nhung-chuyen-ly-ky-ve-ran-than
Những chuyện ly kỳ về “rắn thần”
- bởi map --
- 03/12/2012
Thời gian gần đây, dư luận rộ lên các tin đồn từ rắn, người ta thêu dệt nên những câu chuyện ly kỳ huyền bí: nào là rắn thần báo điềm lành, nào rắn chúa trả thù, nào là người hóa rắn. Có đến cả 1001 những câu chuyện từ rắn. Song đó có phải là sự thật, hay chỉ là những câu chuyện nhảm nhí của một số kẻ xấu tuyên truyền mê tín dị đoan để trục lợi kiếm tiền? PV sẽ tổng hợp lại những câu chuyện từ rắn dưới góc nhìn khoa học giúp bạn đọc trả lời được câu hỏi trên.
Rắn là loài vật xuất hiện sớm và có sức ám ảnh mạnh mẽ trong hầu hết các nền văn hóa của nhân loại. Rất nhiều nơi trên thế giới có tín ngưỡng thờ rắn và tùy vào đặc điểm văn hóa của từng quốc gia, khu vực lãnh thổ mà con vật này biểu trưng cho các lớp ý nghĩa khác nhau. Và cũng vì thế, trong những câu chuyện kỳ lạ được truyền miệng, người ta thường lấy con vật này làm tâm điểm.
“Thần bạch xà” xuất hiện
Đền Trần là nơi thờ tự các vị vua và các vị thủy tổ triều Trần. Đền được xây dựng vào năm Chính Hòa thứ 15 (tức năm 1695) trên nền đất cũ, nơi phát tích của các vị vua nhà Trần, nay là phường Lộc Vượng, thành phố Nam Định. Vào những lễ hội lớn như hội tháng Giêng, lễ khai ấn, đền thu hút hàng vạn lượt người từ khắp nơi về xin lộc cầu may. Cho đến bây giờ người dân ở đây vẫn không ngớt truyền tai nhau câu chuyện được cho là đã diễn ra vào năm 2008, trong 3 ngày từ mùng 7 đến mùng 9 tháng Giêng, một con rắn trắng đã xuất hiện trên ngai vua và người dân tin rằng đây chính là “thần Bạch xà”. “Ngài” về vào đúng dịp này để những lời khẩn cầu đầu năm may mắn của thần dân được linh ứng.
Thần bạch xà được đồn rằng dài khoảng 1,5m, đường kính chỗ to nhất khoảng 3cm, thân màu trắng, có một vạch màu sẫm xanh chạy dọc cơ thể. Song có điều kỳ lạ là thần bạch xà này chỉ bò xung quanh ngai thờ của 4 vị vua đầu tiên cũng là 4 vị vua anh minh nhất triều Trần là Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông và Trần Anh Tông. Nhưng chủ yếu là ngự trên ngai của Trần Nhân Tông. Thậm chí không ít người còn mạnh miệng nói rằng “chính mắt họ đã chứng kiến và chụp được ảnh rắn ngự trên ngai thờ nhà vua”. Thông tin rắn trắng xuất hiện càng khiến cho ngôi đền linh thiêng này nổi tiếng khắp trong Nam ngoài Bắc. Và người ta càng có cơ sở để tin khi rắn thần xuất hiện đúng sau 700 năm, vua Trần Nhân Tông băng hà.
Chưa biết thực hư của câu chuyện đến đâu nhưng có một sự thực là tại thời điểm đó xung quanh đền Trần có quá nhiều hạng mục công trình được triển khai xây dựng, tu sửa, cũng có thể có hang rắn ở gần đó, trong quá trình xây dựng đào bới đất, rắn không có chỗ ở phải vào trú ngụ nên đã vô tình bò lên chỗ ngai thờ, mà cũng có thể chẳng có con rắn nào xuất hiện mà chỉ là sự tưởng tượng của những người mê tín dị đoan.
Người hóa rắn
Vào khoảng cuối năm 2010, làng Kính Nỗ, xã Uy Nỗ, huyện Đông Anh rộ lên tin đồn con trai lớn của ông Nguyễn Văn Thảo bỗng nhiên hóa rắn. Anh này bỗng nhiên không nói năng gì mà trườn như một con rắn. Bò xong anh lại cuộn tròn người nằm dưới gầm tủ, mắt trợn tròn, đỏ lòm, lưỡi thè dài ra. Rồi đòi ăn trứng gà sống. Người nhà đưa ra quả trứng gà nào là anh ta trườn tới, cắn nát quả trứng rồi nuốt chửng, ngon lành như một con rắn nuốt một con ngóe. Ăn xong anh ta lại bò khắp nhà, miệng không ngừng la hét: “Ta là rắn thần đây, sao chúng mày dám khâu miệng ta lại”.
