ly-ky-quanh-chuyen-cho-than-giu-cua-o-hung-yen
Ly kỳ quanh chuyện chó thần giữ của ở Hưng Yên
- bởi map --
- 02/02/2013
Từ bao đời nay nhân dân Làng Phục Lễ (hay còn gọi là Làng Lựa, xã Lương Tài, Văn Lâm, Hưng Yên) không ngớt lời đồn thổi về những câu chuyện ly kỳ xung quanh hai con chó đá yên vị ngay ở cổng làng. Chó đá được người ta ví như “thần” giữ của, dùng để yểm bùa nơi mảnh đất linh thiêng.
Ngôi mộ cổ và chuyện “chó thần” canh giữ của
Chúng tôi tìm về ngôi đình Mậu Lương vào đúng ngày 26/11/2012 để chứng kiến lễ cầu lộc, cầu may của bà con dân làng nơi đây. Câu chuyện này được xuất phát từ sự việc con chó đá ở làng bị đánh cắp cách đây hơn một năm về trước.
Cụ Vũ Xuân Thăng ở thôn Phục Lễ, như nhân chứng sống, đã từng chứng kiến bao biến đổi thăng trầm và trong đó có những câu chuyện ly kỳ xung quanh con chó đá.
Cụ Thăng năm nay ở tuổi 82 nhưng vẫn còn minh mẫn lắm. Hỏi những chuyện từ thời cụ sinh ra đến nay, cụ đều kể vanh vách. Cụ lớn lên đã thấy hai con chó đá án ngữ ngay ở đầu cổng làng phía tây nhưng không biết nó có từ bao giờ. Làng Phục Lễ có lịch sử hàng trăm năm với nhiều giai thoại nổi tiếng.
Nơi đây có tướng Quận Công đóng đô chiêu binh lập nhiều công trạng. Sử sách đó nay còn được ghi nhớ, khắc chép lại trên những tấm bia đá đặt ngay ở cổng làng và 7 đạo sắc phong có giá trị lịch sử văn hoá hiện vẫn còn được người dân ra sức gìn giữ.
Ngày còn bé, cụ Thăng và đám bạn trong làng thường chăn trâu ở những gò đất cao, rậm rạp và nhiều cây cối cổ thụ. Cụ được người lớn kể lại, những gò đất đó chính là những ngôi mộ của thê thiếp, quan trạng, quân lính dưới tướng Quận Công. Khi họ mất, ngài an táng họ tại đây.
Dịch lược những gì ghi trên bia đá, những năm 70 của thế kỷ trước, cả làng làm lễ khai quật ngôi mộ được cho là thê thiếp của tướng Quận Công vì ngôi mộ nằm án ngữ ngay ở đường đi vào cổng làng.
Sau khi khai quật ngôi mộ lên thì một điều lạ lùng xảy ra khiến những ai có mặt chứng kiến ngày hôm đó không tin vào mắt mình. Hết lớp đất cỏ được đào đi, một lớp thành quách được xây chắc chắn và kiên cố khó phá vỡ. Họ hì hục đào bới, phải mất nửa buổi mới phá được lớp thành quách phía ngoài.
Một chiếc quan tài bằng gỗ ngọc am được đóng bằng nguyên cả thân cây còn nguyên vẹn cùng với những mùi thơm cả rễ cây, chè toả ra từ ngôi mộ. Mọi người xúm lại, tranh nhau xem.
Khi bật nắp quan tài, điều lạ lùng chưa bao giờ dân làng Phục Lễ được nhìn thấy thi thể là một người phụ nữ có mái tóc dài như đang ngủ say. Áo quần và màu sơn trên móng tay, móng chân người phụ nữ vẫn còn nguyên vẹn. Biết đây là vùng đất linh thiêng, người dân làm lễ và mang thi thể của người phụ nữ đó an táng tại một vị trí khác cách đó không xa.
Lại nói về hai con chó ngay ở đầu cổng, cạnh một ngôi miếu và bãi đất với nhiều ngôi mộ. Chiến tranh loạn lạc, hai con chó đá bị thất lạc, vùi lấp trong các lớp đất đá, bụi cây nên chẳng ai ngó ngàng tới.
Khi hoà bình lập lại, người ta chỉ tìm thấy được một con chó đá nhưng không còn nguyên vẹn nữa. Con chó được tạc bằng khối đá xanh óng ánh trông rất đẹp mắt, ngồi trên bệ đá liền khối, nó cao chừng 80cm, nặng khoảng 5-7 tạ.
