No icon

ca-mau-un-un-den-nghe-ba-cu-chet-di-song-lai-ke-chuyen-xuong-am-phu-

Cà Mau: Ùn ùn đến nghe bà cụ chết đi sống lại kể chuyện xuống âm phủ ?

Theo lời kể của anh Thạch Hưởng, con trai bà Hai và là người trực tiếp chăm sóc bà, mẹ anh đã tử vong. Sau đó, bà Hai được đưa xuống nhà xác nhưng đến 18 giờ hôm sau, bà bỗng dưng sống lại và bước về khoa cấp cứu. Anh Hưởng hoảng sợ đến độ không dám chạm vào người mẹ.

Tin bà cụ qua đời 24 giờ tại bệnh viện bỗng dưng sống lại đang gây sự hoang mang, hiếu kỳ cho người dân Cà Mau. Nhiều người tìm đến nơi bà cụ điều trị để xem, thậm chí xin số đề, gây không ít phiền phức cho bệnh viện.

Người được đồn thổi chết đi sống lại là bà Danh Thị Hai (ngụ xã Tân Lộc, huyện Thới Bình – Cà Mau), hiện được điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cà Mau.

Theo lời kể của anh Thạch Hưởng, con trai bà Hai và là người trực tiếp chăm sóc bà, khoảng một tháng trước, mẹ anh đã tử vong. Sau đó, bà Hai được đưa xuống nhà xác nhưng đến 18 giờ hôm sau, bà bỗng dưng sống lại và bước về khoa cấp cứu. Anh Hưởng hoảng sợ đến độ không dám chạm vào người mẹ.


Bà Hai và anh Thạch Hưởng ở Bệnh viện Đa khoa Cà Mau.

Nhiều thân nhân nuôi bệnh nằm cùng phòng với bà Hai khi tiếp xúc với chúng tôi đều khẳng định đây là chuyện có thật. Những việc như bà Hai sau khi sống lại đã “kể chuyện đi xuống âm phủ” như thế nào; bà “đổi tính, quay sang thích con gái đẹp” ra sao… được nhiều người tường thuật tỉ mỉ. Có người còn khẳng định sau khi sống lại, bà Hai đến gõ cửa phòng trực làm các y – bác sĩ, người nhà bệnh nhân hoảng hốt, bỏ chạy tán loạn!

Nhiều người hiếu kỳ tập trung đến nơi bà Hai điều trị

Trước thông tin trên, Phó trưởng Khoa Hồi sức cấp cứu Bệnh viện Đa khoa Cà Mau Trần Kim Trưởng khẳng định đây chỉ là tin đồn thất thiệt. Không thể có trường hợp bệnh nhân chết đúng 24 giờ mà còn sống lại được.

Nhân viên quản lý nhà tang lễ của bệnh viện cho biết nếu xác chết để 24 giờ thì phải được bảo quản trong kho lạnh nên không có khả năng sống lại. Những ngày qua, nhân viên này cũng thường xuyên bị chất vấn về chuyện xác chết sống lại nhưng ông khẳng định đây chỉ là tin đồn nhảm.

Bà Hai có hoàn cảnh gia đình rất khó khăn. Nhà nghèo, lại mắc nhiều bệnh, bà sống nhờ sự đùm bọc của xóm giềng. Do bị tiểu đường nhiều năm nên bà thường xuyên nhập viện điều trị.

Trong nhiều ngày qua, hàng loạt người hiếu kỳ từ khắp nơi đã chen lấn đến chỗ bà Hai điều trị để tìm hiểu sự tình ra sao. Thậm chí, có người còn xin bà Hai cho số để đánh đề vì nghe đồn thổi rằng sau khi chết đi sống lại, bà có khả năng cho số đề rất chính xác!

Theo Minh Anh – NLĐ

Bài bạn nên đọc:

Chết đi sống lại, chuyện thật hay đùa?

Cho đến nay, nhiều cụ cao niên ở làng Trung Bính, xã Bảo Ninh, thị xã Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình vẫn còn nhớ chuyện bà Nguyễn Thị Kỳ chết đi sống lại.

