su-that-sang-to-cuoc-tim-mo-bang-ngoai-cam-o-truong-son
Sự thật sáng tỏ cuộc tìm mộ bằng ngoại cảm ở Trường Sơn
- bởi map --
- 10/06/2012
(maphuong)-Những gì tôi viết ra đây cũng chỉ mong mọi người đừng “quáng quàng” lên mà nghe nhà ngoại cảm A hay nhà ngoại cảm B rồi lấy hài cốt liệt sĩ về. Tôi chỉ ghi lại những gì tôi cảm nhận được, những gì tôi đã trải qua và những gì tôi mong muốn.
Khe Sanh lần đầu (5.2007)
Không nhớ rõ là ngày nào nữa, chỉ nhớ là khoảng tháng 5-2007. Công tác chuẩn bị về lương thực, thực phẩm, tiền hương, vàng mã do một cô ở Trung tâm lo liệu (Mình không muốn nêu lại tên của cô, vì hiện nay cô không còn làm việc tại Trung tâm nữa. Nhưng nếu không có cô ấy thì Trung tâm đã không thể đi và bản thân mình cũng không có cơ hội lăn lộn vùng đất ấy mà kể lại chuyện này). Còn thủ tục giấy tờ, công văn và công tác ngoại giao mình lo. Trước khi đoàn vào đến Quảng Trị thì cả Sở LĐ – TB&XH, Bộ chỉ huy quân sự, nhà nghỉ 27.7 đã biết mình và đã có lịch trình làm việc của đoàn tại Quảng Trị.
Bà Thiêm xịt thuốc chữa bệnh. Ảnh do PV điều tra chụp. |
Chị em bà Thiêm, Thuy “khám bệnh” da liễu? Trong ảnh là chị em bà Thiêm – Thuy xem bệnh và chụp ảnh bà cụ bị loét, lở. Ảnh do PV thâm nhập vào vườn nhà bà Thiêm để ghi lại. |
Theo kế hoạch thì thành phần đoàn ngoài gia đình liệt sĩ còn có thêm 2 nhân vật. Hai nhân vật này là Hoàng Thị Thiêm và Nguyễn Văn Biển. Sau cùng do “tiếc” (có lẽ là vậy) chuyến đi Nhật do hãng truyền thông Kyoto mời nên đã từ chối một cách không hợp lý lắm chuyến đi Khe Sanh của đoàn. Thay vào đó có 1 nhân vật được giới thiệu, chị này tên là Thoa – người Tuyên Quang là một cô đồng gọi hồn, áp vong. Ngoài ra còn có chú Phương và cô Đức Lưu (nhân vật Thị Mầu nổi tiếng 1 thời).
6h sáng cả đoàn có mặt tại bến xe Mỹ Đình. Mình là trưởng đoàn nên được ưu tiên ngồi cạnh chú Thành (chú Thành là em ruột của liệt sĩ Thịnh – thông qua web đã tìm được mộ nên theo ủng hộ và hỗ trợ). Qua Phủ Lý, qua Vinh, qua Hà Tĩnh, qua Quảng Bình. Lần đầu mình đi dọc tuyến đường Hà Nội – Quảng Trị nên không cảm nhận được gì.
Phóng viên Nguyễn Hân giả tâm thần, chị em bà Thiêm – Thuy ra sức bắt ma, chữa bệnh. Thế nhưng, trong ý kiến gửi VTC, bà Thiêm luôn từ chối việc chữa bệnh và yêu cầu VTC giải thích “thế nào là chữa đủ các bệnh trên trời dưới bể”. |
23h đêm hôm đó đoàn tới nhà nghỉ 27.7 và có thêm 2 nhân vật nữa nhập đoàn là 2 cháu gái liệt sĩ từ Quảng Ngãi vào, chị Bình và bạn Minh.
11h hôm sau, cả đoàn lại tiếp tục hành trình theo đường 9 từ Đông Hà vào làng Cát (Khe sanh, Hướng Hóa, Quảng Trị). 14h chiều tới làng Cát.
Nhìn lên trên là đỉnh núi cao ngút mắt, thở dài mà vẫn phải tươi tỉnh để mọi người an tâm bước tiếp. Hành trình chinh phục ngọn núi cao – nơi mà hơn 30 năm trước trên đỉnh là đồi Thằng Mỹ – là mục tiêu mà đại đội của chú Trần Minh Tiến cần phải tiêu diệt vào đêm ngày 28.5.1968.
Đêm ấy, mọi người ngủ trong rừng Trường Sơn.
Mình thiếp đi được một lúc. Giữa rừng Trường Sơn, trên là trời cao, quanh là rừng, dưới lưng là nền đất núi trải bạt mà ngủ ngon ơ, không muỗi, không vắt rừng, không mưa. Yên lành như nằm giữa cái giường êm ái của mình giữa lòng thủ đô Hà Nội ấy.
Trời sáng mờ mờ. Chưa kịp chuẩn bị gì thì gia đình của một liệt sĩ (giờ vẫn không nhớ tên chú ấy) – gia đình có 2 cậu cháu trai to béo khỏe mà lười và sợ ma ấy lục tục kéo nhau xuống núi. 2 cậu con trai và cô con gái liệt sĩ không nói năng gì, chỉ có bà em gái liệt sĩ ra nói chuyện: “Gia đình xin phép xuống trước vì chả hy vọng tìm được liệt sĩ. Chúc cả đoàn mạnh khỏe”.
TS Vũ Thế Khanh, Giám đốc Liên hiệp UIA: “Cô Thiêm không phải là nhà ngoại cảm, mà chỉ là người có khả năng đặc biệt, nhìn được bằng con mắt thứ ba. Liên hiệp UIA cũng không cấp bằng chứng nhận nhà ngoại cảm cho cô Thiêm”. GS.TSKH Phan Anh (GĐ Trung tâm nghiên cứu tiềm năng con người) cũng khẳng định không cấp giấy chứng nhận nhà ngoại cảm cho bất kỳ ai. |
Mình còn đang lục sục, một chị cháu gái của liệt sĩ Vũ Bá Đường và một cô thanh niên xung phong đi theo đoàn đã kéo nhau ra chỗ mà chiều tối qua liệt sĩ “nhập” chỉ chỗ.
