No icon

luc-dia-tang-bo-tat-phap-dan

LỤC ĐỊA TẠNG BỒ TÁT PHÁP ĐÀN

Posted by: MT | 19/02/2014

LỤC ĐỊA TẠNG BỒ TÁT PHÁP ĐÀN

LỤC ĐỊA TẠNG BỒ TÁT PHÁP ĐÀN (.PDF)

ĐỊA TẠNG PHÁP ĐÀN

LỤC ĐỊA TẠNG PHÁP ĐÀN

Biên soạn: HUYỀN THANH

_ Trung Tâm Đàn là chữ OṂ (xem chữ Siddham trong bản PDF) biểu thị cho Pháp Thân của Địa Tạng Bồ Tát

_ Tam Giác có đỉnh hướng lên trên hiển hiện ba chữ chủng tử biểu thị cho ba cõi: A Tu La, Ngạ Quỷ, Thiên Giới

.) Chữ PHAṂ () biểu thị cho Bảo Ấn Thủ Bồ Tát là Hóa Tôn của cõi A Tu La.

.) Chữ SAṂ () biểu thị cho Bảo Thủ Bồ Tát là Hóa Tôn của cõi Ngạ Quỷ

.) Chữ ṆAṂ () Kiên Cố Ý Bồ Tát là Hóa Tôn của cõi Trời.

_ Tam Giác có đỉnh hướng xuống dưới hiển hiện ba chữ chủng tử biểu thị cho ba cõi: Địa Ngục, Súc Sinh, Nhân Giới

.) Chữ YAṂ () biểu thị cho Địa Tạng Bồ Tát là Hóa Tôn của cõi Địa Ngục

.) Chữ JAṂ () biểu thị cho Bảo Xứ Bồ Tát là Hóa Tôn của nẻo Súc Sinh

.) Chữ ṄAṂ ()  biểu thị cho Trì Địa Bồ Tát là Hóa Tôn của cõi Người

 

_6 chữ giáp bên trong vòng tròn cho Hóa Thân của Địa Tạng Bồ Tát

HA  HA  HA  VISMAYE

[HA  HA  HA : lìa ba Nhân

VISMAYE: Hiếm có]

_6 chữ bên ngoài vòng tròn biểu thị cho Báo Thân của Địa Tạng Bồ Tát

HA HA HA  SUTANU

[HA  HA  HA : lìa ba Nhân

SUTANU: Diệu Thân (thân màu nhiệm)]

*) Ý nghĩa của Pháp Đàn :

Do Địa Tạng Bồ Tát dùng sức Bi Nguyện cứu độ chúng sinh, nhất là đối với chúng sinh đang chịu khổ tại cõi Địa Ngục, lại đặc biệt thương xót, thị hiện thân Diêm La Vương (Yāma-rāja), thân Địa Ngục (Nakara-kāya) rộng vì chúng sinh chịu tội khổ mà nói Pháp để giáo hóa cứu độ. Do điều này mà thân Diêm La Vương thường được xem là một Hóa Thân (Nirmāṇa-kāya) của Địa Tạng Bồ Tát. Như Kinh Địa Tạng Bồ Tát Phát Tâm Nhân Duyên Thập Vương đề xuất Bản Địa của Diêm La Vương là Địa Tạng Bồ Tát.

Vì chịu ảnh hưởng sâu xa của tư tưởng này cùng với tư tưởng  Địa Ngục (Nakara) trong Kinh Địa Tạng Bồ Tát Bản Nguyện (Kṣitigarbha-praṇidhāna-sūtra) nên dân gian Trung Hoa cho rằng Địa Tạng Bồ Tát là vị Chủ Tể tối cao của Địa Ngục.

Chính tư tưởng bên trên đã khiến cho một số người ngộ nhận, cho rằng Địa Tạng Bồ Tát chỉ ở tại Địa Ngục để cứu độ chúng sinh trong Địa Ngục. Từ đấy trong việc làm tang ma, Thanh Minh tảo mộ qua tiết Trung Nguyên, Pháp Hội Siêu Độ…thường cúng phụng Địa Tạng Bồ Tát để cầu đảo cho vong linh được siêu độ. Ngoài ra tại nghĩa địa, linh tháp hoặc gặp chiến loạn, sự cố, đất đang phát triển mà mọi người đều đi qua…. thường xây dựng Miếu bái tế Địa Tạng với hy vọng Địa Tạng Vương Bồ Tát bảo vệ người sống, siêu độ vong linh

Thật ra ở trong cả sáu nẻo, Ngài đều có năng lực giáo hóa tế độ. Điều đó được biểu thị qua sáu vị Địa Tạng, tức là Địa Tạng độ hóa chúng sinh trong sáu nẻo.

Tên của sáu vị Địa Tạng đều y theo Thế Giới Sa Bà (Sāha-loka-dhātu) có chúng sinh trong sáu nẻo mà nói. Thế Giới ở phương khác hoặc có bảy nẻo, hoặc năm nẻo… chẳng giống nhau thời Địa Tạng cũng y theo nhân duyên của mỗi phương để mỗi mỗi thị hiện ứng hóa.

