nghiep-bao-cua-viec-sat-sinh
Nghiệp báo của việc sát sinh
- bởi map --
- 01/03/2015
Sát sinh là vấn đề đã và đang được bàn luận rất nhiều trên các diễn đàn, phần lớn chúng ta ít ai có thể tránh khỏi việc sát sinh và chúng ta hãy tìm hiểu về nghiệp báo của việc sát sinh nhé
Nay lược kê bảy điều giới sát, mong thế nhân hãy thương vật như người, xem nhân vật nhất thể mà kỵ sát.
1) Ngày sinh nhật không nên sát sanh:
Kinh Thi viết: “Ai ai phụ-mẫu, sinh ngã cù lao”. Ta nên biết rằng, công cha cao như núi, nghĩa mẹ sâu như biển, công ơn của cha mẹ kể sao cho hết. Ngày trào đời của ta chính là ngày nguy nan nhất của người mẹ ta, do đó đến ngày sinh nhật thì nên kỵ sát, trì chay, cầu cho cha mẹ được tăng thọ thêm phúc. Nếu như cha mẹ đã qua đời thì cầu cho linh hồn của song-thân thoát được kiếp khổ nơi âm-phủ mà siêu thoát về miền cực-lạc.
2) Ngày sinh con không nên sát sanh.
Vợ chồng nếu có được một mụn con tất sinh lòng hoan hỷ, trái lại đến tuổi già mà vẫn chưa có con thì sinh lòng bi ai, lo sợ không người thừa kế hương hỏa, nối dõi tông đường. Loài vật cũng thế, cũng phải sinh sản để bảo tồn chủng loại.
Vì chúc mừng ngày chào đời của con mình mà đi sát hại loài vật, lấy tâm suy tâm thì ta nỡ nào mà đi giết con của loài vật. Muốn cho con cái sau này được thông-minh, thì nên tích đức, phóng sanh, há lại đi sát sanh hay sao?
3) Ngày giỗ không nên sát sanh.
Trong ngày giỗ cũng như ngày tảo mộ đều nên kỵ sát. Nếu như giết vật để cúng tế, chẳng những không có lợi, mà còn tạo thêm oan nghiệp cho người quá cố. Khuyên những người có lòng hiếu thảo, trong ngày giỗ của thân-nhân hãy mua vật phóng sanh, lấy tiền in sách khuyến-thiện hay kinh-điển… làm công đức cho người quá cố, để linh hồn người thân sớm được siêu thoát.
4) Ngày hôn lễ không nên sát sanh.
Thiên-địa giao hóa sinh trưởng vạn vật, nam nữ thành hôn để bảo tồn nòi giống. Hôn lễ là việc trọng đại nhất trong đời người, nếu như trong ngày lễ, bầu không khí chúc mừng náo nhiệt trong nhà, nhưng mặt sau nhà bếp lại giết heo, gà, vịt… ngày lành mà sát sanh tất khắc. Do đó đãi khách trong ngày hôn-lễ nên dùng đồ chay mà kỵ sát.
5) Thết tiệc đãi khách không nên sát sanh.
Quân-tử chi giao bình đạm và trong như nước, tuy cơm rau đạm bạc cũng đủ thỏa lòng đôi bên, há cầu cao lương mỹ vị để ngon miệng! Vì đãi khách mà sát vật, vật vì ta mà chết tất sẽ giảm phúc ta. Cho nên trí nhân quân-tử kỵ sát.
6) Cầu Thần cúng Phật không nên sát sanh.
Phần đông người đều quan niệm rằng, giết trâu bò, heo, gà vịt… cúng Thần sẽ được Thần giáng phúc, nhưng không biết mục đích của sự cúng tế là cầu được tấm lòng thanh tĩnh tức là tránh họa gặp phúc. Loài vật cũng như người, đều ham sống sợ chết, giết vật để cầu lợi cho mình là tổn vật ích kỷ, nghịch bội thiên-lý, Thần Phật há lại đi nghịch với thiên-lý hay sao? Phàm người chính-trực, từ-bi mới có thể thành Thần, chẳng lẽ lại vì sự cúng bái của loài người mà giáng phúc, không nhận được sự thờ phụng của người mà giáng họa? Thần-minh chính-trực chẳng lẽ lại thiên vị ư? Bình thường có lòng kính Thiên-địa, bái Thần-minh, chỉ cần bông hoa trái cây là đủ.
7) Không nên chọn nghề sát sanh làm sinh kế.
Có người vì kế sinh nhai mà hành nghề đồ tể, săn bắn, đánh cá… nhưng biết bao nhiêu người không hành những nghề này mà vẫn được cơm no áo ấm. Hành nghề sát sanh, Trời Phật không thích. Đức của Trời là háo sanh, hành nghề đồ tể đi nghịch với lẽ Trời mà tạo nên nghiệp báo sau này. Làm nghề sát sanh mà con cháu được vinh hiển, trăm nhà không có một. Nếu như đã hành nghề này thì hãy từ bỏ mà tìm kế sinh nhai khác, đồng thời cũng nên tích đức hành thiện để trừ đi nghiệp trước đã làm.
Trên đời, quý nhất là sinh mệnh, sợ nhất là sự chết chóc. Loài người chết vì nạn đao binh, bệnh dịch, đều do sát nghiệp mà ra cả. Nay khuyên thế nhân hãy trì chay, tu đức, giới sát. Trên có thể liễu trừ oan nghiệp của những kiếp trước, dưới tích âm đức để lại cho con cháu, tự nhiên phước lộc trường tồn.
Mời các bạn xem video nghiệp báo
Nguồn: Youtube
TAMTHUC
Comment