la-ky-cay-thi-tieu-diet-moi-xe-ui-mon-men-lai-gan
Lạ kỳ cây thị tiêu diệt mọi xe ủi mon men lại gần
- bởi map --
- 10/06/2012
(maphuong)-Mọi máy ủi, máy xúc cứ đến gần định “triệt hạ” cây thị thì lần nào cũng vậy, khi thì xích bỗng nhiên đứt, khi thì máy móc đang gầm rú bỗng nhiên chết lặng…
Nhiều năm nay, du khách đi qua khu vực trung tâm thành phố Móng Cái (Quảng Ninh) đều không khỏi tò mò đặt câu hỏi vì sao trước Trung tâm Văn hóa – Thông tin – Thể thao (TTVHTTTT) thành phố lại có một cây thị lù lù “án ngữ”. Lạ một điều là khu vực trước đây đầy bóng cây xanh, nhưng kể từ khi quy hoạch thì chỉ duy nhất cây thị này là không ai dám đụng đến, nay nằm chơ vơ giữa bãi đất trống thênh thang.
Mọi loại máy móc đều “quy hàng”
Câu chuyện bắt đầu từ hơn 10 năm trước đây, ngày ấy khu vực còn sum suê những cây cổ thụ tựa như một cánh rừng. Ông Lê Việt Cường, Phó Giám đốc trung tâm cho biết, tại khu đất định xây dựng nhiều công trình lớn này, máy móc ầm ào san bằng mọi chướng ngại vật, mọi cây cổ thụ đều đã được di dời nhưng riêng cây thị thì “có vấn đề”. Máy ủi, máy xúc cứ đến gần định “triệt hạ” cây thì lần nào cũng vậy, khi thì xích bỗng nhiên đứt, khi thì máy móc đang gầm rú bỗng nhiên chết lặng.
Cây thị ma ám ở Móng Cái. |
Chuyện lạ này lặp đi lặp lại nhiều lần, đến khi cả khu vực đã hóa thành bãi đất trống thì riêng cây thị vẫn “kiên cường bám trụ”. Bỏ phương án dùng máy móc di dời cây, người ta thuê nhân công chặt gốc nhưng “có cho vàng cũng không ai dám làm”.
“Cuộc chiến” giữa cây và máy tiếp tục giằng co, cơ quan chức năng tiếp tục nhiều lần điều máy móc đến thì những chuyện lạ nêu trên cứ lặp lại. “Chỉ riêng trong năm 2011, chúng tôi đã 3 lần định di dời cây, một lần đầu năm, hai lần giữa năm nhưng lần nào cũng thế, cứ tiến đến gần cây là tự dưng máy… sinh bệnh”, ông Cường nói.
Ông Bùi Bá Quảng, Giám đốc Trung tâm xác nhận sự việc: “Một số cây cổ thụ lớn hơn cây thị rất nhiều đã được di dời đi nơi khác nhưng riêng cây thị thì bất di bất dịch”. Người ta tuân thủ nguyên tắc “có thờ có thiêng, có kiêng có lành” nên đã thắp hương “xin cây” nhiều lần nhưng “thần cây” có lẽ không chấp nhận. “Lúc đầu chúng tôi cho rằng xe hỏng là do máy móc hoặc có vấn đề từ người lái xe.
Chúng thôi đã khắc phục bằng cách thay xe nhiều lần, đổi lái xe liên tục, vậy mà xe vẫn không sao đến gần được. Nếu có đến gần thì bỗng nhiên chết máy, nhưng khi đưa xe đến khu vực khác làm việc thì lại nổ ầm ầm bình thường như chưa từng có chuyện gì xảy ra”, vẫn lời ông Quảng.
Theo lời vị giám đốc này, thậm chí còn có lần xe đứt hẳn xích khiến người ta phải thay toàn bộ xích mới cho xe. Có lần người lái xe hoa mắt, khi đến gần cây bỗng nhiên rời vô lăng nhảy xuống đất ra về. Có người lái xe sau khi không “tấn công” được cây thì hoảng sợ nhất quyết xin chuyển công trình. “Vậy “tương lai” của cây thị sẽ ra sao?”. “Chúng tôi đành thống nhất giữ nguyên cây thị ở vị trí đó”, ông Giám đốc trả lời.
Cây gieo rắc tai họa?
Để phần nào “giải mã” những bí ẩn của cây thị, chúng tôi hỏi địa chỉ của gia đình đã từng sở hữu mảnh vườn có cây thị trên thì được biết, khi thành phố bồi thường để giải phóng mặt bằng, gia đình đó đã chuyển sang một vùng khác định cư.
Cụ Hoàng Xuân Thâm (80 tuổi, một người dân ngụ phường Hòa Lạc) là một trong số it người biết chuyện kể lại, cây thị vốn của một gia đình hàng xóm nhà bố mẹ vợ ông. Khi khu đất trên là khu dân cư, cụ thấy chủ nhân hay thắp hương bên gốc cây nhưng chưa khi nào thấy người chủ hái quả hay chặt cành.
Cụ Nguyễn Thị Bẩu (81 tuổi), người ngày trước từng ở gần khu vực cho biết trước đây khi vùng này chưa được quy hoạch, cây thị mọc trong vườn của một gia đình người Hoa Kiều. Lúc đó, cây sai trĩu trịt quả và to một cách lạ thường, có thể lớn như quả bưởi, tròn xoe thơm lừng cả xóm. Sau khi những người Hoa Kiều này rời đi thì một gia đình người Việt Nam đến ở. Bất thường xảy ra kể từ khi đến ở, người trong nhà ấy chẳng ai khỏe khoắn bình thường.
