nguoi-hoc-phat-co-nen-chon-ngay-tot-va-xem-phong-thuy
Người học Phật có nên chọn ngày tốt và xem Phong thủy
- bởi map --
- 24/10/2015
Thường có rất nhiều người chọn ngày tốt, giờ tốt. Khai trương thì xem ngày tốt, giờ tốt, kết hôn thì chọn ngày tốt, giờ tốt, lại có người sinh đẻ cũng chọn ngày tốt, giờ tốt, không biết họ uống nước, tiểu tiện có cần chọn ngày tốt, giờ tốt không? Người có biện pháp thì cả đến khi chết cũng có thể chọn đúng ngày tốt, giờ tốt, phút tốt, giây tốt!
Ngạn ngữ Đài Loan có câu: “Người tốt không có giờ xấu, người xấu không có ngày tốt”. Người tốt khéo dụng tâm, gặp xấu cũng hóa tốt, hòn đá ngăn chân cũng có thể được dùng làm hòn đá lót chân, cho nên người tốt không có giờ xấu. Người xấu thì không khéo dụng tâm, người khởi niệm ác thì nhân ác tự có quả ác, sóng điện phát ra không tốt thì hình ảnh đương nhiên không tốt được; cho nên người xấu không có ngày tốt. Cho nên chỉ cần chính tâm, thành ý mà làm điều tốt, không cần phải chọn ngày, giờ, ngày nào cũng là ngày tốt, giờ nào cũng là giờ tốt. Nếu tự tư buông thả ác tâm mà làm người xấu, thì dù có xem sách lịch, tốn tiền nhờ người chọn, cũng không thể chọn được giờ tốt. Vì “giờ” không phải là cái gì được ấn định, chỉ do người xem dùng như thế nào thôi. Khéo dùng “giờ”, để có thể tích lũy công đức, thì tạo ra giờ tốt; không khéo dùng “giờ”, tức là làm sai, làm xấu, đương nhiên tự tạo “giờ xấu”.
Rất nhiều người học Phật không tin “tâm pháp”, cứ theo quan niệm thế tục, cả đến niệm Phật cũng chọn ngày tốt, giờ tốt, mà không biết rằng một niệm lạy Phật tức là đại thiện, đại cát, cho dù gặp việc xấu, khởi tâm lạy Phật, tâm chuyển thì cảnh chuyển, xấu cũng biến thành tốt. “Giờ tốt” nên lạy Phật tự nhiên là đúng; “giờ xấu” không lạy Phật, có thay đổi được gì? Cho nên bất kể giờ nào, lạy Phật thì tốt.
Rất nhiều người niệm Phật thường tin cả tướng số, phong thủy, địa lý, thậm chí tin luôn cả những lời phịa đặt ngoài đường, rồi theo đó mà truyền bá. Loại “tin thêm” như vậy thật ra là niềm tin không chính đáng. Chúng ta không phủ nhận số mạng có thể tính toán được, nhưng tính toán như thế nào? Vì có “phép tắc nhân quả”, cho nên từ “nhân” trong quá khứ, có thể dự tính “quả” trong tương lai, cũng như người nông dân do sự gieo trồng, thời tiết mà dự tính việc thu hoạch. Nhưng cũng vì phép tắc nhân quả, cho nên số mạng có thể cải biến, cải biến nhân duyên thì có thể cải biến kết quả. Chúng ta niệm Phật tức là đang cải biến nguyên nhân; nguyên nhân chủ yếu nhất của vận mạng tức là “tâm niệm”, cải biến tâm niệm tức là cải biến ngôn ngữ, thái độ. Chúng ta chớ xem thường cải biến một câu trả lời và một thái độ thì vận mạng sẽ cải biến. Nếu không tin chúng ta có thể thí nghiệm. Khi cấp trên phê phán bạn, bằng thái độ thành khẩn, bạn nói: “xin lỗi, vậy là tôi sai, cảm ơn ông đã chỉ bảo, tôi sẽ nỗ lực cải tiến.” Hoặc ngẩng đầu chu mồm bực bội mà nói: “Tôi đã làm hết sức, nếu không ông cứ tự làm thử xem, ông làm cũng không tốt gì đâu!” hai loại tâm niệm, ngôn ngữ không giống nhau, chỉ trong chớp mắt có thể quyết định hai vận mạng không giống nhau. Cho nên nói, mạng do tâm tạo, tướng theo tâm mà chuyển, cũng chính là vì có thể tạo, có thể chuyển, tu hành niệm Phật thì mới có ý nghĩa, nếu không thì tất cả đều là định số, không có chỗ nào để cải biến, thế thì tu hành thật là vô ích. Một nơi có hoàn cảnh đẹp đẽ, phong tốt, thủy tốt, nếu người không có tâm công đức ở, vứt rác bừa bãi, làm ô nhiễm không khí, nguồn nước lạm dụng phân bón, thuốc trừ sâu… thì chẳng bao lâu, phong thủy tốt đẹp sẽ bị phá hoại hết.
