chuyen-ve-thay-phong-thuy-duoc-phong-lam-quoc-su
Chuyện về thầy phong thủy được phong làm quốc sư
- bởi map --
- 11/06/2013
Lý Bách Thành là một trong những phong thủy tiên sinh nổi tiếng nhất cuối thời nhà Thanh, từng được Hoàng đế Quang Đạo phong làm “quốc sư”. Cho tới nay, trong dân gian vẫn còn lưu truyền không ít giai thoại thú vị về vị “quôc sư phong thủy” lừng danh một thời này…
Vào những năm Quang Đạo thời nhà Thanh, tại huyện Bồng Khê, phủ Thành Đô, trong một đêm mùa thu, một cậu bé chào đời. Với một gia đình ở nông thôn, một đứa con trai ra đời là niềm vui không gì tả xiết. Mong rằng, từ nay về sau, con cháu đời đời sẽ để lại tiếng thơm, trăm sự đều có thể thành, vì thế, họ đặt tên cho đứa con của mình là Lý Bách Thành.
Họ Lý ở Bồng Khê nhiều đời theo nghiệp phong thủy, đồng thời lập hẳn một quy định “truyền nội không truyền ngoại” (không chỉ không truyền cho người ngoài mà còn không truyền cho con gái). Tới năm 20 tuổi, khi đã trở thành một thanh niên tuấn tú, vạm vỡ, Lý Bách Thành bắt đầu kế thừa nghiệp tổ, nghiên cứu phong thủy.
Lý Bách Thành vừa học nghề do cha ông truyền lại, vừa kết hợp với thực tiễn, thông qua các tình huống thực tế để nghiệm chứng. Nhờ vậy, dần dần, Lý phát hiện ra rằng, những kinh nghiệm mà cha ông truyền lại vẫn có chỗ còn khuyết thiếu:
Mặc dù việc xem phong thủy xây dựng nhà cửa và phần mộ có thể đạt được tỉ lệ 70% thành công, tuy nhiên, một số lý thuyết lý luận có độ chênh nhất định so với thực tế, không phải lúc nào cũng vận dụng được.
Điều này đã kích thích Lý Bách Thành tiếp tục cầu học để đạt đến cảnh giới cao nhất của nghề phong thủy. Vì thế, Lý Bách Thành đi khắp nơi tìm danh sư học đạo, gặp bất cứ ai cũng tìm cách học hỏi, không bỏ qua bất cứ cơ hội nào.
Lý Bách Thành là một trong những phong thủy tiên sinh nổi tiếng nhất cuối thời nhà Thanh, từng được Hoàng đế Quang Đạo phong làm “quốc sư”.
Cơ hội cuối cùng đã tới với Lý Bách Thành. Tại nhà phú hộ Lý Hải, Lý Bách Thành nghe được câu chuyện về “quốc sư phong thủy” Lý Tuyết Phong (còn có tên là Lý Văn Phong) đồng thời còn biết được rằng, Lý Tuyết Phong mở lớp, nhận đệ tử ở Vũ Hán.
Biết được thông tin này khiến Lý Bách Thành vui mừng tới mức quên ăn quên ngủ suốt ba ngày liền. Sau đó, Lý Bách Thành quyết định lên đường tầm sư học đạo.
Nhờ có sự giới thiệu của Lý Hải, Lý Bách Thành đã nhanh chóng có được cơ hội gặp mặt “quốc sư” Lý Tuyết Phong. Trước khi tới Vũ Hán, Lý Bách Thành bán hơn 700 mẫu ruộng trong nhà dùng làm học phí, quyết tâm không học thành tài thì không trở về.
Sau khi gặp và nói chuyện với Lý Tuyết Phong, Lý Bách Thành hoàn toàn khâm phục vị “quốc sư” này cả về quan điểm phong thủy lẫn sự uyên bác. Sau nhiều ngày đêm cùng nhau tiếp xúc, bàn luận, lại thêm, Lý Bách Thành lại rất chăm chỉ cầu tiến, vì thế, hai thầy trò nhanh chóng trở thành một đôi bạn tâm đầu ý hợp.