.) Danh xưng của Địa Tạng trong sáu nẻo thời các Kinh Quỹ ghi chép chẳng giống nhau. Nhưng theo đại thể mà nói thì đều bắt nguồn ở Đại Nhật Kinh Sớ, quyển thứ năm là: Sáu vị Thượng Thủ (Saḍa-pramukha) trong chín Tôn (Nava-nātha) của Địa Tạng Viện trong Thai Tạng Giới (Garbha-dhātu) tức là: Địa Tạng (Kṣiti-garbha), Bảo Xứ (Ratnakāra), Bảo Chưởng (Ratna-pāṇi), Trì Địa (Dharaṇindhāra), Bảo Ấn Thủ (Ratna-mudrā-hasta),  Kiên Cố Ý (Dṛḍhādhyāsaya). Trong đó

Địa Tạng Bồ Tát là Hóa Tôn của cõi Địa Ngục

Bảo Thủ Bồ Tát là Hóa Tôn của cõi Ngạ Quỷ

Bảo Xứ Bồ Tát là Hóa Tôn của nẻo Súc Sinh

Bảo Ấn Thủ Bồ Tát là Hóa Tôn của nẻo A Tu La

Trì Địa Bồ Tát là Hóa Tôn của cõi Người

Kiên Cố Ý Bồ Tát là Hóa Tôn của cõi Trời.

_Ở vô lượng kiếp trước, với tâm Đại Bi vô hạn, Địa Tạng Bồ Tát muốn cứu thoát tất cả chúng sinh ra khỏi biển khổ sinh tử luân hồi, nên đối trước chư Phật mười phương, Ngài phát nguyện rằng: “Nguyện con cứu độ hết tất cả chúng hữu tình. Nếu còn có chúng sinh nào ở Địa Ngục thì con thề không chứng nhận quả vị Chính Đẳng Chính Giác”.

 .)Cõi Trời (Sura hay Deva) là một cõi thụ hưởng. Trong cõi đó, chư Thiên thường khởi tâm tự mãn và bám chặt vào các ảo tưởng về những niềm vui tạm thời. Do đó, Đức Địa Tạng Bồ Tát hiện thành thân Kiên Cố Ý Bồ Tát (Dṛḍhādhyāsaya) biểu thị cho sự Nội Chứng của Địa Tạng Bồ Tát là Tâm Đức bền chắc của Đại Địa, đánh thức chư Thiên thoát khỏi những ảo tưởng của phước báo mà họ đang thụ hưởng, đồng thời đưa họ đến một thực tại cao siêu hơn, một sự hòa hợp sâu sắc hơn và vĩnh cửu hơn.

(xem hình trong bản PDF)

.)Cõi Tu La (Asura)  hay cõi Thần (Devatā) là cõi chiến đấu. Trong cõi đó, chư Thần thường khởi tâm ganh tỵ, chỉ thích tranh đấu để chiếm đoạt các quả của cây Kalpa Taru (cây Thỏa mãn mọi ước nguyện) đứng giữa cõi Trời và cõi Thần. Do đó, Đức Địa Tạng Bồ Tát hiện thân Bảo Ấn Thủ Bồ Tát (Ratna-mudrā-hasta) biểu thị cho Tam Muội Gia Bản Thệ Môn của Địa Tạng Bồ Tát, cứu tế chúng sinh, dứt trừ các mối dây ràng buộc bởi sự thèm khát, đồng thời dậy cho chư Thần sự chiến đấu cao thượng để đạt thành quả của sự thấy biết mà thoát khỏi mọi tham dục.

(xem hình trong bản PDF)

.)Cõi Người (Manuṣyana hay Nāra) là cõi hành động. Đây là thế giới của sự cố gắng, của hoạt động có ý thức về mục đích của mình, trong đó sự tự do quyết định giữ một vai trò thiết yếu. Trong cõi này, con người có khả năng biết rõ các đặc tính của các cõi và tất cả hiện tượng đều do “Nhân duyên mà sinh khởi” như nhau, đồng thời con người có thể tìm ra được bản tính chân thật của vũ trụ và nhận thức được con đường vĩnh viễn ra khỏi vòng sinh tử luân hồi. Tuy vậy, đại đa số con người thường mang tâm: tự kiêu, ích kỷ, hoài nghi mà bị trói buộc trong các hoạt động nhằm tìm cầu chiếm hữu và thỏa mãn dục tình cho riêng mình. Do đó, Đức Địa Tạng Bồ Tát hiện ra hình tướng Trì Địa Bồ Tát (Dharaṇindhāra) biểu thị cho Đức đặc biệt giống như Đại Địa hay giữ gìn vạn vật, nuôi lớn Tâm Bồ Đề (Bodhi-citta) của chúng sinh nhằm chỉ bày con đường giải thoát cho những ai có khả năng xóa bỏ mọi dục vọng tư kỷ, dứt trừ tâm kiêu mạn hoài nghi, thực hiện công hạnh cứu độ tối hậu.

