No icon

la-ky-chuyen-tim-mo-ba-to-lang-gom-chu-dau

Lạ kỳ chuyện tìm mộ bà tổ làng gốm Chu Đậu

Năm 2007, dư luận xôn xao câu chuyện phát hiện bà tổ làng gốm Chu Đậu (Hải Dương) Bùi Thị Hý qua một chiếc bình gốm đang được Thổ Nhĩ Kỳ lưu giữ như một quốc bảo. Cũng từ những sự trùng hợp lạ kỳ, cuối năm 2009 vừa qua, mộ của Bùi Thị Hý được tìm thấy, lý giải nhiều bí ẩn.

Người con gái giả trai trong gia phả họ Bùi

Câu chuyện bắt đầu từ lá thư của ông Makoto Anabuki, Bí thư Văn hóa Đại sứ quán Nhật Bản gửi cho Bí thư Tỉnh ủy Hải Hưng (cũ) nhờ tìm xuất xứ một chiếc bình gốm. Theo thư của ông Makoto, năm 1980, khi công tác ở Thổ Nhĩ Kỳ, ông được chiêm ngưỡng một bình gốm được coi là quốc bảo tại Bảo tàng Topkapi Saray Istanbul. Chiếc bình được mua bảo hiểm 1 triệu USD. Trên lớp tráng xanh da trời và trắng của bình gốm tinh xảo đó có khắc 13 chữ Hán: “Thái Hòa bát niên, Nam Sách châu, tượng nhân Bùi Thị Hý bút” (Dịch là: Năm Thái Hòa thứ 8 (1450), tại châu Nam Sách, nghệ nhân Bùi Thị Hý viết/vẽ/tạo).

Khi đó, nhà khảo cổ Tăng Bá Hoành đang phụ trách Ban Thông sử của UBND tỉnh Hải Hưng (cũ) đã được đồng chí Bí thư Tỉnh ủy giao trọng trách đi tìm xuất xứ. Khi đó làng Chu Đậu (Thái Tân, Nam Sách, Hải Dương) chỉ được biết đến với nghề dệt chiếu cói nên công việc tìm kiếm gặp muôn vàn khó khăn. Từ việc gạn lọc thông tin để xác định Bùi Thị Hý là nam hay nữ; hàng chục năm tìm hiểu, nhiều cuộc khai quật xác định Chu Đậu là làng gốm cổ… nhờ sự tình cờ tìm được hậu duệ của dòng họ Bùi với cuốn gia phả, ông Tăng mới xác định được danh phận chính xác của bà Bùi Thị Hý.

Theo đó bà Bùi Thị Hý (1420 -1499) là cháu ngoại của cụ Bùi Quốc Hưng – khai quốc công thần đời Lê cùng với danh nhân Nguyễn Trãi. Bà Hý có biệt tài viết chữ và vẽ đồ gốm rất đẹp, từng giả nam đi thi đại khoa đến tam trường thì bị phát hiện. Về sau, bà lấy đại chủ Đặng Sỹ, là chủ lò gốm Chu Trang (tức là gốm Chu Đậu bây giờ) và giàu nổi tiếng đương thời. Sau 26 năm tìm kiếm, nhà khảo cổ Tăng Bá Hoành mới xác định được khá đầy đủ nhân thân bà Bùi Thị Hý. Tuy nhiên, vẫn còn một bí ẩn cuối cùng: Mộ của bà Bùi Thị Hý ở đâu?

Bí mật cuối cùng

Thấy niềm đam mê được vén bức màn bí ẩn hàng trăm năm lịch sử làng gốm cổ của ông Hoành, họ Bùi cho ông xem kho đồ gốm tổ tiên truyền lại. Ông Hoành đọc được trên một cái mâm đồng toàn bộ bản sao văn bia mộ chí của bà Bùi Thị Hý. Bản sao gồm 379 chữ được chép lại vào thời Bảo Đại. Dòng đầu tiên ghi rõ “Kỳ tài phu nhân Bùi Thị Hý chi mộ”. Nội dung văn bia cho biết, chồng bà Hý là Đặng Sỹ trong một lần đi giao hàng trên biển đã bị tai nạn bỏ mạng, bà Hý tái giá với ông Đặng Phúc cũng là một đại gia ở Chu Đậu.

Sau khi tái giá, bà cùng với chồng chỉ huy các thuyền xuất khẩu gốm Chu Đậu sang các nước phương Tây. Cuối đời, bà về công đức tiền của làm đình, chùa Viên Quang. Ông Hoành và gia đình tìm về chùa Viên Quang thì được biết đình và bia ở đình có ghi tiểu sử của bà Hý đã bị phá từ lâu, chỉ còn một cây thiên đài để thắp hương có nhắc đến tên bà nhưng không có thông tin gì hé mở về nơi chôn cốt.

Tình cờ ông Hoành phát hiện một dòng chữ Hán trên ngai thờ ở nhà thờ họ ghi “Mộ ở xứ Thượng Đường” (nay là thôn Quang Tiền, xã Đồng Quang, huyện Gia Lộc). Ngày 10/1/2009, hậu duệ của bà Hý đã đào tìm và phát hiện được một số vật yểm và viên gạch đất nung màu hồng nhạt, nhẹ lửa, bị mẻ một góc có ghi những thông tin quan trọng về mộ chí của bà Bùi Thị Hý, gồm thông tin về nơi chôn và những đồ tùy táng, trong đó có một con rồng bằng đất nung cao khoảng 70cm.