Có hôm nhàn rỗi, nói chuyện về việc chân thành cầu học, Lý Bách Thành đã kể chuyện mình vì muốn tới Vũ Hán cầu học phong thủy mà bán hết cả gia sản. Lý Tuyết Phong nghe xong rất cảm động, quyết tâm sẽ truyền hết những kinh nghiệm của mình, không phụ lòng cầu học của người học trò.
Sau khi tới Vũ Hán, cố công tìm tòi học hỏi tất cả các môn trong bể tri thức về phong thủy, đồng thời tự đúc kết kinh nghiệm cho mình. Với nghề phong thủy, Lý Bách Thành đã có sẵn thiên phú, lại thêm sự chăm chỉ, khắc khổ vì thế trình độ không ngừng thăng tiến.
Trong số hơn 2.700 môn đồ của Tuyết Phong, Lý Bách Thành trở thành “kỳ tài” trong mắt mọi người. Nhờ vậy, Lý Bách Thành rất được Lý Tuyết Phong coi trọng, tin tưởng và thường xuyên mời tới nhà làm khách và nói chuyện.
Một lần, khi bàn tới những nơi được coi là kiệt tác phong thủy, biết rằng, Lý Bách Thành là người ở phủ Thành Đô, Tuyết Phong mới thuận miệng hỏi Bách Thành rằng, ở phủ Thành Đô đâu có thể gọi là “Dã lộc hàm hoa” (Con hươu ngậm hoa) hay không?
Đương nhiên, Lý Bách Thành dù là người Thành Đô tuy nhiên trước nay chưa bao giờ nghe nói về một nơi nào như vậy. Lý Tuyết Phong thấy vậy bèn nói với Lý Bách Thành rằng: Nơi được gọi là “Dã lộc hàm hoa” nằm ở đập phía Tây của đập Phiến Tử (nay nằm ở Kim Sơn, huyện La Giang của Thành Đô).
Gần nơi này có một ngôi miếu nhỏ, gọi là chùa Kim Sơn làm điểm mốc. Nhà phong thủy nổi tiếng đời nhà Đường Dương Quân Tùng có ghi lại một bài thơ bên trong miếu này (Sau này, khi trở về Thành Đô, Lưu Bách Thành cũng có lưu lại một bài thơ ca ngợi địa thế phong thủy tuyệt đẹp nơi đây). Một vị trí đẹp như nơi đây có thể có tới 3 người làm tới tể tướng, con cháu có thể hưng vượng tới hơn 50 đời.
Sau này, khi Lý Bách Thành trở về Thành Đô đã tới nơi đây để khảo sát kỹ càng và thấy đúng như những gì Lý Tuyết Phong nói. Tại khu đất này đã có tới hơn 500 ngôi mộ được chôn cất. Tuy nhiên, trải qua thời gian, ngôi miếu này tới nay đã bị phá hủy, không còn lại chút vết tích nào.
Sau 3 năm học nghệ ở Vũ Hán, Lý Bách Thành cuối cùng cũng thành tài. Trong kỳ thi tốt nghiệp do Lý Tuyết Phong đứng ra tổ chức, Lý Bách Thành đã xếp ở vị trí thứ hai. Hẳn có người sẽ hỏi, giỏi như Lý Bách Thành vì sao lại chỉ xếp thứ hai mà không phải là vị trí số 1? Vậy vị trí số 1 ấy thuộc về ai?
Xin trả lời ngay, vị trí số 1 thuộc về cháu đích tôn của Lý Tuyết Phong. Người cháu này từ nhỏ đã theo ông học nghề, thông hiểu đủ mọi tri thức về phong thủy, từ lý thuyết tới thực tiễn đều nhận được sự truyền thụ trực tiếp từ Lý Tuyết Phong, nhờ vậy mà có thành tích xuất sắc như vậy.
