No icon

nguoi-chuyen-rua-xuong-nguoi-chet-va-nhung-giac-mo-ma-quy

Người chuyên ‘rửa xương’ người chết và những giấc mơ ma quỷ

Giờ lành đến, anh Tuân cầm chiếc xẻng sắt cắm phập vào lòng đất. Giữa không gian tĩnh mịch của trời đêm, ánh sáng của đèn điện soi rõ bàn tay con người đang đào bới một khu mộ cũ.

Mặc dù thời tiết mùa hạ nóng bức đến ngột ngạt, nhưng lại khiến những người lần đầu tiên chứng kiến công việc “về đêm” có cảm giác rét lạnh. Bằng bàn tay nhanh nhẹn, dạn dày kinh nghiệm, anh Tuân cất giọng ồm ồm chỉ huy “khi tôi đưa xương cốt đại ca lên, các chú chuẩn bị nước thơm để rửa hài cốt cho sạch sẽ.

Cái nghề chỉ làm về đêm

Cơ duyên để tôi gặp được anh Lưu Văn Tuân, một chuyên gia bốc mộ thuê có tiếng của huyện Nam Đàn, Nghệ An thật tình cờ. Lần đó, anh nhận lời lên xứ Lạng để “sang nhà” mới cho một tiểu đại ca có chút số má trong giang hồ tên Hải “sừng”. Để thực hiện việc “chuyển nhà” cho đại ca, đám đàn em của Hải “sừng” đã không quản ngại đường sá xa xôi tìm về tận Nghệ An để mời cho được chuyên gia “bốc mộ” Lưu Văn Tuân, nổi tiếng mát tay trong việc “sang cát” cho người chết.

Anh Lưu Văn Tuân đã có thâm niên 20 năm gắn bó với nghề “bốc mộ” cho người chết. Chính bản thân anh cũng không thể nhớ hết mình đã từng “sang cát” cho bao nhiêu ngôi mộ. Chỉ biết rằng công việc của anh là do “cha truyền con nối”, suốt mấy chục năm nay. Ngay từ thửa nhỏ, anh Tuân đã cùng cha đi bốc mộ cho người ta. Anh nhớ như in lần đầu tiên chứng kiến cha mình cạy nắp quan tài, mò xương người chết trong cát, rồi rửa sạch sẽ trong nước, lúc đó anh chỉ đi theo phụ giúp cha, thế nhưng với một đứa trẻ 10 tuổi lần đầu tiên chứng kiến công việc đặc biệt như vậy mà không la hét hay khóc ngất đi chứng tỏ là có duyên với nghề, có thể theo được nghiệp cha ông. Nhà anh Tuân có 5 anh em trai, nhưng chỉ có anh là nối nghiệp được cha. Bởi các anh em trong gia đình, người thì sợ cái nghề đặc biệt này, người thì không có duyên theo nghiệp tổ tiên, chỉ có anh Tuân có khả năng bẩm sinh không những gan dạ mà học nghề cũng rất nhanh. Mới 18 tuổi, anh đã cùng cha đi khắp vùng để “bốc mộ” cho người chết, thậm chí kĩ thuật rửa “xương cốt” của anh có phần nhanh nhẹn, thuần thục hơn cả cha anh.

Công việc của anh khá đặc biệt, chỉ diễn ra vào ban đêm. Bởi khi “bốc mộ” người chết, người ta kị nhất là ánh nắng mặt trời, bởi khi có ánh nắng chiếu vào sẽ làm hỏng xương. Và hơi khí tích tụ dưới mộ khi cạy nắp quan tài ra cũng rất độc, ai không may mắn hít phải loại khí này rất dễ bị ngất hoặc bị ám ảnh tâm lý trong thời gian dài. Ngay cả vào mùa đông, ban ngày dù không có ánh nắng mặt trời thì công việc “bốc mộ” cũng phải diễn ra trong đêm tối. Bởi theo kinh nghiệm cha ông thì trời tối “cất nhà” cho người chết mới được mát mẻ, và giúp người mất tìm đường về nhà dễ dàng hơn. Việc “cất nhà” mới cho người chết trong quan niệm của nhiều người rất quan trọng, không thể làm sơ sài, qua loa được, vì mồ mả có yên, có đẹp thì con cháu trong gia đình mới gặp được phúc lộc. Có lẽ vì thế mà không ít gia đình đã bỏ ra cả hàng chục triệu đồng để đầu tư vào xâydựng các khu mồ hoàng tráng, xa hoa, khá tốn kém.

