tuc-hien-te-trinh-nu-cho-vi-thanh-tram-chong
Tục hiến tế trinh nữ cho vị thánh trăm chồng
- bởi map --
- 28/09/2015
Thánh nữ Po Nagar trôi dạt qua hàng trăm vùng biển và trụ lại ở Khánh Hòa. Xưa, nhiều dân chài gặp thất bát nên cứ đầu xuân, họ lại thiêu 1 hoặc 2 đứa trẻ tuổi nhi đồng để làm quà dâng lên thánh nữ với hy vọng bà sẽ vui vẻ mà ban sự phồn thịnh cho năm mới.
Cùng với các vị thánh thần này, truyền kỳ lại ở vùng đất này còn có hai thủy thần, mà đến giờ dấu vết vẫn còn vẹn nguyên. Thực hư tục lệ rợn người này như thế nào, nhiều dấu tích vẫn được những người già quanh tháp thờ thánh nữ Po Nagar (ở Khánh Hòa) kể lại một cách đầy huyền bí. Tuy nhiên sự khiếp hãi cũng như những dị bản của nó cũng kéo theo.
“Quả đồi vàng” và những cuộc chiến nảy lửa
Đã bao lần ngồi trao đổi cùng nhau về những dấu tích và sự huyền bí của người Chăm xa xưa, ông Đạo Văn Long, một nhà nghiên cứu văn hóa Chăm cổ vẫn không thể lí giải một cách dứt khoát với chúng tôi được rằng có hay không việc thiêu các nô tì, người hầu là trinh nữ để tế thần, ông bảo:
“Vết tích còn lại không nhiều nhưng cũng không thể phủ nhận. Dẫu vậy, người ta vẫn còn phân vân việc tế thủy thần với tế thánh. Nhưng chắc chắn việc cúng tế bằng cách thiêu người này đã diễn ra”.
Trong kí ức những người Chăm từ già đến trẻ, họ vẫn đinh ninh rằng, nữ thần Po Nagar do bọt nước biển và ánh mây trời sinh ra ngoài biển khơi. Một hôm, nước biển dâng cao đưa bà vào bến sông Yjatran ở Kauthara (Cù Huân-hiện nay vẫn là một chiếc cồn đối diện với khu tháp Po Narga).
Sấm trời và gió hương liền nổi dậy báo cho muôn loài biết tin bà giáng thế. Tức thì, nước trên nguồn dồn lại thành sông chảy xuống đón mừng bà, và núi cũng hạ mình thấp xuống để đón rước bà.
Khi bà bước lên bờ, thì cây cong xuống để tỏ lòng thần phục, chim muông kéo đến chầu hai bên đường, và hoa cỏ cũng xinh tươi rực rỡ hơn để điểm hương cho mỗi bước chân bà đi. Rồi nữ thần Po Nagar dùng phép hóa ra cung điện nguy nga, hóa ra trầm hương cùng lúa bắp.
Lật lại những dấu tích còn ghi trên các văn bia cổ người Chăm thì chúng tôi còn nhận thấy một điều rằng ngay sau khi các lâu đài, tòa tháp sừng sững được dựng lên và còn tồn tại đến nay (là khu tháp bà Po Narga) thì những cuộc đánh chiếm liên miên cũng diễn ra từ đó.
Các tàn binh thua trận liên tục chở đầy ắp những thuyền vàng bạc đến “quả đồi vàng” để dâng lên thánh nữ Po Narga. Nhiều phép thuật, bà cũng rất nhiều chồng. Nơi hậu cung của bà, có đến gần 100 ông. Nhưng trong số đó, chỉ ông Pô Yan Amo là có uy quyền hơn cả.
Sống với ngần ấy ông chồng, nhưng bà chỉ sinh được 38 người con gái, tuyệt nhiên không có một người con trai nào. Những người con ấy, sau đều thành thần, trong số có ba người được bà truyền nhiều quyền phép, đó là Pô Nogar Dara, Rarai Anaih (cả hai được người dân vùng Phan Rang tôn thờ) và Pô Bia Tikuk (được người dân Phan Thiết tôn thờ).