Trái lại, một nơi có phong thủy bình thường, nếu người có tâm công đức ở, hiểu biết cách giữ gìn bảo quản đất đai, chỗ nào cũng hành thiện tích đức, cảm hóa bốn bề lân cận, lâu ngày từ trường tất nhiên sẽ được cải biến, phong thủy cũng trở nên tốt. Cho nên nói, đất phước thì người phước ở, người phước thì ở đất phước.
Một căn nhà trống dùng làm quán rượu, vũ trường và dùng để làm đạo tràng, do tâm cảnh ý niệm của người tham gia không giống nhau, nên sóng điện phát ra không giống nhau, đương nhiên từ trường không giống nhau, đó gọi là “phong thủy” có khác nhau. Còn truy cứu nguyên nhân của phong thủy thì chính là ý niệm của tâm người (sóng điện, từ trường). Cho nên không cần nhờ người xem phong thủy, tâm niện mà tốt đẹp, thì từ trường phong thủy cảm ứng tốt đẹp. Tâm niệm không tốt thì dù phong thủy có tốt, cũng rất mau bị phá hoại.
Thật ra, rất nhiều chùa chiền được xây dựng ở nơi phong thủy tốt nhất, nhưng nhiều người ở không được, họ muốn đến vui chơi ở những nơi bài bạc có phong thủy xấu nhất, có sắc tình đen tối, hoặc nơi không khí bị ô nhiễm nhất; họ không quen với phong thủy tốt. Người đời phần lớn tin vào các thầy phong thủy, hễ “mai táng” thì nhất định phải chọn phong thủy, con cháu thì ích kỷ, mong các bậc tôn trưởng được chôn ở nơi phong thủy có lợi nhất cho mình, mà không quan tâm vong hồn rốt ráo có được an lạc giải thoát hay không. Mọi người đều tin rằng phong thủy của tổ tiên ảnh hưởng đến mình, rất ít người phản tỉnh kiểm thảo xem sự vận hành của tâm mình có ảnh hưởng đến tổ tiên hay không? Có khiến tổ tiên bị hổ thẹn hay không? Có khiến phong thủy trở thành hư hoại không? Mọi người chịu phí tiền mời người xem phong thủy mà lại không chịu “tu tâm” để cải biến phong thủy (không phải tốn tiền!) có khi chúng ta nói đùa: nếu phong thủy có ảnh hưởng quyết định và các thầy phong thủy có thể tìm được “phong thủy tốt” thì như thế các thầy phong thủy có thể theo ước muốn của mình mà làm vua, tổng thống hoặc đời đời đều có trạng nguyên giàu sang, phú quý, đức độ, tài năng thì mới đúng. Nhưng sự việc lại không như vậy! Điều này đáng được suy nghĩ kỹ.
Có lần, tôi có hỏi những người quá coi trọng phong thủy: “Khi phải mai táng di thể, các vị thường chú ý đến phong thủy, thời gian hạ huyệt, phương hướng mồ mả… lại còn muốn xem có xung, sát hay không? Tôi xin hỏi: khi các vị ăn thịt, các vị có xem phong thủy không? Vì thịt tức là xác chết, chôn xác chết có sức ảnh hưởng lớn như thế thì khi chôn thịt trong bao tử cũng phải xem phong thủy có thỏa đáng hay không, nếu không thì lỡ ra giờ khắc không đúng, há chẳng phải bị xung sát hay sao?” Tủ lạnh ở siêu thị, chợ bán thức ăn có nhiều “xác chết” như thế, người qua lại rộn rịp, sao lại không xung sát? Cũng chẳng có ai quan tâm đến cái phong thủy ấy có ảnh hưởng gì đến mình. Quả là xem trọng cái ăn thì quên đo phong thủy.
