No icon

thanh-guom-co-o-georgia-my-su-xuat-hien-cua-nguoi-trung-quoc-tai-bac-my-truoc-thoi-columbus

Thanh gươm cổ ở Georgia, Mỹ: Sự xuất hiện của người Trung Quốc tại Bắc Mỹ trước thời Columbus

Tháng 7/2014, một nhà sưu tầm cổ vật không chuyên tình cờ bắt gặp một thanh gươm thề Trung Quốc chìa ra từ đằng sau đám rễ cây, cạnh một bờ suối bị xói lở ở bang Georgia, Mỹ. Hiện vật dài 30 cm này có lẽ là một phát hiện khá độc đáo ở Bắc Mỹ, đồng thời bổ sung vào danh mục ngày càng tăng những món đồ tạo tác lạc chỗ cho thấy người Trung Quốc đã từng đặt chân lên Bắc Mỹ trước thời Columbus (Cô-lôm-bô).

Người ta đã xác định sơ bộ rằng thanh gươm tinh xảo này được chế tạo từ khoáng chất Xê-păng-tin loại Lizardite và các đặc điểm trên bề mặt biểu thị một niên đại rất cổ. Các nhà nghiên cứu hy vọng rằng các thử nghiệm trong tương lại sẽ có thể xác nhận chủng loại đá, và xác định nguồn chất liệu, vì trầm tích Lizardite tồn tại ở cả Đông và Tây bán cầu.

Hiện vẫn chưa rõ về thời điểm chế tác, người chế tác, và phương thức chế tác thanh kiếm này. Do đất ở đây đã bị xáo trộn, nên các nhà nghiên cứu đã gặp trở ngại khi sử dụng xét nghiệm phát quang nhiệt để xác định thời điểm gần nhất đất ở khu vực khai quật bị phơi lộ sáng. Tuy nhiên vẫn còn sót lại phần nhỏ một loại chất liệu dạng sợi chưa được xác định vương lại trên thanh gươm, vốn có thể dùng để định tuổi bằng đồng vị carbon. Ngoài ra, những khu vực bồi đắp nhất định trên bề mặt cũng có thể cung cấp cho chúng ta các thông tin hữu ích.

Chữ tượng hình Trung Quốc

Điều các nhà nghiên cứu có thể lý giải rõ ràng là, có rất nhiều các biểu tượng cũng như hình dạng của thanh gươm đều được phát hiện trên các đồ tạo tác bằng ngọc bích từ thời nhà Hạ (2070-1600 TCN), nhà Thương (1600-1046 TCN) và nhà Chu (1046-256 TCN) ở Trung Quốc.

Hình tượng con rồng phác họa trên một phần chóp lưỡi gươm là một điểm đặc trưng của thời nhà Thương; cũng như vương miện phủ lông vũ. Mặt nạ kỳ quái hình con thao thiết (tương truyền là con thứ 5 của rồng) trên đốc gươm và chuôi gươm xuất hiện lần đầu vào thời văn hóa Lương Chử (3400-2250 TCN), tuy nhiên nó phổ biến hơn vào thời nhà Thương và Chu, theo TS. Lí Triệu Lương. Ông sẽ sớm xuất bản một bài viết về chủ đề này.

Left: Close up of dragon Right: Close up of the Taotie. (Courtesy of the Indigenous Peoples Research Foundation)
Cận cảnh hình rồng (trái) và thao thiết (phải) (Tư liệu của Quỹ Nghiên cứu các Dân tộc Bản địa)

Thao thiết. (Ảnh: antiqueexpress.com)

Nhiều kết quả giám định cho thấy nguồn gốc từ thời nhà Thương và sự tương đồng giữa hình tượng quỷ thao thiết với các miêu tả mô típ người-báo của văn minh Olmec ở Trung Mỹ cổ đại (Mesoamerican), đã cung cấp những manh mối về thời điểm chế tạo thanh gươm cũng như một thời điểm đại khái thanh gươm này được mang đến Georgia.

Mối liên hệ giữa văn minh Trung Quốc và Olmec?

Sự tương đồng giữa các truyền thuyết và chữ tượng hình của Trung Quốc và Olmec đã trở thành chủ đề tranh luận trong giới học thuật trong hơn 100 năm qua. Có lẽ không phải ngẫu nhiên nền văn minh Olmec xuất hiện khoảng 1500 năm TCN, vào thời điểm bắt đầu triều đại nhà Thương và khi lịch sử của Trung Quốc bắt đầu được ghi chép. Đến lúc bước sang thời đại đồ đồng thì bắt đầu xuất hiện các tác phẩm nghệ thuật bằng đồng được chạm trổ hoa văn, xe ngựa bằng đồng, và vũ khí. Bản thảo đầu tiên bằng tiếng Trung xuất hiện và cùng khoảng thời gian này cùng với các hệ thống tưới tiêu quy mô lớn và các công trình công cộng khác, tất cả chúng đều biểu thị một nền văn minh tiên tiến và phức tạp.

