No icon

ly-giai-viec-tim-mo-liet-si-qua-giac-mo

Lý giải việc tìm mộ liệt sĩ qua giấc mơ

(maphuong)-Những giấc mộng lạ

Theo lời kể của ông Xu, sau ngày đất nước giải phóng, ông giã từ quân ngũ, phục viên về quê. Đất nước đã thanh bình, cuộc sống đã bình yên nhưng ông vẫn mang nỗi niềm canh cánh: “Lòng vẫn chưa yên vì thương các đồng đội đã không thể trở về với gia đình, người thân, còn nằm lại trong những cánh rừng sâu, ngọn núi thẳm”, ông chia sẻ. ông tự nguyện tham gia tìm hài cốt liệt sĩ với vai trò là Đội trưởng Đội quy tập mộ liệt sỹ của xã.

Theo lời tự bạch, ông Xu phát hiện ra khả năng tìm mộ qua …chiêm bao của mình bắt đầu vào tháng 5/2008. Mùa hè năm đó, đoàn tìm kiếm được lệnh tìm mộ liệt sĩ Ấu Triệu (tên thật là Lê Thị Đàn, trú tại Hương Vinh, Hương Trà, Thừa Thiên – Huế). Ấu Triệu trước khi hi sinh là thư kí của nhà yêu nước Phan Bội Châu. Trước khi lên đường, đoàn không có thông tin nào đáng giá ngoài việc biết bà đã hi sinh tại nhà tù Lao Bảo (Quảng Trị).

Ông Nguyễn Xu, người tự nhận có khả năng tìm mộ qua báo mộng

Đêm trước ngày lên đường, không hiểu sao ông Xu trằn trọc, đến gần sáng thiếp đi, ông mộng thấy quang cảnh nhà tù Lao Bảo và phần mộ của liệt sĩ ấu Triệu, dù trước đó, ông chưa từng một lần đặt chân đến khu vực này. ông Xu kể lại: “Lúc đầu, tôi không tin vào giấc mơ nên giữ bí mật trong lòng, sợ kể ra thì mọi người lại chê cười mình là mê tín này nọ. Nhưng khi đoàn đến Lao Bảo, tôi sững người, bủn rủn chân tay bởi cảnh vật trước mắt y hệt trong mơ. Lúc này, tôi thắp nhang khấn vái rồi lấy nhà tù làm trung tâm để xác định vị trí ngôi mộ như đã được báo mộng. Mọi người đào sâu hơn nửa mét thì phát hiện hài cốt của bà ấu Triệu”.

Theo ông, cuộc sống của ông có chút thay đổi từ ngày ấy, hàng đêm ông luôn có những giấc mơ kì lạ, nhiều nhất là mơ về các đồng đội đã hy sinh. “Tôi nghe thấy tiếng đồng đội đang gọi tôi đâu đó”, ông Xu nói. Bà Phạm Thị Lệ (62 tuổi, vợ ông Xu) cũng phát hiện ra sự thay đổi ở chồng mình: “Từ ngày ấy, chồng tôi bỗng có tư thế nằm ngủ khác người. Chân gác cao lên tường nhà như đang tập thể dục, rồi thường xuyên nói chuyện một mình khi ngủ”.

“Bí kíp” tìm mộ

“Năm 2008 tìm được hơn 200 phần mộ liệt sĩ, năm 2009 tìm được 100 ngôi, năm 2010 tìm hơn 50 ngôi, năm nay vừa tìm được hơn 10 hài cốt…”, ông Xu lật cuốn vở học sinh ghi chép những lần đi tìm hài cốt đồng đội nhẩm tính. ông cho biết, từ sau lần đi tìm mộ liệt sĩ ấu Triệu, ông liên tiếp xác định đúng vị trí của mộ nhiều liệt sĩ khác.

Vì vậy, ngày càng có nhiều người tìm đến nhờ ông giúp đỡ. Có những tháng, ông chỉ ở nhà vài ba hôm, thời gian còn lại là những tháng ngày rong ruổi khắp núi rừng từ Quảng Nam đến Thanh Hoá, sang tận biên giới Lào, Campuchia… trong các chuyến quy tập mộ liệt sĩ. Vợ ông cho biết: “Hễ có ai nhờ là ông ấy lại khăn gói lên đường, lúc nào xong việc mới trở về, có hôm, vừa về tới nhà đã có người đến nhờ đi tiếp”.

ông Xu cho biết, để tìm mộ của liệt sĩ nào, ông chỉ cần thuộc lòng một vài thông tin như: Họ tên đầy đủ, năm sinh, quê quán, nơi hy sinh… Qua đó, nếu may mắn,  trong giấc mơ ông sẽ tìm thấy. Ngay chính bản thân ông cũng không thể lí giải, đó là sự trùng hợp ngẫu nhiên hay khả năng đặc biệt nào đó.