Bí ẩn được hóa giải

Theo những thông tin có được, ông Hoành và gia đình tìm tới ngã ba sông Định Đào thì nơi đó bây giờ đã thành ao. Dò hỏi người dân trong vùng, tìm ra những người đào ao thuở trước, họ cho biết khi đào đất khu vực đó đã tìm thấy một con rồng rất lớn, cao khoảng 70 cm bằng đất nung. Khi những người thợ đào ao về ăn cơm trưa thì con rồng đặt cạnh bờ ao đã bị ai đó lấy mất. Sau hơn một tháng kiên trì tìm kiếm, cuối cùng, ông Hoành và gia đình họ Bùi cũng tìm được một người dân ở xã Quang Tiến thấy con rồng đẹp đã bê về chơi. Ông Hoành chụp lại ảnh con rồng mang đi đối chiếu thì thấy đúng là mẫu rồng Nam Sơn.

Tiếp theo chỉ dẫn ở viên gạch đất nung, ngày 4/4/2009, nhân ngày Thanh Minh, gia tộc họ Bùi tổ chức khai quật và tìm thấy bia mộ chí của nữ tài và một số hiện vật quý tại gò Hình Nhân nổi giữa ao của gia đình

Ông Hoành chia sẻ: “Thường thì bia mộ chí ở đâu thì mộ ở đó. Vì thế tôi đã dự đoán rằng mộ của nữ tài Bùi Thị Hý cũng nằm ngay trên mảnh đất Hình Nhân của gia đình ông Lợi. Đúng thời điểm đó, một sự trùng hợp ngẫu nhiên đáng kinh ngạc, ban liên lạc dòng họ Phí toàn quốc từ Hà Nội xuống tìm tôi nhờ tôi giúp cho việc nhận họ hàng với họ Bùi ở Gia Lộc.

Ngược dòng lịch sử, năm 1304, cụ Phí Mộc Lạc làm quan ở nội triều nhà Trần rất được trọng dụng và tín nhiệm. Thế nhưng, Thượng hoàng Trần Nhân Tông nói họ Phí ít người biết đến, hơn thế chữ “Mộc lạc” lại có nghĩa là cây đổ, cây gẫy nên không tốt. Vì thế Thượng hoàng đổi họ tên cho cụ Phí Mộc Lạc thành Bùi Mộc Đạc. Từ “mộc đạc” nghĩa là cái mõ, ý là nổi tiếng. Từ đó, rất nhiều chi nhánh họ Phí tự động chuyển theo sang họ Bùi. Cụ Bùi Quốc Hưng, ông ngoại của bà Bùi Thị Hý, chính là hậu duệ của cụ Bùi Mộc Đạc”.

Ngày 9/9 năm Kỷ Sửu (tức 26/10/2009), dòng họ Bùi khởi công xây mộ cho bà cô tổ. Theo sự tư vấn của ông Hoành, ông Lợi đã cho tát cạn nước ao và mời cán bộ của Bảo tàng tỉnh xuống chứng kiến. Đến khoảng 12 giờ trưa thì tìm thấy mộ phần của bà Bùi Thị Hý cạnh nơi tìm được bia mộ chí. Hòn gạch đậy trên mộ được mang về Bảo tàng Hải Dương có ghi “Tẫn cốt tổ cô Bùi Thị Hý nội bình đồng Vọng Nguyệt bảo kiếm” (Dịch: Tro xương tổ cô Bùi Thị Hý trong bình cùng thanh kiếm của bà – Vọng Nguyệt là tên hiệu của bà Hý). Dòng cuối ghi “Vị Nhuận Cần mật táng” (Dịch: 3 ông Vị, Nhuận, Cần – 3 ông trưởng chi – chôn bí mật). Mộ nằm trong nhiều tầng lớp đồ gốm, xây theo đúng hình nhân.

Phát hiện bất ngờ

Liên quan đến bà tổ nghề gốm Chu Đậu tài hoa Bùi Thị Hý, ngoài 2 cổ vật quý giá là cái đĩa và con nghê có thủ bút của bà đã nhắc đến trước đó, ngày 14/4/2009, ông Lợi còn cung cấp cho ông Tăng Bá Hoành một phiến đá nhỏ có chữ Hán, nằm lẫn trong đống đá tảng ở đầu nhà. Ông Hoành đã xuống tận hiện trường xem xét và xác định đó là chiếc la bàn đi biển của bà Bùi Thị Hý.

Chiếc la bàn hình vuông, kích thước 17x17x7cm, trên có chữ “Châm bàn chu hải khứ, Bùi Thị Hý” (Dịch: Bàn kim chỉ đường đi cho thuyền biển của Bùi Thị Hý). Ở giữa la bàn gạch chữ thập, ghi chữ Bắc, Đông, mất chữ Nam, Tây. Giữa la bàn có 1 lỗ rộng 1,4cm, sâu 1,5 cm, giữa lỗ còn có một lỗ nhỏ 2mm, khoét sâu xuống để đặt kim nam châm. Bàn của la bàn bằng đá cẩm thạch được mài nhẵn mặt trên. Đây là hiện vật vô cùng quan trọng, xác nhận bà Bùi Thị Hý là người đi biển ở thế kỷ XV.

Ông Hoành khẳng định: “Những hiện vật này không chỉ là bảo vật của gia đình ông Lợi mà còn là bảo vật của quốc gia, cần được bảo vệ và giữ gìn. Trong ít ngày tới, cùng với dòng họ Bùi và dòng họ Phí, chúng tôi sẽ tổ chức một hội thảo khoa học để công bố toàn bộ tư liệu khảo cổ học quan trọng này”.

Chiến Nguyễn

Báo Gia đình và Xã hội Cuối tuần Xuân Canh Dần


TAMTHUC

Comment