Sau khi học thành tài, Lý Bách Thành vui mừng trở về quê. Tài sản sau khi học 3 năm ở Vũ Hán trở về chỉ có bộ quần áo mặc trên người, hai gánh sách, một kính viễn vọng.
Trên đường trở về nhà, đi qua Thành Đô, thì thấy mọi người đang quây xung quanh một bảng cáo thị. Hóa ra đó là một bảng cáo thị của một gia đình họ Đường giàu có ở Thành Đô.
Nội dung là, gia đình họ Đường rất giàu có, tiền tài không thiếu, tuy nhiên, có một điều lạ là những người đàn ông trong gia tộc này nếu như không chết vì súng đạn thì cũng chết vì đạn pháo.
Họ Đường đã mời đủ các thầy phong thủy gần xa tới thực địa để tìm hiểu nguyên nhân khiến nam giới trong họ chết bất đắc kỳ tử như vậy. Tuy nhiên, hơn nửa năm nay vẫn chưa có ai tìm ra nguyên nhân.
Các thầy phong thủy không thể tìm ra nguyên nhân nhưng lại cảm kích sự chân thành của chủ nhân, vì vậy đã thương lượng với chủ nhân viết ra bảng cáo thị này, hy vọng tìm được một thầy phong thủy cao tay thực sự, giúp nhà họ Đường tìm ra nguyên nhân.
Ở tuổi 30, trong bụng lại đã đầy một kho tri thức về phong thủy, thấy bảng cáo thị như vậy, Lý Bách Thành bèn len vào xé xuống. Người hầu nhà họ Đường đứng ở bên thấy vậy kéo Lý tới trước mặt chủ nhân của họ, vừa đi vừa nói:
“Tên tiểu tử này chẳng biết trời cao đất dày là gì. Tuổi tác trẻ như thế này mà đã ngứa ngáy chân tay bóc bảng cáo thị. Không biết có làm nổi trò trống gì không?” Ông chủ họ Đường nhìn thấy người xé cáo thị là một thanh niên trẻ tuổi, muốn mắng cho một trận rồi đuổi về nhưng chợt nghĩ, tài năng đâu đợi tuổi tác, đã dám xé bảng cáo thị ắt cũng phải có cái gì đó.
Vì thế, ông chủ họ Đường sai người nhà trịnh trọng mời Lý Bách Thành lên nhà lớn, cùng nhau bàn bạc nhiều ngày. Sau khi bàn bạc, ông chủ họ Đường mới biết rằng Lý Bách Thành là một kỳ tài về phong thủy, vì thế càng tiếp đãi thịnh tình hơn.
Nửa tháng sau, chủ nhân mời Lý Bách Thành giúp mình giải quyết việc đã nêu trong cáo thị. Lý Bách Thành nói: “Tôi phải lên núi tự mình khảo sát một lượt rồi mới quyết định được”. Sau khi được chủ nhân đưa lên núi khảo sát về tới nhà, hơn 30 thầy phong thủy trong vùng trước đây từng giúp đỡ ông chủ họ Đường đang đợi ở phòng khách nghênh tiếp người đã xé bảng cáo thị.
Tuy nhiên, khi nhìn thấy Lý Bách Thành còn quá trẻ mọi người ai nấy đều cảm thấy thất vọng, thậm chí nhiều người còn châm chọc, mỉa mai. Những lời này dường như đã chọc giận Lý Bách Thành. Họ Lý ngay lập tức muốn thể hiện bản lĩnh của mình cho bọn thầy phong thủy kia biết mặt, bèn nói:
“Nhà ông chủ Đường gần đây có chuyện gì mừng lớn không? Mời nhiều người như thế này tới làm khách”. Câu nói của Lý Bách Thành là lời châm chọc ngược lại các thầy phong thủy đang ở nhà họ Đường, nói họ chỉ là những “thùng cơm” chứ chả được việc gì.