Ăn sáng qua loa chút mì tôm, mình cố gắng nán lại để đợi BCH quân sự tỉnh Quảng Trị đưa lính vào giúp tìm kiếm. 4 chú bộ đội vác mấy cái bao sau lưng nhẹ hều. Mình giật giọng: “Hay nhỉ, các anh đi quy tập liệt sĩ mà không có dụng cụ đào bới hay đại khái là cuốc, xẻng gì sao?”. Mấy cậu lính trẻ cứ nhìn mình cười cười: “Có chị ạ, chị bình tĩnh, trông chị căng thẳng quá thế”.
Nhìn mãi mới thấy có con dao, rồi lôi trong bao tải ra nào là cuốc to cuốc bé, xẻng to, xẻng vừa vừa. Một cậu đi ngay sau lưng mình chặt bùm bụp mấy cành cây, tra cán xong, cậu ta cười: “Chị tính đi đường rừng trơn trượt như thế, đường là đường đèo có bằng phẳng gì đâu mà em mang theo mấy dụng cụ cồng kềnh được. Em chỉ mang đồ lên rồi lấy cây trên rừng tra cán thôi chị ạ. Chị đúng là người thành phố nên không hiểu đâu”.
Tổ mối vỡ, lẫn với đất, hay xương thịt liệt sĩ đã tan vào đất? Ảnh chụp trong chuyến bà Thiêm tìm mộ ở Trường Sơn. |
Đang mải nói chuyện trên này thì khúc dưới ầm ầm, to tiếng như ai đang chửi bới nhau. Tiếng gào thét, tiếng la hét làm cả mình và mấy cậu lính giật mình hốt hoảng. Chạy vội lại thì mình hoảng lắm. Chị Dung – cháu liệt sĩ Đường, cô thanh niên xung phong ngoài 50 cứ nhảy lên chồm chồm, mắt vằn đỏ tay lăm lăm mấy cái xẻng không có cán: “Đào đi, đào mau lên, tao đang nằm ở đây này, mau lên, mau lên chứ”. Mấy cậu lính sợ quá làm theo, đào liên tục.
Đất liền thổ cứng quá, mấy cậu lính cứ lè lưỡi. Hố đào được nới rộng và sâu hơn. Tay rộp trầy xước hết cả. Cả đoàn đang tập trung thì tự dưng cô thanh niên đứng dậy hét to: “Tu tu, chúng mày ơi, sướng quá, tao sắp được về nhà rồi, tu tu sướng quá, chúng mày ơi, tu tu”. Rồi nhảy chân sáo lung tung quả đồi. Ối giời ôi. Sợ quá. Cô thanh niên xung phong ấy nhào ra chỗ khác, cách xa chỗ đang đào và hét lên như vậy. Mấy cậu lính và một vài anh thanh niên là cháu các liệt sĩ cũng nhào xuống đào giúp. Mình cũng không hiểu nhưng anh bên huyện đội huyện Darkrong bảo mình: “Em ơi, kinh nghiệm đất liền thổ thế này chẳng có hài cốt đâu, bọn anh có kinh nghiệm bọn anh biết, sâu hơn 1m và rộng thế này rồi có đào thế đào nữa cũng không có đâu. Ý em thế nào?”.
Xúc tổ mối lẫn đất ngay trên mặt đất. |
Mọi người mệt quá. Trưa! Nắng đứng bóng chính ngọ. Mấy cậu lính ngừng việc mở lương khô và nước uống mang theo ra ăn. Mình mời mấy cậu ấy và anh chỉ huy trưởng hôm đó nhưng chỉ cười: “Dạ. Lính bọn em có đồ mang theo rồi, chị và các cô chú cứ ăn đi ạ”. Nhìn mấy cậu lính trẻ nhai mì tôm, uống nước chai mang theo dưới tán lá cây rừng và nhìn lại cả đoàn của mình trải bạt ăn cơm và mì gói mang theo tự dưng thấy nghẹn cổ họng.
Không gian yên lắng lạ thường. Mỗi người một ý nghĩ. Các cậu bộ đội xin phép xuống vì đã đào tới 2 chỗ mà không thấy gì cả. Cả đoàn nằm lăn ra bạt, ngay cạnh hố đất vừa đào. Điện thoại từ Sở lao động và BCH tỉnh Quảng Trị gọi liên tục: “Thôi cháu ạ, chiều nay cháu cho mọi người xuống núi đi Hằng nhé. Kinh nghiệm của bên quy tập họ đã báo cáo là không có hài cốt ở khu vực đang đào đâu cháu ạ. Xuống đi nhé”.
Tổ mối là xương sọ, còn đất là da thịt. Nhiều độc giả đã phẫn nộ, xót xa khi nhìn những tấm ảnh này. |
Mệt quá, mình lăn ra ngủ. Ai muốn làm gì thì làm. 14h chiều đang còn ngái ngủ thì nghe mọi người hét ầm lên: “Tanh quá, như có mùi máu ấy”. Mình tỉnh ngủ: “Vớ vẩn, rừng thì khô mà nắng còn chưa tan, máu ở đâu? Tanh ở đâu ra? Vớ vẩn!”. Hơn 10 con người ấy đều công nhận có mùi máu tanh, còn duy nhất mình chả có cảm giác gì. Còn đang mải hít, ngửi xem có hay không thì chị Dung cháu liệt sĩ Đường lại thở hổn hển, giơ tay giơ chân ầm ĩ, huơ tay lên đầu, mặt tím ngắt, mắt đờ đẫn. Bên này thì cô thanh niên vỗ ngực bùm bụp: “Chúng mày có biết tao là ai không? Tao mà chưa về thì chưa thằng nào ở đây được về nhé”.
Lúc đó, mình sợ thực sự. Mình tròn mắt ra nhìn và quan sát. Quan sát gương mặt cô Bảy xem có gì khác lạ không? Xem gương mặt chị Dung – cháu liệt sĩ Đường. Chị này sau khi khua chân, múa tay, mắt đờ đẫn, mặt nhợt nhạt, hơi thở hổn hển thì lấy lại khí sắc nhưng gương mặt còn thất thần. Tỉnh lại thì nhào ngay xuống hố vừa đào gào ầm lên: “Ôi cậu ơi là cậu ơi, cháu không thể nào thấy xác cậu đâu cậu ơi. Xác cậu cháy thành tro bụi rồi còn đâu cậu ơi”.