TAMTHUC

Khoảng giai đoạn những năm 900 TCN, các đặc điểm văn hóa Olmec đã bắt đầu phổ biến khắp khu vực. Có nhiều tư liệu chỉ ra rằng những đặc điểm này đóng vai trò nền tảng trong các nhóm văn hóa đương thời và sau này, ví như văn minh Maya. Mặc dù bị các nhóm người khác biến đổi theo từng địa phương và thay đổi theo thời gian, các đặc điểm văn hóa nền tảng của nền văn minh Olmec được duy trì cho đến khi lãnh thổ của họ bị người phương Tây xâm chiếm vào thế kỷ 16.

Điều thú vị là, một số quan niệm cổ đại, ví như những quan niệm liên quan đến việc trồng ngô, ngày nay vẫn được một số dân tộc bản xứ Trung Mỹ áp dụng. Người ta tin rằng các đặc điểm văn hóa này được phát tán là nhờ các tuyến đường giao thương trên bộ và trên thủy của người Olmec, chuyên chở các hàng hoá thương mại thiết yếu và mới lạ.

Hiện tượng này bắt đầu vào khoảng giai đoạn năm 900 TCN, và như đã được đề cập ở trên, là thời điểm người Olmec bắt đầu chế tác các vật tế lễ bằng ngọc bích – đây là một yếu tố rất đáng suy ngẫm.

Một ví dụ khác minh họa cho phạm vi truyền bá của nền văn hóa này. Các con dấu in hình trụ phẳng đã được truyền rộng trong khu vực này, đây là một kỹ nghệ lần đầu xuất hiện trong các hồ sơ cổ vật của người Olmec ở Trung Mỹ cổ đại. Ở Trung Quốc, các con dấu niêm phong xuất hiện lần đầu vào thời nhà Thương.

Văn hóa Olmec lan tỏa lên phía Bắc

Vào năm 800 TCN, các con dấu đã được sử dụng ở khu vực phía bắc Nam Mỹ, cách khu vực trung tâm Olmec khoảng 2.735km về phía nam, và nếu đi lên phía Bắc một khoảng cách tương đương, ta sẽ bắt gặp nền văn minh Adena (800 TCN – 1 SCN), ở khu vực hiện là vùng thượng nguồn thung lũng sông Ohio ở Bắc Mỹ. Ngoài công nghệ in, nghệ thuật Olmec cũng đã du nhập vào Ohio. Trong một dự án nghiên cứu chưa được công bố về bản khắc  Adena trong hình bên dưới, tác giả đã phát hiện ra những nét sao chép yếu tố trục thẳng rất đặc thù ở chính giữa, biểu tượng cho Cây thế giới tại vùng Hồ Chalco ở phía Nam thành phố Mexico City ngày nay và tại bang Veracruz (Mexico) giáp ranh vùng duyên hải vịnh Mexico của Mỹ.

Printing Seal from the Adena Culture. (Courtesy of the Ohio Historical Society)
Một dấu in từ nền văn minh Adena (tư liệu của Hội Sử học bang Ohio)


Cây thế giới của người Maya. (Ảnh: sun-nation.org)


Khu vực vịnh Mexico. (Ảnh: bluebird-electric.net)

Sự du nhập của con dấu vào thời kỳ đầu của nền văn hóa Adena, vốn nổi tiếng với các công trình gò đồi, cùng với những bằng chứng phong phú khác không thể đưa hết vào bài viết này, đã cho thấy rằng một nhóm người Trung Mỹ cổ đại có tầm ảnh hưởng đã tiến vào khu vực và tác động đến tiến trình văn minh của người dân địa phương.

