No icon

chon-tuoi-lam-nha

Chọn tuổi làm nhà

(maphuong)-Chọn tuổi để xây sửa nhà là một điều quan tâm đối với người Việt theo truyền thống xưa nay, nhưng chọn tuổi nào? Chọn tuổi ai? Cuộc trao đổi giữa báo Thế giới Gia Đình và Anh Thiên Đồng – Bùi Anh Tuấn – thành viên nghiên cứu của Trung tâm nghiên cứu Lý học Đông phương sau đây sẽ giải đáp những thắc mắc đó.

Hỏi: người Việt có thói quen xem tuổi để xây hay sửa nhà, vậy chọn tuổi ra sao? Phải chăng chọn tuổi theo quan niệm ai đứng tên chủ nhà trong sổ đỏ hay ai là kinh tế chính trong gia đình thì tính tuổi người đó?

Đáp: Ta thử đặt một giả thuyết cho trường hợp này, một người cha già yếu không phải là người tạo ra kinh tế chính của gia đình, nhưng lại đứng tên sổ đỏ và người con (trai hoặc gái) là giám đốc công ty lớn nuôi cả gia đình, vậy sẽ chọn ai trong hai tiêu chí đưa ra? Chọn người con là kinh tế trụ cột? Một giả thuyết tiếp theo là người con do lý lo nào đó bị phá sản trở thành thất nghiệp, vả chăng lại tính tuổi theo người cha hay một người thân nào khác có nguồn kinh tế vững hơn? Rõ ràng đây là một sự bất nhất và tạp loạn. Và, một điều khôi hài khác, rằng hơn 4000 năm trước, xã hội không có sổ đỏ hay khái niệm sổ đỏ, phải chăng phong thủy đã không được sử dụng? Chọn tuổi theo sổ đỏ hay theo quan niệm kinh tế chính chỉ là sự nhầm lẫn giữa hiện thực xã hội và một nguyên lý lý thuyết.

Hỏi: Như vậy có phải chọn tuổi cha, tuổi chồng hay con trai trưởng theo câu “Tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử”?

Đáp: Quan niệm “Tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử” tức lấy tuổi cha, chồng hay con trai trưởng cho việc quán xét phong thủy nhà ở là một cách hiểu sai lầm. Sai lầm ở chỗ người ta lầm lẫn giữa tiêu chuẩn đạo đức xã hội cổ xưa với một tiêu chí lý thuyết của phong thủy và gán ghép hay áp đặt một cách chủ quan vào môn phong thủy. Nếu tiêu chuẩn đạo đức này được quy nạp vô phong thủy như một tiêu chí thì nó chỉ có giá trị ở các nước Đông Á hay Đông Nam Á như Việt Nam, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản…mà thôi. Điều này sẽ trở nên bất hợp lý đối với hơn một nửa thế giới còn lại là phương Tây, châu Âu, châu Mỹ, Bắc Mỹ, châu Phi…bởi họ không cùng chung quan niệm Nho giáo. Như vậy, phong thủy trở thành một phương pháp phi khoa học chăng? Bởi vậy, đây cũng là một sai lầm và không phải quan niệm của Phong thủy Lạc Việt.

Hỏi: Thế thì tiêu chuẩn hay nguyên tắc nào cho việc chọn tuổi làm nhà theo phong thủy?

Đáp: Chọn tuổi làm nhà, tức xây sửa nhà cửa theo quan niệm phong thủy của người Việt ta bao lâu nay là một việc quan trọng, nếu không nói là rất quan trọng. Theo quan niệm của Phong thủy Lạc Việt, sự tương tác của tuổi đối với các yếu tố quán xét phong thủy nhà là vấn đề đáng quan tâm. Chọn tuổi nào, tuổi ai đòi hỏi cần phải có tiêu chí học thuật rõ ràng, nhất quán và thấu đáo về lý thuyết gọi là Lý học đông phương.

Theo nhà nghiên cứu Lý học Nguyễn Vũ Tuấn Anh, Phong thủy Lạc Việt là một phương pháp ứng dụng của một lý thuyết thống nhất vũ trụ, gọi là thuyết Âm dương ngũ hành thuộc nền văn hiến Việt gần 5000 huyền vĩ, cho nên sẽ có tiêu chí cho phương pháp ứng dụng này. Cổ thư đã từng ghi nhận nguyên lý lý thuyết của thuyết Âm dương ngũ hành như sau: “ Dương trước âm sau” và “Âm thuận tùng dương” (âm phải theo dương), theo đó thì việc chọn tuổi phải là chọn tuổi Dương nhất. Như thế nào là Dương? Nếu một nhà chỉ có hai vợ chồng thì chồng là Dương, vợ là Âm, chọn tuổi chồng. Nếu vợ chồng có thêm các con thì vợ chồng là dương so các con là âm theo lý “Dương trước âm sau” theo trục thời gian, và chồng là dương so với vợ âm nên vẫn chọn tuổi chồng. Nếu vợ chồng có các con ở chung cùng ông bà thì ông bà là Dương so với vợ chồng và ông thì dương so với bà nên lấy tuổi ông là dương nhất. Vẫn như thế, cho dầu một đại gia đình tam đại hay tứ đại đồng đường thì vẫn phải chọn người dương nhất dù cho người đó già lão mất sức.

Hỏi: Trường hợp chỉ có bà hay mẹ không thôi hay anh chị em không thôi thì như thế nào.

Đáp: Nếu một nhà chỉ có bà và các con các cháu thì bà vẫn là Dương so với các con các cháu, theo lý “Dương trước âm sau” nên vẫn chọn tuổi bà, tức “Âm phải theo Dương”. Cũng như vậy nếu một nhà chỉ có người mẹ và các con, góa chồng, ly dị hay không chồng, thì vẫn chọn tuổi người mẹ vì người mẹ là Dương so với các con. Một gia đình không có mẹ cha, chỉ có người chị lớn nhất ở cùng các em thì người chị là Dương so với các em nên phải chọn tuổi chị. Kết lại, chọn tuổi cho việc làm nhà theo quan niệm Phong thủy Lạc Việt là chọn tuổi Dương nhất – theo nguyên lý “Dương trước , Âm sau” ; “Âm thuận tùng Dương”.

Xin cảm ơn anh về cuộc trao đổi rất thiết thực này.

Resized to 95% (was 786 x 1023) – Bấm vào hình dể xem theo kích thước thật
TAMTHUC

Comment