(xem hình trong bản PDF)

.)Cõi Súc Sinh (Tiryanc hay paśu) là cõi sợ hãi. Trong cõi đó, các loài vật thường mang tâm thức thờ ơ gắn chặt với bản năng, không đủ năng khiếu phát triển tư tưởng. Vì thế, chúng luôn luôn sống trong sự sợ hãi qua sự đuổi bắt, vây hãm, ăn nuốt lẫn nhau và bị đẩy vào số phận mù quáng của những nhu cầu tự nhiên, những bản năng không thể kiểm soát được. Do đó, Đức Địa Tạng Bồ Tát hiện thân Bảo Xứ Bồ Tát (Ratna-kalā, hay Ratnākara) biểu thị cho việc dùng lòng bàn tay tuôn ra mọi báu (Trí Tuệ) ban bố cho chúng sinh, nhằm nâng cao Tâm thức trì độn mù quáng của loài súc sinh để hướng chúng tới một tinh thần phát triển, vượt thoát bản năng tăm tối.

(xem hình trong bản PDF)

.)Cõi Ngạ Quỷ (Preta) là cõi ước mong không được thỏa mãn. Là thế giới đầy dẫy sự thèm khát mong muốn tham dục mà không bao giờ thực hiện được. Chúng sinh trong cõi này thường mang những hình tướng quái dị như: thân thể cao lớn, đầu to như núi, cuống họng nhỏ như cây kim, đầu tóc lởm chởm, miệng như ngọn đuốc lửa, bụng to lớn …. dù gặp vật thực cũng chẳng ăn nuốt được. Hoặc có loài da đen như than, đầu tóc lởm chởm, miệng khô đắng, ưa le lưỡi tự liếm miệng, thường chịu đói khát. Hoặc có loài tên là Mãnh Diễm Mang, mỗi khi ăn uống đều bị hóa lửa đốt làm cho đói khát khổ đau.

Tất cả loài Ngạ Quỷ này đều bị đói khát dày vò không bao giờ được thỏa thích no đủ. Vì thế, tâm thức của chúng gắn chặt với sự tham dục đam mê không biết nhàm chán và luôn bị sự thất vọng dày xéo bủa vây. Do đó, Đức Địa Tạng Bồ Tát liền hiện thân Bảo Thủ Bồ Tát (Ratna-pāṇi) biểu thị cho việc dùng viên ngọc báu Như Ý của Tâm Bồ Đề thanh tịnh hay thành mãn Tất Địa của Thế Gian và Xuất Thế Gian, nhằm xoa dịu những nỗi khổ đau vì thèm khát của loài Ngạ Quỷ, khơi động Tâm Thức nhàm chán những đối tượng nhiễm ô và khởi Tâm ưa thích những đối tượng thanh khiết (nghĩa là thay Dục Lạc bằng Pháp Lạc, tìm hiểu Chính Tri Kiến và Chân lý) để cho chúng mau chóng hồi tâm sám hối, vượt thoát cảnh khổ đau.

(xem hình trong bản PDF)

.)Cõi Địa ngục (Nāraka hay Niraya) là cõi hành hạ đền tội. Đó là thế giới đầy dẫy những cảnh khổ đau qua những cuộc hành hạ tra tấn. Chúng sinh của cõi này luôn luôn chịu đựng những nỗi thống khổ, là những phản ảnh không thể tránh được do chính các hành động của họ gây ra. Vì thế, tâm thức của họ luôn bị sự giận dữ oán ghét bủa vây. Do đó, Đức Địa Tạng Bồ Tát hiện thân Bồ Tát, tay trái cầm hoa sen, trên hoa có cây phướng báu Như Ý. Tay phải cầm viên ngọc báu, ngồi trên hoa sen. Biểu thị cho Đại Nguyện Nhẫn Nhục, Tinh Tiến cứu độ tất cả chúng sinh: “Địa Ngục chưa trống rỗng, thề chẳng thành Phật”, nhằm thanh lọc Tâm Thức bị ô nhiễm bởi sự giận ghét và biến đổi các cuộc hành hình tội nhân thành ngọn lửa thanh lọc để giúp họ vươn tới những hình thức sinh sống tốt đẹp hơn.

(xem hình trong bản PDF)

Do công hạnh ứng hóa trong sáu cõi (Saḍa gatayaḥ hay saḍa Kula) để hóa độ chúng sinh nên Lục Địa Tạng Pháp Đàn có hiệu quả đặc biệt nhằm tịnh hóa 06 phiền não gốc (ảo tưởng kiêu mạn, ganh tỵ tranh đấu, hoài nghi tự kiêu, trì độn mù quáng, tham dục thèm khát, giận dữ oán hận) để ngăn ngừa sự tái sinh vào 06 cõi và xua tan các nỗi khổ đau ẩn tàng trong mỗi cõi, đồng thời giúp cho Hành Giả thực chứng được Thánh Quả giải thoát.

18/02/2014

Nguồn: https://maphuong.com/kinhmatgiao.wordpress.com

Advertisements


100%

Nguồn KinhMatGiao

Comment