nha-ngoai-cam-tim-mo-bang-dia-buc-xa
Nhà ngoại cảm tìm mộ bằng địa bức xạ
- bởi map --
- 17/12/2012
Tiến sĩ Vũ Văn Bằng – Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Nghiên cứu Môi trường tia đất (111 – A1, đường Nguyễn Khánh Toàn – Hà Nội) được nhiều người gọi là “Ông thần đất” đã và đang thực hiện các cuộc thăm dò, tìm kiếm nguồn nước và các loại khoáng sản quý hiếm trong lòng đất qua việc nghiên cứu về nguyên lý tia đất (địa bức xạ). Ông cũng là nhà khoa học đang nghiên cứu và có nhiều hoạt động trong việc tìm mồ mả, hài cốt liệt sĩ.
Kỳ 1: Cuộc tìm kiếm khu mộ tập thể chôn cất 173 liệt sĩ
Tiến sĩ Vũ Văn Bằng kể lại, tháng 6/2006, Hội Cựu Chiến binh Mỹ có cung cấp cho phía Việt Nam thông tin: “Trong một trận chiến năm 1976 tại căn cứ điểm Cồn Tiên (xã Gio An, huyện Gio Linh), toàn bộ 173 chiến sĩ giải phóng quân tấn công cứ điểm đã hy sinh và được chôn chung trong một hố rộng”. Một thời gian sau, Tỉnh đội Quảng Trị đã huy động lực lượng tìm kiếm, đào trong 36 ngày đêm theo tọa độ ghi trên sơ đồ do phía Mỹ cung cấp, nhưng không có kết quả. Những người có trách nhiệm ở địa phương đã kêu gọi những nhà khoa học, nhà ngoại cảm… mong đưa ra được một phương pháp có thể giúp địa phương tìm kiếm được hố chôn tập thể trên. Một nhà ngoại cảm vào cuộc, nhưng không có kết quả. Biết được thông tin này qua báo chí, tiến sĩ Bằng liền liên hệ với Tỉnh đội Quảng Trị và đề đạt nguyện vọng là ông có thể tìm được phần mộ tập thể trên. Tiến sĩ cho biết, ông sẽ ứng dụng phương pháp địa bức xạ trong việc tìm kiếm hài cốt liệt sĩ, mà máy định vị có thể xác định tương đối chính xác.
Tình nguyện vào Gio Linh cùng với tiến sĩ Bằng còn có lãnh đạo của Tòa án Nhân dân Quảng Trị và Huyện đội Gio Linh cử đại diện dẫn đường và phối hợp tham gia công việc tìm kiếm. Vị trí tìm kiếm theo sơ đồ phía Mỹ cung cấp, hiện nay là khu rừng cao su. Khi cả đoàn tìm kiếm vừa bước tới cửa rừng, tiến sĩ Bằng đưa máy ra đo lập tức đã nhận được tín hiệu và chỉ về một hướng. Cả đoàn bắt đầu đi theo hướng máy xác định, tiến sĩ Bằng cùng với máy trong tay dẫn đầu, đoàn cứ nối tiếp theo sau tiến sâu vào trong rừng. Đường rừng tuy ngoằn nghèo, khúc khuỷu nhưng máy vẫn giữ một hướng duy nhất. Đi được khoảng 250 mét thì máy báo vị trí có hài cốt. Cả đoàn dừng lại, tiến sĩ Bằng nâng cao máy lên rà soát rộng ra xung quanh. Chỉ vài tuyến cắt ngang dọc, máy xác định được phạm vi mồ tập thể 173 liệt sĩ với bán kính 5m.
Tia đất là cách gọi phổ biến của những nhà dò tìm kim loại, đá quý, khoáng sản, nước ngầm và các dị thường khác dưới mặt đât, hay còn gọi là địa bức xạ. Nói cách khác, tia đất là các loại tia từ vỏ cứng của trái đất phát tán, lan tỏa trên mặt đất dưới dạng trường, bao gồm các trường: Bức xạ điện từ, bức xạ phân rã phóng xạ, phát tán chất độc hóa học, dao động điện từ của các khoáng vật thuộc các tầng, hệ đất đá khác nhau, từ các mạch nước ngầm, và đặc biệt là mồ mả, hài cốt.
