No icon

mot-so-van-de-ve-nghiep

Một số vấn đề về nghiệp

Trong Đại kinh Saccaka (kinh số 36, thuộc Trung bộ kinh I) đức Phật đã nói rõ điều này: “Ta nhớ lại nhiều kiếp quá khứ mà ta đã trải qua: một đời, hai đời, ba, bốn, năm, hai mươi, ba mươi, bốn mươi, một trăm, một ngàn, một vạn trong nhiều thành kiếp, hoại kiếp của thế giới…

Ta biết ta đã từng ở đâu, tên họ là gì, thuộc gia tộc, đẳng cấp nào, lối sống ra sao. Ta đã trải qua các sự vui khổ, an lạc hạnh phúc, rồi mệnh chung. Sau khi thân hoại mệnh chung (chết), ta lại tái sinh nơi khác, với tên họ như vậy, như vậy, và rồi mệnh chung như vậy. Bằng cách này, ta nhớ lại các đời sống quá khứ với nhiều đặc điểm trong nhiều hoàn cảnh”, “Với thiên nhãn thanh tịnh, siêu nhân, vượt tri kiến phàm tục, ta thấy cách chúng hữu tình sinh tử như thế nào. Ta thấy rõ cao sang hay thấp hèn, hạ liệt, thông minh hay ngu đần, mỗi người đều tái sinh cõi lành hay cõi dữ tùy theo hạnh nghiệp của mình, và ta biết rõ: Những ai đã tạo ác nghiệp về thân, khẩu, ý, sau khi thân hoại mệnh chung sẽ tái sinh vào khổ cảnh, ác thú, đọa xứ, địa ngục. Những ai tạo thiện nghiệp về thân, khẩu, ý sẽ được tái sinh cõi lành (cõi trời hoặc cõi đời này).

phật giáo

Nghiệp là một trong những vấn đề hết sức phức tạp về con người, về nguyên nhân bất hạnh khổ đau và an lạc, hạnh phúc trong đời sống con người. Đức Phật cho biết, nếu chưa chứng được Tam minh thì không thể thấy rõ đường đi của nghiệp, sự cố gắng suy tư về nghiệp có thể dẫn đến điên loạn (vì nghiệp và quả dị thục của nghiệp vô cùng phức tạp). Chúng ta chỉ có thể hiểu một số điều cơ bản về nghiệp thông qua lời Phật dạy trong các kinh.

NGUYÊN NHÂN CỦA MỌI KHÁC BIỆT

Một thuở, đức Phật an trú ở tịnh xá ông trưởng giả Cấp cô độc (Anàthapindika), vườn cây thái tử Kỳ đà (Jetavana) tại thành Xá vệ (Sàvatthì), có một thanh niên tên Subha Todeyyaputta hỏi đức Phật rằng: Do nhân duyên gì, cũng cùng là con người mà không ai giống ai về thọ mạng (người sống lâu, kẻ chết yểu), về sức khỏe (người ít bệnh, kẻ nhiều bệnh), về nhan sắc (người đẹp, kẻ xấu), về tài sản (người giàu, kẻ nghèo), về trí tuệ (người thông minh, kẻ ngu đần), về hoàn cảnh sống và vị trí xã hội (người ở dòng dõi, đẳng cấp, địa vị cao sang, có hoàn cảnh sống sung sướng, hạnh phúc; kẻ thì thấp hèn, khốn khổ) v.v..

Đức Phật cho biết rằng, tất cả đều do nghiệp: “Các loài hữu tình là chủ nhân của nghiệp, là thừa tự của nghiệp. Nghiệp là thai tạng, nghiệp là quyến thuộc, nghiệp là điểm tựa, nghiệp phân chia các loài hữu tình, nghĩa là có liệt, có ưu”.

Đức Phật cũng cho biết rõ một số nghiệp phổ biến đưa đến quả báo tương ứng nhất định tạo nên sự khác biệt giữa các loài hữu tình như sau:

1.Người thường sát sinh (giết hại) hoặc gây tổn thương các loài hữu tình chúng sinh, không có tâm từ bi đối với các loài hữu tình, sau khi chết sẽ sinh làm bàng sinh, sinh vào đọa xứ, địa ngục. Nếu người đó được sinh làm người (nhờ một thiện nghiệp nào đó quyết định hình thức tái sinh), thì sẽ sinh làm người yểu mệnh (do nghiệp giết hại trong đời trước). Ngược lại, người trường thọ (sống lâu) là do không giết hại, có tâm từ bi.

