ly-giai-chuyen-than-bi-cua-bua-ngai
Lý giải chuyện thần bí của bùa ngải
- bởi map --
- 20/11/2012
Nhìn thấy cây ngải trong vườn, trong núi nơi người dân tộc thiểu số sinh sống, không ít người đã thêu dệt những chuyện ly kỳ về tính linh thiêng của ngải. Vậy cây ngải và bùa ngải có thật không?
Chuyện bùa yêu, ngải yêu người ta nói đến nhiều. Những chuyện đó, có người cho là thật, có người cho là hoang đường. Bị sức hút của những câu chuyện mang tính huyền bí, PV đã tìm nhiều người để mong tìm được sự kiến giải…
Thiếu tướng, tiến sĩ nhà văn Nguyễn Chu Phác
Những chuyện ly kỳ đến hoang đường
Trong một chuyến thực tế miền núi, tôi đã có lần đến với vùng Thanh Sơn (Phú Thọ) nơi có người Mường sinh sống nổi tiếng với những chuyện bùa ngải. Tại nơi này, tôi đã được nghe nhiều chuyện rất lạ, người dân cứ đồn thổi mà không những thế họ còn đưa ra những dẫn chứng người thật, việc thật. Ở xứ sở của bùa ngải, người ta tin chuyện ngải là có thật. Ngay như Thiếu tướng, tiến sĩ nhà văn Nguyễn Chu Phác người có thời gian dài nghiên cứu về tâm linh khẳng định: “Chuyện bùa chú thì tôi nghe nhiều nhưng còn bán tín bán nghi, nhưng với chuyện ngải thì có thật. Tôi đi nhiều, để ý nhiều nhưng đến giờ vẫn chưa biết cây ngải hình thù như thế nào”.
Đến giờ tôi vẫn còn ám ảnh bởi câu chuyện rùng rợn của nhà văn Nguyễn Hữu Nhàn kể về một người bạn. Ông Nhàn kể rằng, bạn đồng hương của ông quê Tứ Xã (Lâm Thao) dạy học nhiều năm ở xã Lai Đồng. Ông này vốn người xấu xí nên mãi không lấy được vợ. Nhưng sau nhờ ngải mà ông có vợ, có con. Nhưng người vợ chẳng may đột tử. Thay vì lo hậu sự cho vợ, ông bạn cứ ngồi gí mũi ngửi xác vợ. Lý giải điều này, những người biết về bùa ngải đều cho rằng, vì ông ta dùng ngải để lấy người khác một cách cưỡng bức nên khi vợ chết nếu không được thầy cao tay đến ké bùa (giải bùa ngải) thì sẽ chết theo vợ. Chính vì vậy, khi chưa được giải bùa, người đã trót nhờ ngải làm việc xấu cứ phải ngồi hít mùi tử thi.
Cứ một người con gái xấu xí, người dân tộc mà lấy được anh chồng đẹp trai người Kinh là người ta đồn thổi chuyện ém bùa ngải. Ở Thanh Sơn, người ta nói về chuyện của một cô gái sống gần cầu Mịn, xấu như Thị Nở, lại còn xấu cả nết nữa. Vậy mà, một anh chàng làm nghề chủ thầu xây dựng người Hà Nội hẳn hoi đã có vợ đẹp, con khôn lại mê cô nàng vùng sơn cước như điếu đổ. Họ sống với nhau như vợ chồng, có con với nhau. Anh chàng chủ thầu xây dựng vương vào cảnh đa mang đành biến thành con thoi đôi chốn đi về. Vừa mới năm trước, nghe người dân nói, anh hàng chủ thầu xây dựng đã xây cho mẹ con nàng Thị Nở một ngôi nhà cao rộng thênh thang vào bậc nhất nhì huyện.
Chuyện này người dân Thanh Sơn ai cũng biết. Người ta bảo nếu không có bùa ngải thì làm sao một người trai Hà Nội đẹp trai, giàu có lại yêu say đắm một cô nàng xấu xí đến thế. Có điều đến giờ vẫn đi về với hai vợ nhưng cuộc sống của ông chủ thầu xây dựng vẫn khá êm đềm. Chuyện này khiến tôi liên tưởng đến câu chuyện bùa yêu của Nguyên Ngọc. Ông lý giải một cô gái miền núi xấu nhưng yêu và lấy được anh bộ đội biên phòng đẹp trai. Họ sống hạnh phúc với nhau kể cả khi con cái đã xây dựng gia đình. Năm tháng trôi đi, nhưng tình cảm của hai người vẫn mặn nồng. Hỏi về chuyện bùa ngải, cả hai đều cười. Nhưng nhà văn tự giải thích “bùa yêu” là một tình cảm chân thực của những con người đối xử với nhau. Tình cảm ấy là một thứ bùa ngải tốt nhất.
Cây ngải
Đi tìm dấu tích cây ngải
Tin cây ngải là có thật, nhưng ông Chu Phác vẫn chưa gặp và chưa hình dung ra được cây ngải như thế nào. Đã hơn 70 tuổi, ông đi nhiều nhưng vẫn thấy điều mình chưa biết như một món nợ vô hình. Trong cuộc trò chuyện, ông bảo: “Tôi thấy người ta nói cây ngải giống như cây gừng. Có người nói nó giống như cây hoa tóc tiên, có người lại chụp hình nó giống cây xương rồng”.
