bi-an-sau-tuc-nuoi-nguoi-chet-cua-nguoi-hmong
Bí ẩn sau tục ‘nuôi người chết’ của người H’Mông
- bởi map --
- 15/03/2015
Có một lời đồn về người H’Mông ở Phù Yên, Sơn La, rằng, người chết được buộc đứng vào cột trước hiên nhà. Hằng ngày xác chết vẫn được người thân bón cơm và thức ăn như người đang sống. Đâu là thực hư của lời đồn này?
Đi tìm ẩn số
Giữa cái nắng mùa hè oi ả, vượt qua chặng đường dài 170 cây số, chúng tôi có mặt tại thị trấn Phù Yên, Sơn La. Đến nơi cũng là giữa ngọ, nền nhiệt ngoài trời cao đến gần 40 độ C. Tìm những bóng râm nghỉ cho lại sức, và chúng tôi bắt tay vào hành trình giải mã lời đồn.
Ở các quán nước vệ đường bên ly trà đá, chúng tôi bắt chuyện với dân bản địa về tập tục chôn cất người đã khuất của dân tộc H’Mông. Nhiều người kể rành rọt rằng sau khi chết người H’Mông được buộc đứng vào cột hiên trước nhà đến vài ngày và vẫn được người thân bón cơm và thức ăn như người còn đang sống.
Già làng Sùng Gà Của
Tuy nhiên khi hỏi có ai chứng kiến việc này chưa thì những người “kể y như thật” lại bảo họ cũng chỉ nghe kể lại. Muốn biết chắc chắn sự thật, không còn cách nào khác là tìm đến nơi đồng bào người H’Mông sinh sống cheo leo trên núi cao.
Trời vẫn hầm hập nắng, chúng tôi lại hăm hở tìm đến những bản làng người H’Mông.
Điểm đến đầu tiên mà chúng tôi chọn đó là xã Suối Tọ, cách trung tâm huyện gần 20 cây số. Tiếp chúng tôi tại phòng khách ủy ban là anh Thào A Trư – Bí thư xã Suối Tọ. Anh Trư là một cán bộ trẻ và cũng là người H’Mông.
Trao đổi với phóng viên, anh Thào A Trư khẳng định: “Tất cả những lời truyền miệng của người dân vùng dưới về việc chôn cất của đồng bào H’Mông là hoàn toàn sai sự thật. Không có chuyện buộc đứng người chết lên cột hiên trước nhà và bón cơm như người còn đang sống. Mặc dù trước kia phong tục chôn cất của người H’Mông còn có những mặt chưa phù hợp với thời đại nhưng ngày nay với công tác tuyên truyền thì những mặt hạn chế đó dần mất đi rồi”.
Treo người chết trong nhà rồi mới đem chôn
Để tìm hiểu rõ hơn về văn hóa tâm linh của người H’Mông, đồng chí Bí thư trẻ đã cử người đưa chúng tôi đến gặp già làng Sùng Gà Của ở bản Lũng Khoai A, chỉ cách ủy ban xã mấy trăm mét.
Gần đấy, nhưng đường vào nhà già làng là một con đường đất thật là khó đi, đường chỉ rộng vừa đủ cho một chiếc xe máy đi vừa. Một bên là núi và một bên là vực và khá trơn. Nếu tay lái không vững, chỉ cần một sơ sểnh nhỏ là cả xe và người sẽ chui tọt xuống vực sâu.
Già làng Gà Của đang ngồi trên chiêc phản gỗ trong một căn nhà bằng gỗ khá bề thế, nền nhà lát gạch hoa sạch sẽ. Dáng người nhỏ bé, tay cầm chiếc tẩu thuốc, thấy khách đến, già nhổm dậy mời khách vào nhà.
Thấy anh cán bộ xã giới thiệu có phóng viên muốn đến tìm hiểu phong tục mai táng của người H’Mông, già làng cười vui vẻ: “Không phải vậy đâu, người H’Mông sau khi mất được mặc một bộ quần áo tang theo phong tục có từ đời trước. Khi gia đình có người qua đời thì bàn thờ ở gian giữa được di chuyển đi chỗ khác và thay vào đó là hai thanh gỗ hoặc tre được buộc thêm những thanh ngang có chiều rộng vừa đủ để người chết nằm vào đó.
Sau khi người mất được mặc quần áo tang và đặt vào hai thanh gỗ thì hai thanh gỗ và người chết được dùng dây thừng treo lên cách mặt nền nhà khoảng một mét. Lúc này gia đình đã có rất đông người đến để làm ma.Trong đám tang có người cúng cho vong hồn người chết là thầy mo, có người chủ trì cho mọi công việc và có cả kèn trống.
Mọi người đến thắp hương để được gặp mặt người đã khuất lần cuối và ở lại dùng bữa chia buồn cùng gia đình. Trước khi dùng bữa thì gia đình xới một bát cơm, lấy một ít thức ăn có trong bữa và thầy mo bắt đầu làm nghi lễ mời người chết về dùng cơm với người thân để thể hiện tình cảm của người còn sống với người khuất.
Thời gian để người chết ở trong nhà lâu hay chóng tùy thuộc vào gia đinh có đông con cháu hay không nhưng tối đa không quá ba ngày. Sau những ngày ở nhà, người chết đươc hạ xuống và khiêng đi chôn cất.
Ngôi nhà của người HMông trên núi cao
Ngoài khu chôn cất, một chiếc huyệt đã được đào và một chiếc áo quan mở nắp được đặt sẵn ở dưới. Sau khi khiêng người chết ra huyệt, mọi người làm lễ đưa người chết vào áo quan, đậy nắp và lấp thành mộ. Như vậy công việc của tang lễ coi như đã hoàn tất”.
Vậy là đã rõ, tang ma của người H’Mông nơi này cũng có nhiều nét tương đồng với người Kinh. Điểm khác biệt lớn nhất chính là việc treo người chết lên giữa nhà. Mãi đến lúc đưa đi chôn mới cho thân xác vào áo quan. Đây cũng là điều khiến chúng tôi trăn trở.
Rời Suối Tọ, chúng tôi lại trèo đèo lội suối tìm đến với một vài bản người H’Mông khác, qua gặp gỡ và tiếp xúc với nhiều Già làng, họ cũng đều khẳng định phong tục mai táng người chết của người H’Mông ở đây cũng giống với những người H’Mông ở Suối Tọ mà chúng tôi vừa đến.
Chúng tôi băn khoăn một điều, người chết không cho nhập quan ngay mà treo trong nhà, có khi đến vài ba ngày, hẳn là điều không tốt. Nhất là những người ốm đau bệnh tất, cộng với những lúc thời tiết khắc nghiệt sẽ là phân hủy cơ thể, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và môi trường sống cho chính gia đình của người có tang.
Chính quyền nơi đây cũng đang vận động bà con nên cho người chết nhập quan khi vừa mất, để đảm bảo vệ sinh và phòng tránh một số bệnh lây truyền.
Thiết nghĩ thay đổi một tập tục là rất khó, nhưng những tập tục có thể trở thành hủ tục thì bà con nên thay đổi để phù hợp với điều kiện sống văn minh.
Theo Pháp luật Việt Nam
TAMTHUC
Comment