No icon

thuoc-lo-ban

Thước Lỗ Ban

(maphuong)-Lúc trước có đăng vài bài ở thread Những điểm xấu thường gặp trong phong thủy lỡ phán bậy bạ nên bị nhiều thầy chỉnh thành ra mình xấu hổ quá. Xin được phép nói rõ mình không dám nhận là thầy phong thủy hay được chân truyền gì hết, may mắn biết được gì thì nói đó thôi. Vì mình thấy các thầy bàn luận những điều thâm sâu về học thuật nhưng có nhiều kiến thức căn bản cũng rất cần thiết cho độc giả phổ thông, amateur nên xin mạn phép được chia sẻ thêm một số kiến thức về Thước Lỗ Ban mà mình biết. Yeuphongthuy cũng không dám khoe khoang gì hết, chẳng qua muốn chia sẻ kiến thức, gieo hạt kiến thức để mong nhận được trái kiến thức kết quả trong tương lai theo Luật Nhân – Quả của Phật Giáo. Đúng sai xin cứ thẳng thắn góp ý.

1. Tại sao phong thủy coi trọng đo cửa bằng thước Lỗ Ban?
_ Trước khi hướng dẫn cách đo cửa bằng thước Lỗ Ban đúng cách, cần hiểu rằng tại sao phong thủy lại coi trọng thước Lỗ Ban. Nếu như chúng ta không hiểu được lý do gốc rễ mà chỉ chăm chăm nghe theo phong trào: đã xây nhà là phải mời thầy phong thủy, đã mời thầy xem thì phải đo thước Lỗ Ban thì chúng ta thành ra mê tín mà không còn là tỉnh tín nữa. Còn nếu thân chủ nào cắc cớ hỏi thầy phong thủy: “Tại sao phải đo cửa nhà con bằng thước Lỗ Ban hả thầy” mà ông thầy không giải thích được hay phán bừa theo kiểu áp đặt “nghe thầy thì sống, cãi thầy thì chết, đừng có thắc mắc linh tinh. Thầy giận không thèm đo nữa thì chúng mày chỉ có chết” thì xem như không nên tin ông thầy đó nữa. Người thấu triệt kiến thức phải có khả năng giảng giải những kiến thức phức tạp nhất bằng những ngôn ngữ bình dân, giản dị để đứa con nít hay ông bà già cũng hiểu được. Người nào không có khả năng giải thích đó xem như là chưa hiểu hết được kiến thức mình đang nói ra.
Phong thủy theo nghĩa gốc tiếng Hán ai cũng biết là gió và nước. Chúng ta ai cũng thấy gió quá thông thường mà ít ai để ý xem nó có ảnh hưởng đến cuộc sống chúng ta như thế nào. Tại sao giữa trưa hè chú bé mục đồng chăn trâu vô tư đánh giấc dưới gốc cây giữa ruộng, xung quanh bốn bề gió lồng lộng mà chiều tỉnh dậy vẫn vô tư tỉnh táo? Tại sao cũng chú bé mục đồng đó nếu một buổi trưa hè nào, về nhà nằm ngủ, khép cửa sổ lại 1 tí, chỉ để gió lùa cho hiu hiu mát thì sau giấc trưa tỉnh dậy lập tức bị trúng gió? Tại sao có hiện tượng trúng gió? Tại sao nằm giữa đồng gió tứ bề lại không bị trúng gió? Còn nằm bị 1 chút hơi gió lùa lại trúng gió sinh bệnh? Gió là chỉ có 1 loại chứ đâu có nhiều loại: gió độc, gió lành như chúng ta thường quen gọi; vậy mà sao lúc thì làm chúng ta say sưa giấc nồng, lúc lại làm chúng ta bệnh liệt giường?
Cái gọi là gió độc, gió lùa khe cửa chính là gió đi qua 1 diện tích có kích thước xấu. Còn cơn gió lành, gió tốt chính là gió đi qua 1 diện tích có kích thước tốt.
Để cho dễ hiểu, hãy hình dung cửa nhà chúng ta có kích thước chiều cao 2m và ngang 0.8m. Như vậy tạm xem như diện tích lọt gió của cửa là: 2×0.8 = 1.6 m2. Vậy làm sao biết được kích thước vậy là tốt hay xấu?