Sau khi lấy được hàng trăm ông chồng cũng là lúc các tòa tháp này chất chật cứng vàng, những cuộc chiến liên tục diễn ra từ đó. Cũng bởi thế nên tâm tính của thánh nữ Po Narga không còn được ổn định như xưa nữa.
Lịch sử hình thành khu tháp này đầy ly kỳ và huyền bí. Nhưng các văn bia để lại trước tháp ngày nay cho thấy cứ mỗi mùa xuân, các vua Chăm Pa hay còn gọi là vua Chàm cùng những hoàng thân quốc thích dọc mảnh đất Nam miền Trung ngày nay lại nghĩ ra một cách làm hài lòng thánh nữ bằng cách dâng lên cho bà các nô lệ nữ.
Số phận của những nô lệ vô cùng bi đát, bởi sẽ bị thiêu sống bất cứ lúc nào. Thế nhưng về những thông tin các trinh nữ có bị thiêu sống hay không thì lại không được ghi trong các văn bia.
Vậy, thực chất nếu có các trinh nữ này bị thiêu sống để làm vừa lòng ai? Thánh nữ hay thủy thần? Vị trí hành quyết có phải ở tháp Po Narga hay một vùng đất hẻo lánh và thâm u nào khác? Chúng tôi lại có cuộc lí giải từ các dấu tích khác.
Dâng lên cho thánh nữ nhưng lại thiêu cho thủy thần
Trong một tấm bia cổ của người Chăm còn dựng trước tháp Po Nagar có đoạn chép lại bằng kí tự tiếng Chăm mà chúng tôi đã nhờ người phiên ra được rằng: Cứ mùa xuân đến, để cầu cho mọi vật phồn thịnh, sức khỏe luôn minh mẫn, mùa màng trù phú, những báu vật được đưa lên “quả đồi vàng” cùng với nhiều nô lệ.
Tháp thánh nữ Po Nagar.
“Số mệnh của những nô lệ là các trinh nữ tuyệt đẹp này tùy vào thánh nữ Po Narga định đoạt”. Ông Trần Hữu Bảo, một người canh giữa tháp Po Narga đã nhiều năm cho biết: “Sự huyền bí của ngôi tháp này là có thật.
Đó cũng là điều đã níu chân bao nhiêu du khách hiếu kỳ đến xem hàng ngày, đây còn là kiến trúc độc đáo tượng trưng cho bàn tay và khối óc của người Chăm xưa. Tục thiêu trinh nữ tế thần thánh để cầu may cho năm mới là có. Ấy thế nhưng thiêu các trinh nữ này thì lại ở nơi khác và là để dâng lên các bậc thủy thần chứ không phải thánh nữ Po Narga”.
Như vậy, đích xác việc các trinh nữ bị thiêu để làm vui lòng các bậc thủy thần và ma quỷ dần được hé mở. Đó là một số ngôi làng chài cổ ven biển. Các làng chài cổ này xưa kia có tên là Sở đầm Hòn Xưởng, Hòn Một, Hòn Đỏ (thuộc Nha Trang ngày nay).
Ông Nguyễn Hảo, một bậc cao niên ở làng chài Hòn Một cho biết: “Nhiều người vẫn nhầm lẫn thiêu trinh nữ để tế thánh nữ Po Narga nhưng không phải thế. Các trinh nữ nết na đó được thiêu để tế các vị thủy thần. Nhiều đời nay, các thế hệ ở làng chài này vẫn tin rằng như thế và truyền kể lại như thế.
Thuở hồng hoang khi mới thành lập, cứ vào đầu năm mới, nước biển lại dâng lên đánh nát những ngôi nhà. Làm ăn cái gì cũng thất bát hết.
