ly-ky-chuyen-ma-phat-de-vuong
Ly kỳ chuyện mả phát đế vương
- bởi map --
- 04/06/2013
Điểm qua trong sử nước Nam, dường như triều vua, chúa nào cũng đều có mả phát đế vương. Việc xem phong thủy là rất quan trong .Xét trong sử cũ nước ta, đa phần các triều đại dù vắn số hay trường vinh, đều có liên quan đến việc vương nghiệp, đế nghiệp được phát lên nhờ có mả tổ đúng ngôi đất kết. Điểm qua trong sử nước Nam, dường như triều vua, chúa nào cũng đều có mả phát đế vương. Đơn cử như một số trường hợp sau:
Đất hoa sen tám cánh. Nghiệp đế vương bát vị
Nhà Lý tồn tại trong sử nước Nam được 215 năm (1009 – 1225), trải qua 9 đời vua nối nhau giữ nghiệp nước, làm được biết bao công nghiệp cho thiên hạ. Nào lập “đất đế đô muôn đời” (Lời Thiên đô chiếu) Thăng Long năm Canh Tuất (1010), lập quốc hiệu Đại Việt năm Giáp Ngọ (1054), lại ra luật thành văn đầu tiên của nước nhà – Hình thư năm Nhâm Ngọ (1042), rồi mở mang Nho học với kỳ thi Nho học tam trường lần đầu tiên của đất nước năm Ất Mão (1075)…
Triều vua đầu tiên của nhà Lý là Lý Thái Tổ – Lý Công Uẩn, nguyên quán đất Cổ Pháp, tỉnh Bắc Ninh. Xuất thân không thuộc dòng dõi con vua, cháu chúa, nhưng trải thời thế biến động, người con đất Cổ Pháp ấy đã lên ngôi cao thiên hạ. Và theo người xưa, mọi việc đều có nguyên do của nó. Khoan nói tới tài năng, khoan nói tới hoàn cảnh lịch sử và muôn vàn những lý do khác nữa, ở đây, chúng ta nói tới ngôi mả, thế đất phát đế của nhà Lý.
Nam Hải dị nhân khi viết về vua Lý Thái Tổ cho hay: “Tục truyền đời ông thân sinh ra ngài, nhà nghèo khó, đi làm ruộng thuê ở chùa Tiêu Sơn, huyện An Phong, phải lòng một người tiểu nữ có mang, nhà sư thấy thế đuổi đi chỗ khác. Hai vợ chồng mang nhau đi, đến chỗ rừng Báng, mỏi mệt ngồi nghỉ mát. Chồng khát nước, xuống chỗ giếng giữa rừng uống nước, chẳng may sẩy chân xuống giếng chết đuối. Vợ ngồi chờ lâu không thấy, đến giếng xem thì đất đã đùn lấp giếng rồi, ngồi khóc lóc một hồi, rồi vào ngủ nhờ trong chùa Ứng Tâm gần đấy”. Theo phong thủy xưa, mộ nhà ai không tự nhiên lấp mà được thiên tạo, ắt là ngôi huyệt mộ quý, không phát đế vương thì cũng thành danh ở đời.
Cũng sách trên của Phan Kế Bính cho biết: “Xét ngôi huyệt chỗ giếng trong rừng Báng ấy, những gò ở chung quanh trông hình như cái hoa sen nở ra tám cánh, cho nên nhà Lý truyền ngôi được 8 đời, bây giờ thuộc về làng Đình Bảng, huyện Đông Ngàn”.
Sở dĩ nói nghiệp đế nhà Lý truyền 8 đời, bởi vua thứ chín của nhà Lý vừa là vua nữ, Lý Chiêu Hoàng truyền ngôi cho chồng Trần Cảnh, chuyển nghiệp đế họ Lý sang dòng Trần, nên không được tính vào. Lại nói về ngôi mộ cha vua Lý Thái Tổ ở đất Cổ Pháp, khi lên ngôi hoàng đế, đến năm Canh Tuất (1010), nhằm dịp tháng 2 “Vua về châu Cổ Pháp bái yết lăng Thái hậu, cho các bô lão trong làng tiền lụa theo thứ bậc khác nhau (vua bái yết lăng, nhìn quanh cây cối xum xuê các bầy chim muông liệng quanh rồi đậu xuống, trong lòng cảm thấy thương xót, nghẹn ngào không tả xiết. Lòng thương xót cảm động đến cả người chung quanh. Vua liền sai tả hữu tư đến đó đo lấy vài chục dặm cạnh làng để làm nơi đất cấm của Sơn Lăng, các triều vua sau đưa về táng ở xứ ấy, đều gọi là Thọ Lăng)” (Trích Đại Việt sử ký tiền biên).