Quay trở lại câu chuyện về Georgia. Năm 1685, trong tập biên niên sử về Apalachites, tộc người đã xâm chiếm các vùng đất ở Đông Nam châu Mỹ vào thế kỷ 17, tác giả Charles de Rochefort đã viết: “Những người Apalachites này khoe rằng họ đã chinh phạt một số thuộc địa trải dài tận khu vực Mexico. Họ chỉ ra một tuyến đường bộ vĩ đại thời nay, và khẳng định rằng quân đội của họ đã hành quân qua đó… Cư dân của miền đất, khi định cư ở đây đã đặt cho họ cái tên Tlatuici, nghĩa là Người sơn cước hay Người vùng cao…”

Tất cả những đặc điểm trên cho thấy, dường như các nền văn minh ở xung quanh vùng biển Ca-ri-bê, ngay cả vào những thời kỳ cổ đại xa xưa hơn, đã được kết nối thông qua các tuyến đường biển và đất liền. Điều này có thể giải thích cho chúng ta tại sao thanh gươm Trung Quốc và hai mặt dây chuyền kiểu Olmec lại có mặt ở Georgia.

Olmec Style Pendants found in creek near Chinese votive sword. (Courtesy of the Indigenous Peoples Research Foundation)
Mặt dây chuyền kiểu Olmec được tìm thấy ở con suối gần nơi tìm thấy thanh gươm thề nguyện Trung Quốc (tư liệu của Quỹ Nghiên cứu các Dân tộc Bản địa)

Rochefort còn viết, “Tộc người này [Apalachites] có thể đi ra vùng biển của Vịnh Mexico, hay còn gọi là Tây Ban Nha mới, thông qua một con sông… Người Tây Ban Nha đã gọi con sông này là Rio del Spirito Santo [ngày nay được biết đến là sông Mississippi]”.

Tuy các quan sát của Rochefort được thực hiện sau giai đoạn xâm chiếm thuộc địa, nhưng chúng nhấn mạnh một đặc điểm địa lý thường bị phớt lờ hoặc coi nhẹ về lịch sử Bắc Mỹ.  Rất nhiều nền văn minh khác nhau đã từng định cư ở khu vực ngày nay là bang Georgia và các bang khác tiếp giáp Vịnh Mexico, quần đảo Ca-ri-bê, Mexico và Nam Mỹ, đều nằm xung quanh khu vực biển Ca-ri-bê, nên tất cả họ đều quen biết nhau. Từ đó có thể giả thiết rằng đây là lý do giải thích tại sao sân bóng và bóng cao su được phát hiện ở cả lục địa Trung Mỹ và quần đảo Ca-ri-bê.

Đồng thời, Olmec và Maya đều có một hạm đội thuyền lớn hoạt động dọc vùng ven biển vịnh Mexico, cũng như các tổ chức vận tải cung cấp nhu yếu phẩm cho các vùng đô thị lớn với mật độ dân số tương đương các thành phố lớn ngày nay. Lấy ví dụ, muối – một nhu yếu phẩm cần thiết để sinh tồn trong khu vực nhiệt đới, với nhu cầu hàng tấn mỗi tháng – đã được vận chuyển từ các cơ sở sản xuất muối ở Yucatán đến các cảng sông trải dài từ bờ biển Honduran Moskito tới Tampico, Mexico.

Tôi đã từng đi thuyền độc mộc qua những vùng biển động ở ngoài khơi Moskito, và trải nghiệm cảnh mưa gió hãi hùng mà không có phao cứu sinh. Nhưng tôi có thể chắc chắn thiết kế của loại thuyền độc mộc ở đây rất hiệu quả trong thực tiễn. Thậm chí cho đến ngày nay, ngoại trừ việc lắp thêm động cơ Yamaha treo ngoài mạn thuyền, những chiếc thuyền vốn không hề thay đổi quy trình chế tạo hay thiết kế từ thời Maya này vẫn có thể vận chuyển hàng tấn các thùng xăng 200 lít, thực phẩm, và hành khách đến khu vực nội địa Honduran.

Ở quần đảo Đại Antilles, nền văn minh Taino ấn tượng đã được du nhập từ Venezuela vào khoảng đầu những năm 400 TCN, và nền văn minh Ca-ri-bê đều thành thạo trong việc di chuyển qua lại trên vùng vịnh Mexico. Trong các ghi chép của mình, Christopher Columbus đã nhiều lần đề cập đến con thuyền độc mộc Taino cỡ đại với chiều dài khoảng 12-24m, chở đầy hàng hoá và người. Đáng chú ý hơn là những ghi chép của Columbus cho thấy, người Taino có quen biết người Calusa ở bang Florida, Mỹ và người Maya ở Yucatán, Mexico.

Từ tất cả những đặc điểm trên, dường như các nền văn minh ở xung quanh vùng biển Ca-ri-bê, ngay cả vào những thời kỳ cổ đại xa xưa hơn, đã được kết nối thông qua các tuyến đường biển và đất liền. Điều này cung cấp cho chúng ta một cách giải thích khả dĩ tại sao thanh gươm Trung Quốc và hai mặt dây chuyền kiểu Olmec lại có mặt ở Georgia.