Thật đau xót khi người thân không vái lạy liệt sĩ, mà vái tổ mối! |
Vừa gào chị ấy vừa cào cào đất, vơ lấy vơ để mấy nắm đất, thả vội vàng mấy đồng tiền 500 giấy đỏ (tiền thật) xuống hố đất vừa đào. Mình thần người ra. Ai cũng im lặng. Cô L và chú S cùng vài người nữa vẫn kiên trì đi tiếp xuống dưới và đào bới tiếp. Dưới – là 1 khu rậm rạp, chưa có lối mòn. Mọi người phải phát cây rừng để đi. Theo “linh hồn” chú T.M.T nói thì có vài chú nằm chỗ đó. Đào mãi thì thấy mối ăn. Vài mảnh trắng trắng (không hiểu là cái gì).
“Anh đây” – tự dưng cô Bảy lại nói như vậy, mọi người chạy lại. Cô ấy đứng vắt vẻo. Một tay vịn cành cây, chân cứ đung đưa. Cô L hỏi: “Anh nào ạ?” “Anh đây, anh T đây”. Cô L òa khóc (sau này chính cô L nói đó là chú T vì chú ấy bị gãy chân lên chân đung đưa như thế). “Thế anh nằm đâu anh chỉ cho em với?” – cô L hỏi cô Bảy (mà khi đó theo mọi người là linh hồn chú T nhập vào cô Bảy). “Anh nằm ở đây chứ ở đâu? Nhưng còn gì nữa đâu. Thôi em về đi. Anh ở đây còn có đồng đội bạn bè”.
Cô L òa khóc tiếp rồi nhảy vội xuống cái hố vừa đào lấy cái khăn đỏ ra và bốc đất cho vào đó.
Rồi chả hiểu sao, cô đồng đi cùng lại đòi hút thuốc. Cô đồng bảo mình: “Thôi về đi cháu, các chú vẫn phải đi chiến đấu để bảo vệ vùng đất biên cương này. Về đi cháu”.
Độc giả chứng thực đây là đầu lâu hay tổ mối? |
Cô L lấy đất xong, thắp hương xung quanh đó, không quên mang theo cái khăn có gói đất và những mảng trăng trắng ấy theo. Mọi người trở lại chỗ cũ. Chị Dung và gia đình liệt sĩ Xuân Tịnh đã bốc đủ đất gói thành 2 gói có bọc cờ đỏ sao vàng. Cả đoàn thắp hương khấn thần núi, thần sông, các linh hồn liệt sĩ và xuống núi cùng 3 gói đất (1 của gia đình liệt sĩ Vũ Bá Đường, 1 của gia đình bác liệt sĩ Xuân Tịnh, 3 là nắm đất nhỏ của cô L).
Cả đoàn về lại nhà nghỉ 27.7. Mình cho tổ chức một cuộc giao lưu ngay đêm đó tại 27.7. Đại diện có Sở LĐTB&XH, BCH quân sự tỉnh, nhà nghỉ 27.7, thân nhân liệt sĩ tại nhà nghỉ và cả đoàn.
Thay mặt mọi người, mình cảm ơn và báo cáo công việc của đoàn tại Khe Sanh. Anh Chí – giám đốc nhà nghỉ 27.7 khi đó có phát biểu 1 vài câu (mình không nhớ chi tiết nhưng có ý không chấp nhận những câu chuyện mà mọi người kể khi ở Khe Sanh). Tự dưng, cô đồng nhảy dựng lên quát: “L về thôi, lên thôi, anh không ở đây nữa đâu”.
Hai cục vật chất nhặt ở trên quả núi rộng lớn này liệu có phải đèn ba pin? Lấy gì để khẳng định nó là đèn ba pin của liệt sỹ Tiến? |
Cục gỉ được gói cùng với đất, mối thành liệt sĩ. |
Mọi người lục tục kéo lên, mình nán lại nói chuyện thêm với mọi người. Sau đó mọi người có kể lại là cô đồng giãy lên, làm ầm ĩ một lúc rồi thôi. Sáng sớm hôm sau, mình và chú Thành – em trai liệt sĩ Thịnh đang yên nghỉ tại nghĩa trang huyện Triệu Phong tranh thủ ra thắp hương và chào liệt sĩ Thịnh để về lại Hà Nội.
Cả đoàn ra về. Tối khuya về tới Hà Nội, chú Thành đưa mọi người ra cầu Long Biên và thả toàn bộ gói đất mà cô L mang về xuống dòng sông Hồng cho linh hồn các chú ấy được mát mẻ.
Làng Cát (Khe Sanh) lần 2 (tháng 5.2008)
Sau chuyến đi Khe sanh lần 1, mình vẫn còn lơ ngơ. Những sự kiện được chứng kiến như liệt sĩ A, liệt sĩ B “nhập” về chỉ mộ, mình vẫn biết mà để đó, chưa có ý kiến gì cả. Tất cả những gì mình làm sau đó và kể cả lần đi Khe Sanh thứ 2 cũng do cô L thu xếp. Mình chỉ quyết về kế hoạch và đường lối làm việc.
Trở lại sư 308 để tìm thêm thông tin về trận đánh cuối tháng 5 đầu tháng 6 năm 1968 tại sư đoàn thấy con số liệt sĩ hy sinh không phải là vài chục mà lên tới vài trăm. Trong danh sách liệt sĩ có một cái tên khiến mình chú ý: Trương Triệu Quý. Bác này lạ là phần đơn vị ghi là E88 trong khi các chú kia, có cả chú T.M.T ghi là E102. Thú vị hơn là phần nguyên quán ghi là Yên Phong (sau này mới biết chú nguyên gốc là dân Hà Bắc) nhưng thân nhân lại ghi 189 Trần Nguyên Hãn, Hải Phòng.
Khi đó lạ lắm, không hiểu cái gì cả. Mãi sau này khi đã nắm thêm được thông tin và tự mình đọc rất kỹ lịch sử sư 308 thì mới hiểu Sư 308 có 2 sư đoàn lớn là 102 ký hiệu là E102 (trung đoàn Thủ đô) và 88 ký hiệu là E88 (Trung đoàn Tu Vũ). Sau thời kỳ 1968 thì Trung đoàn Tu Vũ không chiến đấu tại Quảng Trị mà tiến lên Tây Nguyên, rồi thẳng vào Đông Nam Bộ sáp nhập vào sư đoàn 1, rồi sư 5, rồi sư 9.
