di-nhan-goi-ca-than-thu-phuc-linh-vat-rong-mat
Dị nhân gọi “cá thần”, thu phục linh vật rồng 3 mắt
- bởi map --
- 15/06/2013
Anh Mai Thế Dân “đắc đạo”, đã gọi được “cá thần” của động Long Dương và lấy được linh vật hình rồng 3 mắt để trở thành người gác cổng cho rồng.
Diện kiến dị nhân gọi “cá thần”
Xã vùng cao Thượng Nung (Võ Nhai, Thái Nguyên) từ xa xưa truyền tụng về một truyền thuyết có liên quan đến động Long Dương. Tuy nhiên, truyền thuyết kỳ lạ về động rồng mới thực sự được hé mở khi anh Mai Thế Dân, người dân tộc Tày ở xóm Tân Thành khám phá ra.
Xế trưa, chúng tôi mới tìm được đến nhà của anh Dân. Người đàn ông với mái tóc dài ngang vai ra đón và giới thiệu là người gác “tổ rồng”. Anh Dân bảo: “Người ta bảo tôi là “dị nhân”, tôi chẳng biết nghĩa là gì nhưng tôi nghĩ, tôi hay làm những việc không công để giữ gìn thiên nhiên, cảnh quan môi trường nên mọi người nghĩ vậy”.
Trong ngôi nhà tình nghĩa (bố anh Dân là liệt sĩ Mai Sơn – PV), trên ban thờ được anh Dân đặt một viên đá kỳ dị màu trắng. Anh Dân giới thiệu: “Đây là tảng đá con trong quần thể đá mẹ dưới động Long Dương, do có duyên nên tôi mới lấy được và coi như là bảo vật”.
Đường xuống “tổ rồng”.
Được biết, động Long Dương nằm dưới một quả đồi lớn, năm 2009 gia đình anh Ma Trí ở xóm Lục Thành thuê máy ủi về san đồi trồng ngô. Trong khi đang thi công thì xuất hiện một hố sâu hoắm. Bao nhiêu đất đá lấp xuống cũng không thể đầy như thể đó là một cái động không đáy.
Lạ lùng là khi người dân soi pin xuống động thì đất đá lấp xuống không biết bị cuốn đi đâu hết. Dưới đáy xuất hiện một loại cá lạ. Mọi người cùng nhau dùng kích điện đánh bắt nhưng anh Dân đã ngăn cản. Lạ hơn nữa, ngay từ lúc này anh Dân có khả năng gọi được đàn cá lạ đó đến mà không ai có mặt lúc đó làm được.
Anh Dân cho hay, trước khi trở thành người gác “tổ rồng”, một thời gian dài anh là môn sinh của môn phái Thất Sơn Thần Quyền, rồi làm công an xã Thượng Nung từ năm 2004. Từ 2007 đến nay, anh Dân là Trưởng xóm Tân Thành. Anh có hai người vợ và đã ly hôn. Hiện nay, trong ngôi nhà tình nghĩa, anh sống cùng con gái và mẹ già.
Cửa động Long Dương.
Chạm vào cõi chết
Trong cuộc trò chuyện với chúng tôi, anh Mai Thế Dân khẳng định đã từng “may mắn” chạm vào cõi chết. Thời gian anh Dân còn làm công an xã Thượng Nung, do bị thần kinh tọa nên anh phải xuống Thái Nguyên chữa trị nhưng không có tiền nên bệnh tình ngày càng nặng. Đến năm 2008, sau khi uống một chén rượu ở nhà một người bạn, khi ra về thì sự việc lạ xảy ra.
“Ra đến giữa sân thì cơ thể tôi bủn rủn bất thường. Tôi cảm nhận có một luồng không khí lạnh toát chạy từ đỉnh đầu dọc xuống sống lưng. Tôi bất tỉnh và được đưa đến Bệnh viện Đa khoa Thái Nguyên. Các bác sĩ lắc đầu vì tôi đã chết do tắc mạch máu não. Nhưng sự kỳ lạ xảy ra, giữa lúc người thân chuẩn bị hậu sự thì tôi tỉnh lại. Cái chết thực ra không đáng sợ như mọi người vẫn nghĩ”, anh Dân cho hay.