Thầy phong thuỷ trả ơn cứu mạng. Đông A lập thành mang chữ “sắc”
Nhà Trần vốn xuất thân từ nghề chài lưới mà làm nên nghiệp đế, ở ngôi cao thiên hạ trong một thời gian dài. Theo thế đất mà mộ tổ nhà Trần có được ở xã Thái Đường, huyện Hưng Nhân, được gọi là: “Vì nhan sắc mà được nước”, hay:
Ba ngàn son phấn rọi bên trong;
Tám trăm yên hóa đối diện sinh.
(Trích Đại Nam dư địa chí ước biên – Cao Xuân Dục)
Thực hư của ngôi mộ tổ phát đế nhà Trần như thế nào? Tìm trong Công dư tiệp ký, ta được tỏ qua phần “Trần triều tổ mộ ký” (tức Truyện mộ tổ nhà Trần). Theo đó, tổ tiên nhà Trần vốn ở xã Tức Mặc, huyện Mỹ Lộc, chuyên nghề đánh cá. Lúc bấy giờ, có thầy địa lý Trung Hoa sang nước ta xem đất, tìm được ngôi huyệt phát đế có phát tích tại xã Nhật Cảo và chỗ kết cục ở xã Thái Đường, huyện Hưng Nhân. Chợt lúc ấy, có Nguyễn Cố người xã Tây Vệ đến, hỏi:
– Ông thấy ở chỗ này có huyệt tốt phải không?
Thầy địa lý mới ngửa mặt lên trời cười, bảo:
– Không ngờ ở nơi bình địa mà lại có đất Đế vương. Đáng chê các thầy địa lý đời nay, không thầy nào có nhãn lực!
Cố vui lắm, mới khẩn khoản:
– Nếu quả là đất Đế vương, xin ông cho tôi. Ông muốn được tạ lễ bao nhiêu, tôi cũng xin nộp đủ.
Thấy Nguyễn Cố thành khẩn nài nỉ, thầy địa lý mới bằng lòng, chỉ xin một trăm quan tiền, lại hẹn sau khi Cố lấy được nước, phải chia cho một nửa. Nguyễn Cố lấy làm thuận, đem mộ tổ táng vào chỗ ấy. Thầy địa lý sợ Nguyễn Cố phản trắc, bèn bảo:
– Táng xong tất có điềm lành. Nhưng trong hạn một trăm ngày, thỉnh thoảng phải đến thăm nom. Nếu sau cơn mưa gió sấm sét, thấy có sự lạ, thì phải di táng đi chỗ khác ngay.
Nguyễn Cố vừa táng mả tổ vào nơi ấy được ba ngày, nửa đêm bỗng có tiếng sấm to, làm kinh động tới cả vùng quanh đấy. Sáng hôm sau, quanh vùng mả táng có nhiều hòn đá nhô lên, gọi là đá tai mèo. Nguyễn Cố biết được đất quý rồi, lấy làm vui. Vợ hắn mới bảo:
– Ngôi đất ấy dầu cho là phát phúc, nhưng hiện nay làm thế nào mà lo được trăm quan tiền. Vả lại, sau khi chia đôi thiên hạ, thì còn được bao nhiêu?
Cố nghe vợ nói thế, thì trong lòng không muốn tạ lễ cho thầy địa lý nữa. Khi thầy địa lý đến lấy tiền, Cố hẹn mấy ngày nữa sẽ trả. Đến hẹn, thầy lại đến đòi, Nguyễn Cố liền bắt trói lại, rồi đến đêm vứt xuống sông. Nhưng chỗ hắn ném thầy địa lý xuống lại là bãi bồi phù sa, đang lúc thủy triều lên ngập bãi. Lúc sau, thủy triều rút, thầy bị trói nằm trên bãi ấy.
Duyên trời cơ định làm sao, thuyền chài của họ Trần đi qua, nghe thấy tiếng hô cứu, vội tới đem thầy địa lý lên thuyền, hỏi đầu đuôi cớ sự. Cảm cái ơn cứu mạng, thầy địa lý Trung Hoa nói:
– Nhờ ông mà tôi được sống lại. Xin đem ngôi đất quý ấy biếu ông.