Hình ảnh bà Thuy xúc tổ mối ở ngay mặt đất, chứ không phải dưới hố đã đào từ năm 2007. |
Nhìn chằm chằm vào dòng thông tin của chú Trương Triệu Quý có một cảm giác rất lạ mà chưa thể giải thích nổi. Có gì đó cứ thôi thúc mình. Về Hải Phòng nhiều lần nhưng không quyết tâm tìm mà chỉ nghĩ cần tìm thôi. Vài lần như vậy thành ra phải “chỉ đạo” cho đồng chí Hùng – con 1 liệt sĩ và là Trưởng đại diện của Marin ở Hải Phòng: “Anh tìm cho được thân nhân của chú này xem tình hình thế nào?”.
Sau 2 tuần thì vào một ngày nắng chang chang, mình có điện thoại. Khi đó đang đứng giữa sân của tập đoàn PRIME. Nắng lắm! Chị ấy xưng là cháu gái của liệt sĩ Trương Triệu Quý đang gọi từ Hải Phòng. Một khoảng cách gần 200km mà người mình da gà nổi hết lên. Đó là thời điểm giữa tháng 4 năm 2008.
Đầu tháng 5.2008, một cuộc họp mở rộng cho thân nhân gia đình liệt sĩ sư 308 hy sinh năm 1968 đã được tổ chức tại văn phòng Marin ở HN. Tham gia có 7 gia đình thân nhân liệt sĩ, đại diện Marin, nhà ngoại cảm Nguyễn Ngọc Hoài. Buổi họp để chuẩn bị cho chuyến vào Trường Sơn lần 2.
Nhà báo Đào Thanh Tuy ngồi chứng thực cảnh bà Thuy đào tổ mối ngay mặt đất, chỉ sâu có vài cm, thế mà bà Thiêm khẳng định là hài cốt và đợt đó là đào tiếp ở hố đã đào năm 2007. |
5h ngày 5.5.2008, anh Hùng đã gọi cửa. Mình dậy lúc 4h. Mọi công tác chuẩn bị có cô L lo liệu.
Đoàn xe của thân nhân liệt sĩ hơn 10 người. Đoàn xe Trung tâm ngoài xe chú Thành 12 chỗ có thêm xe anh Hùng 4 chỗ từ Hải Phòng lên.
Xe qua bách hóa Tổng hợp Thanh Xuân đón em Đào Thanh Tuy – Báo Nông thôn ngày nay.
Xe chạy tới cầu Hà Đông đón thêm bạn cô L và cũng là bạn học của liệt sĩ T.M.T, đón thêm 2 phóng viên là em Bình – Báo Lao động xã hội và em Dũng – Báo Khoa học đời sống.
Qua Thanh Hóa đón thêm 3 người nữa là Hoàng Thị Thiêm, Thuy (Thuy là em gái Thiêm) và chồng của Thiêm. Chả ai chào hỏi ai.
Lên đường
Tối muộn ngày 5.5.2008, cả đoàn mới tới nhà nghỉ 27.7. Chú Bằng và chú Hùng (Sở LĐTB&XH Quảng Trị) đã bố trí sẵn nên việc lấy phòng, nghỉ ngơi cũng không có chuyện gì nhiều. Nhưng cả chặng đường mình rất lo lắng một chuyện. Ngay đêm đó chị Hoài đề nghị mình cho gặp gia đình liệt sĩ Quý. Mình mời cháu liệt sĩ sang, chị Hoài có hỏi một vài thông tin (Chuyện tìm kiếm liệt sĩ Quý và chi tiết từ lúc chị Hoài gặp anh Dương và tìm ra chú Quý – chi tiết tại Hành trình tìm liệt sĩ của www.nhantimdongdoi.org).
Khi anh Dương ra khỏi phòng, chị Hoài có nói: “Rắc rối quá em ạ, hay cho chị về lại Hà Nội thôi, chị không vào Khe Sanh đâu. Vụ này phức tạp và có nhiều chuyện lắm em ơi. Cho chị về”.
Nhà báo Nguyễn Dũng (áo cam) ngồi xem đào tổ mối ngay mặt đất. |
Mình chỉ nói: “Đã tới đây, chị phải giúp em, chuyện đâu còn có đó, em có thể mời bất cứ ai ra khỏi đoàn nếu làm ảnh hưởng đến công việc chung. Mục đích của chuyến đi đã thống nhất ngay từ đầu tìm được chú nào thì tốt, còn chủ yếu là cầu siêu cho nhóm liệt sĩ hy sinh trong đợt 28.5.1968 của sư 308, chị an tâm”.
Ăn sáng xong cả đoàn vào chợ Đông Hà mua sắm thêm. Từ chợ Đông Hà cả đoàn lại lên Khe Sanh. Qua nghĩa trang liệt sĩ huyện Hướng Hóa cả đoàn vào thắp hương, duy chỉ có mình và Hoài ngồi lại xe.
Chiều cả đoàn vào làng Cát. Nó vẫn thế, chỉ duy nhất một điều là bọn trẻ con thân thiện hơn. Chúng nó kéo hết ra chào đón đoàn. Và đây là lần đầu tiên mình vào bản của dân làng Cát. Cả bản có hơn 20 nóc nhà. Trẻ con toàn áo một manh, quần một mảnh, có đứa còn cởi truồng, chân đất.
Người trong bản là dân tộc Vân Kiều nên ai cũng đen nhẻm đen nhèm. Nhà trưởng bản có một cái tivi cũ kỹ xem ra không có cái tivi nào cũ bằng. Nhà tối thui, dưới sàn là gà và lợn mọi. Chúng cứ quang quác vì người lạ đông quá, bọn trẻ con thì bu đen dưới chân nhà sàn. Chia bánh kẹo xong, cô L vào vấn đề là muốn tìm liệt sĩ và nhờ bản giúp.
