No icon

giai-ma-loi-don-cu-da-bao-oan

“Giải mã“ lời đồn “cụ đa báo oán”

Sau sự kiện những gốc đa nhiều trăm năm tuổi bị đốn ngã rồi ở khu vực quanh đó (khu phố trung tâm xã Hoàng Xá, huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ) có liên tiếp hàng chục người chết trẻ, một số người ở địa phương này đã vội vàng mê tín cho rằng làng xóm đang bị “báo oán” bởi đã dám “phạm thượng” đến các “cụ” đa hàng trăm năm tuổi. Chúng tôi tìm hiểu bản chất hiện tượng đang gây bất an ở địa phương này.

Khu phố nơi có hàng chục người chết trẻ

Khu phố nơi có hàng chục người chết trẻ

Ký ức về những gốc đa đại thụ

Trong trí nhớ của cụ bà Hoàng Thị Thơm (80 tuổi, ngụ tại địa chỉ nêu trên), khi cụ còn là đứa trẻ lẫm chẫm theo mẹ đi chợ thì những cây đa đã có mặt ở đó rồi. Và ngay cả những thế hệ trước của cụ Thơm, cũng không ai biết đích xác những cây đa được trồng năm nào, do ai, vì thế không thể biết chính xác tuổi của cây. Cho đến thời điểm những cụ đa bị “gục ngã”, người làng chỉ có thể ước chừng tuổi của các “cụ” vào khoảng vài trăm năm.

Theo cụ Thơm, thời xa xưa ấy, chợ Hoàng Xá là chợ lớn nhất huyện và được họp ngay dưới gốc của 3 cây đa cổ thụ. Hai cây ở hai bên, nhỏ hơn nhưng có đường kính khoảng 3 vòng tay người lớn. Cây đứng giữa to nhất thuộc hàng đại thụ với bộ gốc và rễ sù sì, mà muốn ôm trọn cũng phải gần chục vòng tay người lớn. “Cụ” cây vững chãi hơn với những chiếc rễ chính to, xoắn như vặn thừng và rất nhiều rễ phụ ăn sâu, bám chặt xuống lòng đất.

Cụ Thơm kể chuyện như đùa khi nói về cây đa này: “Người làng bán hàng quanh gốc đại thụ ấy, mỗi người chiếm một chiếc rễ cây. Người đi chợ nhiều khi không cần phải đi cả chợ, chỉ cần đi quanh gốc đa đại thụ, nào rau, nào thịt, nào cá… không thiếu thứ gì. Chỉ cần đi một vòng gốc đa là có thể mua đủ các thứ cần dùng cho buổi chợ”. Nghe cụ Thơm tả thế cũng đủ hiểu sự hùng vĩ của cây đại thụ này.

“Khách lạ đến chơi ngày nay sẽ không thể hình dung về vẻ đẹp của những gốc đa làng tôi nữa”, cụ Phạm Văn Cường (72 tuổi) đang thả bò gần khu chợ Hoàng Xá tỏ vẻ tiếc rẻ như thế. Cụ Cường cho biết: “Chợ bây giờ là chợ mới xây dựng. Chợ cũ họp dưới bóng đa cổ thụ, vốn nằm ở đối điện chợ mới, phía bên kia đường”.

Cách đây khoảng hơn chục năm, chính quyền quy hoạch lại vùng đất có những cây đa, bán cho người dân trong làng để làm cửa hàng kinh doanh, buôn bán. “Khu phố trung tâm trở nên nhộn nhịp, sầm uất hơn hẳn. Nhưng cái vẻ cổ kính cây đa, mái đình, rồi cảnh phiên chợ họp dưới bóng cây rợp mát thì không bao giờ thấy lại được nữa”, cụ Cường chia sẻ.

Những cái chết “trên trời rơi xuống”

Không chỉ tiếc rẻ khi phần hồn cốt của làng không giữ được, một số luồng dư luận còn cho rằng việc ấy đang khiến cho làng xóm phải chịu tai ương. Bởi nhiều người dân trong khu phố tin theo quan niệm xưa “cây đại có ma, cây đa có thần”. “Cổ nhân cũng cho rằng cây cối có tuổi thọ hàng trăm năm đều có linh hồn ẩn nấp”, cụ Cường nói.