Rồi sau lại nói người họ Trần lấy đồng đỏ đúc lưỡi tầm sét, lấy cây vang nấu nước đỏ ối để dùng. Một hôm mưa to gió lớn, sét đánh rền vang, thầy địa lý và người họ Trần đem lưỡi tầm sét cắm xuống mộ nhà Nguyễn Cố, lấy nước cây vang nhuộm đỏ tưới lên mộ. Nguyễn Cố ra, cho là mộ bị sét đánh chảy máu, bèn đem táng nơi khác. Họ Trần liền đem mộ tổ táng vào. Ngôi huyệt mộ ấy phía trước trông ra ngã ba sông Vị Hoàng, phía sau có voi phục, lâu đài và cờ gươm bài trí hai bên. Huyệt ở thế “Thổ tang phúc tàng kim” (đất giấu vàng). Táng xong, thầy phán:
– “Phấn đại yên hoa đối diện sinh”, nhà ông hẳn nhờ nhan sắc mà lấy được thiên hạ.
Hai bên giao ước, nhà Trần lấy được nước, sẽ chu cấp cho nhà thầy địa lý đời đời đủ ăn đủ mặc, lại làm giấy giao ước với nhau. Về sau, nhờ ngôi mộ ấy, Trần Cảnh vốn mũi cao mặt rồng, làm Hỏa đầu trong cung Lý Chiêu Hoàng, được nhường ngôi cho. Đúng từ ngôi mộ phát đế mà nên. Ban đầu, nhà Trần đối đãi với con cháu thầy địa lý đủ lễ. Nhưng đến cuối thời Trần, lễ ngày càng bạc. Con cháu nhà thầy địa lý theo lời dặn của cha ông, sang đưa cho nhà Trần một bản sấm thư. Mở ra, thấy ghi: “Ngôi mộ phát tích ở Thái Đường sắp hết thịnh, phải khởi thông thuỷ đạo mới giữ được lâu dài”.
Vua Trần tin lời, bèn đào đường thủy đạo từ sông Vị Hoàng xã Phú Xuân đi vào, quanh đến xã Thái Đường, nào ngờ là kế hiểm của thầy địa lý để lại, đường thuỷ đạo làm đứt long mạch, nhà Trần từ đó mà suy. Đúng là:
Tức Mặc cung hoang; Vị Hoàng sông rộng.
Yên hoa đối diện, ngàn thuở thành vàng.
Lại:
Thử hỏi Tức Mặc, họ Trần mấy vương?
Không khơi sông ấy, ngàn thuở ki thang.
(Theo Đại Nam dư địa chí ước biên)
Mộ tổ nhờ sư. Đế vương phát tích
Triều Lê sơ khởi phát từ Lê Thái Tổ sau khi đánh tan giặc Minh xâm lược mà lập nên. Nghiệp đế của triều đại này truyền nối lâu dài, được Lam Sơn thực lục dẫn ra, nhờ mả tổ táng đúng huyệt tốt mà nên cả.
Theo đó, khi Lê Lợi được sinh ra ở đất Như Áng, làm Phụ đạo làng Khả Lam. Khi ấy Nhà vua sai người nhà cày ruộng ở xứ Phật Hoàng động Chiêu Nghi, huyện Lương Sơn (theo Đại Nam nhất thống chí, huyện Lương Sơn chính là huyện Thụy Nguyên, nay thuộc huyện Thiệu Hóa). Chợt thấy một nhà sư già, mặc áo trắng, từ thôn Đức Tề đi ra, thở dài mà rằng:
– Quý hóa thay phiến đất này! Không có ai đáng dặn!
Người nhà thấy thế, chạy về thưa rõ với Nhà vua, Nhà vua liền đuổi theo tìm hỏi chuyện đó. Có người báo rằng:
– Sư già đã đi xa rồi.
Nhà vua vội đi theo đến trại Quần Đội, huyện Cổ Lôi, (tức huyện Thọ Xuân ngày nay) thấy một cái thẻ tre, đề chữ rằng:
Thiên đức thụ mệnh.
Tuế trung tứ thập.
Số chi dĩ định,
Tích tai vị cập.
Nghĩa là:
Đức trời chịu mệnh,
Tuổi giữa bốn mươi!
Số kia đã định,
Chưa tới … tiếc thay!
Nhà vua thấy chữ đề mừng lắm, lại vội vàng đi theo. Khi ấy có rồng vàng che cho nhà vua! Bỗng nhà sư xuất hiện, bảo nhà vua rằng:
– Tôi từ bên Ai Lao xuống đây, họ Trịnh, tên là sư núi Đá Trắng (hay Bạch Y thần tăng). Hôm thấy ông khí tượng khác thường tất có thể làm nên việc lớn!
