chuyen-ve-doi-vo-chong-nam-vot-xac-tren-song-hong
Chuyện về đôi vợ chồng 20 năm vớt xác trên sông Hồng
- bởi map --
- 14/03/2015
Ở xóm thuyền ngay bãi giữa sông Hồng có đôi vợ chồng gần 80 tuổi vật lộn với sóng nước để vớt từng xác chết trôi sông…
Cái nghiệp vớt xác
Lần theo con đường mòn, chúng tôi đi về phía bãi giữa sông Hồng. Xóm thuyền lẻ loi giữa trong khung cảnh chiều tà. Bước qua một hàng rào bằng cây cỏ, ông Thành dẫn chúng tôi vào nhà trên một chiếc cầu ọp ẹp nối với bờ sông.
Đã gần 80 tuổi, gần 65 năm phiêu bạt sống cuộc đời vô gia cư, hơn 20 năm lênh đênh trên sóng nước, ấy thế mà đôi chân ông vẫn nhanh nhẹn, đôi mắt vẫn sáng rõ. Ngày ngày ông cụ Thành vẫn lên phố bới từng bãi rác nhặt phế liệu kiếm từng đồng mưu sinh. Ở dưới chân cầu phía xóm nổi bãi giữa sông Hồng, có ngôi nhà của ông, chiếc thuyền nhỏ chắp vá, dập dềnh trên sông và có một người vợ già yếu đang chờ ông về để cùng nấu bữa cơm chiều.
Gọi là nhà nhưng thực ra nó chỉ là một con thuyền được dựng rất tạm bợ, chắp vá. Nó được kết bằng ít gỗ tạp và tre, xung quanh thuyền có vài tấm vải bạt mà theo ông kể là những thứ mà ông nhặt được trong khi đi bới rác. Thuyền được trang bị vài chiếc thùng phuy và thùng xốp để giữ cho nó nổi. Nối giữa bờ sông là một cây cầu gỗ ọp ẹp. Nhìn ông, không ai nghĩ rằng một cụ già dáng người nhỏ như thế mà lại có thể vớt được hàng chục xác chết trôi trên sông như vậy.
Kể về cái duyên của mình với tử thi và người tự tử, cụ Thành trầm ngâm: “Sống ở trên dòng sông này đã gần 20 năm, việc gặp xác chết trôi sông gần như là chuyện thường gặp, tôi coi đó là một phần trách nhiệm của mình với cuộc đời, nhiều khi đó là cái duyên mà cũng là cái nghiệp”.
Tuần trước, ông đang ngồi trên thuyền thì nghe tiếng hô hoán có người chết đuối. Chừng xế chiều nên người đi bơi khá đông. Mọi người tri hô ra cứu nhưng khi biết đó là một xác chết thì lại hét lên vì sợ hãi. Họ bơi hết vào bờ. Ông chạy ra xem rồi tìm cách cố gắng dùng sào kéo cái xác vào bờ. Sức khỏe của một cụ già gần 80 tuổi dường như đã dồn tất thảy vào những công việc thiện nguyện ấy.
Vợ chồng ông Thành vui vẻ trò chuyện với PV
Nghẹn lòng cuộc mưu sinhKhông có con, bà ốm yếu, một mình ông cặm cụi từng ngày để kiếm miếng ăn cho hai thân già. Cuộc đời của ông bà dường như chưa có một ngày vui trọn vẹn. “Sáng nay có mấy cháu sinh viên tình nguyện xuống đây, biết hoàn cảnh rồi vào thăm nhà, cái thuyền cũ quá mà chỉ lót xốp ở dưới, cứ vài ba người ngồi là y như rằng thuyền chìm chạm người xuống nước. Thương ông bà già nên các cháu cho 500 nghìn mua phuy đỡ, còn dư mấy chục ông ra ngoài mua mấy miếng thịt cho bà cải thiện thì gặp cháu đấy, mấy hôm rồi mưa gió ông không đi lượm lặt được gì nên nhà không có gì ăn”, ông Thành kể.
Nhớ lại lần đầu tiên vớt xác, ông kể, hồi ấy ông không ở khúc sông này mà ở phía đầu cầu gần Phúc Xá. Hôm ấy, lúc nửa đêm trời trăng sáng, ông ra ngoài thấy một cái gì đó cứ dập dềnh ở chỗ mấy bụi cây, ông soi đèn thì mới biết đấy là một xác chết đã trương phình, ông chạy vào gọi bà ra để cùng vớt. Lần đầu tiên thấy chồng kéo một xác người chết vào bờ, bà sợ đến xanh cả mặt, không nuốt nổi cơm bởi cứ bị ám ảnh thi thể trương phình, mùi tử khí bốc lên. Nhưng dần dần rồi cũng quen.