Vì thế, theo những đồn đoán này, kể từ khi “cụ” đa cuối cùng bị chặt bỏ cách đây vài năm, thì khu phố trung tâm bắt đầu “biết” đến những cái chết trẻ. Chỉ trong một đoạn phố dài khoảng 300m của khu phố trung tâm, khu vực quanh những gốc đa cũ, đã có hàng chục người chết trẻ. Có những cái chết do bạo bệnh. Có những cái chết đột ngột, lạ lùng, không rõ nguyên nhân.

Một trong những người đầu tiên trong khu phố chết đột ngột là anh Phùng Tiến H (SN 1964). Nhà ngay gần khu cây đa, anh H làm nghề thợ sắt, vốn dáng người rất cao to, khỏe mạnh. Cả ngày hôm ấy mọi người vẫn thấy anh huỳnh huỵch bê vác những thanh sắt cồng kềnh, nặng trịch. Thế mà đến đêm khuya, khu phố đã nhốn nháo chạy đến bởi tiếng kêu khóc thảm thiết từ nhà anh H.

Qua những lời kể tiếng được tiếng mất của người vợ thì chập tối, anh vẫn vào ngủ với vợ con như bình thường. Mãi đến khi đứa con khát nước, nhờ bố dậy lấy nhưng gọi mãi mà bố không nói gì. Chị vợ cũng choàng tỉnh, lần rờ sang người chồng để đánh thức, mới hay anh đã lạnh cứng tự lúc nào. Anh H vốn có tiền sử bệnh cao huyết áp, nhưng đêm ấy chị vợ nói rằng anh không hề uống rượu, cũng không hề có biểu hiện gì bất thường. Vì thế, cái chết của anh H không khỏi khiến mọi người thương cảm những cũng ngỡ ngàng, bàn tán.

Chuyện của cặp vợ chồng chị Nguyễn Thị S đều khoảng ngoài 40 tuổi cũng khiến cho người làng xôn xao không kém. Nhà ở sâu trong làng, bao nhiêu năm “bán mặt cho đất bán lưng cho giời”, mới tích cóp được một số tiền. Hai vợ chồng bàn nhau thuê lại cửa hàng của một y sĩ ở khu phố trung tâm. Chị S vẫn ở nhà để chăn nuôi canh tác, chỉ để người chồng đứng cửa hàng buôn bán. Được vài tháng, người chồng phát bạo bệnh, nhanh chóng qua đời.

Lo tang cho chồng xong, chị S ra phố tiếp tục công việc làm ăn của chồng. Nhưng chỉ được một thời gian. Thấy người không khỏe, chị đi khám bệnh và phát hiện mình bị ung thư. Của cải dần dần đội nón ra đi sau những lần chữa trị. Mới đây chị S đã phải sang nhượng lại cửa hàng với giá rẻ, bởi không còn sức lực cũng như tiền bạc để buôn bán nữa. “Giá cứ ở trong làng thì có khi không có chuyện gì xảy ra. Tích cóp được chút tiền ra khu trung tâm để kinh doanh, ai ngờ lại phạm vào chỗ của các cụ đa, mới gặp vận hạn khủng khiếp như thế”, một người dân nhận định.

Xóm làng xôn xao

Những cái chết vì có tiền sử bệnh trạng dù sao cũng phần nào được sự “báo trước”. Nhưng có những sự “ra đi” khiến người ở khu phố cứ một mực cho rằng là sự “báo ứng” của các cụ đa. Như trường hợp của anh Nguyễn Văn T (SN 1971), nhà ở khu phố trung tâm nhưng không phải mặt đường nên không làm ăn buôn bán được. Gia đình anh vẫn phải trông vào mấy sào ruộng mới có cái ăn. Một buổi trưa tháng 5/2009, sau lúc đi làm ngoài đồng, về đến cửa nhà, chưa kịp uống hớp nước thì anh gục ngã. Gia đình vội vực anh dậy, đưa đi cấp cứu nhưng không còn kịp nữa.

Một số người nhìn nhận bằng con mắt khoa học, giải thích về cái chết của anh T như một cơn đột quỵ. Trong cái nắng quái tháng 5, anh cật lực giữa đồng không một bóng cây, chỉ có cái nón che đầu mỏng mảnh. Cho dù là người khỏe mạnh cũng không thể tránh được lúc cảm nắng bất thường dẫn đến tai biến nguy hiểm đến tính mạng. Nhưng có nhiều ý kiến không đồng ý với cách giải thích đó. Bởi anh T vốn là một lực điền, bình thường có thể cày cấy ngày vài sào ruộng, đã quá quen với chuyện mưa nắng thất thường. Vả lại, nếu bị cảm nắng thì phải gục ngay trên cánh đồng, đằng này lại đi hơn cây số từ ruộng về đến nhà mới ngã.

