lam-the-nao-de-diet-tham-san-si
Làm thế nào để diệt Tham, Sân, Si?
- bởi map --
- 26/08/2015
Điều này không những lệ thuộc vào phương pháp làm đúng mà còn lệ thuộc vào các hạt giống mà chúng ta đã có ở quá khứ.
Ví dụ, người nào nóng tính, giận dữ, ganh tị, đố kỵ nhiều thì nỗ lực để vượt qua tâm sân hận là rất khó, nó chậm hơn những người bình thường. Để có được kết quả chúng ta phải đi theo những trình tự như sau:
1) Phát triển trí tuệ do học, nghe, đọc Phật pháp giúp cho trí tuệ được tăng trưởng. Khi trí tuệ tăng trưởng, những hạt giống xấu này có cơ hội được kết thúc. Căn bản nhất là đọc Kinh, học Kinh, nghiền ngẫm Kinh; rồi ứng dụng Kinh trong đời sống thực tiễn để trí tuệ được phát sinh.
2) Với những người có lòng tham, chúng ta có thể liên tưởng rằng khi con người được sinh ra, có mặt với hai bàn tay trắng. Khi người qua đời, không ai mang theo tất cả các sở hữu hợp pháp của mình đạt được. Sở hữu hợp pháp mà còn không mang theo được, huống hồ là những sở hữu phi pháp. Phi pháp có nghĩa là do chúng ta lách luật, vượt qua các lỗ hổng của luật pháp để làm giàu, sai với lương tâm và đạo đức. Nhận thức này giúp ta thấy rất rõ là chết rồi ai cũng ra đi bằng hai bàn tay trắng nên cái gì mình có được nên có đúng luật, đúng đạo đức để chúng ta không sợ hãi, không phải lắc léo để vượt qua, dần dà ta vượt qua được lòng tham.
3) Với người có tâm giận dữ nhiều, trong Kinh Trung Bộ đức Phật có dạy một số thao tác:
– Trì hoãn phản ứng: phản ứng ở đây bao gồm thái độ và hành động. Đang lúc giận và nóng thì phản ứng bao giờ cũng bị sai, dân gian Việt Nam có câu “giận mất khôn”, lúc đó ta nên trì hoãn phản ứng. Để trì hoãn phản ứng, thầy tạm gọi là chuyển đề tâm, đổi tâm mình qua một nhận thức khác, một câu chuyện khác, một nội dung khác, lúc đó cơn giận tức tự động hạ nhiệt.
– Hít thở không khí thật sâu, đi ra bên ngoài địa điểm mà cơn giận tức đó đang diễn ra, có thể là đi bách bộ, nhìn thấy các mảng cây xanh, quán hình ảnh mây bay gió thổi. Chúng ta thấy trong đời này không có gì là quan trọng, mọi việc rồi phải trôi qua, giữ lại nỗi khổ niềm đau để làm gì. Mọi việc có nhân quả của nó, mọi việc có luật pháp quyết định. Thay vì ta tức giận, trả đũa thì tâm mình trở nên lặng yên và nhờ đó không bị bức xúc.
Sở dĩ hít thở sâu mà làm cho mình có thể giảm được cơn sân hận là do qua hít thở chúng ta mang một lượng oxy rất nhiều vào bên trong cơ thể. Oxy có chức năng làm tươi nhuận các nơ-ron thần kinh, làm cho máu trở nên đỏ hơn, tươi mát hơn, quá trình trao đổi chất trong cơ thể diễn ra một cách tích cực hơn. Cho nên chỉ cần hít thở thôi, tim chúng ta bớt đập mạnh. Lúc giận lên tim mình bị rối loạn, nhịp đập bất bình thường, máu dồn lên trên đầu, gương mặt nhăn nhó, khó chịu, căng thẳng hơn. Hành động có thể dẫn đến là dùng vũ lực, quát tháo, đập bàn, la hét hoặc thể hiện một cái gì đó cho thấy mình không hài lòng. Hít thở làm cho tất cả những cái đó lắng diệu xuống, đây là một phương diện y khoa rất tích cực.
– Với trường hợp cơn sân hận phát xuất từ việc chúng ta là nạn nhân, kẻ xấu là tác nhân thì nên quán: “tôi không phải là nạn nhân, và người đang chê tôi không phải là tác nhân”. Mặc dầu trên thực tế mình biết rất rõ họ là tác nhân. Chúng ta có thể tiếp tục liên tưởng: “việc xấu này tôi nhờ đến luật pháp can thiệp, luật pháp sẽ xét xử người đó, tôi chấp nhận tính tương đối của luật pháp. Sau khi tôi đã nỗ lực hết bản thân mình rồi, và nếu như người đó không bị trừng phạt, thì tôi cũng không vì thế mà buồn”.
Như vậy, trong quá trình tìm công lý cho nỗi bất hạnh từ việc người khác mang lại cho mình, chúng ta không được làm với động cơ là trả thù, trả đũa. Kết quả như thế nào hoan hỉ chấp nhận như thế đó. Đó là những cách thức mình có thể nỗ lực để thoát ra khỏi nghiệp sân và dứt điểm được nó.
Nói tóm lại, để vượt qua được tham lam, sân hận, si mê thì điều quan trọng nhất là phải phát triển cho bằng được trí tuệ. Vì trí tuệ có mặt thì tất cả các hoạt động tâm ý hay hành động cụ thể không thể nào gây tác hại cho mình và gây tiêu cực cho người.
TT. Thích Nhật Từ
Comment