Hai vợ chồng cư sĩ họ Lâm nói với chúng tôi rằng có một thầy tướng số bảo họ rằng vào năm ấy, tháng ấy, ngày ấy, giờ ấy, hãy mua 12 cây chổi về nhà quét đất, quét xong thì để chổi tại hướng ấy, sau đó vứt chổi xuống biển thì tiền bạc sẽ dồi dào như nước biển, và họ sẽ trở thành “người giàu nhất khu phố”. Họ nghe xong liền cười mà đáp: “Chúng tôi đã là kẻ giàu nhất khu phố, vì chúng tôi đã có Phật pháp.” Chúng tôi nói: “Tốt đấy các vị không chịu mua chổi quét như lời ông ta, nếu không thì nghe Phật pháp cũng vô ích!”
Hãy nghĩ xem nếu như phương pháp ấy có hiệu quả, thì há chẳng phải ông ta sẽ sớm trở thành người giàu nhất thế giới sao? Sự hữu hiệu duy nhất của phương pháp ấy đại khái là xúc tiến việc tiêu thụ chổi!
Ông thầy tướng số còn bảo vào giờ ấy, đi theo hướng ấy, đeo ở ngón thứ tư của bàn tay trái một chiếc nhẫn vàng ròng, mặt nhẫn là đá quý màu đen tuyền, như thế mới có thể tránh được xe cộ. Cũng may là cư sĩ họ Lâm có niềm tin chân chính: “tôi niệm A Di Đà Phật thì hữu hiệu hơn đeo nhẫn.” Vì tai nạn xe và “giác tính” hiện nay rất có quan hệ, nếu tâm niệm Phật rõ ràng minh bạch, quang minh, thanh tịnh thì hiển nhiên có thể xa rời tai họa. Nếu đeo nhẫn mà ngủ gật thì không thể an toàn! Nếu không giữ luật đi đường thì lại càng nguy hiểm!
Nhưng chúng tôi hỏi rất nhiều vị cư sĩ thì phần lớn họ không có niềm tin giống như cư sĩ họ Lâm, họ nghe thầy tướng số nói như vậy, sợ tai nạn xe cộ nên chịu tin mà đeo loại nhẫn ấy. Sự tin tưởng này của họ càng biểu lộ họ thiếu niềm tin chân chính đối với Phật pháp, cũng không hiểu ý nghĩa của vạn pháp chỉ do tâm tạo, lại càng chứng tỏ tầm họ cho rằng sức mạnh của việc niệm Phật không bằng sức mạnh của một chiếc nhẫn, uy lực của Đức Phật A Di Đà không bằng uy lực của thầy tướng số. Quả là xem thường Phật pháp!
Trên đây có vẻ chỉ một số chuyện nhỏ: đeo nhẫn, vứt mấy bồn hoa kiểng, xem phong thủy phải chọn ngày tốt, nếu xét cái tâm lý nội tại thì thiếu tín tâm đối với Phật lại là một việc lớn ảnh hưởng đến vãng sanh, hãy cẩn thận kiểm thảo, phản tỉnh về “tín’ và “nguyện’.
Trích Liên Hoa Hóa Sanh
Pháp sư Đạo Chứng
Dịch Giả: Trần Tuấn Mẫn
———————————————-
Phật giáo và địa lý phong thủy
Đối với vạn vật trong cõi nhân gian, Phật giáo đều có sự quan sát thấu đáo, hiểu rõ thiên có thiên lý, địa có địa lý, nhân có nhân lý, vật có vật lý, tình có tình lý, tâm có tâm lý. Trên thế gian bất kỳ sự vật gì cũng có cái “lý” riêng biệt của nó, địa lý phong thủy tất nhiên cũng có “nguyên lý” của nó. Địa lý là dựa vào địa hình và phương vị thiên thể mà sinh ra tầm ảnh hưởng đối với con người, đây là thường thức của tự nhiên; thuận với lẽ tự nhiên có thể thu được thời cơ thuận lợi, đạt được địa thế cực tốt của non sông; trái với tự nhiên, sẽ có kết quả ngược lại.
