No icon

ky-bi-chuyen-su-thay-tran-yem-long-mach-o-lang-ma-am

Kỳ bí chuyện sư thầy trấn yểm long mạch ở “làng ma ám”

Vị thiền sư đó là sư cụ Thích Phúc Trí, trụ trì chùa Thiên Trúc ở làng Mễ Trì Thượng (Từ Liêm, Hà Nội).

Tai họa liêp tiếp đổ lên đầu người dân làng Vân Gia (Trung Hưng, Sơn Tây, Hà Nội) khiến người dân đổ xô đi tìm thầy cúng, thầy bói. Nhiều thầy lên đất này, nhìn thấy “long mạch” bị đào phá nham nhở thì lắc đầu bảo chịu, không thể cứu nổi nữa.

Đang lúc hoang mang, thì một người kể về một vị thiền sư đắc đạo, chuyên trấn yểm trị long mạch. Vị thiền sư đó là sư cụ Thích Phúc Trí, trụ trì chùa Thiên Trúc ở làng Mễ Trì Thượng (Từ Liêm, Hà Nội).

Sư cụ Thích Phúc Trí.

Nghe người dân ca ngợi sư cụ đã 95 tuổi này, tôi đã tìm về chùa Thiên Phúc vài lần, song không gặp được ngài. Theo các vãi, thì sư cụ đã đóng cửa ẩn tu ở chùa La Dương và không muốn gặp người trần tục nữa.

Việc mời sư cụ Thích Phúc Trí được giao cho Hội người cao tuổi của thôn. Để mời được cụ cũng rất gian nan. Các cụ già trong làng phải đi về vài lần. Hôm làm lễ ở chùa Thiên Trúc, sư cụ “trò chuyện” với thánh thần và cũng khẳng định làng đã đứt long mạch.

Ngày sư cụ Thích Phúc Trí lên Vân Gia, người dân đón tiếp long trọng. Ai ai cũng mang ánh mắt biết ơn nhiều lắm.

Chùa Thiên Trúc – nơi trụ trì của hòa thượng Thích Phúc Trí.

Bà vãi Nguyễn Thị Xuân kể: “Sư cụ có phong thái giản dị lắm. Cụ chẳng làm lễ, chẳng chuẩn bị hoa quả, vàng mã gì cả. Cụ vào Tòa Tam Thế đứng trước bàn thờ nói vào câu, vào nhà Tổ nói vào câu, rồi ra chỗ long mạch đứt nói vài câu. Nói xong, cụ bảo dân làng cứ yên tâm, không phải lo lắng gì nữa. Chỉ có vậy rồi cụ về. Cụ chẳng nhận lễ vật gì cả”.

Bà K., cán bộ thôn 6 bảo rằng, sau khi được sư cụ Thích Phúc Trí giúp đỡ, mọi chuyện mới tạm yên, ngày 22 hàng tháng không còn ai chết nữa.

Thế nhưng, vài tháng sau, sư cụ Phúc Trí gọi điện cho một cụ trong hội người cao tuổi thôn thông báo rằng: “Tình hình vẫn chưa yên đâu. Trong làng sẽ lại có việc lớn đấy”.

Hòa thượng Thích Phúc Trí cũng khẳng định long mạch ở đây đã bị đứt.

Đúng như lời sư cụ nói, ngày 22 tháng đó, một thanh niên thôn 8 đã bị tai nạn thảm khốc, nằm liệt giường chiếu ở bệnh viện.

Dù sao, thanh niên này cũng đã giữ được mạng sống qua “ngày đen tối”. Dân làng tạm thở phào, vì cái “ngày đen tối” 22 hàng tháng không còn ám ảnh nữa. 

Thế nhưng, đúng hôm sau, ông G., 43 tuổi, ở xóm 6, sau khi tắm, vừa lên giường nằm, thì tắt thở. Đau đớn thay, ông G. chết đúng vào thời điểm gia đình đang chuẩn bị đám cưới cho cô con gái.

Bùa giấy do sư Thích Phúc Trí tạo ra.

Đau xót hơn nữa, đến ngày 24 tháng sau, cậu thanh niên bị tai nạn giao thông nằm liệt giường ở bệnh viện cũng qua đời.

Từ ngày được sư cụ Thích Phúc Trí trấn yểm, những cái chết bất đắc kỳ tử không còn thường xuyên nữa, nhưng vẫn thi thoảng diễn ra. “Ngày đen tối” vẫn là ngày ám ảnh với dân làng.

Để người dân an tâm, sư cụ Thích Phúc Trí đã làm rất nhiều bùa cho người dân đeo, dán ở nhà, cổng.

Bà K., cán bộ thôn 6 bảo: “Thú thực với chú, tôi là Đảng viên, thấm nhuần tư tưởng duy vật, nhưng sống giữa làng quê, mà thanh niên trai trái, toàn là trai đinh chết liên tục, chết bất đắc kỳ tử thế này, thì làm sao mà không hãi cho được. Cả xóm tôi đều mua bùa về đeo. Tôi cũng mua bùa cho cả nhà cùng đeo”.

Bà K., cán bộ thôn 6 và chiếc bùa đeo ở ngực.

