khoa-hoc-ve-su-trung-hop-xac-suat-chi-la-cach-mieu-ta-khong-phai-cach-giai-thich
Khoa học về sự trùng hợp: Xác suất chỉ là cách miêu tả, không phải cách giải thích
- bởi map --
- 26/07/2015
Một người phụ nữ đang định cho phép người chồng bạo hành của mình về sống chung trở lại. Lúc cô chuẩn bị rời nhà để đến đón ông chồng tại sân bay, thì đột nhiên chiếc chuông điện thoại reo vang. Ở đầu dây bên kia là một người phụ nữ gọi nhầm số. Cả hai nói chuyện một lúc, thì cô phát hiện ra rằng người phụ nữ gọi nhầm số này có một người bạn trai cũng đang bạo hành cô ta.
(Ảnh: Shutterstock)
“Nỗi sợ hãi trong giọng nói của người phụ nữ lạ mặt khiến tôi hiểu rằng tiếp tục chung sống cùng với chồng sẽ là một sự sai lầm. Khi tôi gặp anh ta tại sân bay, tôi bảo anh rằng tôi đã đổi ý và anh không thể chung sống với tôi trong tương lai”, người phụ nữ kể với Tiến sĩ Bernard D. Beitman, một giáo sư tâm lý học tại trường Đại học Virginia. TS Beitman đang kêu gọi việc thành lập một lĩnh vực học tập mới: Nghiên cứu về sự trùng hợp.
Trong một bài viết vào năm 2011, ông phân tích cách giải thích khác nhau của các nhà khoa học cũng như những người không chuyên về hiện tượng trùng hợp của người phụ nữ này. Một số người cho rằng nếu dựa trên khía cạnh xác suất thì hiện tượng này là khả thi, tức là trong số tất cả các cú gọi nhầm máy trên thế giới, một trường hợp như vậy có thể xảy ra. Một số người cho rằng người phụ nữ này đã tự tạo ra tình huống theo một cách nào đó hay đã gán ghép thêm ý nghĩa cho nó—có thể lúc đó cô đang đối mặt với khó khăn trong cuộc sống và cô là loại người có xu hướng tìm kiếm lời khuyên từ các dấu hiệu từ môi trường xung quanh. Một số người còn cho rằng cô đã tiếp nhận chỉ dẫn từ một thế lực siêu nhiên. Một số thừa nhận rằng tất cả các khả năng này có thể đều đúng, tức là chúng không có tính loại trừ lẫn nhau.
TS Beitman cho rằng việc bác bỏ hiện tượng trùng hợp như chỉ là cái gì đó ngẫu nhiên “cũng tương đương với việc giả định rằng các hiện tượng trùng hợp là vô nghĩa hoặc không đáng kể. Nếu không có bằng chứng xác thực, giả định này khó có thể mang tính khoa học”. Ông nhận ra sẽ rất khó dùng khoa học để chứng minh được rằng các hiện tượng trùng hợp này vượt quá phạm trù ngẫu nhiên.
Nhà thống kê, TS Frederick Mosteller (1916-2006), người sáng lập khoa thống kê của trường Đại học Harvard, đã nói như sau trong một nghiên cứu về hiện tượng trùng hợp vào những năm 1980: “Chúng tôi cảm thấy khá háo hức khi được nhắc nhở rằng những thứ mà ‘chúng ta đều biết là đúng’ lại có thể rất khó chứng minh”.
Khi nhìn vào các con số xác suất, chúng ta sẽ cảm thấy một số hiện tượng trùng hợp không còn quá ngạc nhiên—như việc thắng xổ số hai lần hay gặp ai đó có cùng ngày sinh—nhưng điều đó không nhất định cho thấy các hiện tượng trùng hợp chỉ đơn giản là may rủi.
Xác suất là bao nhiêu?
TS Mosteller và đồng tác giả, GS Persi Diaconis đã tóm tắt xác suất xảy ra trong các trường hợp nhiều người có cùng ngày sinh: Trong số 18 người, có 50-50 khả năng ba người có cùng ngày sinh; trong số 88 người, có nhiều khả năng hai người sẽ có cùng ngày sinh; trong số 187 người, có nhiều khả năng bốn người sẽ có cùng ngày sinh.
TAMTHUCLấy một ví dụ khác, trong số nhiều trường hợp được Đại Kỷ Nguyên phát hiện, có một trường hợp đan xen nhiều yếu tố trùng hợp kỳ lạ với nhau. Một cặp song sinh bị chia cắt khi sinh và được nhận nuôi bởi 2 gia đinh khác nhau. Cả hai gia đình đều tự đặt tên cho đứa trẻ là James. Cả hai đều trở thành các nhân viên thực thi pháp luật – một người làm bảo vệ, còn người kia làm phó cảnh sát trưởng. Cả hai đều kết hôn với hai người phụ nữ tên Linda. Cả hai đều ly dị và tái hôn. Cả hai cùng tái hôn với hai người phụ nữ tên Betty. Một người đặt tên con trai là James Alan. Người kia đặt tên con trai mình là James Allan. Sau này khi gặp lại nhau, họ phát hiện ra những điểm tương đồng kỳ lạ trong cuộc đời riêng của họ. Câu chuyện của họ đã được kể lại trong một bài viết trên tạp chí People.