Nhà vua quỳ xuống thưa rằng:
– Mạch đất ở miền đệ tử tôi sang hèn ra thế nào xin thầy bảo rõ cho?
Nhà sư nói:
– Xứ Phật Hoàng thuộc động Chiêu Nghi, có một khu đất chừng nửa sào, hình như quả quốc ấn. Phía tả có núi Thái Thất, núi Chí Linh (ở miền Lão mang, thuộc huyện Lang Chánh ngày nay); bên trong có đồi đất Bạn Tiên. Lấy thiên sơn làm án (ở xã An Khoái). Phía trước có nước Long Sơn, bên trong có nước Long Hồ là chỗ xoáy trôn ốc (ở thôn Như Áng). Phía hữu nước vòng quanh tay Hổ. Bên ngoài núi xâu chuỗi hạt trai. Con trai sang không thể nói được. Nhưng con gái phiền có chuyện thất tiết. Tôi sợ con cháu ông về sau, có thế phân cư. Ngôi vua có lúc Trung hưng. Mệnh trời có thể biết vậy. Nếu thầy giỏi biết láng lại, thì trung hưng được năm trăm năm.
Nhà sư nói rồi, Nhà vua liền đem đức Hoàng khảo (tức là Tuyên tổ của nhà Lê, thân phụ của Lê Lợi, tên Khoáng) táng vào chỗ ấy. Quả nhiên về sau, nhà Lê được Lê Lợi lập nên, dân cường nước thịnh, triều đại bền lâu.
Một đêm ngủ trọ. Có ngay mả tốt
Dòng dõi chúa Trịnh truyền được 12 đời, tồn tại song song với vua Lê thời Lê Trung hưng (1533 – 1789), dù “phi đế phi bá”, nhưng quyền nghiêng thiên hạ. Tiếng là ở dưới một người, trên cả vạn người, mà thực ra quyền bính nắm hết trong tay. Ngôi mộ tổ phát nghiệp cho dòng họ này, trong Trịnh gia chính phả của Nhật nham Trịnh Như Tấu có ghi.
Sự thể là, cụ Hưng tổ Phúc ấm vương Trịnh Liễu của chúa Trịnh Kiểm, vốn người làng Sóc Sơn, huyện Vĩnh Phúc (tức huyện Vĩnh Lộc nay, xưa vì kiêng tên huý vua Lê Trang Tông mà đổi làm Vĩnh Phúc), phủ Thiệu Hóa, trấn Thanh Hóa, cha mẹ mất sớm, lấy nghề cày cấy, chăn nuôi làm kế sinh nhai, bản tính nhân từ.
Một hôm, có cụ già tuổi ngót 70 đến xin ngủ trọ qua đêm. Cụ Liễu tiếp đãi rất hậu. Đến khuya, ông già bảo:
– Tôi xem ông có lòng thành thực tiếp đãi. Nay, ở bên Nam núi Hùng Lĩnh có ngôi đất. Để mả ở đấy, bốn đời sau có thể nên Vương nghiệp (núi Hùng Lĩnh nằm phía tây huyện Vĩnh Lộc).
Cụ Liễu nghe lời ông già, đem hài cốt tiền nhân táng vào ngôi đất ấy. Ông già lại đưa đến bên Đông núi Lệ Sơn, xứ Ngõ Thắng, xã Biện Thượng mà bảo:
– Chỗ này có thể lập ngôi dương cư được!
Rồi lại đưa đến xứ Mã Thắm, nói:
– Chỗ này là quý địa, trăm năm sau có thể làm âm phần tiếp phúc được.
Xong việc, hai người trở lại về đất Sóc Sơn cùng nhau tiệc rượu. Đương lúc chè chén vui vẻ, cụ già đi ra ngoài, rồi từ đấy không thấy đâu nữa. Về sau, cụ Trịnh Liễu cứ theo lời cụ già đã chỉ, lấy người con gái họ Hoàng làng Biện Thượng rồi dời sang ở đấy. Đến thời Trịnh Kiểm kể là bốn đời, vương nghiệp được tạo nên từ huyệt đất núi Hùng Lĩnh ông già trả ơn mà thành. Cảm công ơn ấy, nhà chúa Trịnh phong cụ già năm nào làm Tống Thiên Thần Vương để ghi nhớ công lao, đời đời thờ cúng.
TAMTHUC
Comment