bi-kich-hu-tuc-cua-toc-nguoi-so-nhat-ma-xo
Bi kịch, hủ tục của tộc người “sợ nhất ma xó”
- bởi map --
- 08/09/2015
Là dân tộc sống giữa núi rừng, cuộc sống người dân còn nghèo đói, khó khăn thế nhưng đồng bào dân tộc Khùa tuyệt nhiên không sợ đói, không sợ khổ, không sợ beo cọp mà chỉ duy nhất sợ… ma.
Việc sợ ma của họ tạo nên hủ tục độc đáo – sợ ma. Vì thế ở đây vẫn còn tồn tại những phong tục khác lạ mà nơi khác không hề có. Trong nhiều phong tục đó nổi bật hơn cả là tục đám ma cho người đã khuất mà đồng bào Khùa vẫn thực hiện cho đến ngày hôm nay.
Nỗi sợ vô căn cứ
Dân tộc Khùa hiện nay chỉ khoảng 3.000 người, sống rải rác dưới dãy Giăng Màn hùng vỹ phía tây Quảng Bình, giáp biên giới Lào. Người Khùa rất thông minh, mơ mộng, hiếu khách, cả đàn ông và đàn bà nơi đây không sợ điều gì hết nhưng lại đặc biệt… sợ ma.
Một đám cưới của người Khùa.
Trong tâm thức của họ ma hiện hữu khắp nơi, ma trong nhà, ma ngoài đường, ma trên rừng, ma dưới suối… ở đâu cũng có thể gặp ma nếu ai đó đi một mình. Họ sợ ma đến mức, khi lên rừng kiếm củi hay xuống suối bắt con cá đều phải đi hai người trở lên.
“Ma thấy nhiều người sẽ không dám xuất hiện do vậy sẽ an toàn hơn khi đi một mình”, ông Hồ Thoong, bản Hà Vy, xã Dân Hóa (huyện Minh Hóa) nói. Ông cũng nhiệt tình chia sẻ kinh nghiệm, nếu đi rừng vô tình gặp ma thì hai người đó sẽ quay lưng vào nhau, mặt trở ra ngoài rồi xoay vòng cho tới khi con ma đó bỏ đi họ mới tách nhau ra.
Vì “sợ ma” nên các nghi thức cúng bái, tang lễ ở người Khùa diễn ra khá nhanh và đơn giản. Thông thường, nếu trong nhà có người thân chết thì thi thể được đưa đi chôn ngay trong ngày, tuyệt đối không để qua ngày thứ hai. Nếu chết bất đắc kỳ tử, việc chôn cất càng diễn ra nhanh gọn hơn, có khi chết giờ trước giờ sau họ đã đưa đi chôn.
Cách thức đưa tang cũng rất sơ sài, họ bó xác người chết trong chiếu, hoặc trong quan tài ghép sơ sài bằng ván, khiêng vào rừng và mang theo hai quả trứng gà. Đến địa điểm chôn cất, họ ném quả trứng đầu tiên xuống nếu quả trứng đó không vỡ, chứng tỏ “ma” không thích ở chỗ đó, phải tìm vị trí khác.
Sau khi tìm được chỗ “ma” thích, họ nhanh tay chôn cất cho người đã khuất rồi sau đó đám người cắm đầu bỏ chạy thục mạng, vì sợ “con ma” nó chạy theo về nhà. Người dân kể lại, có những đám ma, nhiều thanh niên trai tráng trong làng được cắt cử đi đào huyệt, thế nhưng đến khoảng nửa chừng cả đám bỏ chạy vì không chịu đựng được sự sợ hãi xung quanh. Một phong tục lạ chắc chỉ có ở đồng bào này là họ không bao giờ thăm thăm mộ người thân. Khu rừng chôn cất người chết trở thành “rừng ma”, không ai dám đặt chân đến.
Người Khùa cũng không có bàn thờ tổ tiên, người chết sau khi chôn cất về được người thân thờ cúng chỉ trong vòng 3 ngày. Họ lập một bàn thờ tạm bợ trong góc buồng, tới bữa ăn đại diện gia đình mang cá, xôi đặt lên đó và nói: “Thưa ông bà tổ tiên, hôm nay có ma mới chúng con xin được nuôi nó ba ngày!”.
Sau ba ngày “nuôi ma”, chủ nhân ngôi nhà đến thưa với ma xó là hôm nay hết rồi, xin “ông” cho ma mới ra rừng ở để gia chủ được bình an. Việc thờ cúng người chết của người Khùa chấm dứt sau ba ngày như vậy.
Cũng vì sợ ma mà trong mỗi ngôi nhà sàn của họ đều dành một phần kín trong buồng ngủ làm chỗ “thờ ma”, hay thường gọi là ma xó. Đó là nơi không ai được phép xâm phạm. Chỗ thờ “ma xó” được đánh dấu bằng việc treo vài cành cây kiểu như ngụy trang ở nơi ngủ của họ. Người Khùa sợ ma như vậy, nhưng khi được hỏi đã thấy con ma nào chưa, họ đều lắc đầu nói “chưa thấy nhưng ma đáng sợ lắm, ông bà lúc còn sống đều nói với chúng tôi như vậy, người nào càng nhiều tuổi thì càng sợ ma”.