Những thầy phong thủy ở nhà họ Đường đều đã lớn tuổi, nào có thể chấp nhận để Lý Bách Thành châm chọc, bèn nhao nhao nói: “Chúng tôi tài hèn, không thể bằng được pháp nhãn của đại sư. Lẽ nào đại sư chỉ cần lên núi nhìn một cái là có thể giúp chủ nhân tìm ra nguyên nhân của việc nam giới trong họ chết thảm”?
Lý Bách Thành khảng khái đáp: “Chỉ là một khuyết điểm nhỏ như vậy, lẽ nào mọi người không biết? Có câu rằng: “Bạch Hổ sa chiếu sáng, không chết đao cũng chết pháo’”. Những thầy phong thủy ở nhà họ Đường nghe Lý Bách Thành nói, ai nấy đều ngẩn ngơ hết cả người.
Vì sao trước nay họ không chú ý tới điểm này mà thằng nhóc này chỉ lên núi nhìn một lượt là thấy được ngay? Thật là hậu sinh khả úy!
Một số người vẫn không phục, chất vấn Lý Bách Thành: “Vậy ngươi thử nói xem, ông chủ họ Đường phát tích được là nhờ long thế nào? Có gì làm bằng cớ không? Nếu ngươi nói được thì chúng ta sẽ tâm phục khẩu phục”.
Lý Bách Thành do dự một hồi rồi nói: “Muốn có bằng chứng thì không khó nhưng sẽ không có lợi cho chủ nhân. Phần mộ nhà này là nhờ có con cá chép tập hợp khí thiêng của trời đất mà thành. Ở dưới quan tài 5 tấc có một tầng đá mỏng, dưới tảng đá này có một mạch nước, bên trong mạch nước này có một đôi cá chép, một to một nhỏ, một cái một đực.
Nhờ vậy con cháu họ Đường mới có thể phú quý, văn võ đều song toàn, mỗi đời đều có từ 4-5 người cháu giàu sang. Tuy nhiên, con cháu họ Đường phụ nữ sẽ mạnh hơn đàn ông, trong nhà chủ yếu do phụ nữ làm chủ”.
Những thầy phong thủy nghe Lý Bách Thành nói vậy thì một mực không tin, đòi kiểm chứng lời của họ Lý nói. Chủ nhân cũng băn khoăn không biết phải xử lý ra sao. Lý Bách Thành nói: “Nếu muốn kiểm chứng thì không khó, chỉ cần đào mộ này lên là có thể thấy ngay. Tuy nhiên nó sẽ làm tổn hại tới chủ nhân vì đã phá những linh khí tự nhiên đã dồn tụ về”.
Tuy nhiên, những thầy phong thủy này liền mỉa mai: “Ông chủ Đường đã mời một thầy phong thủy cao tay tới như vậy về đây thì lo gì việc phá bỏ phong thủy của một ngôi mộ”.
Cuối cùng, sau khi lời qua tiếng lại, mọi người quyết định sẽ đào ngôi mộ tổ của nhà họ Đường lên để kiểm chứng. Kết quả đúng như những gì Lý Bách Thành đã nói. Các thầy phong thủy lúc trước còn hùng hồn tranh cãi, nay đành âm thầm bỏ đi.
Ông chủ Đường giữ Lý Bách Thành lại ở nhà mình hơn nửa năm để tìm kiếm nơi đặt mộ. Song, ở khu vực này ngoài “địa thế cá chép” đã từng đặt mộ ra không còn nơi nào tốt hơn. Hơn nữa, địa thế cá chép đã bị phá vỡ do lần đào mộ để kiểm chứng, do vậy, gia tộc họ Đường không thể giàu có như trước được nữa, tài sản cứ lần lượt bị bán bớt đi.
Không còn cách nào khác, Lý Bách Thành đành nhận tiền công rồi rời khỏi nhà họ Đường trở về quê. Đây cũng là thời điểm bắt đầu của những truyền kỳ khác không kém phần màu sắc và thú vị về vị “quốc sư phong thủy” họ Lý.
TAMTHUC
Comment