2.Người thường não hại, gây đau khổ cho chúng sinh, sau khi chết sẽ sinh làm ác thú, hoặc sinh vào đọa xứ, địa ngục. Nếu sinh làm người thì sẽ là người nhiều bệnh hoạn. Ngược lại, người sống không não hại chúng sinh, sau khi chết sẽ tái sinh làm người ít bệnh hoạn.

3.Người có tâm sân hận, thường phẫn nộ, phật ý…, sau khi chết sẽ sinh vào cõi dữ. Nếu sinh làm người thì sẽ là người có tướng mạo xấu xí. Ngược lại, người có tướng mạo xinh đẹp là người không có tâm sân hận, không phẫn nộ, phật ý.

4.Người tật đố, hay ganh tị với người được quyền lợi, được tôn kính, sau khi chết nếu được sinh làm người, sẽ làm người có quyền thế nhỏ. Ngược lại, người không có tính tật đố, ganh tị, sau khi chết nếu được sinh làm người, sẽ là người có quyền thế lớn.

5.Sinh vào gia đình thấp hèn, hạ liệt là do kiêu căng, ngã mạn, không kính người đáng kính, không trọng người đáng trọng, thường hay khinh khi người khác. Sinh vào gia đình cao quý là do thường tôn kính người đáng kính, quý trọng người đáng trọng, tâm khiêm tốn, nhún nhường.

6.Người có tài sản nhỏ hoặc nghèo khó là do không bố thí, cúng dường. Người giàu có, nhiều tài sản là do đời trước thường bố thí, cúng dường.

7.Người có trí tuệ là do biết tìm đến các tu sĩ, những bậc hiền trí để học hỏi. Người không có trí tuệ hoặc có trí tuệ kém là do không tìm cầu học hỏi.

Trên là một số trường hợp điển hình về nghiệp mà đức Phật chỉ ra, được ghi lại trong kinh Tiểu nghiệp phân biệt (Cùlakammavibhanga sutta, kinh số 135, thuộc Trung bộ kinh III, bản dịch của Hòa thượng Thích Minh Châu).

Tương tự như thế, trong kinh Thập thiện nghiệp đạo đức Phật cũng cho biết sự khác biệt về điều kiện bản thân và hoàn cảnh sống giữa các chúng sinh hữu tình là do nghiệp bất đồng: “Tất cả chúng sinh vì tâm tưởng khác nhau nên tạo nghiệp khác nhau, do đó nên có sự lưu chuyển các thú (luân hồi trong lục đạo). Này Long vương, nhà ngươi có thấy ở trong hội chúng này và các loài ở trong đại hải, hình sắc chủng loại, mỗi mỗi khác nhau không? Tất cả như thế đều do tâm tạo thiện hay bất thiện nơi thân, ngữ và ý nghiệp mà gây ra” (Nhất thiết chúng sinh tâm tưởng dị cố, tạo nghiệp diệc dị, do thị cố hữu chư thú luân chuyển. Long vương, nhữ kiến thử hội cập đại hải trung, hình sắc chủng loại các biệt phủ da? Như thị nhất thiết, mị bất do tâm tạo thiện bất thiện thân nghiệp, ngữ nghiệp, ý nghiệp sở trí?).

Ở đây đức Phật cũng cho biết về một số nghiệp nhân có nghiệp quả tương ứng nhất định. Xin nêu khái lược:

Nếu từ bỏ nghiệp sát sinh thì không khiến chúng sinh sợ hãi. Người không giết hại, không gây thương tổn cho sức khỏe, sinh mạng chúng sinh sẽ dần dần đoạn trừ được tập khí sân khuể (thói quen sân hận, dễ phẫn nộ đã huân tập lâu đời), phát triển tâm từ bi; thân thường không bệnh, thọ mạng lâu dài; lúc thức cũng như lúc ngủ thường được an vui; không gặp ác mộng; không kết oan khiên, oan trái tự giải; sau khi thân hoại mạng chung được sinh vào cõi lành, không đọa vào ác đạo.

.Nếu không tạo nghiệp trộm cướp, chiếm đoạt tài sản của người khác thì tâm không bất an vì lo lắng, sợ hãi; tài sản của mình cũng không bị tổn hại, không bị vua quan, trộm cướp, tai nạn nước, lửa hoặc vợ con phá tán; sau khi chết được sinh về cõi lành (nếu như không tạo các nghiệp ác khác).