Dưới cổ, chó đá được đeo một vòng hạt cườm bằng đá, có một bát nhang bằng đá, lưỡi noa’ thè ra, hai cái tai vểnh ngược lên như đang nghe ngóng hay sẵn sàng tấn công bất cứ lúc nào.
Ngày ấy, làng Phục Lễ có mấy người làm nghề nung vôi để bán. Vùng đồng bằng thì lấy đâu ra nhiều đá để nung. Hết nguyên liệu, người ta lại nghĩ đến con chó và khối đá khổng lồ. Hám lợi, gia đình ông Tảo ở làng khiêng chó đá để nung vôi.
Nhưng nung mãi đến 5 ngày 5 đêm mà con chó đá vẫn nguyên vẹn. Sực nhớ đến chuyện người già kể lại, cả gia đình họ hú vía khiêng chó đá ra trả về chỗ cũ. Sau sự việc ấy, ông Tảo gặp phải một trận ốm và bỏ ngay nghề nung vôi.
Rồi chuyện những đứa trẻ chăn trâu hay viết, vẽ bậy, thậm chí còn ngồi trên lưng con chó đá cũng bị “chó thần” phạt. Hễ có đứa trẻ nào xâm phạm đến chó đá thì y rằng tối đó lại bị đau bụng và hay khóc về đêm. Người nhà biết được họ lại phải ra thắp hương cầu khấn thì đứa trẻ mới khỏi.
Rồi con chó đá bị lăn xuống cái ao cạnh đó, nó được vớt lên nhưng bị sứt đầu, gãy tai. Người ta lại tìm đầu, tai và một số bộ phận khác, dùng xi măng gắn lại nguyên vẹn. Dân làng cất công tìm kiếm con chó đá còn lại nhưng không hề thấy một dấu vết gì.
Sau những sự kiện ấy, cả dân làng nói với nhau rằng chó đá là “thần” đã được trấn yểm, bùa ngải ở mảnh đất này. Từ đó, dân Phục Lễ cứ đến ngày Rằm, mồng Một, ngày tết là đến làm lễ, thắp hương khấn vái cầu cho bình an vô sự, mùa màng bội thu.
Cuộc sống người dân yên bình, nhà nhà no ấm hoà thuận. Họ tin chắc rằng, không phải ngẫu nhiên mà có hai con chó đá ngồi “canh” ngay ở cổng làng, mặt hướng về phía những ngôi mộ các bậc tiền nhân đang yên nghỉ.
Khi làng mất chó
Khi những câu chuyện ly kỳ quanh con chó đá còn chưa hiểu rõ thực hư thì nay lại đến sự kiện con chó đá bỗng dưng biến mất, khiến cho người dân Phục Lễ bán tin bán nghi. Cụ Nguyễn Đại Tài (77 tuổi) người làng Phục Lễ kể về chuyện mất con chó đá cách đây hơn một năm.
Đó là vào tháng giáp tết của năm 2011, đêm hôm đó rét như cắt da cắt thịt, tiết trời mưa phùn nên chẳng ai ra khỏi nhà. Vào nửa đêm, người dân nghe thấy tiếng xe ôtô chạy vào cổng làng rồi dừng lại ngay bên ngôi miếu có con chó đá. Rồi xe nổ máy, rú ga. Không ai quan tâm bởi trời lạnh đang chui trong chăn ấm nên chẳng muốn ra ngoài.
Sáng hôm sau tỉnh dậy, người dân phát hiện con chó đá đã bị đánh cắp. Cụ Tài khẳng định với chúng tôi: “Chỉ có người trong làng mới biết rõ về con chó đá. Vì thế họ mới kêu người đến lấy cắp đi. Chó đá nặng như thế chục người khiêng không nổi. Kẻ gian chỉ có dùng xe cẩu thì mới mang đi đuợc”.
Chuyện con chó đá bị mất khiến dân làng ăn không ngon, ngủ không yên. Một cuộc họp tại đình Mậu Lương của đông đảo bà con với mục đích là nhanh chóng tìm ra được con chó đá để trả về chỗ cũ.
Khi nhiều người trong làng đang cùng nhau “dò” hỏi tại một số người chuyên mua bán đồ cổ ở thành phố Hưng Yên, Hà Nội để tìm con chó đá nhưng chưa có manh mối. Đúng một tuần sau, ở làng có một sự kiện khiến dân chúng quan tâm là có anh Trần Mạnh T bỗng dưng “mất tích” đầy bí ẩn.
Hỏi vợ con và gia đình thì được biết anh T mới đi vác hàng lậu ở vùng cửa khẩu biên giới Lạng Sơn độ một tuần nay. Họ lại bán tín bán nghi. Rồi anh T bất ngờ trở về nhà mang trên mình đầy thương tích do tai nạn. Tay T bị gãy tay và bó bột, khuôn mặt bị trầy xước.