Nhắc đến những cái chết lạ lùng, khó giải thích, người làng kể chuyện của anh Nguyễn Văn C (SN 1961). Gia đình anh C ở sâu trong làng nhưng thuê cửa hàng ở khu phố trung tâm, ngay gần chỗ những gốc đa. Từ cửa hàng, anh C lại dựng một mái lều ra gần mặt đường để có thể trưng bày thêm vài sản phẩm bán hàng. Hôm ấy, một góc bị tuột dây, khiến cái lều xiêu vẹo, anh C phải trèo lên để chằng buộc lại. Trong lúc mải làm, anh C bị trượt chân, ngã xuống đất. Mái của cửa hàng chỉ cao chừng 2m và cú ngã tưởng chừng không có gì nguy hiểm.

Được mọi người đỡ dậy, anh C vẫn tỉnh táo, vào ngồi nghỉ trong cửa hàng. Nhưng chỉ được một lúc, anh cứ thế lịm đi. Đến khi người nhà hốt hoảng đưa đi cấp cứu thì được xác nhận là anh đã chết. Rất nhiều người chứng kiến đều cho rằng cú ngã có vẻ khá nhẹ. Anh T chỉ hơi xây xát ở thân mình còn phần đầu thì không hề bị chảy máu. Thế mà chỉ trong vòng vài chục phút đã “ra đi”. Một lần nữa, dư luận lại rộ lên, cho rằng vì sống ở khu vực cây đa nên anh T cũng là một trong những người bị “vật”.

Và không chỉ có những cái chết trẻ, dân phố còn viện dẫn rất nhiều trường hợp đang chờ “án tử”, đều sống trong đoạn phố kể trên. Anh Nguyễn Văn H (SN 1965), có nhà xưởng to nhất nhì khu phố. Thời gian này nhà xưởng đang đóng cửa bởi anh H đang đi chữa bệnh ở Trung Quốc. Hoặc anh Phạm Văn K (SN 1960), mới giàu lên nhờ nghề nuôi rắn thì phát hiện u ở phổi, dù đã chữa trị khắp nơi nhưng ung thư đã sang giai đoạn 3… Rất nhiều trường hợp lâm trọng bệnh khác nữa nhưng đều gây nên những xôn xao, sợ hãi về “cụ đa báo oán”.

Sự thật sau lời đồn “cụ đa báo oán”

Để xác minh thông tin, chúng tôi tìm gặp ông Hoàng Văn Kiêu, tổ trưởng khu 22 thuộc khu phố trung tâm Hoàng Xá. Ông Kiêu xác nhận thời gian vài năm trở lại đây, có khá nhiều trường hợp chết trẻ xảy ra. Theo ông Kiêu, đoạn phố có khu vực 3 cây đa ngày xưa giờ thuộc khu 6 và khu 22. Nếu tính cả khu 6 thì đoạn phố này có gần 20 người chết trẻ.

Làm công tác tổ trưởng đã vài chục năm, không cần giở sổ, ông Kiêu cũng liệt kê được những người xấu số. “Riêng khu 22 do tôi làm tổ trưởng, trong vài năm qua đã có hơn chục người chết thuộc dạng trẻ, độ tuổi tử 40 đến ngoài 50. Nhưng 80% số đó đều do mắc bệnh nặng như ung thư, viêm gan… Có vài trường hợp đột tử nhưng không có gì là kỳ lạ, khó giải thích cả”, ông Kiêu cho biết.

Ví dụ trường hợp của anh T bị ngã từ mái nhà xuống đất, ông Kiêu cho rằng thực ra anh T khi ngã đã bị chấn thương nặng ở vùng đầu, có điều là chấn thương kín, nên mới không thấy máu mà thôi. Sau đó, anh T tỉnh táo được một lúc, đó chính là hiện tượng “hồi quang phản chiếu” mà khoa học đã chứng minh. Trước khi “ra đi”, người xấu số đều có lúc rất minh mẫn, thậm chí bình thường như người còn khỏe vậy. Với những giải thích ấy, ông tổ trưởng cho rằng những lời đồn đại đều mang tính mê tín, dị đoan.