.Nếu không tạo nghiệp tà dâm thì không bị tai tiếng; thân tướng đoan trang; vợ chồng của mình không bị người khác xâm phạm.

.Nếu không tạo nghiệp nói dối thì lời nói được tôn trọng, tin tưởng; không nói lời hai lưỡi, nói lưỡi đôi chiều thì không bị hại, không bị oán ghét; không ác khẩu thì tránh xảy ra xung đột, không bị người khác căm phẫn; không nói lời thêu dệt thì lời nói đoan chánh được người trí yêu mến. Nói lời chân thật, hiền hòa thì được mọi người tôn trọng, tin tưởng, yêu mến, đời sau sinh làm người có hơi thở thơm tho, miệng thanh tịnh.

.Lìa tâm tham thì thân tâm tự tại, tài vật đầy đủ và không lo bị chiếm đoạt.; Lìa tâm sân hận thì luôn an vui, không gây việc lỗi lầm, không có lòng tranh chấp hơn thua sinh nhiều phiền não, tâm nhu hòa, từ ái, thân tướng đoan nghiêm, đẹp đẽ; Lìa tâm si mê, tà kiến thì rơi vào mê tín dị đoan, có được chánh kiến, thường gần gũi bậc thiện tri thức, không tạo nghiệp bất thiện, không rơi vào đường tà, sau khi thân hoại mạng chung được sinh vào cõi lành, không đọa ác đạo, nếu phát tâm Bồ đề sẽ sớm thành Phật quả.

Sở dĩ đức Phật biết rõ sự khác biệt giữa người với người, giữa các chúng sinh có nguyên nhân từ tâm tưởng và sự tạo nghiệp bất đồng của các chúng sinh, là vì Đức Phật có khả năng thấy được túc nghiệp (nghiệp quá khứ) của mình trong vô lượng kiếp về trước, đồng thời Ngài cũng có khả năng thấy được nghiệp của các chúng sinh khác đã và đang dẫn dắt, lôi kéo chính họ sinh vào nơi này hay nơi khác và phải chịu hoàn cảnh bất hạnh khổ đau hay an vui, hạnh phúc. Với Tam minh (Túc mệnh minh, Thiên nhãn minh, Lậu tận minh), khả năng thấy biết siêu việt của trí tuệ không bị giới hạn bởi không gian, thời gian, đức Phật đã thấy rõ nghiệp nhân và nghiệp quả của mình trong nhiều kiếp quá khứ, và thấy rõ chúng sinh làm những việc gì sẽ thọ báo như thế nào.

Trong Đại kinh Saccaka (kinh số 36, thuộc Trung bộ kinh I) đức Phật đã nói rõ điều này: “Ta nhớ lại nhiều kiếp quá khứ mà ta đã trải qua: một đời, hai đời, ba, bốn, năm, hai mươi, ba mươi, bốn mươi, một trăm, một ngàn, một vạn trong nhiều thành kiếp, hoại kiếp của thế giới… Ta biết ta đã từng ở đâu, tên họ là gì, thuộc gia tộc, đẳng cấp nào, lối sống ra sao. Ta đã trải qua các sự vui khổ, an lạc hạnh phúc, rồi mệnh chung. Sau khi thân hoại mệnh chung (chết), ta lại tái sinh nơi khác, với tên họ như vậy, như vậy, và rồi mệnh chung như vậy. Bằng cách này, ta nhớ lại các đời sống quá khứ với nhiều đặc điểm trong nhiều hoàn cảnh”, “Với thiên nhãn thanh tịnh, siêu nhân, vượt tri kiến phàm tục, ta thấy cách chúng hữu tình sinh tử như thế nào. Ta thấy rõ cao sang hay thấp hèn, hạ liệt, thông minh hay ngu đần, mỗi người đều tái sinh cõi lành hay cõi dữ tùy theo hạnh nghiệp của mình, và ta biết rõ: Những ai đã tạo ác nghiệp về thân, khẩu, ý, sau khi thân hoại mệnh chung sẽ tái sinh vào khổ cảnh, ác thú, đọa xứ, địa ngục. Những ai tạo thiện nghiệp về thân, khẩu, ý sẽ được tái sinh cõi lành (cõi trời hoặc cõi đời này).