Nhiều người dân trong làng thấy vậy đã đồn rằng do ông Thảo bắt được một con rắn có mào, liền khâu lại và mang bán. Nhưng không ai dám mua con rắn này của ông và khuyên ông nên thả đi vì rắn có mào thường là rắn ở đình đền chùa, không nên động vào. Ông Thảo cũng lo lắng và đã thả con rắn này đi nhưng quên không cắt chỉ ở mồm nó. Gia đình liền mời thầy cúng về làm lễ. Cúng bái suốt cả buổi, con trai ông không còn bò trườn nữa mà nằm mềm ra như bún. Anh dần tỉnh táo trở lại. Mọi người hỏi chuyện anh có nhớ mình vừa làm gì không thì anh lắc đầu kêu không nhớ, chỉ kêu mệt và… buồn nôn. Sau đó anh nôn ra toàn dịch trứng gà sống! Nhưng nào đã hết, nghe nói thỉnh thoảng anh này vẫn hóa rắn và ăn trứng gà sống. Thế là ông Thảo lại phải lập một miếu thờ thần rắn ở chính gốc đa nơi ông bắt được con rắn những mong con mình thôi kiếp làm rắn. Ngày khánh thành miếu, một con rắn ở đâu trườn tới, trên mép vẫn còn dính sợi chỉ càng khiến dân làng tin rằng rắn thần là có thật.
Rắn to như con bò
Một con rắn ước chừng nặng khoảng 400-500kg được cho là đã xuất hiện ở khu vực vùng Bảy Núi, An Giang. Ông Trần Quốc Diệp nguyên trưởng xóm Xuân Hiệp, thị trấn Tịnh Biên quả quyết tận mắt nhìn thấy. Con rắn dài khoảng 10 m và to bằng cái thùng. Đôi mắt nó đỏ lòm to bằng cái chén. Trên đầu và lưng con rắn màu đen mun, dưới lườn bụng có khoang trắng giống như rắn hổ mang. Nó bò từ trên bụi tre xuống mé hầm gần chỗ ông Diệp đang mắc võng nằm ngủ trưa và thò đầu ra uống nước. Con rắn thè lưỡi uống khoảng ba ngụm nước thì ngước cổ lên nhìn sang phía ông. Ông hoảng hốt bỏ chạy thì con rắn bò theo. Khi ông dừng lại thì rắn cũng dừng lại. Ông chạy gần cửa nhà ngoái lại nhìn thấy con rắn chui vào bụi cây um tùm rồi mất hút. Con rắn to bằng con bò. Chuyện lạ. Nhiều người bảo đấy là chuyện bốc phét, có người lại bảo ông Diệp nói thật vì ông bốc phét chuyện rắn đuổi theo mình chẳng để làm gì. Song theo ông Lê Thành Công, hạt Kiểm lâm Tịnh Biên thì ở Bảy Núi, rắn còn khá nhiều nhưng chỉ có loại khoảng bốn, năm mươi kilogam chứ rắn lớn như ông Diệp kể thì chưa từng thấy. Hiện có hai luồng dư luận trái chiều trong chuyện này. Một bên cho rằng ở Bảy Núi vẫn còn rắn to như vậy, còn bên kia lại nói rắn to thì có nhưng to như con bò thì không.
Không chỉ ở An Giang mới xuất hiện rắn khổng lồ mà ở Cà Mau, khu vực rừng chàm U Minh cũng đã nhiều người chắc chắn có rắn hổ mây, một loại rắn khổng lồ cực hiếm trên thế giới. Không chỉ là chuyện rắn hổ mây hay “đi mây về gió”, người dân U Minh còn truyền tụng, chuyện rằng có người còn phải chiến đấu với con rắn khổng lồ này để bảo vệ mạng sống của mình. Nửa hư nửa thực, mấy anh bạn đồng nghiệp của chúng tôi ở Cà Mau quyết tâm rình để chụp ảnh được con rắn hổ mây có thân mình nằm choán hết con đường 8m. Nhưng sau nhiều ngày rình rập vẫn không ai chạm mặt rắn khổng lồ.
Mơ rắn, làm thơ
TS Hoàng Quang Thuận, nguyên Viện trưởng Viện Công nghệ viễn thông – Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam, trong một lần hành hương về non thiêng Yên Tử, khi đến chân núi thấy một người dân địa phương đang ngồi bên đường bán một xâu rắn. ông nhìn thấy một con rắn có vẻ đẹp khác thường, cái mào dựng lên như mào gà, đỏ như lửa, ông liền mua cả xâu rắn và phóng sinh. Chuyện được kể lại rằng đàn rắn bò vào rừng, riêng con rắn có cái mào đỏ rực quay lại nhìn ông một lúc lâu! Đêm ấy, ông có một giấc mơ kỳ lạ. Đặc biệt hơn, là sau đêm đó mặc dù không biết gì về thơ phú nhưng cảm hứng sáng tác thơ bỗng xuất hiện. Mấy ngày ở Yên Tử ông đã làm được cả một tập thơ và tập “Thi vân Yên Tử” có 143 bài đã được xuất bản. Thậm chí tập thơ còn được gửi để tranh giải Nobel Văn học. Tập thơ tuy không đạt được giải thưởng, nhưng câu chuyện về rắn thiêng Yên Tử biến một nhà khoa học thành nhà thơ dường như vẫn còn bán tín bán nghi đối với nhiều người.
Thực hư những câu chuyện về rắn đã khiến nhiều người tò mò tìm hiểu, và cũng chính vì thế, nhiều kẻ đã lợi dụng lòng tin để trục lợi. Thậm chí người ta còn ác khẩu tung ra những tin đồn nhảm nhí, gây thất thiệt cho nhiều gia đình, nhiều người đã vì tin vào thầy phán sẽ bị rắn trả thù nên đã lao vào bỏ tiền ra cúng bái. Họ đã bị lợi dụng như thế nào, mời bạn đọc xem tiếp kỳ sau.
TAMTHUC
Comment