Xác suất là cách miêu tả, không phải cách giải thích
“Một số lượng lớn các hiện tượng trùng hợp xuất phát từ các nguyên nhân ẩn giấu chưa từng được phát hiện”, TS Beitman viết. Ông nói xác suất “không phải là cách giải thích, mà chỉ là sự miêu tả về hiện tượng xảy ra”.
Năm 1939, nhà tâm lý học B.F. Skinner đã phân tích những bài thơ sonnet của William Shakespeare và phát hiện thấy việc ông sử dụng các âm tương đồng, hay thủ pháp điệp âm, có thể là do sự trùng hợp. Ông Skinner tuyên bố, “Nếu nhắc đến đến khía cạnh này của thơ văn, thì Shakespeare dường như có khả năng xuất khẩu thành thơ”.
Một bức chân dung William Shakespeare đáng tin cậy duy nhất được vẽ vào thời của ông, khoảng năm 1610. (Ảnh: Wikimedia Commons)
Ông đi đến kết luận rằng, mặc dù Shakespeare có thể đã chủ định sử dụng điệp âm, nhưng có thể điều này đã xảy ra một cách ngẫu nhiên. Theo một người, mặc dù hiện tượng trùng hợp có thể xảy ra do ngẫu nhiên, nhưng điều đó không có nghĩa là không tồn tại sự thiết kế thông minh hay các lực lượng khác.
Tâm lý học trong các hiện tượng trùng hợp
Các hiện tượng trùng hợp có nhiều liên hệ với sự hồi tưởng và sự nhận thức, TS Beitman nói. Trong một nghiên cứu vào năm 1982, Ruma Falk đã cho thấy rằng thậm chí cách kể một câu chuyện về sự trùng hợp cũng có thể tác động đến mức độ ngạc nhiên của người nghe. Con người thường có xu hướng tìm kiếm các mô thức.
TS Beitman nhận thức được yếu tố khách quan trong việc nghiên cứu hiện tượng trùng hợp, nhưng ông lý luận rằng những yếu tố này không nhất định mâu thuẫn với nghiên cứu khoa học.
“Để nhận biết sự trùng hợp, chúng ta cần chú ý đến tư tưởng, các hình ảnh trong tâm trí, và cảm giác của bản thân khi đồng thời giám sát các sự kiện xung quanh. Một số người dường như có xu hướng cảm nhận sự trùng hợp: tức là, họ có thiên hướng phát hiện ra các sự trùng hợp mà những người khác không có”, ông đã viết.
Ông tiếp tục nói: “Một trong những thách thức lớn nhất trong lĩnh vực mới Nghiên cứu sự trùng hợp, đó là thiết lập liên hệ hệ thống giữa yếu tố khách quan và ý thức con người trong nghiên cứu khoa học. Các sự trùng hợp có ý nghĩa hay không, điều này phụ thuộc vào tư tưởng của người quan sát. Làm thế nào phát triển các phương pháp và một loại ngôn ngữ kỹ thuật đi kèm có bao hàm và xem trọng yếu tố khách quan trong hiện tượng trùng hợp, câu hỏi này vẫn chưa được trả lời.”
Ông lưu ý rằng cả thuyết tương đối và thuyết vật lý lượng tử của Einstein đều bao hàm yếu tố cá nhân [người quan sát, tham gia]. Thuyết tương đối nói rằng vị trí và vận tốc của người quan sát ảnh hưởng đến kết quả đo lường.
Khi Đại Kỷ Nguyên hỏi ông liệu có bất kỳ trường đại học nào tiếp nhận ý kiến Nghiên cứu Sự trùng hợp của ông hay không, TS Beitman đã trả lời qua email như sau: “Theo tôi biết thì hiện nay không có nghiên cứu sự trùng hợp nào được tiến hành dựa trên thu thập số liệu, mặc dù có khá nhiều giả thuyết và trường hợp được ghi nhận và sưu tầm. Sẽ cần nhiều năm trước khi lĩnh vực mới này có thể trở hành một môn học chính thức ở trường đại học. Các trường đại học thường nổi tiếng bảo thủ trong việc tiếp nhận các ý tưởng mới”.
Vũ trụ chứa đầy những điều bí ẩn đang thách đố tri thức của nhân loại. Mục “Khoa học Huyền bí” của Thời báo Đại Kỷ Nguyên sưu tầm những câu chuyện về các hiện tượng kỳ lạ kích thích trí tưởng tượng và mở ra những khả năng chưa từng mơ tới. Chúng có thật hay không? Điều đó tùy bạn quyết định!
Tác giả: Tara MacIsaac, Đại Kỷ Nguyên Anh ngữ
Đọc bản gốc ở đây.
Quý Khải biên dịch
Nguồn:http://www.daikynguyenvn.com/khoa-hoc-cong-nghe/khoa-hoc-ve-su-trung-hop-xac-suat-chi-la-cach-mieu-ta-khong-phai-cach-giai-thich.html
Comment