No icon

khi-dien-thoai-reo-bao-nhieu-lan-ban-doan-duoc-dung-nguoi-goi

Khi điện thoại reo, bao nhiêu lần bạn đoán được đúng người gọi?

Một nghiên cứu của Tiến sĩ Rupert Sheldrake cho thấy, thần giao cách cảm (telepathy) cũng có thể liên kết với điện thoại hay các phương thức liên lạc hiện đại khác như tin nhắn, email.

Ông đã tiến hành thí nghiệm trên một nhóm người bằng cách đề nghị họ đoán xem ai đang ở đầu dây bên kia khi điện thoại đổ chuông. Mỗi người sẽ được chọn trong danh sách 4 người cho trước. “Các mức điểm số trung bình là cao hơn đáng kể so với mức tỷ lệ đoán trúng 25% theo xác suất ngẫu nhiên”, TS. Sheldrake đã viết trong một bài báo được Viện Khoa học Tinh thần công bố vào năm 2014. Ông Sheldrake bảo vệ luận án tiến sĩ sinh hoá tại Đại học Cambridge, sau đó nghiên cứu triết học và lịch sử khoa học tại Đại học Harvard.

Các nghiên cứu được tiến hành độc lập tại Đại học Amsterdam ở Hà Lan và Đại học Freiburg ở Đức cũng cho ra những kết quả tương tự. Những kết quả nghiên cứu có ý nghĩa về mặt thống kê cũng cho thấy một mối liên hệ tương quan giữa thần giao cách cảm và tin nhắn hoặc nhiều hình thức liên lạc thông qua Internet, theo TS. Sheldrake.

Khả năng thần giao cách cảm dường như xuất hiện đặc biệt rõ rệt giữa đối tượng nghiên cứu và những người có sự gắn kết về mặt tình cảm mạnh mẽ với họ.

Sheldrake đã lường trước được ý kiến phản đối cho rằng tất nhiên có nhiều khả năng một người bạn thân hoặc một thành viên trong gia đình sẽ vừa xuất hiện trong tư tưởng các đối tượng nghiên cứu vừa cùng lúc gọi điện thoại cho họ, do đó khả năng để cả hai sự kiện này xảy ra đồng thời là tương đối cao.

“Cách thức duy nhất để giải đáp những nghi vấn trên là tiến hành những thí nghiệm có thể được đánh giá trên phương diện thống kê”, ông cho biết. Khi đề cập đến những thí nghiệm ông đã tiến hành theo đường hướng này, ông đã nói, “Những thí nghiệm này cho ra những kết quả tích cực, có ý nghĩa trong thống kê”.

Trong chuỗi các thử nghiệm ban đầu, 63 người tham gia có tỷ lệ đoán trúng trung bình là 40%, hơn hẳn tỷ lệ 25% theo xác suất ngẫu nhiên. Thông qua hàng trăm cuộc thử nghiệm, TS. Sheldrake đã nghe một số đối tượng tham gia chia sẻ rằng họ thường đoán trúng nhiều hơn khi cảm thấy tự tin vào sự phán đoán của mình, như thể họ đã được trực giác mách bảo.

Từ đó, TS. Sheldrake cũng bắt đầu hỏi các đối tượng nghiên cứu xem họ cảm thấy tự tin đến đâu trước mỗi lần đoán. Ông đưa ra ví dụ về một người phụ nữ có tỷ lệ đoán trúng lên đến 85% mỗi khi cô cảm thấy tự tin, nhưng tỷ lệ này sẽ giảm xuống chỉ còn 34% mỗi khi cô không cảm thấy tự tin. Cô chỉ đoán trúng 28% nếu cô chỉ phán đoán mà không có bất kỳ cảm thụ trực giác nào.

Pam Smart, một đồng nghiệp của TS. Sheldrake, đã tiến hành các thí nghiệm để so sánh mối liên kết thần giao cách cảm giữa những người thân so với giữa những người xa lạ. Bà phát hiện thấy  tỷ lệ đoán trúng là 50% giữa những người thân so với tỷ lệ 25% giữa những người xa lạ, chỉ ngang với mức xác suất ngẫu nhiên.

Các thí nghiệm nhằm kiểm tra khả năng biết trước tương lai và các nhận thức ngoại cảm (ESP) khác đã cho ra kết quả âm tính. Điều này cho thấy mối liên kết này chỉ tồn tại riêng trong phạm trù thần giao cách cảm.

Vậy, chúng ta hình thành các mối liên kết thần giao cách cảm với những người thân như thế nào?

Nguồn:http://www.daikynguyenvn.com/khoa-hoc-cong-nghe/khi-dien-thoai-reo-bao-nhieu-lan-ban-doan-duoc-dung-nguoi-goi.html

Comment