Cũng từ ngày “chạm vào cõi chết”, anh Dân bỗng dưng khỏi bệnh thần kinh tọa. Sau nhiều lần khám nghiệm tại các bệnh viện khác nhau trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, các bác sĩ đều khẳng định bệnh thần kinh tọa của anh Dân đã khỏi, dù anh chẳng dùng đến bất cứ loại thuốc nào.
Cũng từ ngày trở về từ cõi chết, anh Dân bắt đầu xuất hiện một số khả năng dị thường như gọi được “cá thần” trong động Long Dương. Và theo anh, thành công lớn nhất là bản thân có đủ “công lực” và cái duyên để gỡ bỏ “linh vật” hình rồng ba mắt dưới đáy “tổ rồng”.
Anh Dân và tảng đá được coi là “linh vật” của động Long Dương.
Cá lạ trong “tổ rồng”
“Tổ rồng” theo truyền thuyết của bà con vùng cao xã Thượng Nung chính là động Long Dương huyền bí được khai mở năm 2009. Cũng từ khi tìm ra động Long Dương trong truyền thuyết, anh Mai Thế Dân tình nguyện làm người gác cổng không công.
Theo quan sát của chúng tôi, động Long Dương nằm dưới một quả đồi lớn, từ cửa hang đi xuống phải đến 20m mới chạm mặt nước. Dưới động tối như hũ nút và không có đường đi, anh Dân và một số thanh niên trong xã phải dùng đến tre nứa làm cầu thang đi xuống.
Người dân cũng dùng máy bơm hút nước từ dưới động này. Điều lạ là, dù hàng trăm máy bơm hoạt động suốt đêm ngày thì động cũng không cạn đi một chút nước. Người dân cho rằng, động có đường thông với một nơi nào đó. Tuy nhiên, khi kiểm tra thì không thấy bất cứ một mạch nước ngầm nào.
Dưới động có hai loài cá được gọi là “cá thần” sinh sống. Một loại có vảy và một loại da trơn. Người thanh niên đi cùng chúng tôi gọi đủ mọi cách nhưng đàn cá không xuất hiện. Chỉ khi anh Dân cất tiếng gọi: “Cá ơi, đến đây” thì ít phút sau đàn cá ùn ùn kéo đến đớp mồi.
Cũng từ động Long Dương này, năm 2009, anh Dân đã lặn sâu xuống đáy và gỡ được tảng đá có hình thù giống con rồng 3 mắt, nếu dựng tảng đá lên thì lại có hình bản đồ Việt Nam. Anh Dân đã đem tảng đá ấy về và giữ gìn như một bảo vật. Anh Dân cho hay: “Động Long Dương liên quan đến một truyền thuyết có thật nên tôi phải trông coi cẩn thận không để ai xâm phạm phá bỏ. Mong sao, sau này ngành văn hoá sẽ có khảo sát để có phương án cụ thể hơn”.
– “Hiện tại thì động Long Dương chưa được khảo sát nhưng tác dụng đầu tiên là cung cấp nước sinh hoạt cho người dân và tưới tiêu cho đồng ruộng. Rất có thể động Long Dương là một động có từ xa xưa và liên quan đến truyền thuyết, chúng tôi sẽ khảo sát và đưa ra phương án để bảo vệ”.
Ông Ma Văn Tuân (Phó Chủ tịch UBND xã Thượng Nung)
– “Khu vực núi đá vôi thường hay hình thành rất nhiều những dòng sông ngầm, thậm chí là những hồ nước rộng lớn dưới lòng đất và tạo ra động. Đã có rất nhiều động với kết cấu đẹp và kỳ dị. Chuyện động Long Dương ở Thượng Nung cũng không nằm ngoài quy luật ấy. Việc những con cá dưới động có thể là sự tồn tại từ cổ xưa, chúng duy trì và có sự biến đổi hoặc đột biến để thích nghi môi trường”.
Ông Phạm Văn Hùng (Liên đoàn trưởng Liên đoàn địa chất Đông Bắc)
Comment