2. Cách đo kích thước cửa theo thước Lỗ Ban.
_ Như trên đã nói, vậy thì đo cửa theo thước Lỗ Ban là để xác định kích thước đón cơn gió lành chứ không phải gió độc. Theo Lỗ Ban thì có tổng cộng 8 kích thước môn (môn tức là cửa chứ không phải cánh cửa):

Trường Túc, Lộc Quan, Thuận Mỹ, Lộc Tài – 4 ni thước tốt

Lập Hại, Đạo Kiếp, Ly Thất, Trường Bịnh – 4 ni thước xấu

Cách đo là kéo thước đo 2 chiều: chiều dọc và chiều ngang cửa vì đa phần cửa nhà hiện nay là hình chữ nhật chứ không phải là hình tròn như thời phong kiến. Cửa lý tưởng là có 02 kích thước: chiều dọc và chiều ngang nằm lọt trong 4 ni thước tốt. Xem tiếp ví dụ trên: cửa nhà chúng ta có kích thước: cao 2m, ngang 0.8m; như vậy là đều lọt vào Lộc Tài nếu xét theo bảng kích thước phía trên.

3. Ni số nào là quan trọng?
_ Ni số nào thì tốt cho trường hợp đó, không dùng râu ông nọ cắm cằm bà kia. 4 ni số tốt:
+ Trường Túc, Thuận Mỹ: tượng trưng cho sức khỏe, sự thuận lợi, học hành
+ Lộc Quan, Lộc Tài: tượng trưng cho tài vận, tiền bạc, thăng quan tiến chức
_ Ví dụ: cửa phòng ngủ thì đón gió sao cho gió thổi vào ta thấy thiu thiu mát, dễ say giấc nồng hoặc gió xuân tình phơi phới để vợ chồng mặn nồng chứ gió thổi vào mà nhằm ni số Trường Bịnh thì quanh năm ngủ đông lạnh lẽo, thấp khớp đau lưng, sáng dậy mệt mỏi uể oải thì thôi rồi.
Gió thổi vào phòng ngủ dĩ nhiên nên ở ni số Thuận Mỹ. Gió thổi vào phòng học cho con trẻ tỉnh táo học hành tiến bộ thì ở ni số Trường Túc. Chứ đổi ngược lại thì chết, lúc ở phòng học mà đón gió Thuận Mỹ chẳng khác gì nằm ngủ gật suốt trên bàn hay nằm ngủ mà trằn trọc canh thâu, suy nghĩ học hành thì hại sức khỏe.

4. Lưu ý quan trọng:
Có mấy lưu ý quan trọng:

a) Chỉ đo phần kích thước lọt gió thực tế
Lấy ví dụ cửa sắt kéo hay cửa lùa 1 cánh cho dễ hiểu. Tức là nếu chúng ta kéo cửa ra toàn bộ, thì lấy thước đo phần nào gió có thể lùa vào được, không đo phần cánh cửa hay ngàm cửa vì thực tế gió có thổi xuyên qua cánh cửa hay ngàm cửa, cạnh cửa, khung cửa phía trên dưới, hai bên đâu mà đo? Thầy nào mà cầm thước đi đo cả phần bao khung cửa gỗ thì thân chủ nên tiễn thầy sớm.

b) Chỉ đo phần kích thước thường xuyên đón gió
Lấy ví dụ cửa sắt lớn chính của căn nhà. 1 năm chỉ mở hết cỡ chừng 1, 2 lần dịp Lễ Tết cúng kiến, còn thì chỉ mở vừa đủ cho người đi ra đi vào, dắt xe thì có nên mở cửa hết cỡ rồi cầm thước đo không? Không nên, chỉ nên đo kích thước phần lọt gió mà chúng ta thường sử dụng hàng ngày. Đo kích thước cửa mở hết cỡ thấy tốt mà hàng ngày chỉ mở chừng ¼ để người nhà đi ra đi vào trúng gió thì cũng như không.

c) Đo tất cả các cửa, lỗ nào mà gió vào được trong nhà và có ảnh hưởng đến người trong nhà.

d) Chỉ có 1 phòng duy nhất trong căn nhà chúng ta không cần đo kích thước cửa. Chỉ cần động não 1 chút sẽ khám phá ra được phòng này.

e) Đo thước Lỗ Ban chỉ áp dụng đối với các cửa đơn giản. Nếu ai mà muốn xách thước Lỗ Ban để đi đo cửa sổ có song sắt hoa văn hay cửa lá sắt thì xin đừng đo. Rất mất công mất sức mà kết quả thu được không bao nhiêu.

TAMTHUC

Comment