bi-mat-cay-cau-ma-am-o-da-nang
Bí mật cây cầu ma ám ở Đà Nẵng
- bởi map --
- 15/12/2014
Tại khu vực quận Liên Chiểu (TP Đà Nẵng) có một cây cầu nhỏ rất nổi tiếng bởi những câu chuyện đồn thổi ma quỷ. Chuyện có liên quan đến một cô sinh viên khoa văn, trẻ trung, xinh đẹp vì thất tình đã gieo mình xuống từ cây cầu này để tự tử.
Người con gái bạc mệnh đó có một lời nguyền nên có rất nhiều cô gái trẻ thất tình cũng đến đây để kết thúc cuộc đời mình. Không những thế khu vực quanh cây cầu trở thành một điểm đen về tai nạn nổi tiếng đến nỗi mà nhiều lái xe đường dài cũng biết.
Những câu chuyện đồn thổi kinh sợ
Bây giờ, nơi cây cầu cô sinh viên đó nhảy xuống đã có tên hẳn hoi, chỉ có điều cái tên cũng rất thảm thương như dấu ấn bi thương để “tưởng niệm” các cô gái chết trẻ vì tình – cầu Đa Cô.
Người ta kể rằng, vì trên cầu có nhiều người con gái ở tuổi “ô mai” nhảy cầu tự tử vì tình nên dân gian đặt cho tên cầu là Đa Cô. Về mặt thông số vật lý, cầu Đa Cô, có chiều rộng: 9,0 m, chiều dài khống chế: 33 m: Thuộc lý trình : km 925 + 287 QL .1 A chạy qua Quận Liên Chiểu, TP. Đà Nẵng là cung đường rất rộng, đẹp thoáng đạt và tiện lợi để tham gia giao thông.
Cây cầu Đa Cô
Nhưng tại cây cầu này lại thường xuyên có người nhảy cầu tự tử và là điểm đen tai nạn giao thông!. Theo thống kê của chính quyền địa phương thì gần 20 cô gái chết theo bằng cách nhảy cầu. Trong thời gian 5 năm trở lại đây đã có 7 người tự tử ở đây là những cô gái tuổi còn rất trẻ, do thất tình hoặc gặp rắc rối trong chuyện tình cảm đã chọn cái chết nhảy cầu.
Chính vì thế có nhiều câu chuyện đồn thổi ma quái xuất hiện và khiến không ít người non gan và tin vào những chuyện hoang đường lạnh gáy mỗi khi đi qua đây. Bằng chứng là những am miếu thờ vẫn nghi ngút khói hương mà người qua đường “phải” thắp đều đặn mỗi ngày cho hàng trăm oan hồn ở hai bên cầu.
Nhiều người dân ở đây luôn “dè chừng” sống làm sao cho “phải đạo” với oan hồn. Họ bảo phải “sống tốt” với ma quỷ nếu không “chúng” hiện hình bắt người khắp nơi trên cầu thì không thầy cúng nào cứu thế được. Đặc biệt, họ hay truyền miệng nhau kể về oan hồn cô gái đầu tiên chết tại cây cầu này!
Bà Trần Thị Mây, nhà ở phía Nam cầu Đa Cô cho biết, nhiều trường hợp bị tai nạn giao thông tại khu vực này cho rằng… gặp ma nên mới cuống cuồng mất vía, dù đang lái xe cũng phải thả tay ôm mặt, không đủ khả năng làm chủ tốc độ. Những người bị tai nạn ở khu vực này nhưng may mắn thoát không mất mạng thường đem “kỳ tích” trên kể, từ đó những câu chuyện cứ thế lan ra, ngày càng tam sao thất bản vì ai cũng muốn câu chuyện của mình “gay cấn” hơn nguyên bản trước đó một chút.
Nhưng có một sự trùng hợp ngẫu nhiên được nhiều người vận vào để giải thích cho lời nguyền của cô gái khoa văn là phần lớn những người chết ở khu vực này, kể cả tai nạn lẫn tự tử thì số nạn nhân là nữ tới hơn 80%.
Đi tìm tung tích cô gái khiến bao người khiếp sợ
Để “giải lời nguyền” cho cây cầu Đa Cô chúng tôi quyết đi tìm lại tung tích của cô sinh viên khoa văn đoản mệnh. Người thứ nhất là cô Đặng Lan, giáo viên bộ môn văn của trường ĐHSP Đà Nẵng, có quan hệ thân thiết với cô gái.
Trước đây cô Lan đã hướng dẫn cho cô sinh viên này làm đề tài nghiên cứu về văn học dân gian một thời gian, nên hiểu tâm tư tình cảm và tính khí cô bé dễ thương đó. Còn người thứ hai là thầy giáo Nguyễn Khắc Sinh, cũng là giảng viên dạy văn trường ĐHSP Đà Nẵng, nơi cô gái đã học hai năm.
Theo lời kể của hai vị giáo viên này thì câu chuyện đã xẩy ra… 21 năm về trước, lúc đó, trường ĐHSP Đà Nẵng mới là cao đẳng sư phạm, thành phố cũng còn xơ xác và tiêu điều lắm. Trường CĐSP Đà Nẵng cũng hoang vu nhưng đã thu hút rất nhiều cử nhân về tu nghiệp.