Nói rồi, bà K. kéo cổ áo, lôi ra chiếc bùa cho tôi xem. Chiếc bùa làm bằng bạc, nhỏ như đồng xu, hình bát giác, hai mặt khắc chữ Hán. Tôi hỏi chữ gì, bà K. bảo chẳng biết. Bùa này bà mua của sư cụ Thích Phúc Trí với giá 90 ngàn đồng. 

Bà K. bảo, đeo tấm bùa thấy có cảm giác yên tâm, thế là bà mua cho cả con, cháu.

Không chỉ bà K., mà gần như cả thôn 6, cả làng Gia Vân, với ngót ngàn hộ gia đình, cũng đều sắm bùa đeo. Nhà nào cẩn thận thì sắm cả bùa bằng bạc lẫn bùa giấy, đeo lủng liểng ở cổ, tay, cho vào túi áo ngực. Có nhà còn dán bùa từ trong nhà ra ngoài ngõ để xua đuổi tà ma.

Nam đeo bùa hình chữ nhật.

Nữ đeo bùa hình bát giác.

Bà K. nói vui rằng, người Vân Gia đi cày có thể quên trâu, chứ đã ra đường là không thể quên đem theo bùa. Ngay cả ông Tuấn trưởng thôn 8 cũng vậy, hễ ra khỏi nhà là lấy tấm bùa trong tủ trân trọng để vào túi áo ngực. Vậy nên, người Vân Gia đi đâu là bị nhận ra liền. Hễ thấy ai đeo theo bùa, thì chẳng phải hỏi, cũng biết là người Vân Gia.

Hôm tôi trở lại chùa Viên Quang, bà vãi Nguyễn Thị Xuân đau buồn tiết lộ một tin động trời: Pho tượng cổ, quý hiếm của ngôi chùa vừa bị trộm khênh đi mất. Tin này khiến cả làng hoang mang cực độ. Suốt tuần nay, cả làng lên chùa hương khói, khấn vái, vì lo sợ tai họa lại sắp ập xuống bất cứ gia đình nào.

Theo mọi người, chuyện bắt đầu từ việc trùng tu Tòa Tam Thế.

Ngôi cổ tự Viên Quang không rõ xây dựng từ khi nào, nhưng đã rất lâu đời. Vào ngày 5-9-2006 (âm lịch), trong quá trình tiến hành tháo dỡ, trùng tu Tòa Tam Thế, đã phát hiện dưới lòng đất, chỗ đặt bệ thờ đức A Di Đà một pho tượng cổ. 

Hòa thượng Thích Minh Tĩnh – trụ trì chùa Viên Quang.

Pho tượng bằng đồng thau, sơn thếp phủ hoàn kim, cao 75,3cm, rộng chân đế 51cm, nặng 82kg. Theo các cụ cao niên, xưa kia, chiến tranh loạn lạc, nên trụ trì thường chôn tượng quý xuống lòng đất để bảo quản. Các nhà khoa học đã đến xem xét và khẳng định đây là pho tượng cổ, quý bậc nhất miền Bắc. 

Sau khi họp dân, các cụ thống nhất đưa pho tượng lên bệ thờ. Xưa kia, chiến tranh loạn lạc thì phải giấu, chứ giờ hòa bình rồi, thì đưa tượng lên để thờ, ngài sẽ độ trì cho dân làng.

Đưa tượng lên, các cụ trong làng, các vãi cắt cử người trông nom ngày đêm. Đáy tượng được khoan lỗ, khóa bằng xích sắt. Xích nối xuống đáy bệ thờ. Bệ thờ lại có cửa sắt bằng khóa lớn nữa.

Thế nhưng, mới tuần trước, vào lúc nửa đêm, kẻ trộm đã cắt khóa cửa Tòa Tam Thế, cắt khóa hầm bệ thờ và cắt nốt khóa đáy tượng, rồi khiêng tượng đi mất.

Pho tượng đã bị trộm mất, chỉ còn lại chân đế.

Bà K. kể: “Sáng hôm đó, tôi cứ thấy trong lòng bất an, nên đáo qua chùa. Thấy sáng sớm mà Tòa Tam Thế mở toang hoang. Tôi sợ trộm lấy mất khánh đồng quý nên vào ngó. Thế nhưng, khánh vẫn còn. Tôi gọi bà vãi hỏi xem ai mở cửa. Bà vãi cuống cuồng chạy vào xem rồi khóc rú lên vì không thấy pho tượng đâu cả”.

Đúng hôm mất tượng, sư trụ trì Thích Minh Tĩnh, khi đó đang ở Đà Nẵng, gọi điện về cho bà Xuân nói rằng: “Không biết ở nhà có chuyện gì mà trong lòng thầy cứ thấy bất an, cả đêm thầy không ngủ được!”. 

Bất đắc dĩ, bà Xuân phải nói thật. Từ bấy đến nay, sư Tĩnh buồn bã, chẳng muốn ăn, muốn ngủ nữa. Người dân làng Vân Gia cũng đau buồn không kém. 

Chuyện mất pho tượng khiến người Vân Gia thêm hoang mang, lo lắng. Hơn lúc nào hết, người dân muốn các nhà khoa học vào cuộc, tìm ra lời giải rõ ràng cho câu chuyện đầy màu sắc bí ẩn này.

Đặng Diễm Nguyệt

TAMTHUC

Comment