Về việc chặt cây đa, ông Kiêu nhận định đó là việc chính quyền buộc phải làm. Theo ông Kiêu, cây đa nằm ngay sát mặt đường, cây có nhiều cành to, có những cành vươn dài qua cả bên kia đường. Vài năm trước, trong một trận bão, một cành đa rất lớn đã gãy và rơi xuống. Khu phố trung tâm lại là trục đường chính, có lưu lượng người tham gia giao thông rất đông. Nếu không hạ cây đa thì khi việc đổ cây, gãy cành xảy ra, sẽ gây nguy hiểm cho rất nhiều người.

Ông Kiêu cũng chia sẻ việc những đồn đoán cả 3 cây đa đều bị chặt bỏ là không đúng. Cây đa đại thụ thực ra đã bị đổ do một trận bão lũ rất lớn cách đây hàng chục năm, vào khoảng năm 1991. “Một cây đa đổ do thiên tai. Hai cây còn lại thì buộc phải hạ bỏ cũng vì phục vụ lợi ích người dân. Nếu cho là các “cụ” cây có linh hồn, có thần thánh ngự trong đó, thì chắc rằng các “cụ” cũng không nỡ trừng phạt những người vô tội, mà sự “phạm thượng” thực ra chỉ vì mục đích tốt đẹp hơn”, ông tổ trưởng kết luận.

Ông Phạm Tiến Nghi, Phó Chủ tịch xã Hoàng Xá cũng đồng quan điểm như thế. Những cái chết trẻ xảy ra trên địa bàn khu phố trung tâm, thực chất chỉ là những sự việc được báo trước, hoặc những trùng hợp ngẫu nhiên. “Bệnh ung thư hay những bệnh nan y khác, nếu đã mắc phải thì rất khó chữa trị. Bệnh nhân buộc phải chống chọi với căn bệnh cho đến khi “ra đi”, lứa tuổi nào cũng có thể xảy ra những chuyện bi thảm như thế”. Ông Phó Chủ tịch xã cũng tỏ vẻ tiếc nuối khi nhớ về những cây đa cổ thụ của làng mình. “Không thể giữ được thì mới phải chặt bỏ. Đau lòng nhưng chính quyền cũng không còn cách nào khác. Nếu các “cụ” đa còn sống, chắc sẽ được vinh danh là “Cây di sản Việt Nam”, còn niềm tự hào nào như thế”.

Cây đa (tên khác: cây đa đa, dây hải sơn, cây dong, cây da) có danh pháp hai phần (theo Bailey năm 1976) là Ficus bengalensis, một loài cây thuộc họ Dâu tằm (Moraceae), có thể phát triển thành loài cây khổng lồ mà tán của nó che phủ đến một vài nghìn mét vuông. Tại nước ta, một số người thường nhầm cây đa với cây sanh là cây cùng chi nhưng có tên khoa học khác hẳn
Tại nước ta, cây đa được tìm thấy tại nhiều đình, chùa và khu vực làng quê. Hầu như làng quê truyền thống ở Bắc Bộ nào cũng có những cây đa cổ thụ trong làng và bên cạnh các di tích. Ý nghĩa biểu tượng đầu tiên của cây đa là sự trường tồn, sức sống dẻo dai. Cây đa còn là biểu tượng thần quyền và tâm linh của con người. Trong làng, cây đa có mặt ở nhiều nơi khác nhau nhưng hầu như nó không vắng bóng ở các di tích, đặc biệt là đình chùa. Dưới gốc đa người Việt thời xưa hay dựng miếu thờ và lại có lệ khi bình vôi không dùng được nữa, thay vì vất bỏ thì đem treo ở cây đa.
Cây đa còn gắn liền với hình ảnh của làng quê Việt Nam qua những hình tượng như “cây đa, giếng nước, sân đình” hay “cây đa, bến nước, con đò”, qua điệu dân ca lý cây đa. Nó cũng xuất hiện trong sự tích Thằng Cuội trên Cung Quảng Hàm. Cây đa cũng đi vào ca dao, tục ngữ Việt Nam: “Cây đa cậy thần, thần cậy cây đa”, “Thần cây đa, ma cây gạo, cú cáo cây đề”.

Văn Thanh – Huyền Ngọc

TAMTHUC

Comment