Đây là chiếc răng cửa? Nhà ngoại cảm tin là răng cửa, nhưng các nhà báo đi theo không tin. Răng là hợp chất cực bền, chả kém gì đá, có thể tồn tại cả ngàn năm trong lòng đất, chứ mới mấy chục năm mà đã thế này thì khó tin lắm. |
Xì xồ rồi lại xì xồ, bọn trẻ phiên dịch lại cho lớp người già, và trả lời thay cho người già. Tiền cúng thần núi, thần sông xin tìm liệt sĩ được trao cho trưởng bản và đoàn lại hành trình lên cao điểm Rolo.
Lại leo núi. Mình cứ bám vào anh Hùng và thằng em Tuy. Lần này có các anh và các em theo cùng nên mình không vất vả, khổ sở như lần trước. Từ đây mình mới chú ý tới cháu liệt sĩ Quý, tức Trương Thái Dương. Anh này đậm người. Cứ leo một khúc lại ngồi lại thở dốc, mặt đỏ bừng như chú Tiến. Thở, nghỉ, leo tiếp. Mấy thằng bé dân tộc đi theo có thêm việc làm mang giúp đồ cho mọi người. Chúng nó cứ thoăn thoắt còn người Kinh thì cứ than cao quá, mệt quá, mỏi quá.
Mình lầm lũi đi sau chị Hoài và nhóm anh Hùng.
Trường Sơn vẫn thế. 1 năm qua đi các chú ấy vẫn còn đâu đó loanh quanh vùng núi này.
Chiều chạng vạng đoàn cũng lên tới nơi. Lần này thanh niên, nhà báo theo nhiều và mình đã từng đi một lần rồi nên cũng thảnh thơi.
Người thân các liệt sỹ tin nhà ngoại cảm nên cứ thế bốc đất và tổ mối. |
Vào cuộc
Theo ý kiến của mọi người, đoàn tập trung xa hơn chỗ năm ngoái khoảng 500m (chỗ này bằng phẳng hơn, thoáng đãng hơn và gần với khu vực đào năm ngoái hơn).
Vừa đặt ba lô là trời sầm xuống. 3 cậu nhà báo và mấy cậu thanh niên con cháu liệt sĩ vội vàng chặt cây rừng căng bạt làm lều trại. Lều sắp xong thì mưa. Mưa rừng. Ào ào. Bạt không đủ kín. Thấm nước mưa. Nhìn ra xung quanh rừng âm u. Mưa rừng đến rồi đi cũng nhanh. Mọi người bắt đầu chuẩn bị cơm nước. Rau ngót khô, gạo, mỳ gói mang theo, củi là cây khô trong rừng. Khói nghi ngút. Cơm vừa xong là chiều tối sẫm. Ánh lửa bập bùng.
Nhà báo Tuy và nhà báo Dũng lĩnh xướng những bài hát về Trường Sơn, về bác Hồ. Lửa vẫn bập bùng. Mình cũng tham gia cổ vũ cho mọi người. Chồng Thiêm chả hiểu sao tự dưng mắc võng tận phía bìa ngoài, hì hục tìm cành cây treo võng. Anh Dương cháu chú Quý cũng kiếm cho mình một chỗ gần lán trại. Còn lại chui hết cả vào trong lán. Lần này mình bớt ngu hơn lần trước nên tranh thủ ngủ. Đâu có đó tiếng thì thầm. Chồng Thiêm tự dưng nhảy lên đùng đùng rồi khóc, rồi cười. Vớ vẩn.
Nhà báo Dũng (trái), chú Tiến và nhà báo Tuy (phải) thể hiện tài năng ca hát. |
Nhà báo Đào Thanh Tuy bưng một “bộ hài cốt” tổ mối. Khi anh đào hố làm bếp, phát hiện tổ mối, lập tức mọi người xúm vào khẳng định là… hài cốt. |
Đêm lạnh quá, nên dậy sớm, đã thấy chị Hoài đang nói gì đó với anh Dương. Trời sáng dần dần. Lục tục thay nhau đánh răng. Cháo, mỳ ăn sáng. Anh Hùng gọi mình ra. Hóa ra đêm qua Hoài đã ngồi vẽ lại nơi chôn cất chú Quý. Hoài nói nhanh với mình: “Ông Quý không chết ở đây mà chết bên kia. Mình tin chị Hoài”.
Cô L xăm xăm dẫn đoàn gia đình liệt sĩ xuống cái vực mà năm ngoái đã tìm chú T.M.T ở đó. Nhẽ ra mình phải ngồi lại ngay lán trại để điều phối các hoạt động nhưng không hiểu tại sao lại quyết định đi theo chị Hoài. Anh Dương, anh Hùng đi theo. Cô L đi rồi thì thằng bé dân tộc mới lò mò lên. Anh Dương túm luôn nó hỏi. Anh ấy đưa hình chụp năm ngoái hỏi nó có biết chỗ này không? Nó bảo có.
Thế là bỏ lại sau lưng đoàn gia đình liệt sĩ (họ đã theo cô L và Hoàng Thị Thiêm xuống vực phía dưới), mình đi theo hướng tiến vào sâu hơn. Không dám dừng lại cứ cắm đầu mà đi. Đi hết con dốc này đến con dốc khác. Chợt nghĩ! Sao mình liều thế. Nhỡ chết ở cánh rừng hoang vắng này, biết đâu mà tìm. Anh Dương cháu chú Triệu Quý đi trước, Hoài tiếp, mình bám theo anh Hùng. Cứ lầm lũi đi.
Bà Thuy đang xúc đất và mối. |
Lúc đầu còn hồ hởi, càng đi càng vào sâu, càng không thấy đường. Trên đầu là rừng già, men theo cây rừng mà đi. Vắt rừng! Cả đời chưa thấy vắt chỉ nhìn thấy con đỉa ở những mớ rau mẹ mua. Sau cơn mưa đêm, vắt rừng như lá cây rừng. Nó quăng mình bám chặt vào da thịt. Máu và máu, tanh tưởi khắp người. Lọ cao mang theo xoa cho bằng hết vẫn không tránh nổi vắt. Loài vắt nhỏ hơn con đỉa, bé hơn con sâu đo. Đi có nhanh cỡ nào vắt cũng bám được vào người. Lúc đầu còn rú lên vì sợ và đau. Sau không còn sức để rú nữa. Mặc vắt. Sau chỉ kịp vừa chạy, vừa đi vừa gạt vắt không dám dừng lại một giây phút nào.
