho thấy việc chôn người sống đã ăn sâu vào suy nghĩ của một số thành phần trong xã hội Trung Hoa xưa như một lá bùa để đảm bảo cho bản thân họ.
Trong tất cả các trường hợp kể trên, khi chôn người, đương nhiên không chỉ là một hình thức mai táng mà còn là để bảo tồn của cải và quyền lực của người sống cũng như người chết. Việc phù phép, trấn yểm là hành động bổ trợ cao nhất mà người xưa tìm đến để tạo nên những lớp khóa bảo vệ.
Trong các hầm mộ, người ta dựa trên cơ sở thiên- địa- nhân, kinh dịch, bát quái, phong thủy, để bố trí và sắp xếp sao cho phép thuật đạt mức cao nhất. Việc phát hiện ra lăng mộ Tần Thủy Hoàng với hàng ngàn binh mã năm 1974 tại thành phố Tây An, tỉnh Thiểm Tây, tây bắc Trung Quốc đã khiến thế giới phải kinh ngạc. Ông Vua nổi tiếng lịch sử Trung Hoa này được chôn cùng với nhiều ngọc ngà châu báu, những tác phẩm thủ công tinh xảo và một mô hình vũ trụ hoàn chỉnh được khảm ngọc, đặt trong dòng thủy ngân để biểu tượng cho dòng sông đang chảy hoặc có thể diệt vi khuẩn và gây độc chết người cho những người đời sau muốn phá mộ. Hơn 700.000 nhân công xây dựng lăng mộ trong 38 năm, khi công trình này kết thúc, những người có liên quan cũng bị chôn sống cùng công trình. Những người bị chôn sống này không mang ý nghĩa thần nhưng qua việc bố trí hầm mộ cho thấy người xưa đã sử dụng các thủ pháp như thuốc độc, bẫy để bảo vệ cho công trình của mình.
Ở Việt Nam, suốt 1000 năm Bắc thuộc, ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa khá đậm đặc do những luồng di cư từ phía Bắc xuống, phần khác do chính sách nô dịch áp đặt lên người Việt. Tuy không bị đồng hóa nhưng sự ảnh hưởng thì chúng ta vẫn phải thừa nhận. Chữ Hán, tôn giáo người Hán như Nho, Đạo, Lão, thậm chí cả đạo phù thủy cũng được theo vào. 138 vị thái thú lần lượt thay nhau sang cai quản đất An Nam. Con cháu những người này cũng trở thành những người có của do sự cướp bóc của ông cha. Họ đa phần là những người có trình độ, có khả năng tính toán và tiên liệu sự việc trước. Chính vì vậy, được sự hỗ trợ của các thầy phù thủy, thầy pháp cao tay, họ đã lập ra thứ gọi là thần giữ của một cách thâm độc và tàn ác đối với người Việt.
Lý giải của các nhà khoa học
Việc lập và hóa giải thần giữ của có thể xem như một cuộc đối kháng giữa người Việt và người Hán. Theo ước tính, con số thất bại của các trường hợp lập thần giữ của lên tới 30-40%. Nguyên nhân thất bại một phần do sự đổi vận của thế đất, sự thất lạc của khẩu quyết, gia phả các dòng họ, sự tính toán hụt của thầy pháp, một phần nữa do chính việc nghiên cứu và đoán định của các thầy nho, thầy pháp, thầy phù thủy Việt đã hóa giải được những vòng khóa của họ.
Hiện nay, số kho báu còn lại trong lòng đất Việt là bao nhiêu vẫn chưa có cách nào xác định được. Theo những nghiên cứu của cố giáo sư Hoàng Phương trong cuốn Tích hợp văn hóa Đông Tây thì từ Nam Sách- Hải Dương đến biên giới Việt Trung theo hướng Đông Bắc, có trên 300 điểm chôn vàng. Thực tế, con số này có thể hơn gấp nhiều lần bởi vẫn còn rất nhiều những con đường độc đạo, những địa danh đã hoàn toàn biến mất khỏi lịch sử, trở thành những nơi hoang vu không có sự sống của con người làm cho việc kiểm định trở nên khó khăn. Những trường hợp cụ thể chúng tôi có nhắc đến trong loạt bài về thần giữ của chỉ là những hiếm hoi phát lộ được.
Nhà nghiên cứu hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ
Vì sự cám dỗ của vàng bạc, châu báu được chôn cất trong những kho tàng ẩn sâu trong lòng đất đã kéo theo hàng đoàn người đi kiếm của. Cho tới nay, những đội quân này vẫn tiếp tục tham vọng của mình, có những kho báu tìm thấy, có những trường hợp trắng tay nhưng dù được hay mất vẫn thường đi kèm với những chuyện không may. Hầu hết họ đều là những người tự phát, không có kiến thức đầy đủ, không tìm hiểu kĩ càng việc bài bố về những hầm mộ, thậm chí thiếu sót những thông tin và kinh nghiệm khảo cổ vốn rất cần thiết. Chất độc, cạm bẫy khó tránh khỏi dễ dẫn đến cho họ bệnh tật, ốm đau, thậm chí chết chóc. Một phần cũng do tâm lý hoang mang, sợ hãi càng làm cho lớp màn phép thuật trở nên dày và biến ảo hơn.
Theo chia sẻ của Giáo sư Sử học Lê Văn Lan, lúc ông còn nhỏ, đã nghe tới việc người Tàu để của ở Việt Nam khi buộc phải rời đi. Họ nghĩ tới việc chôn một cô gái còn trinh cùng với số của cải của mình để thực hiện việc lập thần, trấn yểm. Những hoài nghi đó đến khi lớn lên, làm khoa học, ông hoàn toàn có thể khẳng định được điều này là có cơ sở, qua những mộ Hán xây bằng gạch được tìm thấy ở các điểm khai quật ở nhiều nơi. Đây là một vấn đề thuộc về lịch sử chứ không có chút mê tín dị đoan nào. Người Trung Quốc sang Việt Nam vừa bóc lột nhân dân ta, đến khi về nước lại tàn độc dùng chính người Việt để thực hiện âm mưu giữ của.
Nhà nghiên cứu dân gian Nguyễn Hùng Vĩ – trường ĐH KHXH&NV, người đã có nhiều năm nghiên cứu về lịch sử, về văn hóa và các yếu tố dân gian trên thế giới cho rằng, truyền thuyết về thần giữ của chỉ là một bộ phận trong tín ngưỡng về thần giữ của. Tín ngưỡng này tồn tại một cách khách quan. Việc chôn sống nô lệ, người hay động vật vì một tín ngưỡng, tập tục nào đó là có thật trong lịch sử nhân loại. Còn truyền thuyết kể về nó thì cũng như bất kì truyền thuyết nào trên thế giới. Tin tất cả vào truyền thuyết cũng giống như tin tất cả vào tiểu thuyết. Có những sự trùng lặp về sự thật diễn ra sau một lời nguyền nào đó sẽ chẳng có gì là huyền bí đối với tương lai của khoa học, chỉ có điều ở thời điểm hiện tại chưa thể giải thích được. Loại trừ dần cái bể mênh mông của những lời đồn thì sẽ tồn tại một phần sự thật. Phần sự thật đó trước sau cũng sẽ được khoa học giải thích.
Trầm Ngải
TAMTHUC
Comment