No icon

canh-giac-voi-hien-tuong-thoi-mien-lua-dao-o-mien-trung

Cảnh giác với hiện tượng thôi miên lừa đảo ở miền Trung

Thời gian đây, ở khu vực miền Trung xuất hiện hình thức kẻ gian lợi dụng sự nhẹ dạ, cả tin của phụ nữ, người già rồi dùng tà thuật để lấy tiền vàng, tài sản ngay trước mặt mà nạn nhân không thể phản kháng.

Đếm tiền giúp, bị lấy mất bông tai vàng

Chị Phan Thị Tý (SN 1972, xã Sơn Diệm, Hương Sơn, Hà Tĩnh) kể: Vào 14h ngày 18.1.2015, trên đường ra ruộng, chị gặp 2 người đàn ông lạ mặt (1 người béo, da trắng, đẹp trai, 1 người có nước da ngăm đen, dáng thấp đậm) chở nhau đi trên một chiếc xe máy ware màu đỏ. Hai người dừng xe, bắt chuyện với chị Tý. Người dáng béo trắng chỉ vào người da ngăm đen nói với chị Tý: “Ông này là người Lào có bán cho tôi 200kg mỳ chính, tôi sợ bị lừa gạt tiền nong, nên phải tìm một người nông dân chất phác để đếm giúp tiền”.

Chị Tý nhận lời, người đàn ông da trắng đưa cho chị 7 triệu đồng nhờ đếm giúp và nói: “Nếu mua bán xong xuôi, tôi sẽ biếu chị 1 triệu đồng”. Khi chị Tý đếm tiền xong đưa trả lại, thì người đàn ông béo trắng bất ngờ dùng tay mở đôi bông tai trên người chị Tý rồi cả hai nhảy lên xe vù ga biến mất. Lúc bị cướp, chị Tý như mê đi, không có phản ứng đau đớn hay giật mình gì, cũng không kịp kêu cứu. Một lát tỉnh lại, chị Tý mới biết mình đã bị 2 tên lừa đảo lấy mất đôi bông tai trị giá 3,5 triệu đồng, là vật kỷ niệm của bố mẹ đẻ tặng cho chị.

thôi miên

Chị Phan Thị Tý bị lừa đảo mất đôi bông tai vàng ngày 18.1.

Bà Trần Thị T (xã Trung Lễ, huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh) kể: “Cách đây một thời gian, tôi được con chở ra thành phố Vinh chơi. Con có việc nên tôi tự đi dạo phố một mình. Bỗng nhiên có hai người lạ, một nam, một nữ, gạ tôi mua dép tông Lào giá rẻ, chất lượng tốt. Tôi cầm đôi dép họ đưa, mân mê xem. Bỗng nhiên như vô thức, tôi tự tháo đôi hoa tai vàng 1 chỉ đang đeo đưa cho họ. Khi họ đi rồi, tôi sực tỉnh sờ lên tai mới biết bị lừa”.

Nhiều nạn nhân khác cho biết họ đang bán hàng, có người vào mua món hàng trị giá thấp nhưng đưa tiền có mệnh giá cao, đang loay hoay trả lại tiền thì không hiểu “ma xui quỷ khiến” thế nào mà lấy toàn bộ tiền trong két ra đưa cho người lạ. Đến khi sực tỉnh thì vị “khách” đã cao chạy xa bay.

Nạn nhân bị thôi miên?

Hiện tượng nói trên được giải thích theo nhiều cách khác nhau. Một số người cho rằng, kẻ gian đã dùng thuật ám thị, thôi miên để dẫn dụ nạn nhân đi vào vô thức và điều khiển hành vi của nạn nhân để đạt mục đích bất chính. Nạn nhân của kiểu lừa đảo này chủ yếu là phụ nữ, người già, những người nông dân chất phác – những người có tâm lý, thần kinh thiếu độ vững vàng so với thanh niên, đàn ông.

Tuy nhiên, giới khoa học không công nhận khả năng dùng thôi miên để lừa đảo. Thạc sĩ thôi miên Nguyễn Mạnh Quân – Giám đốc Trung tâm UNESCO nghiên cứu và ứng dụng khoa học thôi miên Việt Nam, thành viên của Tổ chức Thôi miên quốc tế – cho biết: Những kẻ lừa đảo sử dụng một loại chất có tên gọi trong giới giang hồ châu Âu là “Geruch des Teufel”, dịch sang tiếng Việt nôm na là “mùi của quỷ”. Loại ma túy này không có mùi vị, tồn tại dưới dạng bột để pha vào nước hoặc dạng nước toả khí gần như cồn ête. Nếu uống hoặc hít phải chất ma túy này, bộ não của người bị hại sẽ bị xoá hết mọi thông tin trước đó 10 phút cho đến khi chất này hết tác dụng. Bộ não của con người ngừng chủ động hoạt động, hoàn toàn nghe theo sự sai khiến của người khác.

“Hiện khoa học chưa chứng minh được hiện tượng gọi là “bỏ bùa” hay dùng tà thuật nào đó để thực hiện một hành vi trái với ý muốn của người bị xâm hại. Nếu như xảy ra khả năng đối tượng phạm tội dùng một loại thuốc nào đó tác động vào nạn nhân trong một thời gian ngắn, khiến nạn nhân không kiểm soát được mình và tự làm theo yêu cầu của hung thủ thì có thể phải xem là một loại tội phạm mới, cần có sự nghiên cứu và đánh giá của các cơ quan chức năng”, luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch – Đoàn luật sư TPHCM – nói.

Theo: Lao động

Comment