Sinh năm 1898, lấy chồng lúc 16 tuổi, bà Kỳ có 10 người con. Năm 1950, sau hai tuần ốm nặng, không ăn uống gì, bà mất. Ông Nguyễn Ty, một người trong họ được phân công khâm liệm. Tuy nhiên, vì cô con gái đầu là chị Nguyễn Thị Táy lấy chồng xa, chưa về kịp để nhìn mặt mẹ lần cuối nên thi thể bà Kỳ mới chỉ được tắm rửa, thay quần áo rồi đặt nằm trên giường.

Khoảng 2 tiếng đồng hồ sau khi bà Kỳ chết, ông Nguyễn Ty bỗng nghe bà Kỳ kêu ú ớ. Tờ giấy điều đắp trên mặt bà động đậy rồi hai tay bà đột nhiên vung lên. Thu hết can đảm, ông Ty lại gần, giở tờ giấy ra thì thấy bà Kỳ mở mắt. Bà thều thào: “Cho tao chén nước, khát quá!”.

Mọi người xúm vào đỡ bà dậy. Uống cạn chén nước, bà hỏi: “Làm gì mà tụ tập đông thế? Hôm nay cúng ai mà có hương đèn?”.

Thế rồi, sau lần “chết” đó, bà Kỳ sống thêm 31 năm nữa, đến năm 1981 bà mới thật sự… ra đi. Cũng tương tự như thế, có bà Phạm Thị Châu, ở làng Đồng Hải, thị xã Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình. Năm 1992, bà đã 79 tuổi nhưng vẫn còn mạnh khỏe, minh mẫn. Một buổi chiều, sang thăm hàng xóm về, bà bảo mệt. Mặc dù gia đình đã bôi dầu, xoa bóp nhưng khoảng 1 tiếng sau thì bà bất động, chân tay lạnh toát, mất tri giác, tim ngừng đập.

Tin bà Châu chết được gia đình nhanh chóng thông báo cho thân bằng quyến thuộc để lo việc tang lễ. Tuy nhiên, trong khi chờ đến giờ nhập quan thì bất ngờ bà Châu… sống lại, và sống thêm được 11 năm, thọ 90 tuổi.

Một người khác là bà Trần Thị Ban, 83 tuổi, cư trú tại thôn 2, xã Xuân Lam, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Năm 40 tuổi, bà bị bệnh nặng rồi qua đời. Tử thi đắp chiếu để suốt một đêm nhưng gần sáng, mẹ bà vừa bước lại gần thì đột nhiên nhìn thấy bà Ban… nhúc nhích! Mở chiếu ra, bà Ban lồm cồm ngồi dậy. Hiện nay bà vẫn còn sống cùng người con gái của bà ở thôn 2.

Cũng tại xã Xuân Lam, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh, nhưng ở thôn 3 có cụ Trần Cảnh. 17h ngày 17/6/2002, sau một cơn đau nặng, cụ ra đi. Đến 5h sáng, một số bà con họ hàng đang tụ họp để lo việc tang ma bỗng thấy cụ… cựa quậy rồi vài tiếng sau, cụ mới tỉnh hẳn. Khi anh con trai trưởng đỡ cụ ngồi dậy, cụ hỏi liền: “Bây mần cái chi chi mà ầm ĩ lên rứa?”. Đến nay, cụ Trần Cảnh vẫn khỏe mạnh, chỉ có điều tai cụ hơi  nghễnh ngãng và mắt không còn nhìn rõ như trước.

Trên đây là những trường hợp “chết đi sống lại” được ghi nhận tại nước ta, và gần đây nhất là bà Nguyễn Thị Dí, 67 tuổi, ở xã Đông Thạnh, huyện Hóc Môn, TP HCM, chết trôi hơn 8 tiếng đồng hồ, thì… hồi sinh, còn ở nước ngoài thì nhiều vô thiên lủng!

Tại Khu tự trị Miêu tộc, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc, một bà lão ngoài lục tuần đã đột nhiên bước ra từ quan tài sau 16 giờ kể từ khi khâm liệm.

Theo lời kể của người nhà, ngày 8/1 bà Hầu đột ngột lâm bệnh rồi sau 4 ngày điều trị tại bệnh viện, bác sĩ cho bà về. Nhưng 4h sáng ngày 14/1, bà Hầu bất tỉnh. Lúc người nhà phát hiện thì cơ thể bà đã lạnh cứng, tim ngừng đập nên họ đã tiến hành khâm liệm, ma chay.