Người cho rằng, không ai khác, thủ phạm cùng đánh cắp con chó đá chính là T. Những nghi ngờ có sự trùng hợp khi nghe được thông tin về một vụ tai nạn hy hữu xảy ra ở địa phận huyện Hữu Lũng (Lạng Sơn) là cả người và xe ô tô tự lao xuống vực sông sâu.
May mắn người ngồi trên xe thoát chết. Riêng tài xế bị nước cuốn đi. Đội cứu hộ chỉ cẩu được chiếc xe lên, người ta còn phát hiện dưới dòng sông cạnh đó có một con vật bằng đá nhưng không làm cách nào vớt lên được.
Gắn kết, xâu chuỗi các sự kiện xảy ra có sự trùng hợp và logic, dân làng Phục Lễ cho rằng, chính chiếc xe lao xuống vực là xe đã chở con chó đá định bán sang Trung Quốc, nhưng giữa đường gặp nạn. Người ta còn nghe được câu chuyện con chó đá bị đánh cắp và bán với giá 20 triệu đồng.
Sự kiện con chó đá bị lấy cắp rồi sau đó liên tiếp những chuyện lạ khiến cả làng hoang mang. Khi con chó đá bị mất, dân làng xôn xao bàn tán. Họ bảo rằng trước đây nhà bà Vấn nơi có con chó đá ở cạnh nhà đã phù hộ cho gia đình.
Từ ngày chó đá bị đánh cắp thì gia đình cũng có nhiều thay đổi. Một người dân nói với chúng tôi: “Trước đây nhà bà Vấn thuộc dạng khá giả nhất trong làng. Tuy nhiên, từ ngày con chó đá bị mất thì gia đình bà có phần lục đục. Kinh tế gia đình suy kém, nhiều người trong nhà thường hay ốm đau bệnh tật”…
Mua chó đá, làm lễ giải hạn
Chó đá là “thần” canh giữ làng, muốn giải hạn thì phải tìm lại chó đá bị mất. Nhưng tìm làm sao được con chó đá cũ. Được một số thầy địa lý, thầy phong thuỷ mách nước là nếu không tìm lại được con chó đá thì chỉ còn cách là mua con chó đá mới về thay thế vào đấy.
Thế là người dân thôn Mậu Lương đành phải góp tiền để đi mua hai con chó đá mới về thay hai con chó đá đã bị mất. Người ta phải vào tận làng chế tác đá ở Ninh Bình để đặt mua hai con chó đá.
Anh Quả cho biết: “Cán bộ thôn xóm phải đứng lên trấn an tinh thần cho bà con. Mình không cấm và không tuyên truyền đến vấn đề tâm linh, đấy là tín ngưỡng của dân làng. Sau nhiều lần được sự thống nhất đồng thuận, làng phải góp tiền mua hai con chó đá hết 5 triệu đồng. Dân làng tiến hành mời các thầy địa lý, thầy cúng về làm lễ để “trả” lại hai con chó đá.
Hai con chó đá bé, có chiều cao chừng hơn 40cm, nặng chừng 50kg được đặt ở hai bên cổng làng chứ không phải trả về chỗ con chó đá bị mất”.
Đôi chó đá đã được người dân mua về trả lại, từ đó làng không có những cái chết trẻ nữa nhưng chưa có dấu hiệu mang lại những điều may mắn. Anh Quả dẫn chứng với chúng tôi: “Mấy năm gần đây, thanh niên trong làng thường hay sa vào các tệ nạn xã hội như nghiện ngập, trộm cắp, cờ bạc”… Khi tết Nguyên đán đang đến gần, người dân thôn Mậu Lương lại sực nhớ đến chuyện mất con chó đá, họ lại bắt đầu cảm thấy lo lắng.
Hôm 26/11/2012, chúng tôi tìm đến đình Mậu Lương để chứng kiến Lễ “giải hạn, cầu may” cho dân làng sau một năm đầy biến cố. Từ sáng sớm, làng Phục Lễ rộn ràng, đông như đi lễ hội. Mọi người tất bật chuẩn bị các mâm lễ gồm hoa quả, bánh kẹo, xôi gà và các đồ tiền, vàng mã.
Những thầy địa lý và thầy cúng trong làng cũng được mời đến để làm lễ. Những nghi thức, nghi lễ được họ tiến hành một cách bài bản theo đúng văn hoá của làng, xã và sự thành tâm. Người dân xã Lương Tài đang mong năm nay được đón một cái tết an lành, ấm áp.
Theo Năng Lượng Mới
TAMTHUC
Comment