Để theo được nghiệp cha ông đã khó, để sống và tồn tại với cái nghề “đặc biệt” này càng khó khăn hơn. Nhất là với một công việc mang nặng vấn đề tâm linh này, anh Tuân cũng chịu không ít áp lực từ dư luận khắc nghiệt. Mặc dù hiện tại những quan niệm hà khắc về công việc “đặc biệt” này đã có phần nhẹ nhàng đi, nhưng cuộc sống của anh Tuân bị ám ảnh bởi những lời đồn thổi. Vì thế mà mặc dù đã bước sang tuổi 35, nhưng anh Tuân vẫn chưa cưới được vợ. Có người bảo anh cao số, bị các hồn ma ám vào, cũng có người bảo cái nghề của anh “mạt phúc” nặng âm tà nên chẳng có ai dám nhận lời gả con gái cho. Những lời thị phi, anh nghe nhiều thành quen, nên cũng không buồn nhiều, chỉ đáng tiếc người con gái mà anh muốn gắn bó cả đời lại không thông cảm cho công việc của anh. Anh xòe đôi bàn tay to lớn đầy nốt chai sần vì phải cầm xẻng, cuốc đào đất, anh giãi bày nỗi lòng qua lời tâm sự buồn “bàn tay này cầm tay người chết đã nhiều, nên chẳng có cô gái nào dám để nó đụng vào”.

Công việc của một người “bốc mộ” thuê không hề đơn giản và khá phức tạp. Làm cái nghề “đặc biệt” này không chỉ dựa vào kinh nghiệm gia truyền mà còn cần cái duyên với nghề. Trên thực tế đã có rất nhiều người đã phải bỏ “nghiệp” vì không có duyên với công việc “đặc biệt” này. Khi làm việc, để tránh những rủi ro nghề nghiệp có thể xảy ra, những người làm công việc như anh phải mang khẩu trang và gang tay chuyên dụng. Phải chuẩn bị nước để rửa xương, thường thì là nước lá đun sôi, và chuẩn bị thêm vài lít rượu gạo để tráng “hài cốt” lại lần cuối trước khi cho vào tiểu chôn lại. Công việc diễn ra trong vòng 45 phút đến một tiếng, không nên để “xương cốt” ngoài trời quá lâu, vì không khí ngoài trời tác động vào sẽ làm hư hỏng “xương cốt” của người quá cố.
“Đừng phá nhà, vì tôi còn sống…”

Hơn 20 năm gắn bó với công việc, anh Tuân có không ít kỷ niệm nghề mà khi kể đến khiến người nghe phải giật mình kinh sợ. Đó là lần anh nhận lời “sang nhà” cho một thanh niên chết trẻ ở tận Ninh Bình. Người thanh niên này đã được chôn cất cách đây sáu năm, vì gia đình có điều kiện, nên khi chôn cất, quan tài được đặt làm bằng một loại gỗ rất tốt, bản thân anh này trong thời kỳ mang bệnh cũng được gia đình chạy chữa bằng những loại thuốc tốt quý nhất. Có lẽ vì thế mà để cho chắc ăn gia đình đã để đúng sáu năm sau mới quyết định sang nhà cho con họ. 12h đêm, gia đình đưa anh Tuân cùng một thầy cúng xuống khu mộ để làm lễ, vì thầy bói phán chưa đến giờ lành nên việc “sang nhà” cho người thanh niên phải dời lại đến 4h sáng. Tranh thủ thời gian chờ đợi, anh Tuân nằm nghỉ chợp mắt để lấy sức, giấc ngủ chưa sâu bỗng anh thấy trước mắt một thanh niên mặc áo trắng nói với anh rằng “đừng phá nhà, tôi vẫn còn sống nguyên vẹn đây”. Giật mình tỉnh dậy, anh Tuân đem giấc mơ kỳ lạ kể với người nhà gia chủ.

Thế nhưng khi họ hỏi đến người thầy cúng, thì ông này khẳng định, thân thể người thanh niên để được sáu năm đến nay đã sạch sẽ, có thể “sang nhà” được rồi. Thế là bỏ mặc lời khuyên can của anh, gia đình vẫn tiến hành “bốc mộ” cho người thanh niên đó. Khi quan tài được bật nắp lên, tất cả đều giật mình kinh sợ khi chứng kiến cảnh tượng trước mắt. Thân thể của người thanh niên vẫn còn nguyên vẹn như một người sống, không những không bị thối rữa mà da dẻ vẫn còn lành nguyên. Nhìn cảnh tượng đó, người thân trong gia đình có người sợ hãi ngất ngay tại chỗ, có người khóc lên, khóc xuống vì thương xót. Sau khi tham khảo ý kiến của anh Tuân, gia đình quyết định chôn người thanh niên lại lần nữa. Và họ đã để đúng bốn năm sau mới quyết định “sang nhà” lại, lần đó cũng chính anh Tuân “cất nhà”, và thật may mắn đã không gặp phải cảnh đau lòng như lần trước nữa.