Ấy vậy mà 20h ngày 14/1, đột nhiên từ trong quan tài phát ra âm thanh bịch bịch bịch. Mọi người trong buổi tang sợ hãi, nhiều người bỏ chạy. Anh con cả của bà quyết định mở nắp quan tài xem nguyên nhân, thì thấy 2 mắt của bà Hầu mở to, 2 tay đưa lên phía trước. Hoảng hốt, anh gọi lớn: “Mẹ” thì bà Hầu lập tức trả lời: “Tao đây”.

Sau khi chết đi sống lại, mỗi bữa bà Hầu vẫn ăn được cả bát cơm đầy

Một trường hợp khác: Harvey, 20 tuổi, cư trú ở bang Kansas, Mỹ, qua đời vì bệnh ung thư. Tiến hành chôn cất và do người bạn gái của anh đề nghị được lưu xác anh lại thêm vài ngày trước khi nghìn thu vĩnh biệt thì bất ngờ Harvey sống lại. Điều đặc biệt nhất là khối u trong gan anh kể từ khi anh cải tử hoàn sinh, lại không chịu… phát triển nữa và kết quả là Harvey sống thêm được 54 năm!

Từ thời xa xưa, khi mà ánh sáng khoa học chưa soi rọi vào những ngõ ngách của cuộc sống, thì nhân loại đều quan niệm chuyện “người chết sống lại” là điềm gở. Ở phương Tây, đó là “quỷ nhập tràng”. Thậm chí tại Rumani, mãi đến đầu thế kỷ XVI, vẫn còn tập tục đóng cọc nhọn vào tim người chết nếu họ sống lại. Ở phương Đông – đặc biệt là Trung Quốc, Việt Nam, nhiều người vẫn tin rằng nếu có con mèo đen (linh miêu) nhảy qua xác chết, thì xác chết sẽ… ngồi dậy nên vì thế khi làm hậu sự, người ta buộc hai ngón chân cái lại với nhau, đồng thời đặt trên bụng xác chết một con dao phay.

Gần cuối thế kỷ XIX, cùng với sự tiến bộ của các ngành khoa học, y học nhận thấy rằng trong mỗi cơ thể con người ta, đều có một dòng điện tần số rất thấp (gọi là điện sinh học). Chính nhờ dòng điện này, y học mới đo được sóng điện não, điện tim, điện cơ.  Năm 1923, 2 bác sĩ người Áo là Klagen và Heer đã tiến hành làm một thí nghiệm để khảo sát xem sau khi chết, dòng điện sinh học trong cơ thể sẽ như thế nào.

Tiến hành thí nghiệm, Klagen và Heer đặt một bệnh nhân sắp lìa đời lên một chiếc bàn có bố trí một cái cân cực nhạy. Tất cả được bao phủ bởi một lồng thủy tinh trong suốt. Đối diện với lồng là một hệ thống đèn cực tím. Ngay khi bệnh nhân ấy vừa chết, dưới tác dụng của tia cực tím, Klagen và Heer nhìn thấy một đám bụi nhỏ, sáng rực, trọng lượng 0,06 gram, thoát khỏi cơ thể, bay lên, bay ra khỏi lồng kính rồi mờ dần. Klagen và Heer kết luận đó là điện sinh học nhưng những nhà theo chủ nghĩa duy tâm thì cho rằng đó là “linh hồn”.

Đến đầu thế kỷ XX, y học đã làm rõ được về bản chất của cái chết. Theo đó, chết được chia thành 2 loại chết – là chết lâm sàng và chết thực thể.

Chết lâm sàng là tim ngừng đập, phổi ngừng thở, huyết áp không đo được nhưng não vẫn còn hoạt động. Rồi sau từ 5 đến 8 phút, nếu não bộ vẫn không được cung cấp ôxy, thì não chết. Lúc đó, mới gọi là… chết thật! Tuy nhiên, vẫn có những trường hợp được ghi nhận là chết lâm sàng nhưng thật ra, tim vẫn còn đập – mà đập với tần suất cực thấp – có khi chỉ 7 hoặc 10 nhịp/phút thay vì 60 hoặc 80 nhịp/phút, và phổi vẫn còn chức năng hô hấp – dĩ nhiên là cũng với tần suất cực thấp.