Cách đây 2 tháng ông cũng vớt được một xác người đang trên dòng trôi xuống, đến khi khám nghiệm thì mới biết là người ở Phú Thọ. Nếu mình không thấy thì thôi nhưng đã thấy thì phải vớt, mùa mưa nước sông dâng cao hơn nên có nhiều người gặp nạn. Mấy chục năm trên sông, những người ông vớt có người chết đuối, có người thắt cổ, có người kẹt tàu, thường thì đều đã bị ở dưới nước mấy ngày nên rất tội nghiệp.
Khi nhận người nhà đến nhận xác, có người cho ông mấy trăm nghìn, có khi chỉ là lời cảm ơn suông nhưng với ông điều đó không quan trọng. “Nhờ lộc trời lộc Phật mình làm phúc cho họ, đồng tiền thì quý thật nhưng mà sinh ra cái tâm con người, mình lấy đó để coi như làm phúc cho đời, họ lại cho mình sức khỏe để sống. Sống thêm được ngày nào quý ngày đó, có khổ cực nhưng mà được nhìn thấy mặt trời mỗi buổi sáng là vui lắm rồi”, ông lão nói nhanh, tiếng cười không còn giòn tan nữa nhưng vẫn dồi dào sức sống.
Xúc động tình người
Ông sinh ra ở vùng đất miền Trung, khu vực cuối tỉnh Thanh Hóa giáp với Nghệ An. Bố mẹ qua đời lúc mới 10 tuổi, 4 anh em mỗi người một ngả tự mưu sinh. Năm 13 tuổi ông đã bắt đầu cuộc sống lang thang phiêu bạt. Khi thì ông đi quét sân ga, khi thì đi rửa bát, làm đủ thứ nghề lao động chân tay. Đến năm 1969, ông trông thấy bà đi nhặt gạo rơi rồi bỏ vào ống bơ nấu, tối tối lên toa tàu trống để ngủ. Lân la hỏi chuyện thì mới biết bà từ Thái Bình lên đây. Mẹ mất sớm, cha lấy dì. Rồi hai con người có cùng hoàn cảnh quyết định góp gạo thổi cơm chung, sống chết cùng nhau. Trên tay của ông vẫn khắc rõ ngày 26/9/1969, ngày mà hai cụ về sống với nhau, nụ cười ngượng ngùng của bà đã ngăn câu chuyện về những ngày đầu gặp gỡ của hai số phận khốn khổ.
Lang thang, phiêu bạt cho đến khoảng năm 2000, ông bà viết đơn xin lên trung tâm bảo trợ xã hội thành phố Hà Nội. 5 năm ở đây, ông Thành đã tự tay mình cất bốc 180 bộ hài cốt ở nghĩa trang trong trung tâm để chuyển về Bất Bạt theo quyết định của Nhà nước. Một mình ông ròng rã hơn 10 ngày cất bốc 180 ngôi mộ. Sau đó không lâu, vì không phải là người Hà Nội nên ông bà bị chuyển về địa phương, về nhà chẳng còn anh em họ hàng nên ông lại quay ra Hà Nội. Hồi trước ông đóng bè ở khúc sông gần Phúc Xá, sau thời gian lang thang vạ vật trên phố giờ ông bà chuyển về sống ở khúc sông này.
Trên vách thuyền, chiếc đèn năng lượng mặt trời được treo lên bên cạnh hai bức ảnh của ông bà do một nhiếp ảnh người Hàn Quốc đã chụp tặng, “chiếc đèn đó là quà của một người hay đi bơi ở đây cảm thương mà cho, con trai ông ấy ở bên Pháp mang về, không dùng đến nên ông bà được dùng”, ông Thành chia sẻ.
Trời đã ngả chiều. Trên thuyền bà Thành đã bật đèn. Chúng tôi rời khỏi thuyền khi trời lảng bảng tối, những hình ảnh về nụ cười nhăn nheo và những câu chuyện của ông cứ ám ảnh tôi. Ông cười bảo: “Nếu mai mốt không có sức đi làm nữa thì chắc hai ông bà sẽ lên bờ, ai cho gì thì ăn, chết ở đâu thì còn có chính quyền giúp đỡ. Sức đã sắp cạn nhưng còn thấy người trên sông tôi còn đủ sức để đưa họ về với gia đình, bởi không có gì đau khổ bằng khi chết đi mà phải một mình người thân không ai biết”.
Mùa mưa, nước sông Hồng lại dâng lên, chiếc thuyền của ông bà cũng theo sóng nước dâng cao. Lại tiếp tục nổi trôi, dập dềnh nhưng đằng sau những chìm nổi mưu sinh, sống cuộc đời của những người phiêu bạt, ông bà Thành vẫn để lại cho đời những câu chuyện đáng trân trọng và cảm phục. Đó là câu chuyện xúc động về tình người.
Thơm Nguyễn – Theo Người đưa tin
TAMTHUC
Comment