Lúc này một chủ điền nức tiếng giàu có nhưng cũng không kém phần lạnh lùng tàn bạo đã chiêm đoán ra rằng những cơ sự không hay đó cứ dồn dập đổ xuống làng chài này bởi lẽ các bậc thủy thần không vui, năm mới cần có vật hiến tế.
Ngay lập tức hai đêm sau, người chủ điền nghĩ ra cách sẽ đi săn và mua 2 người nô lệ là những trinh nữ xinh đẹp để thiêu sống hiến tế cho các thủy thần đó hòng cầu cho một năm mới phồn thịnh hơn.
Và thật trùng hợp đến lạ, sau lễ hiến tế trinh nữ đó, những trận cuồng phong không còn ập đến làng chài nữa. Vậy nên cũng từ đó mà hình thành nên luật lệ tàn khốc này”.
Ở Sở đầm Hòn Xưởng còn có thêm lệ thờ 32 ngư phủ là những người khai mở ra ngôi làng này. Theo những ngư dân ở đây thì vào nửa cuối thế kỷ XVIII, 32 ngư phủ này di chuyển từ phường Mới, Tam Quan, Bình Định vào Khánh Hòa khai thác lưới đăng ở Hòn Xưởng, nhưng cả thảy bị chết thảm vào mùa xuân tại làng chài này.
Nhiều ngư dân ở làng chài Hòn Một cũng kể lại rằng ai ở đây cũng hiểu, cứ mỗi mùa xuân phải thiêu 1 đến 2 trinh nữ vừa tế thủy thần và tế các bậc ma quỷ quái ác để nó không về quấy rối nữa. Đây là việc là do các điền chủ ầm thầm bí mật đứng ra thực hiện chứ không được sự cho phép của chính quyền.
Đã thay thế bằng những chú heo quay
Hủ tục man rợ này dẫu không được ghi chép rõ ràng và cũng không được chính quyền thời đó cho phép, thế nhưng rõ ràng đã có sự tồn tại. Ngày nay vì sự rùng rợn và vô nhân đạo của nó nên những làng chài cổ xưa kia bây giờ mùa xuân đến chỉ cúng tế những chú heo quay.
Những chú heo quay này cúng cả thánh nữ, thủy thần lẫn quỷ thần. Trong cuốn sách “Tín ngưỡng dân gian Khánh Hòa” có đoạn viết rằng: “Ngày xưa đảo Hòn Đỏ, Hòn Một, Bích Đầm nổi tiếng nhiều ma quái và rất linh thiêng vì có rất nhiều người Chiêm Thành, Việt Nam, Trung Hoa bất đắc kỳ tử trên đảo hoặc trôi tấp vào vì bão tố, tai nạn, chinh chiến, giặc cướp, các thủy lôi, thủy quái nổi cơn thịnh nộ. Nhất là dịp mùa xuân.
Từ khi mới khai thác lưới đăng, đầm Hòn Đỏ, Hòn Một có tục mỗi năm thiêu một trẻ nhỏ (người Thượng – dân tộc vùng cao còn nguyên vẹn và trắng trong), cúng dâng lên các hung thần lẫn thủy thần.
Việc làm vô nhân đạo này kéo dài có lẽ 100 năm và chấm dứt cách nay trên 100 năm, rồi được thay thế bằng việc cúng heo. Hiện nay người dân chỉ còn biết cùng heo mà thôi, heo được chọn là những con heo có độ săn chắc và béo vừa phải”.
Tại làng chài Bích Đầm ngày nay, người ta còn đồn đoán số lượng trinh nữ xưa được thiêu để tế lễ mùa xuân lên đến hàng trăm người. Ông Nguyễn Hào, một ngư dân già ở làng chia sẻ: “Sự việc đã trôi qua nhiều năm nên khó mà thống kê chính xác.
Nhưng chính ông nội tôi từng là người chứng kiến nghi thức rùng rợn thiêu trinh nữ đấy. Những linh hồn mong manh và bi đát đó có lẽ giờ này cũng được hòa vào biển cả bao dung. Hi vọng là vậy”.
TAMTHUC
Comment