Mưu cầu cuộc sống bình an, mong mỏi xa lìa những muộn phiền âu lo, xưa nay đều như vậy. Nhưng mà, thái độ của người bình thường, đối với các sự vật không hiểu, không biết, không thể nhìn thấy, thường mù quáng mò mẫm suy đoán chủ quan, gán ghép méo mó, thậm chí mê hoặc tin nó, vì vậy dễ dàng bị mê tín thần quyền điều khiển, khống chế. Người Trung Quốc từ xưa đến nay tin tưởng một cách tuyệt đối vào thuyết “địa lý phong thủy có thể ảnh hưởng tới phúc họa của một đời người”, là một ví dụ.
Địa lý phong thủy cố nhiên có nguyên lý của nó, song không phải là chân lý rốt ráo. Đứng ở góc độ của thuyết Nghiệp lực và thuyết Nhân quả trong giáo lý của Đức Phật để xem xét, ta thấy rằng lành dữ họa phúc, đều là do nghiệp nhân thiện ác của kiếp quá khứ tạo thành quả báo của đời nay, vốn không phải chịu tác động chi phối hay thao túng của phong thủy địa lý. Hơn nữa, dưới cái nhìn thời-không của Phật giáo, người học Phật biết rằng hư không vốn không có phương vị tuyệt đối, ví như hai người là A và B ngồi đối diện nhau, bên phải của A là bên trái của B, phía trước của B là phía sau của A, trong thời-không vô biên, không ranh giới, sinh mệnh thật sự của chúng ta là đang ở khắp mọi nơi, không chỗ nào không có mặt, làm gì có chuyện phân chia phương vị thời-không? Khi một người có thể giác ngộ để thể chứng được bản lai diện mục của chính mình, thì bản thể tự tâm liền biến khắp hư không, tràn ngập pháp giới, ngang khắp mười phương, dọc cùng ba đời, dung hòa thành nhất thể với thời-không vô hạn, vì vậy phương vị không ở chỗ khác, mà là ở ngay trong tâm của mỗi chúng ta.
Thời đại Đức Phật, trong Bà-la-môn-giáo thuộc xứ Ấn Độ, có thuyết “sáng sớm tắm rửa, kính lễ sáu phương, có thể tăng thêm tuổi thọ và của cải”. Lúc bấy giờ, Thiện Sanh – con của một vị trưởng giả ở thành Vương Xá, mỗi sáng sớm sau khi tắm rửa xong, liền y vào pháp của Bà-la-môn hướng về sáu phương lễ bái. Đức Phật nói với ông ta rằng: Sáu phương (đông, nam, tây, bắc, thượng, và hạ) có thể phối hợp với cha mẹ, thầy cô, vợ chồng, gia tộc, đầy tớ, Sa môn (Srmaṇa) Bà- la-môn…; tiếp đó, Ngài thuyết về năm pháp cung kính mà mỗi một con người tùy theo phương vị của mình đều phải tuân giữ khi đối xử với người khác tùy theo phương vị của họ, điều đã được nêu trong kinh Thiện Sanh. Đức Phật mượn năm việc này hướng dẫn cho tín chúng cách giao tiếp, ứng xử đúng với đạo đức luân lý gia đình; đồng thời qua đấy cho biết phong thủy, địa lý cần phải xây dựng trên luân lý, thế lý, pháp lý, và cả tâm lý; chỉ cần chúng ta thành tâm, cõi lòng thanh thản, thì “mỗi ngày đều là ngày đẹp, khắp nơi đều là nơi đẹp”, cho dù đi khắp thiên hạ, đều là địa lợi nhân hòa, lương thần cát nhật (ưu thế về địa lý được lòng người, ngày lành tháng tốt), bởi vì tất cả phước điền đều không rời xa tâm địa.
Phật giáo là một tôn giáo trí tín, tất cả giáo lý Phật giáo như Nghiệp lực, Nhân quả, Tam pháp ấn, Tứ diệu đế, Bát thánh đạo, Ba mươi bảy phẩm trợ đạo, đều có mục đích chung là nhằm khai mở trí tuệ của chúng sinh, giúp đỡ chúng sinh nhận thức đúng bản chất của thực tướng nhân sinh, từ đó đi đến giải quyết các phiền não khổ đau, đạt được giải thoát tự tại, sao có thể mê tín dị đoan địa lý phong thủy, chỉ tăng thêm phiền não, vọng niệm và si mê mà thôi?
