cot-da-nam-tuoi-bang-chung-ve-nen-van-minh-tien-tien-thoi-tien-su
Cột đá 9300 năm tuổi: Bằng chứng về nền văn minh tiên tiến thời tiền sử?
- bởi map --
- 23/09/2015
Cách đây ít nhất 9300 năm về trước, tại một khu vực hiện đã bị nhấn chìm ở vùng biển Địa Trung Hải, những con người săn bắt – hái lượm từ thời kỳ đồ đá đã đạt được một thành tựu vượt quá khả năng tưởng tượng của các chuyên gia ngày nay: họ đã cắt chính xác một cột đá vôi nặng 15 tấn, khoan lỗ rỗng bên trong và dịch chuyển được gần 300 mét. Cột đá nguyên khối này có chiều dài 12 mét.
Năm 2012, trong quá trình khảo sát đáy biển Địa Trung Hải tại khu vực eo biển Sicilia nằm giữa Tunisia và Sicily, các nhà hải dương học đã tình cờ phát hiện thấy một khối đá nguyên khối sâu 40 mét dưới mực nước biển. Trong một bài báo mới ra trên “Tạp chí Khoa học Khảo cổ”, những nhà nghiên cứu nhận định khu vực này đã hoàn toàn bị nhấn chìm dưới đáy biển vào khoảng 9300 năm trước, với độ sai lệch khoảng vài trăm năm. Trước thời điểm đó, nơi đây là một vùng biển nông, có một hệ quần đảo bao gồm nhiều đảo nhỏ nằm ở khoảng giữa hòn đảo Sicily và bờ biển Bắc Phi.
Khu vực được nghiên cứu, bãi đá ngầm Pantelleria Vecchia, hiện đã chìm dưới đáy biển ở khu vực giữa đảo Sicily (Italy) và Tunisia (Ảnh: Science Direct)
Từ đó, các giả thuyết được đưa ra cho rằng cột đá này đã được chạm khắc ít nhất 9.300 năm trước. Các nhà nghiên cứu đã có thể xác định niên đại của khối đá bằng cách phân tích các mẫu đá vụn ở vỏ ngoài. Họ phát hiện cột đá này có cấu trúc và niên đại tương tự như những tảng đá vôi cách đó khoảng 300 mét, từ đó cho thấy nó đã được vận chuyển một khoảng cách xa như vậy.
Cột trụ đá nằm dưới đáy biển có niên đại ít nhất 9300 năm (Ảnh: Thafcc)
Những nhà nghiên cứu cho rằng việc phát hiện ra cột đá dưới đáy biển này sẽ khiến các học giả phải xem xét lại khái niệm “trình độ công nghệ cổ sơ” của một xã hội săn bắt – hái lượm nguyên thủy.
“Phát hiện này là bằng chứng cho thấy các hoạt động đáng kể của con người vào thời kỳ đồ đá giữa tại khu vực eo biển Sicily”, Emanuele Lodolo và Zvi Ben-Abraham nhận định trong bài viết của họ.
Lodolo và Ben-Abraham tuyên bố một số yếu tố đã thuyết phục họ tin rằng khối đá hay cột đá nguyên khối này đã được đẽo gọt nhân tạo chứ không phải là sản vật của tự nhiên. Họ nói rằng khối đá có hình dạng cân đối và được đục ba lỗ rỗng đều với đường kính tương đương nhau. Cột trụ đá này có cấu tạo giống với loại đá được phát hiện không quá xa nơi nó được vận chuyển (cách đó 300m), nhưng nó khác với các loại đá nằm trực tiếp xung quanh.
“Sự hiện diện của cột trụ đá này cho thấy những hoạt động phong phú của con người cổ đại trong khu vực. Cột trụ được đẽo gọt từ một phiến đá nguyên khối ở một sườn đồi dựng đứng nằm cách đó khoảng 300 m về phía nam; sau đó, nó được vận chuyển và dựng lên. Từ kích cỡ của khối đá, chúng tôi có thể ước lượng khối lượng của nó lên đến 15 tấn”. – Lodolo và Ben-Abraham viết.
Họ không đưa ra phỏng đoán về chức năng của cột đá. Nhưng họ giả định rằng nó nằm ở một khu vực có tầm quan trọng nhất định, ở khoảng giữa Sicily và Tunisia. Đảo Sicily đã được con người cư trú vào khoảng 17 đến 27 nghìn năm trước, vẫn còn một cây cầu đất liền nối với đại lục Italy vào thời đó.
“Việc phát hiện di chỉ bị nhấn chìm tại eo biển Sicily này có thể mở rộng đáng kể hiểu biết của chúng ta về những nền văn minh cổ xưa nhất tại lòng chảo Địa trung Hải và quan điểm của chúng ta về sự đổi mới và phát triển công nghệ đạt được bởi những cư dân thời kỳ đồ đá giữa. Khối đá nguyên khối… được làm từ một phiến đá lớn, đơn nhất, đòi hỏi việc cắt gọt, tách xẻ, vận chuyển và lắp đặt, đã cho thấy những kỹ năng trọng yếu và trình độ kỹ thuật tuyệt vời”. – các tác giả viết.
TAMTHUC Nguồn:http://www.daikynguyenvn.com/khoa-hoc-cong-nghe/cot-da-9300-nam-tuoi-bang-chung-ve-nen-van-minh-tien-tien-thoi-tien-su.html
Comment