Việc sợ ma khiến người Khùa không những cẩn thận trong mọi hoạt động hằng ngày, thậm chí đến việc đi ngủ họ cũng rất chú trọng. Khi ngủ họ tuyệt nhiên không mắc màn: “Trong nhiều điều cấm kỵ thì việc mắc màn thuộc loại đại kỵ vì “con ma” thấy nhà ai mắc màn là nhảy vô nhà ngủ liền”, ông Hồ Nhâm (SN 1930 ở bản Ông Tú, xã Trọng Hóa) giải thích.
Nhiều khách lạ vào nhà, không tìm hiểu phong tục, chỉ cần mắc màn để ngủ theo thói quen liền bị chủ nhà phạt bò, trâu rất nặng và bị đuổi ra khỏi nhà ngay trong đêm cho “ma” bắt.
Đám cưới ma cho người chết để hôn nhân được trọn vẹn
Đối với người Khùa, việc cưới xin của họ quan trọng hơn nhiều so với tang lễ. Theo phong tục của đồng bào nơi đây, mỗi cặp vợ chồng phải tổ chức cưới 3 lần mới chính thức nên duyên vợ chồng. Cách thức lấy vợ của họ cũng rất đặc biệt, đàn ông Khùa đến tuổi lập gia đình phải đi “trộm vợ”, thời điểm trộm vợ hợp lý nhất là vào ban đêm, khoảng 3 đến 4 giờ sáng.
Thanh niên Khùa đến tuổi trưởng thành, nếu đã để ý ai đó liền trình bày với bố mẹ mình, nếu hai gia đình đồng ý, chàng thanh niên đó sẽ chọn ngày để trộm vợ. Đến ngày đó chàng trai ngồi sẵn dưới nhà từ chập tối, chờ thời gian “hoàng đạo” sẽ trèo qua cửa sổ trộm vợ, sau đó tiếp tục đưa cô gái đi bằng chính cửa sổ đó rồi đem về nhà luôn… 3 ngày!
“Dù nghèo mấy người Khùa cũng phải tổ chức đám cưới đủ 3 lần, nếu cặp vợ chồng nào lỡ chết đi thì con trai phải tổ chức đám cưới ma”, Hồ Nhâm nói.
Ông Nhâm cho biết, nói là đi trộm vợ nhưng thực ra cả hai gia đình đã có hẹn ước từ trước và những việc làm của chàng trai nhà gái đều biết. Thấy con gái bị mất, gia đình nhà gái biết chắc là đã bị trộm. Hết ngày thứ 3, chàng trai và cô gái quay về trình diện gia đình bên vợ, tổ chức một bữa lễ nhỏ, thường là 1 con gà, chai rượu coi như được phép ở với nhau.
Đôi vợ chồng trẻ sẽ sinh sống với nhau, sinh con đẻ cái như bao gia đình khác. Khoảng 5, hoặc 6 năm sau họ tổ chức đám cưới lần 2, lần này xem như đi trả lễ cho bên ngoại. Lễ vật hai vợ chồng đem sang gồm hai con lợn (to, nhỏ tùy khả năng), 20 con gà, 20 bát ăn cơm. Buổi lễ cưới hôm đó có sự tham dự của đông đảo anh em họ hàng và bà con trong bản.
Qua hai lần cưới họ vẫn chưa chính thức thành vợ chồng theo phong tục nơi đây mà phải đợi đến lần thứ 3 khi hai vợ chồng đã tự lập, đầy đủ khả năng về kinh tế. Lễ cưới này lớn nhất gồm một con trâu, một con lợn, 10 con gà. Hiện nay nếu gia đình nào khó khăn thì những lễ vật này không bắt buộc phải nguyên con mà mỗi thứ một ít, miễn sao phải đầy đủ món. Những người tham dự lễ cưới lần này tuyệt đối không mừng bằng tiền mà ai có món gì thì đem theo góp vào với gia đình cô dâu chú rể.
Tục lệ là như vậy, thế nhưng vẫn có rất nhiều đàn ông Khùa không thể tổ chức lễ cưới lần thứ 3 cho mình. Nhiều cặp vợ chồng có con cháu đề huề nhưng khi chết, ra rừng ma ở mà vẫn chưa tổ chức được… đám cưới lần 3.
Theo phong tục Khùa, khi đó người con trai trong gia đình phải đứng ra tổ chức cưới cho… ma! Lễ cưới được tổ chức bình thường như cô dâu chú rể đang còn sống. “Vì nếu không tổ chức cho ma, nó sẽ về quấy rối những người trong nhà bằng cách làm nhiều người bị ốm nặng liệt giường. Chỉ khi nào tổ chức đám cưới xong xuôi thì họ mới khỏi bệnh”, ông Nhâm nói.
Ông cũng cho biết, gần đây nhất tại bản Ông Tú đã diễn ra đám cưới ma. Người con Hồ Đon và con dâu Hồ Thị Đăm đã phải đứng ra tổ chức đám cưới cho bố mình là ông Hồ Cáp khi vợ ông qua đời được mấy năm.
Việc tổ chức đám cưới cho người chết chỉ được thực hiện khi cặp vợ chồng đó chưa đám đủ 3 lần. Hiện nay, phong tục này vẫn còn rất phổ biến vì nhiều cặp vợ chồng người Khùa lúc còn sống do kinh tế khó khăn nên không thể tổ chức cưới đầy đủ được. Do vậy, khi biết mình sắp ra đi, họ liền trăn trối lại cho con trai mình phải thay bố mẹ thực hiện nghi lễ đó để tạ lỗi với ông bà tổ tiên.
Theo Gia đình & Xã hội (Theo Gia đình & Xã hội)
TAMTHUC
Comment