Vấn đề tâm linh nhiều khi rất khó tin và khó lý giải bởi những hiện tượng kì bí bất ngờ xảy ra. Nhưng với công việc “đặc biệt” này thì cũng phải có một chút tín ngưỡng. Mặc dù không phải là người quá tin vào thói mê tín, nhưng với những giấc mơ đặc biệt, anh Tuân lại tuyệt đối tin tưởng vào nó. Và cũng nhờ những giấc mơ lạ đó đã nhiều lần giúp anh và gia chủ người quá cố tránh được nhiều vẫn đề phức tạp. Đó là một lần, anh nhận lời bốc mộ cho một gia đình ở xã bên. Khi anh đi qua một ngôi mộ liền kề, anh có cảm giác như có ai níu chân lại không cho đi tiếp. Phải mất đến vài phút và nhờ người khác trợ lực, anh Tuân mới thoát khỏi hiện tượng kì lạ đó.

Sau khi làm xong công việc cho gia chủ, anh Tuân không dám đi qua ngôi mộ kì bí đó nữa. Nhưng khi về nhà, anh Tuân lại mơ thấy một người phụ nữ với gương mặt không còn nguyên vẹn, đau đớn nhìn anh kêu cứu. Chị ta nói rằng, nhà bị sập, cơ thể đang bị côn trùng gặm nhấm, sắp mất hết chân tay. Chị ta nhờ anh nói với gia đình mau “sang nhà” mới cho chị ta. Sau khi tỉnh dậy, biết đây lại là giấc mơ chắc chắn có thật, anh Tuân vội vã đạp xe sang xã bên và tìm đến gia đình có ngôi mộ đặc biệt ấy kể hết sự tình.

Biết được điềm chẳng lành đã xảy ra, người thân trong gia đình quyết định “bốc mộ” cho người quá cố. Sau khi chọn được giờ lành, anh Tuân tiến hành đào mộ, khi vừa chạm đến nắp quan tài, tất cả mọi người đều giật mình khi nhìn thấy nắp phía trên đã bị bật ra ngoài, trong hòm có rất nhiều tổ mối, kiến đang “kiếm sống” trong đó. Nhìn cảnh đó, nhiều người thân của người quá cố vì quá đau lòng mà khóc ngất. Anh Tuân vội vã nhặt nhạnh xương cốt lại và tiến hành rửa để sang nhà mới cho người đã khuất. Sau lần đó, anh Tuân càng có lòng tin vào những giấc mơ kỳ lạ của mình.

Những kỉ niệm trong nghề kể ra thì rất nhiều, không ít người cho rằng, công việc của anh thường xuyên tiếp xúc với xác chết nên khí độc “vong hồn” tích tụ rất nhiều trong người anh. Thế nhưng anh Tuân khẳng định, mặc dù hơn 20 năm làm công việc “đặc biệt” này, anh vẫn chưa từng một lần nhìn thấy “hồn” ma xuất hiện trước mặt.

“Theo nghề cũng vì một chữ tâm…”

Sau nhiều năm làm mưa, làm gió trong thế giới ngầm xứ Lạng, Hải “sừng” cũng không tránh được quy luật tự nhiên của con người, có sinh ắt có tử. Cái chết của Hải “sừng” những năm đó khiến giới giang hồ xứ Lạng dậy sóng, có lẽ chẳng ai ngờ được, một tên trùm ma túy ma mãnh, mưu mô, luôn thoát thân trước những đợt truy quét của lực lượng chức năng lại chết dưới họng súng của tên đàn em làm phản.

Sau khi Hải “sừng” chết, đám đàn em đã tận hiếu lo cho hắn mồ yên, mả đẹp. Và cũng không quản ngại khó khăn về tận Nghệ An tìm một chuyên gia “bốc mộ” mát tay để “sang cát’ cho đại ca. Khi nhận lời “sang cát” cho Hải “sừng”, anh Tuân bị gia đình phản đối không cho đi, bởi lẽ tai tiếng của trùm giang hồ xứ Lạng chẳng ai là không biết, nổi tiếng liều lĩnh, vô tình.

Thế nhưng chữ “tâm” trong nghề không cho phép anh phân biệt thân xác người quá cố, bởi vì với anh, người đã chết đều giống nhau, họ chỉ là những thi thể bất động, lạnh lẽo.

Mặc dù cái “nghiệp” của anh luôn bị người đời dị nghị, hoài nghi, không ít người cho rằng anh kiếm sống trên thân xác của người chết. Thế nhưng anh Tuân luôn tự hào về công việc đặc biệt mà mình đang làm. Với anh công việc nào cũng phải bỏ mồ hôi, công sức, và hơn hết anh luôn tâm niệm với chính mình “nghề bốc mộ là làm việc bằng tất cả chữ tâm của con người”.

 

TAMTHUC

Comment