Mấy chị em tranh nhau rửa chân và lau mặt, tranh thủ tìm và gạt những con vắt còn lại trên người. Anh Dương thở hắt ra vì mệt. Mình không nói câu nào. Nhìn vách đá và dòng suối lạnh mà sợ. Chưa khi nào mình có cảm giác sợ chết như thế.
Mình nhất định không đi nữa. Quay về thôi, nếu chiều không qua được con suối này, nước suối lên chết cả lũ. Chân lạnh cóng vì nước suối. Ngửa đầu lên thấy những giò phong lan rừng đẹp mê hồn. Cao quá. Mím chặt môi, cương quyết: “Phải nghe em vì em vẫn là trưởng đoàn, về lại nơi xuất phát thôi. Không thể tìm được”. Anh Dương mệt, anh Hùng cũng mệt. Chị Hoài cứ cố: “Đi thêm chút nữa”. Cậu dân tộc cũng hốt hoảng: “Lạc đường rồi, tao quên rồi, chúng mày đứng đây để tao cắt rừng tìm đường về”.
Chỉ trong vòng một ngày ngắn ngủ, mà chị em bà Thiêm – Thuy đã tìm được 8 bộ hài cốt trên đồi Yên Ngựa. Tuy nhiên, các PV theo đoàn chỉ tin đó là tổ mối. |
Chưa kịp nói gì cậu dân tộc đã biến mất sau những tán cây rừng. Đợi khoảng hơn 30 phút, chính chị Hoài phải hét lên: “Lấy cây rừng đánh dấu mũi tên đi, về thôi”.
Quay lại. Cả chặng đường lại chạy vắt. Mình gọi cho Tuy. Tuy bảo: “Nó bảo tìm được 8 chú rồi nhưng chuyện còn dài, ra em sẽ kể”. Cả đoàn hơi chưng hửng.
Cả đoàn tới nơi tập kết khoảng 4h chiều. Nhóm cô L, Hoàng Thị Thiêm, Thuy và gia đình cũng lần lượt kéo ra. Mình nhìn thấy vài “gói tròn bọc lá cờ Tổ quốc”.
Trời chiều. Trường Sơn lạ lắm. Nắng không còn chiếu thẳng mà lấp ló trên những tán cây. Mình xuống tới nơi nhưng tâm trạng rất căng thẳng. Phần vì nhóm đi tìm chú Quý không có kết quả, phần vì nhóm cô L tìm thấy 8 chú. Khu lán trại vui không ra vui, buồn không ra buồn. Mỗi người một tâm trạng. Thân nhân liệt sĩ có người thẫn thờ ngồi nhìn xuống khu vực đang đào bới, người thì thấy mình là muốn hỏi ngay.
Bà Hoàng Thị Thuy đang cố giải thích đất, tổ mối, rễ cây, tạp chất… là xương cốt, thịt da cho ông Sinh hiểu. |
Bọn em Tuy (nhà báo) thì nhìn mặt rất khác lạ. Chúng chả nói chả cười. Mình hỏi ngay Tuy:
– Sao em?
– Thì tìm được 8 chú, vong nhập vào chỉ nhưng chỉ có đất đen?
– Di vật thế nào?
– Không có gì, cô L có nói có cái nắp đèn pin nhưng em cũng không biết có đúng không?
– Theo em nên thế nào?
– Chị phải có ý kiến.
– Ừ!
– Theo em nên làm 1 cái bia là tìm tới đây thôi. Tuy nhiên còn tùy gia đình chị ạ. Bọn em chán quá nên xuống suối tắm rồi, sau em cũng chả biết cụ thể thế nào cả.
Mình quay ra hỏi gia đình liệt sĩ. Có một chú là em trai của liệt sĩ nói (mình quên tên chú liệt sĩ này): “Tôi cũng không rõ. Nhập vào mấy cô kia chỉ mộ nhưng có thấy gì đâu cô? Tôi cũng không biết. Thôi, cũng gói vào rồi xin chuyển vào nghĩa trang liệt sĩ Đường 9, chứ gia đình tôi không có căn cứ mà mang về quê”.
Cậu cháu liệt sĩ An thì mồ hôi mồ kê nhễ nhại: “Thôi, để lại nghĩa trang Đường 9, chứ có gì đâu mà dám chắc là liệt sĩ nhà mình”.
Duy chỉ có một gia đình liệt sĩ ở Ninh Bình (tên là gì mình cũng không nhớ rõ) và cô L là hồ hởi nhận.
Khi đó, ai cũng mệt, anh Dương và chị Hoài – Hùng cùng muốn xuống luôn trong chiều. Mình quyết định xuống.
Nhà báo dựa vào hàng trăm tấm ảnh chụp tổ mối để khẳng định đây là tổ mối. Còn bà Thiêm khẳng định đây là hài cốt, thì cần phải chứng minh bằng khoa học. |
Có thật là quy tập được 8 bộ hài cốt?
Cả đoàn thu dọn đồ đạc. Mình dửng dưng. Không có chút cảm xúc vui buồn. Bỏ lại sau lưng là cánh rừng Trường Sơn, là một trận lạc rừng tưởng chết bởi vách núi cao, nước suối lạnh và những con vắt tanh nồng mùi máu tươi.
Xuống tới làng Cát đã có xe của BCH quân sự tỉnh Quảng Trị đón. Chào hỏi xong mình quay ra chỗ chú Thành. Khi chú nghe báo tìm được liệt sĩ T.M.T chú có cố gắng trèo lên cao điểm nhưng tới đó không chụp hình được vì không ai cho quay phim cả. Có một chi tiết cô L nói là một chân liệt sĩ T.M.T bị văng ra nên chú Thành bảo cố tìm cái chân đó thế nào cũng có dép hay giầy thì đó là di vật duy nhất để xác minh có đúng là tìm được hài cốt hay không? Nhưng tìm mãi mà không thấy nên thôi.
Không còn tổ mối thì bê nguyên đất vào lá cờ Tổ quốc rồi gói lại, biến thành cốt liệt sỹ. |
Mình và cô L không nói chuyện với nhau, Hoàng Thị Thiêm và em gái, chồng thì cứ nói những gì đó mà mình không nghe. Đoàn chia 2 nhóm. Nhóm chị Hoài, anh Dương tách đoàn về thẳng nhà nghỉ Khe Sanh chuẩn bị cho việc tìm chú Trương Triệu Quý tiếp theo. Nhóm còn lại về huyện đội Dakrong.