Mặc dù miêu tả hình dạng có khác nhau, nhưng nơi đâu cũng nhắc đến sự linh nghiệm của ngải. Theo kiến giải của nhiều người, cây này chỉ có rất ít ở vùng sâu núi thẳm. Cây này ăn động vật (gà con hoặc chim rừng), cái khí chất của nó độc lắm. Nhờ cái khí thiêng ấy, người muốn hại đối phương bào chế và cho người ấy uống. Đối phương sẽ trở nên ốm yếu thần kinh suy kiệt. Nhưng với mục đích hại người thì người chơi bùa ngải cũng không thoát khỏi chuyện ác giả, ác báo.
Tôi tìm nhiều nơi mong muốn được biết một loại cây mang nhiều huyền bí trong đời sống của người dân tộc thiểu số. Cuối cùng, tôi cũng tìm đến được với lý giải của ông Sương Mãn Thiên về cây ngải. Theo đó, cây ngải có ngải là một loại thực vật ngoại biến càn khôn, thường mọc trong những vùng rừng núi, nhiệt đới như Thất Sơn, Trường Sơn.
Ngải có đến gần 800 loại, là loài thực vật có củ, nhỏ nhất thì nhỏ hơn củ nghệ một chút như ngải đen, ngải nàng thâm, nàng xoài lớn thì có thể bằng bắp vế người đàn ông lực lưỡng như ngải mãnh hổ, cuồng phong, ngải tượng. Một số loài đã có tên khoa học và đã được công nhận tính năng chữa bệnh hay giúp ích cho cơ thể con người bởi các nhà nghiên cứu khoa học công bố. Nhưng đa phần cây ngải vẫn còn mang nhiều bí ẩn mà tên gọi chỉ được truyền miệng qua kinh nghiệm dân gian hay các ngải sư với nhau.
Theo các ngải sư thì loài cây này có tính linh tự nhiên kỳ diệu, ví dụ như một củ ngải khô đã vài năm để trong nhà không chạm đất nhưng khi để vào chậu kêu câu chú mời thần ngải về chứng thì vài tuần nó sẽ tự động mọc mầm sống lại, lên cây, trổ hoa như thường. Có những thương gia làm ăn, buôn bán vô tình trồng một vài chậu ngải bún (còn gọi là ngải hẹ) ở trước nhà mục đích chỉ để làm cảnh. Nhiều người thấy từ khi mình trồng cây cảnh ấy tự nhiên đông khách, đắt hàng. Chủ nhà cũng không biết là mình đã trồng loại ngải. Và thực tế, trong thế giới cây cảnh hiện nay, có rất nhiều loài cây thuộc họ ngải nhưng người bán, người mua đều không hay biết. Theo các ngải sư, với những loài cây cảnh “ăn thịt” đều có thể xuất thân từ những loại ngải khác nhau.
Tuy nhiên, việc trồng cây ngải một cách vô tình cũng chẳng sao. Muốn có được bùa chú từ ngải, thì pháp sư phải làm bùa chú. Luyện ngải cách hay nhất là kiếm 7 cái đầu ông táo bỏ hoang nơi chùa, miếu, đình thần đem về trộn lẫn với đất thiên nhiên. Sau đó lấy một miếng chì vẽ khắc chữ bùa cột để dưới đít chậu, trứng gà sống dùng mực đỏ vẽ thêm chữ bùa chủ dụng mà mình muốn luyện cho chậu ngải đó. Chẳng hạn như ngải thương (làm ăn khấm khá), ngải ăn nói ngoại giao, ngải cầu tài, ngải quan tư tất thắng (ra toà thưa kiện).
Người ta muốn tăng thêm chuyện linh thiêng huyền bí của ngải đã tạo ra nhiều câu chuyện nghe rất hoang đường xung quanh việc luyện ngải. Ông Chu Phác kể: “Tôi cũng nghe nói đến chuyện luyện ngải. Khi ngải ra hoa, buổi tối người ta cắm hương theo hình bát quái đỏ rực. Người yếu bóng vía đi qua, nhìn thấy giữa thâm sơn cùng cốc bỗng lập loè ánh hương thì rùng rợn lắm. Tôi cũng được nghe kể, khi ngải nhiều đàn gà lạc vào hôm sau cũng chỉ còn lại lông và xương”.
Chỉ là chuyện hoang đường
Tuy tin cây ngải là có thật, nhưng những chuyện huyễn hoặc về uy lực của cây ngải ông Chu Phác vẫn coi như chuyện hoang đường. Chuyện tin hay không vẫn là tuỳ ở mỗi người nhưng với người gia đình rạn nứt, có vấn đề về làm ăn, công việc cần giải pháp trấn an tâm lý thì ngải coi như một cứu cánh. Vì thế, từ xưa đến nay người ta vẫn truyền nhau chuyện bùa ngải…
Comment