Trong khoá 9 của trường, khoa sư phạm văn là có nhiều người trội hơn cả, vừa là khoa đắt giá nhất của trường nhưng cái mà cánh thanh niên trai tráng chú tâm nhất là các em nữ sinh tươi tắn xinh đẹp. Trong lớp K9 ấy có cô bé tên Hoàng Thị Nh., quê ở Hoà Vang lên học. Nh. có nước gia trắng ngần, tóc mượt và dài tận gót chân, mặt trái xoan xinh xắn như hoa nên được các chàng trai rất săn đón.
Cô học rất giỏi, chăm chỉ, bạn bè và thầy cô trong trường ai cũng quý mến. Nhưng năm thứ ba cô đã phải lòng một chàng sinh viên Đại học Bách Khoa Đà Nẵng, họ quấn lấy như đôi chim. Thời gian họ dành cho nhau nhiều hơn ở trường nên kết quả học tập của Nh. giảm hẳn. Cứ như thế, cái gì đến đã đến, Nh. có bầu đến tháng thứ 4 họ mới biết. Chàng trai biết tin như bừng tỉnh khỏi cơn mê, anh ta hứa hẹn rồi khăn gói về quê xin cha mẹ cho cưới nhưng rồi không hiểu vì sao không thấy quay lại.
Thầy Nguyễn Khắc Sinh kể: Vào một đêm độ giữa tháng tư, vừa đến giờ tắt đèn đi ngủ thì Nh. mở cửa phòng đi ra, có người để ý cô vẫn mặc đồ ngủ nên không đoán là cô đi đâu xa.
Đợi mãi không thấy cô trở lại phòng mọi người mới tá hoả đi tìm thì không thấy đâu. Sau này những người đi chợ ban đêm mới kể lại thấy cô đứng trên cây cầu hoang cách trường gần một cây số nằm ở phía nam trường học của mình. Bất giác, mấy người đi chợ đêm thấy cô đứng trên đó khóc rồi gọi tên mẹ, gọi cha, gọi tên người yêu và oán rằng sẽ chết. Mấy người đi chợ vội căn ngăn nhưng không kịp.
Đêm đó, cả vùng ngoại ô hồi đó buồn tẻ của cái thành phố Đà Nẵng bừng tỉnh dậy sớm so với lệ thường để chuẩn bị cho công tác từ thiện là vớt xác cô lên để lo hậu sự. Nhưng việc vớt xác của cô gái xấu số gặp nhiều khó khăn do dòng sông khi đó còn sâu hơn hai mét nước, con chảy xiết chứ không bị rác vùi thành sông lấp như bây giờ.
Mất hai ngày hai đêm người thân và những người giúp việc lặn hụp vẫn không vớt được xác của cô gái. Cho đến khi phải đem rào gai buộc mấy tạ đá chim xuông đáy và lôi cả tấn rác lên mới kéo được xác cô. Người ta nói xác cô bị chìm xuống lớp bùn rác tới mấy chục xăng-ti-mét, nhưng chi tiết đó đến này lại được hư cấu thêm trở thành chuyện ma quái.
Vén bức màn bí ẩn
Chuyện có nhiều cô gái trẻ dại dột để tìm đến cây cầu này tự vẫn là điều có thật và có nhiều tai nạn xẩy ra ở khu vực này cũng là điều có thật. Tuy nhiên những hiện tượng này hoàn toàn có thể giải thích trên cơ sở khoa học.
Cầu có nhiều âm miếu thờ ma quỷ
TS. Nguyễn Văn Thanh, giảng viên Khoa tâm lý trường ĐHSP Đà Nẵng giải thích: “Có thể giải thích hiện tượng có một số cô gái tự tử trên cũng giống như cầu Tràng Tiền ở Huế mà báo chí đã đưa tin nhiều. Đó là do hiệu ứng tâm lý, ma ám xu hướng thường xảy ra ở lớp trẻ cực đoan muốn tìm đến cái chết là thường. Khi những cô gái trẻ tính quẫn thì cái địa chỉ này đã thường trực trong đầu nên họ tìm đến. Không phải chuyện ma quái như thiên hạ đồn thổi quá đáng”.
Còn PGS.TS Đặng Ngọc Nam, giảng viên khoa địa chất trường ĐHBK Đà Nẵng, là một nhà khoa học làm công tác giảng dạy, nhưng thường xuyên kết hợp với những đoàn khoa học cấp nhà nước, đã tham gia nghiên cứu thực địa và hiện tượng lạ tại địa phương lại đặt ra giả thuyết:
“Hiện nay, tai Việt Nam, có một số điểm đen về tai nạn giao thông như trên. Có công trình nghiên cứu với giả thuyết ràng dưới những điểm đen đó có từ trường do nhiều tính chất phức tạp của địa chất tạo nên. Ví như dưới đó có mỏ quặng, thì khi nhiệt độ trái đất tác động sẽ sinh ra điện trường tác động lên người tham gia giao thông, làm họ giảm khả năng điều khiển, có thể tạo ảo ảnh… nên gây tai nạn”.
Hơn nữa, nếu phân tích dưới góc độ tâm lý, những người tham gia giao thông đi qua khu vực này có thể đã từng nghe câu chuyện hoặc nhìn thấy miếu thờ nghi ngút thì dễ bị tác động. Chính vì vậy, nên chăng chính quyền địa phương nên có biện pháp tuyên truyền vận động bà con không nên lập miếu thờ và đốt hương quá nhiều ở khu vực này để giảm thiểu tai nạn.
Theo Dung Trần
Nguoiduatin
Comment