Cả đoàn qua huyện đội Dakrong. Buổi làm việc diễn ra trong ánh đèn pin, dầu vì hôm đó khu vực này mất điện. Mình chưa có ý kiến chỉ ngồi nghe họ nói.
Sau đó mình có điện thoại gọi từ Quảng Bình báo việc làm lễ truy điệu ngày mai tại NTLS Ba Dốc nên mọi việc sau đó thế nào chỉ nghe em Tuy và cánh nhà báo kể lại. Huyện đội công bố mỗi người trong đoàn có 300.000 đồng cho việc tìm kiếm (cái này rất mới so với năm ngoái và mình cần cung cấp thông tin cho thân nhân liệt sĩ biết). Tổng số tiền hôm đó, ngoài nhóm thân nhân liệt sĩ còn người của Trung tâm, nhà báo, thì toàn bộ chuyển cho cô L để góp cho chuyến đi. Mãi sau này khi về Hà Nội, em Tuy (báo Nông thôn ngày nay), em Dũng ( báo Khoa học và Đời sống), em Bình (báo Lao động xã hội) mới bảo là: “Khi chị đi rồi cứ rối tung lên, bên BCH quân sự tỉnh Quảng Trị xác nhận tìm được 8 liệt sĩ, bọn em cứ vặn hỏi “các anh căn cứ vào đâu mà bảo đó là hài cốt liệt sĩ, xương không có, di vật không?”. Em hỏi họ cũng không trả lời và bọn em cũng không muốn xoáy sâu vào nữa”.
Mình nghe điện thoại xong thì bên trong cũng đã vãn họp. Mình có gặp chỉ huy của huyện đội Dakrong cảm ơn. Quay ra thì bàn hương hoa quả cũng đã bày đủ lễ lạt. Cả đoàn lên ô tô về nhà nghỉ 27.7.
Khi mình mê mệt ở khách sạn thì cả đoàn vào huyện đội Dakrong để ký giấy tờ bàn giao và ký nhận tiền quy tập. Có chi tiết rất hay là không hiểu sao Hoàng Thị Thiêm, chồng Thiêm và em gái Thiêm lại ra về ngay sau buổi làm việc với huyện đội Dakrong tối hôm qua. Nghe anh lái xe nói lại là thấy đứng lơ ngơ ở cổng nhà nghỉ 27.7 nên anh đưa ra bến ô tô. Suốt cả chặng ra bến cứ luôn mồm nói: “Hằng chả ra sao. Đã tìm được những 8 liệt sĩ mà không thèm cảm ơn hay hỏi han gì!”.
Ngay khi nằm trong khách sạn lúc mê mê tỉnh tỉnh thì mình đã kịp lên kế hoạch cho ngày mai: Tham gia truy điệu buổi sáng, chiều làm cầu siêu. Hôm sau về Hà Nội sớm.
Ngay khi từ trong rừng ra đến lán trại nhìn thấy cảnh mấy bọc phủ cờ đỏ mình đã nhủ thầm trong đầu và tuân thủ theo ý nghĩ: Không biết có phải là 8 hài cốt của các chú không vì cháu không chứng kiến việc đào bới, nhưng thôi linh hồn 8 chú cứ theo đó mà về cho có nơi có chốn. Ai làm sai người ấy chịu.
Đêm đó mình ngủ ngon. Sáng sớm cả đoàn lại lục tục kéo nhau vào Dakrong để cùng huyện đội bàn giao liệt sĩ cho BCH quân sự tỉnh làm truy điệu tại nghĩa trang liệt sĩ Đường 9. Ban bệ đủ cả. Đông đúc lạ thường. Hương khói nghi ngút.
Mình không thể không cúi lạy và thắp hương vì có quá nhiều người nhìn vào mình, quan sát những hành động của mình. Mình thắp hương và lại khấn: “Lạy các chú, cháu không biết có phải hài cốt của 8 chú không? Nhưng thôi mong linh hồn các chú theo về để có mồ có mả có lối mà đi về. Ai làm sai người đó chịu”.
Truy điệu cho các liệt sĩ. Chị Ngô Thị Thúy Hằng (áo đỏ) chắp tay: “Ai làm sai người đó chịu”. |
Đoàn tới nghĩa trang liệt sĩ Đường 9 khoảng 8h sáng. Nghĩa trang đông hơn thường ngày. May mắn là có nhóm liệt sĩ được quy tập từ Lào về nên các chú thuộc sư 308 cũng được tham dự lễ truy điệu mang nghi thức quốc tế: Đại diện Bộ quốc Phòng Lào, đại diện Bộ Quốc phòng Việt Nam, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, các ban ngành của tỉnh Quảng Trị…
Ngôi chùa nằm khuất ngay sau nghĩa trang liệt sĩ huyện Triệu Phong, yên tĩnh và thoáng mát. Lễ cầu siêu diễn ra trong vòng hơn 3h đồng hồ. Danh sách hơn 200 liệt sĩ của sư 308 được cầu siêu cũng giúp mình thấy thanh thản và bình yên hơn. Thôi thì đâu cũng sông núi quê hương. Mong linh hồn các chú sớm siêu thoát.
Đêm đó đoàn về lại nhà nghỉ 27.7 để sáng sớm hôm sau ngược về lại Hà Nội kết thúc hành trình Khe Sanh lần 2 năm 2008.
Chưa có hồi kết
Chuyến vào Khe Sanh lần hai chưa chấm dứt ở đó vì sau chuyến đi còn bao nhiêu chuyện xảy ra. Chị Hoài vẫn tiếp tục hành trình tìm chú Quý để chứng minh rằng cũng 40 năm đấy, liệt sĩ Quý khi tìm thấy còn nguyên tăng võng, nguyên quần áo thắt lưng, xương cốt vẹn toàn, cách xa khu vực đoàn tìm hơn 5km đường rừng và theo hướng khác. Phóng sự dài kỳ bên báo Nông thôn ngày nay do phóng viên Đào Thanh Tuy viết sau đó có rất nhiều thư nặc danh, tin nhắn gửi tới tòa soạn và bản thân tôi cũng nhận được nhiều tin nhắn nặc danh lời lẽ rất vô văn hóa và hằn học. Thêm nữa là tin gửi nặc danh tự xưng là Cựu chiến binh Trung đoàn 102, sư 308 nhắn trên phần Liên hệ của www.nhantimdongdoi.org. Càng nghĩ tôi càng thấy thương cho những người đã nhắn tin nói những điều không đúng.
