No icon

loi-phat-day-ve-dao-lam-nguoi

Lời Phật dạy về đạo làm người

Kinh Thiện Sanh, là bản kinh căn bản dạy cho ta biết cách giữ gìn các mối quan hệ đó một cách tốt đẹp, ở đó ta thấy được các quan hệ được Phật dạy đều theo hai chiều rất tinh tế, như đời: “đường hai nẻo xuống lên”.

Lời Phật dạy về đạo làm người

Bấy giờ, đã đến lúc đức Thế Tôn khoác y – bát lên đường vào thành khất thực, trên đường đi, đức Thế Tôn thấy một chàng thanh niên đang lễ bái, là người con có hiếu nên nghe theo lời dạy của cha trước khi mất, cứ mỗi sáng, sau khi tắm gội xong anh ta ra đường thực hành việc lễ bái sáu phương: Đông, Tây, Nam, Bắc, trên, dưới. Cuộc gặp gỡ là duyên khởi cho bản kinh Thiện Sanh ra đời.

lời phật dạy

Đây là một bản kinh nguyên thủy, ngắn gọn, ghi lại lời Phật dạy cách đối nhân xử thế, cách thực thi các bổn phận và trách nhiệm của người Phật tử đối với bản thân, gia đình và xã hội, rộng hơn là Phật dạy cách kiến tạo một xã hội hài hòa, một cuộc sống đầy an lành và hạnh phúc.

Trong tạng A-hàm, theo bản dịch Việt từ Hán mới nhất của Thượng tọa Tuệ Sỹ thì Kinh Thiện Sanh thuộc No.16, Phần II, Trường A-hàm. Trong tạng Nikaya, theo bản dịch Việt từ Pali của Hòa Thượng Thích Minh Châu, tương đương kinh Thiện Sanh là Kinh Giáo Thọ Thi-Ca-La-Việt (Sigàlovàda sutta) thuộc No.31, Trường Bộ Kinh. Bài viết chủ yếu trích từ ấn bản điện tử từ trang nhà Phatviet.com của TT.Tuệ Sỹ, tất cả các đoạn trích đều được đóng mở “.”, phần lễ bái sáu phương, hầu hết lấy nguyên văn trong kinh.

Tránh bốn việc ác và sáu việc làm hao tổn tài sản

Khi Phật ở tại núi Kỳ-xà-quật, dẫn đầu đoàn khất thực với đại chúng hai ngàn năm trăm vị Tỳ-Kheo đi vào thành, đức Thế Tôn thấy một gia chủ tử tên Thiện Sanh đang lễ sáu phương, Ngài hỏi:

“Vì sao, ngươi vào buổi sáng sớm ra khỏi thành, đi đến khu công viên, với cả người còn ướt đẫm, mà ngươi lại lạy các phương như thế?”

Thiện Sinh bạch Phật:

“Khi cha con sắp chết có dặn: “Nếu con muốn lạy, trước hết hãy lạy các phương Đông,Tây, Nam, Bắc, trên và dưới”. Con vâng lời cha dạy không dám chống trái.”

Phật bảo Thiện Sanh:

“Này con trai trưởng giả! Quả có cái tên các phương đó chứ không phải không. Nhưng trong pháp Hiền Thánh của ta chẳng phải lễ sáu phương như thế là cung kính đâu.”

Thiện Sinh thưa:

“Cúi xin đức Thế Tôn thương dạy cho con cách lễ sáu phương theo pháp Hiền Thánh.”

Phật bảo Thiện Sinh:

“Nếu trưởng giả hay con trưởng giả nào biết tránh bốn nghiệp kết không làm ác theo bốn trường hợp và biết rõ sáu nghiệp hao tổn tài sản. Như thế, này Thiện Sinh, nếu trưởng giả hay con trai trưởng giả nào tránh được bốn việc ác là lễ kính sáu phương”

Bốn nghiệp kết mà Phật dạy: Sát sinh, trộm cắp, dâm dật, vọng ngữ, đây là bốn điều xấu ác mà bất cứ ai cũng nên tránh, hàng ngày đọc báo chúng ta vẫn thường thấy nhan nhãn các tội phạm phạm bốn điều trên: giết người, cướp của… gây cho xã hội những bất an thường nhật. Rõ thấy, những điều mà Phật dạy chẳng có gì khác ngoài những chuyện thực thường ngày ở thế gian.

Bốn trường hợp ác: tham dục, sân hận, sợ hãi, ngu si. Về tham dục, không phải cứ tham dục là điều xấu, mà tham dục cần phân biệt có hai loại, loại tham dục phục vụ ngũ dục (tài, sắc, danh, thực, thùy) khiến cho tâm trí mê mờ, dẫn đến những vọng tưởng điên đảo, sân hận, sợ hãi và ngu si… loại tham dục này thì cần phải loại bỏ, loại tham dục thứ hai phục vụ cho chánh kiến, chánh tư duy, chánh nghiệp… cho sự học hành, phát triển nhân cách, tinh thông trí tuệ, nâng cao dân trí, sự phồn thịnh xã hội, sự bình an, sự hạnh phúc..thì cần thực hành và phát huy.

Sáu nghiệp hao tổn tài sản cần tránh:

1. Đam mê rượu chè.

2. Cờ bạc.

3. Phóng đãng.

4. Đam mê kỹ nhạc.

5. Kết bạn người ác.

6. Biếng lười.

Phật bảo Thiện Sinh:

“Này Thiện Sinh, nếu trưởng giả hay con trai trưởng giả biết rõ bốn kết hành không làm ác theo bốn trường hợp, lại biết sáu nghiệp tổn tài ấy là, này Thiện Sinh, tránh được bốn trường hợp, cúng dường sáu phương, thì đời này tốt đẹp, đời sau tốt đẹp; đời này căn cơ và đời sau căn cơ; trong hiện tại được người trí ngợi khen, được quả báo bậc nhất; sau khi chết được sanh lên trời, cõi thiện”.

Như vậy, Phật dạy người nào tránh được bốn nghiệp kết, bốn việc ác, sáu nghiệp hao tổn tài sản thì không những đời này đẹp và cả đời sau cũng được hưởng những quả tốt đẹp, đời này có duyên lành và đời sau cũng có duyên lành, trong hiện tại được người ngợi khen, xã hội ngợi khen, gia đình ngợi khen và trên hết phương ấy được an ổn, xã hội ấy được tốt đẹp, không lo sợ…

“Người nào không làm ác,

Do tham, hận, sợ, si,

Thì danh dự càng thêm,

Như trăng hướng về rằm”.

TAMTHUC

Comment