NGUYÊN NHÂN LÀM LÀNH THỌ KHỔ, LÀM ÁC THỌ VUI – SỰ

VẬN HÀNH PHỨC TẠP CỦA NGHIỆP

Với Túc mạng minh và Thiên nhãn minh, đức Phật biết thấu đáo về sự vận hành vi tế và phức tạp của nghiệp mà những người bình thường không biết được. Trong kinh Đại nghiệp phân biệt (Mahakammavibhanga sutta, kinh số 136, thuộc Trung bộ kinh III, bản dịch của Hòa thượng Thích Minh Châu), đức Phật cho biết bốn trường hợp tạo nghiệp và thọ báo mà người chưa chứng Tam minh không thể nào biết được.

1.Người hành mười thiện nghiệp (không sát sinh, không trộm cắp, tà dâm, nói dối, nói hai lưỡi, nói lời hung ác, nói lời phù phiếm, không tham lam, sân hận, si mê-tà kiến), sau khi chết được sinh về cõi lành (thiện thú, thiên giới).

2.Người hành mười ác nghiệp (sát sinh, trộm cắp, tà dâm, nói dối, nói hai lưỡi, nói lời hung ác, nói lời phù phiếm, tham lam, sân hận, si mê), sau khi chết bị sinh vào ác thú, cõi dữ, đọa xứ, địa ngục.

3.Người hành mười thiện nghiệp nhưng sau khi chết lại sinh vào cõi dữ (khổ xứ, ác thú, đọa xứ, địa ngục).

4.Người hành mười ác nghiệp nhưng sau khi chết lại sinh vào cõi lành, thiện thú, thiên giới (làm người, làm trời).

Hai trường hợp sau thật khó hiểu, nếu đức Phật không làm sáng tỏ thì chắc chắn có rất nhiều người rơi vào tà kiến (mê lầm, không có chánh kiến, hiểu biết sai sự thật), không tin nhân quả nghiệp báo.

Qua bài kinh Đại nghiệp phân biệt, đức Phật đã khẳng định: Chắc chắn có quả báo của thiện nghiệp, quả báo của ác nghiệp. Tuy nhiên không thể cho rằng tất cả những người làm mười nghiệp ác đều sinh vào cõi dữ, đọa xứ, địa ngục; tất cả những người làm mười nghiệp thiện đều sinh vào cõi lành (thiện thú, thiên giới, làm người, làm trời). Điều này có nghĩa là quả báo của nghiệp thiện không nhất định sẽ đến liền ngay sau hành động tạo nghiệp hoặc sau khi chết. Có một số người tạo nghiệp ác, bất thiện nhưng chết lại sinh cõi lành; một số người tạo nghiệp thiện nhưng chết lại sinh cõi dữ. Nhưng không phải là không có sự báo ứng của nghiệp, không có nhân quả. Đức Phật đã làm sáng tỏ vấn đề đó như sau:

*Có người sinh thời hành mười ác nghiệp, nhưng nhờ có thiện nghiệp làm từ lâu xa về trước (kiếp trước hay từ nhiều kiếp trước) đến lúc có kết quả khiến khởi lên lạc thọ (cảm giác vui) nơi người ấy, hoặc trước lúc lâm chung (hấp hối, sắp chết), một chánh kiến khởi lên, cho nên sau khi chết người ấy được sinh về cõi lành (thiện thú, thiên giới).

*Có người sinh thời làm mười thiện nghiệp, nhưng do có ác nghiệp làm từ lâu xa về trước (kiếp trước hay từ nhiều kiếp trước) đến lúc có kết quả khiến khởi lên khổ thọ (cảm giác khổ) nơi người ấy, hoặc trước lúc lâm chung, một tà kiến khởi lên, cho nên sau khi chết người ấy bị sinh về cõi dữ (khổ xứ, đọa xứ, địa ngục).

Qua lời đức Phật dạy, chúng ta rút ra được một số vấn đề quan trọng cần đặc biệt quan tâm:

Cận tử nghiệp (nghiệp lúc sắp chết, trước giờ phút lâm chung):
*Trước lúc chết, tâm khởi lên ý niệm thiện hoặc ác, có chánh kiến hoặc tà kiến, sau khi chết cận tử nghiệp này sẽ quyết định cảnh giới tái sinh lành hay dữ.

Nếu tâm khởi lên ý niệm thiện (ý nghiệp) hoặc có chánh kiến (nhận thức, thấy biết đúng, tích cực, phù hợp với chân lý, có chiều hướng đưa đến thái độ, hành vi, lối sống tốt, có ích), thì nhờ ý nghiệp thiện này mà sau khi chết được sinh về cõi lành. Ý nghiệp thiện này được gọi là cận tử nghiệp.