Vậy, phải chăng người Trung Quốc đã từng đến Georgia?

Một phần câu trả lời nằm ngay ở món đồ tạo tác. Thanh gươm thề [Trung Quốc] theo định nghĩa là một vật thể “biểu tượng cho một lời thề, mong ước hoặc khát vọng tín ngưỡng: được dâng hiến hay được múa để bày tỏ sự cảm tạ hoặc thành tâm đến Thần”. Chúng ta phải đặt câu hỏi tại sao một người nào đó, lại mang bên mình một thanh gươm như vậy, nếu không phải người Trung Quốc?

Thứ hai, thanh gươm này không phải là món đồ tạo tác duy nhất của Trung Quốc được phát hiện ở khu vực lân cận. Ông Lee còn tiết lộ có hai món đồ Trung Quốc cổ đại khác được tìm thấy ở cách khu vực phát hiện thanh gươm nói trên khoảng 2 giờ đi xe. Ông sẽ giới thiệu hai món cổ vật này trong một bài viết sắp tới. Đồng thời, cũng có một số lượng đáng kể các món đồ tạo tác khác, các nét chữ khắc trên đá, và các biểu tượng của Trung Quốc ở khu vực Tây Nam châu Mỹ.

Thật không may, trong hành trình xác định tính chân thực trong các chủ đề về lịch sử và khảo cổ, dường như không bao giờ có đủ dữ liệu để đi đến một câu trả lời tuyệt đối và không-thể-tranh-cãi mà tất cả mọi người đều nhất trí. Vì vậy câu hỏi “Phải chăng người Trung Quốc đã từng đặt chân ở Georgia?” chỉ có thể được trả lời chắc chắn khi thu thập đủ các bằng chứng để thuyết phục mọi người.

Lời kết

Khoảng 90 năm trước khi Columbus lần đầu dong thuyền vào vùng biển Ca-ri-bê, các đội thuyền nhỏ của nhà Minh, dưới sự chỉ huy của đô đốc Trịnh Hòa, đã nhiều lần đi đến những vùng đất xung quanh vùng biển Ấn Độ Dương để thu thập các món hàng và nguyên liệu lạ của nước ngoài.

Chuyến viễn chinh đầu tiên của đô đốc Trịnh Hòa bao gồm khoảng 185 thuyền:

  • 62 hoặc 63 “bảo xuyên” hay thuyền châu báu đã được đóng cho chuyến viễn chinh đầu tiên, mỗi tàu dài 134-164m, rộng 64m, có 4 boong, 9 cột buồm, tải trọng 20.000-30.000 tấn, bằng khoảng ⅓ đến ½ tải trọng của một tàu sân bay cỡ lớn ngày nay.
  • “Mã xuyên” hay thuyền chở ngựa, dài 103m rộng 42m, có 8 cột buồm, chở ngựa, gỗ để làm vật liệu tu sửa thuyền và cũng để làm đồ cống phẩm.
  • “Lương xuyên” hay thuyền chở lương thực, dài 78m rộng 35m, có 7 cột buồm, chở ngũ cốc cho thuỷ thủ và quân lính.
  • “Tá xuyên” hay thuyền chở quân, dài 67m, rộng 26m, có 6 cột buồm.
  • Chiến thuyền, dài 50m, có 5 cột buồm.
  • Khoảng 27.000-28.000 thủy thủ, quân lính, thông dịch viên và các thuỷ thủ đoàn.

Có thể điều này cho ta ấn tượng rằng đây không phải là cuộc phô diễn đầu tiên của người Trung Quốc.

Vũ trụ chứa đầy những điều bí ẩn đang thách đố tri thức của nhân loại. Mục “Khoa học Huyền bí” của Thời báo Đại Kỷ Nguyên sưu tầm những câu chuyện về các hiện tượng kỳ lạ kích thích trí tưởng tượng và mở ra những khả năng chưa từng mơ tới. Chúng có thật hay không? Điều đó tùy bạn quyết định!

Tác giả: Jon R. Haskell, Quỹ Nghiên cứu các Dân tộc Bản địa
Đăng tải với sự cho phép. Xem bản gốc tại đây.
Hoàng Sâm biên dịch

Nguồn:http://www.daikynguyenvn.com/khoa-hoc-cong-nghe/thanh-guom-co-o-georgia-my-su-xuat-hien-cua-nguoi-trung-quoc-tai-bac-my-truoc-thoi-columbus.html

Comment