Theo lời ông, với những gia đình ở xa có con em hy sinh trong chiến tranh tại Huế nhưng không có điều kiện về tận nơi, ông vẫn sẵn sàng giúp đỡ qua thư từ, điện thoại: “Tôi ghi lại tên tuổi, địa chỉ rồi lúc nào tìm thấy báo người ta đến nhận là được”, ông Xu đưa chúng tôi xem những bức thư nhờ ông giúp đỡ gửi về từ khắp nơi.

Như để minh chứng  câu chuyện của  mình, ông đưa ra bức thư cảm ơn của ông Mạc Tiến Khoát, quê ở Hưng Yên là thân nhân của liệt sĩ Mạc Tiến Quang. Thư đề ngày 14/1/2009 viết: “Nhờ khả năng của anh, gia đình chúng tôi đã đưa được hài cốt liệt sĩ Mạc Tiến Quang về quê. Gia đình tôi vô cùng cảm kích, không bao giờ chúng tôi quên ơn này…”.

Nhờ giấc mơ hay nhờ ký ức và kinh nghiệm?

Để thẩm định thêm độ chính xác về câu chuyện của ông Nguyễn Xu, chúng tôi đã liên hệ với thân nhân một số liệt sĩ đã được ông Xu tìm mộ giúp. Anh Nguyễn Hồng Khoan (SN 1971), trú tại xã Xuân Hồng, huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) là con của liệt sĩ Nguyễn Công Trứ (SN 1963) khẳng định: “Tôi từng tìm đến rất nhiều nhà ngoại cảm để xác định tung tích của người cha quá cố nhưng không có kết quả. Qua bạn bè giới thiệu, tôi đã đến nhờ bác Xu tìm giúp. Vị trí phần mộ do bác Xu tìm ra trùng khớp với vị trí trên bản đồ do người chôn cất bố tôi để lại”.

Trường hợp thứ hai là gia đình cụ Bùi Thanh (85 tuổi) trú tại số 111, Chi Lăng, TP Huế. Theo lời kể của cụ Thanh, em gái cụ là liệt sĩ Bùi Loan (SN 1922) hy sinh năm 1948 tại mặt trận Thanh Lương (Thừa Thiên – Huế). Chỉ với ít ỏi thông tin như vậy nhưng ông Xu đã tìm ra hài cốt liệt sĩ Bùi Loan trước sự kính nể của nhiều người. “Giữa hàng nghìn ngôi mộ vô danh, anh Xu đã tìm ra phần mộ anh tôi nằm ở hàng thứ 14, mộ số 6, lô 9A”, ông Thanh cho biết.

Chúng tôi cũng đã tìm đến chính quyền địa phương tìm hiểu sự việc. ông Ngô Quang Thảo, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Hương Xuân xác nhận: “Bác Nguyễn Xu tham gia tìm kiếm mộ đồng đội đã nhiều năm nay và nhiều lần thành công. Chúng tôi có nghe bác nói đến chuyện có những khi nằm mộng thấy địa điểm mộ liệt sĩ, nhưng thực hư như thế nào thì không ai biết được”. ông Thảo cũng khẳng định: “Bác Xu còn là một người trưởng thôn mẫu mực, luôn đi đầu trong mọi hoạt động xã hội ở địa phương, từ trước đến nay tuyệt đối chưa từng có hoạt động mê tín dị đoan nào. Chưa khi nào có chuyện bác lợi dụng việc tìm mộ liệt sĩ để làm chuyện xấu”.

Anh Lê Ánh, một người dân trú tại thôn Thượng Thôn kể: “Có những gia đình ở tận Hải Phòng, Hà Nội… vào đây nhờ bác Xu tìm giúp hài cốt con em mình. Cứ mỗi khi tìm được là thế nào người nhà cũng định quay lại hậu tạ tiền bạc, lễ vật rất hậu hĩnh nhưng bác Xu nhất quyết không nhận một nghìn tiền lẻ”.

Bản thân ông Xu cũng băn khoăn: “Tôi có phải thần thánh gì đâu, không phải mộ nào tôi đều tìm thấy cả. Ngoài giấc mơ, tôi luôn lấy kinh nghiệm của mình làm thước đo cho sự chính xác. Ngày trước, tôi hoạt động ở vùng rừng núi Thừa Thiên – Huế nên nắm rất rõ địa bàn hoạt động của từng đơn vị. Từ đó, đối chiếu với thông tin do gia đình cung cấp có thể xác định được đồng chí nọ, đồng chí kia có thể hy sinh tại địa điểm như trong giấc mơ hay không. Trường hợp nào logic thì mình kiểm tra, triển khai tìm kiếm. Có rất nhiều gia đình tìm đến nhờ tôi giúp đỡ nhưng tôi không thể, với những trường hợp không đáng tin cậy thì mình không thể phát ngôn bừa được”.

Kết thúc câu chuyện, ông trầm ngâm: “Nếu có thể, tôi cũng rất mong các nhà khoa học tìm hiểu về trường hợp của tôi ra sao. Cũng có lẽ những ký ức về đồng đội một thời gắn bó không bao giờ phai nhạt, luôn day dứt khiến đêm đêm tôi lại có những giấc mơ kỳ lạ về những người còn đang nằm lại nơi chiến trường xưa?”.

TAMTHUC

Comment