Và quan trọng hơn là tôi hiểu, ngộ ra rằng trong cuộc đời này, ai sai ai đúng ta cũng không cần phải xét nét hay khó chịu, hay đau khổ. Sự thật về 2 chuyến tìm mộ Khe Sanh đã tự nói lên tất cả. Những tình tiết sự việc là một minh chứng chân thật nhất mà bản thân tôi không thể bịa đặt ra.
Bà Thiêm căn cứ vào hai tấm giấy này (một cái xác nhận là cộng tác viên, một cái huy hiệu do Bộ môn Cận tâm lý tặng) để khẳng định mình là nhà ngoại cảm và yêu cầu các nhà báo phải gọi bà là nhà ngoại cảm. Nếu vậy, bất cứ ai viết được bài báo, dù chỉ là cộng tác viên, không cần được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp thẻ nhà báo, thì người đó nghiễm nhiên thành… nhà báo? |
Hậu Khe Sanh
Sau 2 chuyến đi Khe Sanh tìm mộ liệt sĩ đó, tôi nhận thức được hai điều:
Một là chiến tranh quá ác liệt. Mậu Thân năm 1968 đã cướp khi không biết bao sinh mạng. Đợt tấn công thứ 2 sau Mậu Thân là tháng 5.1968 và đợt tấn công thứ 3 là tháng 8 năm 1968 cũng gây ra những tổn thất to lớn cho cả hai bên. Có đi tôi mới biết thế nào là rừng, là núi, là vực cao, đèo sâu, là vắt, là muỗi, thế nào là gian nan vất vả.
Tôi đi khi thời bình, trên đầu là bầu trời trong veo không có máy bay, không có đạn pháo. Tôi đi khi cơm vừa ăn xong, nước đeo đầy sau lưng không đói cơm, khát nước. Còn các chú, nào là đói là bệnh, là máy bay, là pháo, là đối phương luôn rình rập, là chuỗi ngày dài hành quân. Sự khốc liệt của chiến tranh không còn là những dòng thông tin ngắn ngủi trên những cuốn vở học trò mà nó hiện ngay trước mắt, nó nằm trong những cuốn sổ còn ghi rõ dòng chữ: tài liệu mật, tuyệt mật, còn hằn rõ, nơi hy sinh, trường hợp hy sinh của từng liệt sĩ và hơn hết nó hằn lên trong đôi mắt còn nguyên nỗi kinh hoàng của thân nhân chú Vũ Bá Đường, còn vang vọng trong tiếng la thất thanh của chị ấy: “Ới chú ơi, làm sao mà cháu tìm được chú đây, thân xác chú tan tành theo lửa, theo đạn bom rồi, làm gì còn thân xác mà tìm chú ơi”.
Trẻ con làng Cát. |
Càng đi tôi càng hiểu và càng thấm thía hơn nỗi đau của chiến tranh. Tôi hiểu và trân trọng hơn bao giờ hết giá trị của hòa bình, giá trị của sự hy sinh mà các liệt sĩ đã mang lại cho tôi hôm nay. Thế nên, việc tìm thấy một bộ hài cốt liệt sĩ tại nước bạn hay tại Việt Nam, thậm chí có chút manh mối gì về nơi chôn cất thực tế của liệt sĩ đều không thể tính bằng vật chất. Vì vậy mỗi chúng ta hãy nên nâng niu và có trách nhiệm hơn trong việc tìm kiếm liệt sĩ.
Điều thứ hai mà tôi nhận thức được là chết chưa hẳn đã hết. Nếu hết thì không thể có chuyện liệt sĩ Trương Triệu Quý hướng dẫn và kết nối các đầu mối để các cháu của chú ấy có thể tìm ra thân xác của chú ấy giữa đại ngàn Trường Sơn hoang vắng như vậy. Chính linh hồn của liệt sĩ đã dẫn dắt con cháu đi tìm chú ấy.
Liệt sĩ Trương Triệu Quý được tìm thấy cách khu vực làng Cát 5km. Hài cốt của chú được bọc tăng, võng, quần áo còn nguyên vẹn. Cháu trai của liệt sĩ là anh Trương Thái Dương đã phải dùng dao để gửi lại rừng già Trường Sơn một phần thịt da chú, còn lại phần cốt mang về quê hương tại Hải Phòng.
Sau chuyện này, tôi có thể khẳng định 8 ngôi mộ mà năm 2008, tôi có tổ chức đoàn thân nhân liệt sĩ đi tìm và đã chuyển về nghĩa trang liệt sĩ Đường 9 là hoàn toàn không có cốt. Đó là một bài học xương máu trong công việc của tôi.
Chú Sơn – cựu chiến binh đi theo đoàn không phải là trợ lý tác chiến như tôi đã hiểu nhầm mà chỉ là một chiến sĩ. Hiện nay tôi vẫn đang tìm hiểu xem nơi chôn cất các liệt sĩ hy sinh đợt phản công lần thứ 2 vào tháng 5 năm 1968 tại cao điểm Rolo năm đó ở đâu và liệu các chú có được chôn cất hay không?
Thông tin từ các cựu chiến binh Trung đoàn 102 cho biết là họ đang vận động, quyên góp tiền để xây dựng bia tưởng niệm chung cho tất cả các liệt sĩ (hơn 5000 liệt sĩ của sư đoàn 308) đã hy sinh tại chiến trường Quảng Trị chưa tìm được thân xác đã giúp tôi có thêm niềm tin và hy vọng vào công việc mà tôi và các thành viên của Trung tâm đang làm. Vì bên cạnh tôi không chỉ có gia đình liệt sĩ mà còn có rất nhiều cựu chiến binh – những người chiến sĩ trở về sau chiến tranh hiểu hơn hết công việc mà chúng tôi đang làm.
Ngô Thị Thúy Hằng (Lược trích từ blog cá nhân, đăng ngày 01-12-2009)
TAMTHUC
Comment