Chính vì thế, ở những miền quê, hoặc những nơi thiếu thốn thiết bị y tế, thân nhân người quá cố, hàng xóm láng giềng không thể biết được rằng người đó vẫn còn sống, mà họ chỉ cảm nhận qua các biểu hiện bên ngoài như cơ thể lạnh, sờ không thấy tim đập, đặt tờ giấy bản lên mặt không thấy phập phồng, rồi đi đến kết luận rằng… đã chết! Chả thế mà đã xảy ra một số trường hợp lúc bốc mả, người bốc phát hiện có các vết cào cấu bên trong quan tài, hoặc bộ xương nằm ở các tư thế rất lạ, chứng tỏ không ít tử thi sau khi chôn xuống đất, đã sống lại.

Vì thế, có thể khẳng định tất cả những trường hợp “chết đi sống lại” đều là chết lâm sàng, còn những trường hợp chết thực thể là cái chết đã được xác định rõ ràng bằng điện tim, điện não và các dấu hiệu sinh học khác. Một số nước còn có quy định sau khi người quá cố qua đời được 6 tiếng, phải tiến hành làm lại các xét nghiệm để đề phòng trường hợp bị… chôn oan!

Trở lại chuyện bà Nguyễn Thị Dí (ảnh phải), 67 tuổi, ở xã Đông Thạnh, huyện Hóc Môn – TP HCM “chết đi sống lại”. Theo lời con gái bà, thì: “Tôi và mẹ tôi ở riêng

nhưng nhà gần nhau. Khoảng 5h sáng ngày 10/7, không thấy mẹ tôi tắm cho bò như thường lệ nên tôi ra làm thay vì tưởng bà ngủ quên. Đến 6 giờ, nghe bà con lối xóm bàn tán về chuyện có người chết trôi ở sông Cái, giáp ranh giữa 2 huyện Hóc Môn và Củ Chi nên tôi qua nhà mẹ thì nghe nói mẹ tôi đã đi đâu đó từ lúc 3h. Nghĩ là bà đi uống cà phê nên chúng tôi không tìm. Hơn 8h chưa thấy bà về, đến quán cà phê cũng không thấy. Cùng lúc đó, hàng xóm báo rằng người chết trôi chính là mẹ tôi”.

Mãi hơn 11h, xác bà Dí mới được đưa lên bờ, rồi lúc một người hàng xóm tên Nguyễn Văn Nhiều thực hiện các động tác hô hấp thì bà Dí bắt đầu giãy giụa.

Theo ông Nhiều, thì: “Một ghe cát phát hiện một xác chết, trôi vào mép rạch Rộng Lớn thuộc xã Đông Thạnh. Do nước cạn, thi thể trôi đến tận sông Cái cách đó hơn 500m. Khoảng 6h sáng, nghe người ta bàn tán nên tôi tò mò đến xem. Đây là địa bàn giáp ranh giữa 2 xã Tân Hiệp, Đông Thạnh – huyện Hóc Môn với xã Bình Mỹ – huyện Củ Chi nên có mặt Công an cả 3 xã đến chứng kiến”.

Vẫn theo ông Nhiều, thì ông chèo ghe ra, dùng dây tròng vào cổ xác chết rồi đóng cọc neo lại, chờ Công an 3 xã xác định vị trí thuộc địa phương nào để xử lý. Đến lúc ấy, chưa ai biết đó là bà Dí. Mãi đến hơn 11h, khi có người nhận ra bà Dí thì xác bà được đưa lên bờ, thuộc địa phận xã Đông Thạnh.

Khi được đưa lên bờ, bà Dí đột ngột mở mắt. Ông Nhiều dùng tay ấn bụng cho nước chảy ra nhưng bà giãy giụa. Lúc này, những người chứng kiến bỏ chạy tán loạn vì sợ hãi. Lập tức, bà được chuyển đến Bệnh viện Hóc Môn cấp cứu rồi tiếp theo, Bệnh viện Hóc Môn chuyển bà lên Bệnh viện 115. Qua 2 ngày điều trị, bà Dí  tỉnh lại và đã có thể tự ăn, uống.

