hon-da-ban-phuoc-o-ha-tinh
Hòn đá ban phước ở Hà Tĩnh
- bởi map --
- 23/04/2013
Hòn đá thiêng với những câu chuyện thần bí vẫn không có lời giải đáp.
Trong làng có ai bị mất trâu, bò, liền đến thắp hương cầu khấn “ông đá”, “ngài” sẽ chỉ cho nơi tìm vật nuôi của mình về. Ai đi làm ăn xa nếu đến cầu “ông đá” thì sẽ thượng lộ bình an, làm ăn thuận lợi.
Sĩ tử trước kỳ thi muốn có thêm tự tin và hy vọng đỗ đạt cũng phải đến cầu “ngài”. “Ngài” là một hòn đá đã hiển hiện ở làng Thanh Bình (xã Thanh Lộc, huyện Can Lộc, Hà Tĩnh) từ xa xưa. Không ai biết tuổi của “ngài”.
Những hình ảnh về “hòn đá ban phước” ở Hà Tĩnh
Sự tích từ xa xưa về hòn đá ban phước và tìm vật nuôi thất lạc
Câu chuyện hòn đá ban phước và chỉ đường tìm vật nuôi thất lạc đã lan truyền nhiều năm nay. Chúng tôi tìm về làng Thanh Bình (nay là xóm 6, xã Thanh Lộc) để được diện kiến “Ngài”.
Trong khuôn viên khoảng 800m2, có nhiều cây cổ thụ rậm rạp, hòn đá “linh” này được bao bọc trong bốn bức tường xi măng, có mái che bằng tôn. Trên nền lát gạch hoa có bàn thờ được xây kiên cố, bày đầy đủ nhang đèn, lư hương, hoa quả để cúng tế.
Hòn đá ban phước được người dân nơi đây tin thờ là một khối đá lộ thiên, có chiều dài khoảng 1,6m, chiều rộng khoảng 0,9m, chiều cao từ mặt đất lên khoảng gần 1m, có hình dáng hơi giống con rùa.
Nơi thờ cúng của người dân
Tại đây, trong lúc thợ xây đang xây thêm tường rào bao bọc vòng ngoài khu vườn của hòn đá, chúng tôi được gặp gỡ các cụ cao niên trong làng có mặt để giám sát công trình. Các cụ cho biết, người dân nơi đây gọi hòn đá này bằng những cái tên kính cẩn là “ông đá”, “cụ đá” hay là “ngài”.
Cụ Lê Đình Luyện (nhà ở Làng Thanh Bình) kể: “Tôi năm nay đã 80 tuổi rồi, nhưng từ khi còn bé đã nghe người ta kể về “ngài”. Thời cha ông tôi cũng đã tin thờ “ngài”. “Ngài” rất thiêng, người dân trong làng đều rất kính cẩn đối với “ngài”, khi có chuyện khó khăn đều đến cầu khấn. Từ xưa đến nay chưa có ai dám làm gì bậy bạ trong khuôn viên khu vườn của ngài”.
Cụ Luyện còn cho biết, từ lâu người dân nơi đây đã hình thành một lòng tin đối với hòn đá này. Khi trong làng có nhà bị mất con trâu, con bò, gia chủ mang hương và trầu cau đến cúng, xin “ngài” chỉ cho đường đi tìm.
Khấn xong, chỉ trong vòng vài giờ sau là có người mách bảo trâu, bò mình đang ở vị trí nào đó trong rừng hay lạc ở làng khác, đến đó tìm là có ngay. Những người chỉ đường đó là do “ông đá” chỉ bảo.
“Ai cầu gì khác thì không biết chứ cầu xin tìm vật nuôi thất lạc và xin thượng lộ bình an thì đều được “ngài” giúp đỡ. Trong làng ai sắp đi làm ăn xa đều đến cầu “ngài” phù hộ. Theo tôi thấy thì lâu nay người dân xã Thanh Lộc này chưa từng có ai đi ra ngoài mà bị tai nạn chết chóc”, cụ Luyện nói.
Những người xưa kể lại quá khứ bàn thờ ông đá
Cụ Thành, là Hội trưởng Hội người cao tuổi xã Thanh Lộc kể lại câu chuyện của chính cụ: “Hồi đó tôi nuôi con chó lai rất đẹp, bỗng dưng nó bị lạc. Ai cũng bảo lên khấn “ông đá” để nhờ ngài chỉ cho đường đi tìm.
Hồi đó tôi không tin lắm nên cứ ậm ừ. Đến ngày thứ tư không thấy chó về, tôi bảo con trai lên thắp hương khấn “ông đá”, xong rồi tôi đi tìm. Ra đến đường cái quan thì gặp người mách thấy con chó nhà tôi, rồi liên tiếp mấy người nữa mách bảo, đến cuối ngày thì tìm được con chó bị mắc kẹt trong bụi rậm ở làng bên bởi cái xích mà nó mang theo”.
Theo các cụ, có người còn mang con đến gửi vía, nhờ ‘”ngài” “trông hộ” đến 18 tuổi, như thế đứa con sẽ được bình an, mạnh khỏe.
Xây khuôn viên và bàn thờ hòn đá
Qua hàng chục năm, lòng tin của người dân xã Thanh Lộc đối với hòn đá ngày càng cao. Hòn đá mà ngày xưa, những thế hệ trước của làng gọi là “Bản thổ”, thì ngày nay con cháu của họ coi như là một vị thành hoàng của làng.
Khoảng mười năm trước, có một cụ – người trong làng nguyên là chủ tịch huyện đã về hưu, vì tin thờ “ông đá” nên tự nguyện bỏ tiền cùng với sự đóng góp của nhiều người trong xã, xây nên bàn thờ, làm mái che và tường bao xung quanh vị trí hòn đá “ngồi”.
Miếu thờ được dựng lên ở làng Thanh Bình
Được sự đồng tình của người dân và chính quyền xã, Hội người cao tuổi chọn ngày rằm tháng giêng làm ngày lễtế “ông đá”.
Qua từng năm, người đến cúng tế nhiều hơn, Hội người cao tuổi của xã lập một hòm công đức có một ban của Hội quản lý, lấy tiền công đức để tu bổ khuôn viên và khu thờ “ông đá”.
Cụ Luyện cho biết, có khi mở hòm công đức thấy có phong bì tiền ghi địa chỉ của người ở tận Hà Nội, Hải Phòng.
Khi phóng viên nêu ra vấn đề quan điểm của chính quyền địa phương về sự tín ngưỡng của người dân đối với hòn đá trên, ông Lê Văn Nhiếu – chủ tịch UBND xã Thanh Lộc nói: “Đó là lòng tin của người dân từ lâu đời, việc người dân cầu xin tìm trâu bò thất lạc, hay xin đi đường bình an, xin thi cử đỗ đạt đã tồn tại lâu nay. Chính quyền xem đây là một điểm tâm linh, không cấm được”.
Theo : Haysao
TAMTHUC
Comment