Nếu tâm khởi lên ý niệm bất thiện (ý nghiệp) hoặc tà kiến, thì do ý nghiệp bất thiện này mà sau khi chết sẽ sinh về cõi dữ.

Có nhiều trường hợp người làm điều thiện, sống chơn chánh, nhưng trước lúc sắp chết lại khởi niệm hối tiếc, không tin nhân quả, không tin Tam bảo, tâm phiền não tham, sân, si, mạn, nghi, tà kiến đột khởi. Nguyên nhân là vì nghiệp bất thiện trong đời trước hoặc quá khứ của đời này đã đến lúc trổ quả, khiến người ấy khổ não, thân tâm bị bức bách, bệnh tật hoành hành, cho nên hoang mang dao động, mất niềm tin nơi điều lành, điều thiện, mất niềm tin nơi nhân quả (vì nghĩ rằng: “Tại sao mình sống chơn chánh, đã từng làm nhiều việc lành mà nay lại chịu quả khổ như thế? Vậy nhân quả nghiệp báo ở đâu?”). Do ý niệm bất thiện này (tà kiến, si mê điên đảo, suy nghĩ sai lầm, lệch lạc), tâm khởi lên sân hận (oán trách Phật, Bồ tát hoặc tự trách mình, hối tiếc vì mình đã làm việc lành, đã tin điều thiện), cho nên sau khi chết sẽ sinh về cõi dữ.

Chính vì cận tử nghiệp có vai trò quyết định cảnh giới tái sinh mà trong Phật giáo có nghi thức hộ niệm, trợ tử, khai thị người sắp chết.

*Trạng thái tâm hân hoan, vui vẻ hoặc sân hận, nóng giận, lo lắng, buồn phiền, khổ não cũng khiến cho người chết tái sinh vào cảnh giới khổ hay vui (cõi lành hay dữ). Vì vậy cho nên thân nhân của người sắp chết thường được chư tăng cảnh báo không nên tác động làm cho người sắp chết khởi tâm phiền não.

2.Phải luôn làm lành, sống tốt, vì nghiệp thiện hay bất thiện đã tạo ra không bao giờ mất. Đến khi nhân duyên đầy đủ, nghiệp quả chín muồi (nghiệp báo, quả dị thục) thì người đã tạo nghiệp nhân phải nhận lãnh nghiệp quả dù muốn hay không muốn. Đó là quy luật tất yếu, tự nhiên. Nếu nghiệp báo đến trước lúc mệnh chung khiến cho người sắp chết khổ não, tâm trí điên đảo, mê mờ thì sẽ thác sinh về cõi dữ.

Một người dù đã tạo nhiều nghiệp thiện lúc sinh thời, nhưng nếu quả báo của một nghiệp bất thiện nào đó đã tạo trong đời trước hoặc quá khứ đời này kéo đến trước lúc lâm chung, thì người ấy vẫn tái sinh vào cõi dữ. Tuy nhiên những nghiệp thiện mà người ấy đã tạo cũng không vì thế mà mất đi, đến một lúc nào đó nhân duyên hội tụ đủ, nghiệp quả thiện chín muồi thì người ấy lại thọ hưởng.

Chính vì thế mà các bậc tiền bối tổ sư có nói: “Dù cho trăm nghìn kiếp, nghiệp đã tạo cũng không mất. Đến lúc nhân duyên gặp gỡ nhau thì trở lại nhận lãnh quả báo” (Giả sử bách thiên kiếp, nghiệp sở tạo bất vong. Nhân duyên hội ngộ thời, quả báo hoàn tự thọ).

Trong kinh Pháp cú cũng có dạy:

Người gieo thiện, quả lành chưa có

Chính là do giờ trổ còn xa

Đủ duyên, cây thiện trổ hoa

“Ở hiền gặt phúc” hẳn là lý chân.

(PC.120, Sa môn Thích Nhật Từ dịch)

Kẻ làm ác quả sầu chưa trổ

Chẳng phải do nhân quả không thiêng

Đến khi quả xấu kề bên

“Ác thời gặp ác”, khổ phiền ngày đêm.

(PC.119, Sa môn Thích Nhật Từ dịch).

Qua những gì đức Phật cho biết về nghiệp, chúng ta có thể giải đáp rất nhiều câu hỏi, làm sáng tỏ nhiều vấn đề liên quan đến con người và đời sống của con người, đồng thời định hướng tích cực cho mình trên con đường đạo đức và tâm linh.

Phan Minh Đức

TAMTHUC

Comment