No icon

henrietta-lacks-nguoi-phu-nu-so-huu-te-bao-bat-tu

Henrietta Lacks: Người phụ nữ sở hữu tế bào bất tử

Từ trước đến nay, trường sinh bất tử vẫn là mục tiêu theo đuổi của nhân loại. Tuy nhiên, ước mơ này vẫn nằm ngoài tầm với của chúng ta do đặc tính của tế bào: tế bào phân chia, sản sinh các tế bào mới, nhưng số lần phân chia là hữu hạn.  

Dù vậy, quy luật này không nhất định áp dụng cho tất cả chúng ta. Lịch sử đã từng ghi nhận được trường hợp một người phụ nữ sở hữu trong mình những tế bào ‘bất tử’. Những tế bào của cô có khả năng phân chia hàng triệu triệu lần, trái ngược với các tế bào của người bình thường vốn sẽ tử vong sau một vài lần phân chia. Đồng thời, tế bào của cô cũng có thể tái tạo bên ngoài cơ thể người, và đây cũng là một điểm rất khác biệt.

Các tế bào bình thường của chúng ta sẽ tử vong sau một số lần phân chia nhất định, nhưng những tế bào của cô có thể sống vô hạn nếu được cung cấp đủ dưỡng chất cần thiết để sinh tồn. Thậm chí, nó có thể được đông lạnh sau nhiều thập kỷ rồi sau đó hồi sinh lại bằng cách tăng nhiệt độ.

Người phụ nữ này là Henrietta Lacks, một phụ nữ người Mỹ gốc Phi. Cô đã qua đời do ung thư vào ngày 4/10/1951, khi mới chỉ được 31 tuổi. Các bác sĩ đã lấy mẫu khối u của cô, và rất kinh ngạc khi phát hiện thấy các tế bào của cô có thể sống và tái tạo bên ngoài cơ thể, trái ngược với các tế bào của người thông thường. Do đó, họ đã bí mật thu thập các tế bào của cô.

Các tế bào này sau đó đã nhanh chóng được nhân lên và phân phối đến các phòng thí nghiệm trên thế giới. Khi tới bất cứ một phòng thí nghiệm nuôi cấy tế bào nào trên thế giới, bạn cũng có thể bắt gặp hàng tỷ tế bào của Henrietta được lưu trữ. Các tế bào của cô được nhân lên nhiều lần đến nỗi nếu bạn đặt tất cả chúng lên bàn cân, kết quả thu được sẽ là khoảng 50 triệu tấn. Các tế bào của cô đã được sử dụng để phục vụ gần 75.000 nghiên cứu, mang tới những đột phá quan trọng trong nhiều lĩnh vực như điều chế vắc-xin, chữa trị ung thư và sinh sản. Đồng thời, chúng cũng góp phần rất lớn trong việc điều trị bệnh bại liệt; lập bản đồ gen; nghiên cứu cách thức tế bào hoạt động; phát triển các loại thuốc điều trị bệnh ung thư, herpes, bệnh bạch cầu, bệnh cúm, Bệnh ưa chảy máu (Hemophillia), bệnh Parkinson, bệnh AIDS…

Ảnh chụp tế bào của Henrietta dưới kính hiển vi
Ảnh chụp tế bào của Henrietta dưới kính hiển vi

Trước khi các tế bào của Henrietta được khám phá và nuôi cấy rộng rãi, các nhà khoa học gần như không thể thí nghiệm một cách hiệu quả trên các tế bào và thu được kết quả như ý. Các tế bào được nuôi cấy sẽ trở nên yếu đi và tử vong rất nhanh bên ngoài cơ thể người. Các tế bào của Henrietta đã mở ra một con đường mới khi lần đầu tiên cho phép các nhà khoa học thí nghiệm hiệu quả trên tế bào. Ngoài ra, tế bào của cô có thể sống sót sau khi được chuyển phát qua thư, nên các nhà khoa học trên thế giới đều có thể tiếp cận với loại tế bào bất tử này.

Một cột mốc để tưởng nhớ Henrietta ở quê nhà của cô, vùng Clover, bang Virginia, Hoa Kỳ (Ảnh: Wiki)
Một cột mốc để tưởng nhớ Henrietta ở quê nhà của cô, vùng Clover, bang Virginia, Hoa Kỳ (Ảnh: Wiki)

Mặc dù các tế bào của Henrietta đã đóng góp rất lớn vào thành tựu y học của nhân loại, gia đình cô không hề hay biết điều này. Suốt 6 thập kỷ, chồng cô và năm đứa con vẫn sống trong cảnh nghèo đói mà không nhận được một khoản tiền trợ cấp nào cho những đóng góp của tế bào Henrietta. Phải đến năm 2013, Viện sức khỏe quốc gia Hoa Kì mới bắt đầu ghi nhận những đóng góp của cô và có những động thái hỗ trợ những người còn lại trong gia đình Henrietta.

Quý Khải tổng hợp

Nguồn:http://www.daikynguyenvn.com/khoa-hoc-cong-nghe/henrietta-lacks-nguoi-phu-nu-so-huu-te-bao-bat-tu.html

Comment