Trong kinh Di giáo, Đức Phật khuyên răn đệ tử rằng: “Coi tướng lành dữ, tính tử vi, suy luận hão huyền, coi bói tính số; những việc coi ngày giờ tốt xấu như thế này đều không nên làm”. Luận Đại trí độ quyển 3 nói: “Người xuất gia lấy thuật xem tinh tú, nhật nguyệt phong vũ… để tồn tại, là cầu miếng ăn” là một trong những cách mưu sinh không chính đáng mà Đức Phật khuyến cáo người xuất gia cần phải tránh xa. “Coi tướng lành dữ” chính là một trong “ngũ tà mệnh” (năm cách kiếm sống không chính đáng), người con Phật nên lấy đó làm lời cảnh tỉnh, nhắc nhở cho chính bản thân mình. Phật giáo không cho rằng phong thủy địa lý, hiện tượng thiên văn giờ ngày là có liên quan với điềm lành dữ của con người; nếu những người con Phật lấy điều này để duy trì mạng sống, cầu miếng cơm manh áo, thì đã rơi vào những điều cấm trong giới luật của Phật giáo, bởi vì đây không phải là chánh nghiệp, cũng chẳng phải là chánh mạng.
Phật giáo cho rằng “mọi người đều có Phật tính”, chính là muốn chúng ta nhận thức chính mình, khẳng định chính mình, và tin tưởng vào chính mình, từ đây làm chủ nhân của chính mình. Vì thế, chỗ tốt lớn nhất trong việc học Phật, chính là làm cho chúng ta vượt thoát ra ngoài sự mê tín dị đoan thần quyền, không chịu sự chi phối của địa lý phong thủy, trả lại cho chính mình một đời sống tự do tự chủ.
Điều mà thầy phong thủy Trung Quốc nghĩ rằng địa lý tốt nhất phải là “phía trước có chim Chu tước, phía sau có chim Huyền vũ, bên trái có rồng cuộn, bên phải có hổ chầu” (tiền Chu tước, hậu Huyền vũ, tả long bàn, hữu hổ cứ), thực ra chính là “trước có phong cảnh, sau có núi cao, bên trái có dòng sông, bên phải có thông lộ”. Lấy điều kiện sinh hoạt tốt nhất trong môi trường sống hiện đại mà nói, có thể tóm tắt bốn điểm sau đây:
Phải có hệ thống thông gió, xung quanh bốn hướng, thông thoáng không bị cản trở;
Phải có ánh sáng mặt trời, ánh sáng tự nhiên, ấm áp, sạch sẽ;
Phải có khoảng trống để ngắm nhìn, mênh mông bát ngát, cõi lòng siêu thoát;
Phải có thông lộ, ra vào dễ dàng, ta người đều thấy tiện lợi.
Nói tóm, chỉ cần có thể tiện lợi cho sinh hoạt, trong cõi lòng vui vẻ thoải mái, đấy chính là địa lý phong thủy tuyệt vời nhất.
Phật giáo cho rằng bên ngoài nếu có được địa lý môi trường chung quanh tốt đẹp, cố nhiên là điều rất tốt lành, nhưng quan trọng hơn cả là nội tâm cũng phải có địa lý phong thủy tốt đẹp. Nghĩa là nội tâm bên trong có: thông gió tốt – dòng suy nghĩ thông suốt; ánh nắng tốt – nhiệt tâm cởi mở; tầm nhìn tốt – nhìn về tương lai; con đường tốt – Bồ đề chánh đạo, đây chính là “long huyệt” tốt đẹp nhất, cao vời nhất của nội tâm bên trong.
Nguồn: Phật giáo và thế tục, in trong bộ sách Phật học giáo khoa thư của Đại sư Tinh Vân, NXB. Từ Thư Thượng Hải, năm 2008, trang 83- 86.
Hài bài viết thể hiện hai quan điểm về Phật giáo và Phong thủy, tuy nhiên tôi nghĩ chúng ta nên dung hòa cả hai, không nên bài trừ hay báng bổ nếu chúng ta chưa hiểu rõ về những vấn đề mà chúng ta đang tìm hiểu. A di đà Phật!
TAMTHUC
Comment