Một trường hợp khác: Anh Nguyễn Thanh Hùng, 37 tuổi, cư ngụ tại phường 2, TP Tân An, tỉnh Long An. Là con thứ hai trong gia đình có 5 anh em. Do nhà nghèo, mẹ mua bán ve chai, cả 5 anh em đều sống bằng nghề làm thuê vác mướn, riêng anh Hùng là thợ hồ, làm việc cho một số công trình xây dựng ở quận 12, TP HCM.

Năm 2001, anh quen và kết hôn cùng chị Nguyễn Thị Nam, 38 tuổi, bán vé số. Hai năm sau, vợ chồng anh lần lượt có 2 đứa con. Khoảng giữa tháng 4/2010, trong một lần đi làm về, anh Hùng cùng mấy người khác tổ chức nhậu ở khu nhà trọ ở quận 12, nhưng vừa uống xong  một ly, anh Hùng kêu đau ở vùng bụng rồi nôn mửa. Hôm sau, khi đến bệnh viện và khi làm xong các xét nghiệm cần thiết, bác sĩ cho biết anh Hùng bị ung thư túi mật giai đoạn cuối, đã di căn.

17h ngày 14/6, sau bữa cơm chiều, mẹ anh Hùng – là bà Kim thấy anh Hùng lên giường, nằm im không cử động. Tưởng anh Hùng ngủ, bà kéo mền định đắp thì phát hiện anh Hùng đã chết từ hồi nào. Nghe tiếng mẹ khóc, chị Nga – em anh Hùng chạy vào sờ lên miệng, mũi thì thấy anh không còn thở, da bắt đầu tái nhợt.

Đến 23h, cả gia đình bàn việc tổ chức ma chay theo hình thức hỏa táng. Vì nhà quá chật, nên mọi người phải ngồi xung quanh thi thể anh. Một em trai của anh Hùng, là anh Trí, tay đặt lên tấm chăn đắp trên người anh Hùng thì bất ngờ, anh Trí thấy tấm chăn… động đậy.

Đột ngột, anh Hùng ho mạnh, nải chuối trên bụng rơi xuống, rồi anh ngồi dậy, mở mắt nhìn xung quanh. Cũng như những người “chết đi sống lại” khác, nhìn thấy nhang đèn cháy đỏ trên bàn thờ, quan tài bên cạnh, anh Hùng mới biết là mình vừa… “đi”! Tuy nhiên, anh không sống được lâu, đến ngày 15/7 vừa qua, anh “đi” thật. Người nhà anh cho biết trong 1 tháng “sống” đó, anh vẫn sinh hoạt bình thường, chỉ có ăn uống là ít hơn.

Giải thích về những hiện tượng này, các chuyên gia thuộc bộ môn Sinh học, Cơ thể học đều có chung một nhận định: Đó là một số trường hợp khi chết lâm sàng, nhưng nếu não bộ bất ngờ gặp một kích thích – mà kích thích ấy đôi khi có thể chỉ là sự tăng nhiệt độ ở tử thi do nhang, đèn, do chấn động mạnh…, thì não bộ hoạt động trở lại, các chất nội sinh, các phản ứng hóa học tăng cao.

Điều này đồng nghĩa với hệ thần kinh thực vật điều khiển nhịp tim, hô hấp ở phổi cũng tái hoạt động, cung cấp máu, ôxy đến các cơ quan và kết quả là “người chết sống lại”. Trong các y văn, đã cho thấy cứ 100.000 người “đi” thì có 1 người “về”. Có giả thuyết cho rằng, trường hợp này người ta không sống, cũng không chết, mà rơi vào “trạng thái thứ ba”, nằm ngoài sự sống và cái chết.

Để tránh những kiện tụng như phân chia tài sản, quyền thừa kế…, rất nhiều  nước trên thế giới đã quy định rất chặt chẽ về việc xác định cái chết của con người. Nhiều trường hợp đòi hỏi phải có sự chứng kiến của đại diện pháp luật. Còn chuyện “quỷ nhập tràng” hay chuyện chết vào “giờ trùng” thì xem ra, vẫn chỉ là những chuyện truyền khẩu mà thôi.

Theo Vũ Cao – CAND

TAMTHUC

Comment