“Họ cứ suốt ngày ốm đau, có người bị dị tật. Bà mẹ già có một cái bướu rất to ở cổ, miệng thì méo xệch; cô cháu gái thì đôi chân dị dạng. Nhất là ông bố suốt ngày ho như muốn nổ phổi. Họ đã thuốc thang chạy chữa rất lâu, còn lập cả bát hương trên cây thị nhưng những căn bệnh ấy đã không thuyên giảm mà còn gây hoang mang, sợ hãi cho cả làng”, bà lão thuật lại.
Không hiểu những căn bệnh kỳ quái đó có phải do họ “sống chung” với cây thị lạ nên bị, hay đó chỉ là số đen đủi nên mắc bệnh? “Chẳng ai dám động đến cây thị dù hàng năm nó vẫn đơm hoa kết trái và cho rất nhiều quả”, cụ trầm tư nhớ lại.
Bí ẩn chưa lời giải
Không một người dân địa phương nào biết cây thị có từ lúc nào. Riêng cụ Khâm thì nhớ lại một vài chuyện lạ liên quan đến cái cây khẳng khiu “chẳng hiểu chứa điều thần bí gì mà quanh nó có những chuyện khó có thể giải thích”.
Ông cụ cho biết, những năm kháng chiến chống Pháp, ngày ấy Móng Cái còn có tên huyện Hải Ninh và bọn giặc “trời đánh” không có chuyện gì xấu xa là không làm, từ cướp của, giết người dân vô tội cho đến hãm hiếp con gái nhà lành. Rồi nghe người dân kháo nhau về cây thị linh thiêng mọc ở bên kia sông, chúng cười khẩy khinh bỉ, cho rằng đó chỉ là lời đồn đại của những kẻ nhát gan, yếu bóng vía.
Để ra oai, một tên quan Tây đã trèo lên bẻ cành thị rồi “phóng uế” ngay dưới gốc cây. Sáng ngày hôm sau, bọn lính giặc nháo nhác vì không thấy tên quan Tây đó đâu nữa. Chúng hò nhau đi tìm, lục tung từng con phố, từng nhà dân nhưng dấu vết đồng bọn vẫn biệt tăm.
Vài ngày sau đó, xác tên giặc được tìm thấy ở bờ sông cách cây thị một quãng đường. “Không ai rõ tên giặc chết vì du kích ta trừ khử hay hắn mất mạng vì nguyên nhân nào. Chỉ biết là đêm hôm đó, gió cứ rít lên từng cơn dài trên ngọn cây thị. Từ đó, quân Pháp cấm bọn lính bén mảng đến gần cây thị”, ông cụ thuật lại.
Chuyện xưa thì ít người chứng kiến nên dù sao cũng có hơi hướng truyền thuyết. Nhưng câu chuyện cách đây khoảng hai năm thì người dân sống xung quanh cây thị thì ai ai cũng quả quyết “Đừng có dại mà trêu vào cây thị”. Cuối năm 2009. Một tốp thanh niên địa phương kế bên đi qua, nghe người dân kể và để “chứng tỏ bản lĩnh” liền dừng xe trèo lên cây thị hái quả, rồi ra chơi ở bãi biển Trà Cổ cách đó không xa.
Ngay đêm đó, những tai ương liên tiếp xảy ra với họ, người thì bị đánh, bị cướp; người thì bỗng dưng lăn đùng ra ốm sốt vật vã. Tra hỏi rõ ngọn ngành câu chuyện, vài ngày sau người thân của các thanh niên vội vã đội “mâm lớn mâm bé” ra thắp hương nghi ngút bên gốc cây, còn mời cả “thầy cúng cao tay” về cúng giải hạn. “Nào là ngựa giấy, thuyền giấy, tiền vàng âm phủ và đồ vàng mã khác cứ cháy ngùn ngụt.
Những tưởng cúng khấn xong thì sẽ được bình an. Ai ngờ chính người thanh niên bị đánh và cướp xe ấy chưa đầy hai tháng sau mất mạng vì gặp tai nạn giao thông”, một người dân thuật lại. Cũng không ai kiểm chứng được việc nhóm thanh niên bị cây “trả thù” hay đó chỉ là những tai nạn rủi ro có thể gặp trong cuộc sống, nhưng từ đó cây cổ thụ ngày càng “nổi tiếng” hơn, ai ai cũng tránh xa.
Người ta cũng lấy làm lạ về sức sống diệu kỳ của cây: Toàn bộ gốc cây mục ruỗng, chỉ còn trơ phần vỏ dày khoảng nửa gang tay, bốn cành lớn thì đã gãy do nắng mưa dầu dãi, do gió bão quật đổ. Vào mùa rụng lá, cây như một cây chết với bốn “cánh tay” khẳng khiu vươn lên nền trời ở độ cao khoảng 8m.
Vậy mà đến mùa ra lá, “cây chết” này lại bật ra những mầm xanh li ti, những cành non lại đâm trồi nảy lộc như chứng tỏ sức sống bất diệt. Không ai rõ cây “có hồn” hay không, nhưng câu chuyện máy móc cứ đến gần cây là chết lặng thì có lẽ rất cần các nhà khoa học kiểm chứng, để du khách ngang qua khỏi phải đặt câu hỏi ngạc nhiên: “Vì sao hàng chục năm qua, cây vẫn “ngang nhiên án ngữ” như “trêu ngươi” con người giữa trung tâm thành phố?”.
TAMTHUC
Comment