Để khẳng định đó chính là khu mộ tập thể duy nhất trong khu rừng rộng lớn tiến sĩ Bằng cho máy quét rộng thêm 200 đến 300m. Kết quả máy thông báo không có vị trí nào khác tương tự. Công việc diễn ra nhanh và chính xác. Như vậy chỉ trong vòng ít phút đã xác định được vị trí ngôi mộ tập thể 173 liệt sĩ. Dùng máy GPS định vị đối chiếu tọa độ trên sơ đồ Mỹ cung cấp không chênh nhau nhiều. Giây phút linh thiêng và xúc động ập đến, mọi người trong đoàn như thể được gặp đồng đội và người thân sau bao năm ròng xa cách. Không ai bảo ai, tất cả lao vào công việc – người thì quét lá, người nhặt cỏ phát cành cây, người thắp hương…
Một việc diễn ra khá bất ngờ, khi xác định vị trí có thể là phần mộ liệt sĩ tập thể cần tìm và cả đoàn thắp hương trên khu đất, anh Trần Lương Thanh – Huyện đội trưởng Huyện đội Gio Linh quá xúc động, nằm xuống ôm chặt lấy mặt đất – nơi phía dưới có thi hài các chiến sĩ. Hồi lâu không thấy anh Thanh đứng dậy, đồng đội đến lay mời về, nhưng toàn thân anh đã cứng đơ, lạnh toát và bất tỉnh. Từ hôm ấy anh về ốm mất nửa tháng. Điều này càng khiến tiến sĩ Bằng giải thích, hiện tượng con người tiếp cận – nằm trên hài cốt như trường hợp anh Trần Lương Thanh trường điện từ sinh học nội thể và trường hỗn hợp ngoại thể của người sống, trong đó có bức xạ hồng ngoại đã bị lực hấp dẫn của hài cốt hút mạnh làm suy giảm “sinh khí” (lực sống) dẫn đến bị cảm lạnh và từ trường của hài cốt là từ trường dị thường dạng xoáy tác động làm mất cân bằng từ trường của hệ thần kinh dẫn đến dễ bị rơi và trạng thái choáng ngất.
Khi đã xác định được chính xác nơi chôn cất 173 liệt sĩ, mười ngày sau tiến sĩ Bằng cùng Huyện đội Gio Linh tiến hành đào thử thì phát hiện hai hài cốt gần mặt đát . Ngày kế tiếp theo đoàn phát hiện thêm hai hài cốt nữa, nằm cách mặt đất từ 0,8m đến 1,2m. Điều đáng nói, bốn hài cốt này được tìm thấy ở chính nơi anh Trần Lương Thanh nằm bất động trước đó ít hôm. Trên cơ sở đào kiểm chứng ấy Tỉnh Đội đã lập kế hoạch để khai quật và quy tập mộ liệt sĩ. Và ngày 9.9.2007, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Trị, Huyện đội và nhân dân huyện Gio Linh đã tổ chức lễ ra quân cất bốc và qui tập hài cốt liệt sĩ rất trọng thể.
Sau cuộc tìm mộ liệt sĩ ở Gio Linh, tiến sĩ Bằng còn tiếp tục tham gia thêm nhiều cuộc tìm kiếm khác. Gần đây nhất là tìm nơi chôn cất 600 liệt sĩ ở Đắckrông và 50 liệt sĩ ở Ba Lòng – Quảng Trị (cũng do phía Mỹ cung cấp). Trước đó Tỉnh đội từng nỗ lực tìm kiếm nhưng không có kết quả. Cũng như cuộc tìm kiếm mộ tập thể 173 liệt sĩ lần trước, chiêc máy đo địa bức xạ điện trường trên tay tiến sĩ Bằng lại như đôi mắt thần dẫn ông đến đúng địa điểm cần tìm. Hiện Tỉnh đội đang chuẩn bị tiến hành khai quật các hố chôn tập thể này.
Tiến sĩ Vũ Văn Bằng, quê ở Hải Hậu – Nam Định. Ông tốt nghiệp Đại học Bách Khoa Hà Nội, chuyên nghành Địa chất công trình, và bảo vệ luận án phó tiến sĩ ở Ba Lan. Chiếc máy định vị tia đất là sản phẩm ông tự sáng chế dựa trên nghiên cứu khoa học, trong đó có nhiều năm tu nghiệp tại Ba Lan. Máy có thể dò được mạch nước ngầm, định vị độ sâu, hướng nước chảy, lưu lượng nước (ông đã tham gia khảo sát tìm nước ngầm ở trên 30 tỉnh thành, hải đảo như Đồng Văn, Mèo Vạc – Hà Giang, Cảng biển Hòn La – Quảng Bình, Côn Đảo – Bà Rịa – Vũng Tàu). Máy cũng có thể dò được những nơi có khoáng sản (đã giúp Cao Bằng, Bắc Cạn tìm ra các mỏ quặng quý). Phương pháp định vị bằng địa bức xạ xác định mồ mả, hài cốt liệt sĩ được khẳng định có cơ sở khoa học, hoàn toàn khác với cách mà các nhà ngoại cảm đang làm. “Đó là việc xác định di hài cốt khi đã khoanh vùng có khả năng chôn cất mộ. Thực tế, có những di hài cốt nằm ở độ sâu nhiều mét, qua nhiều lớp đất đá, qua nhiều niên đại khác nhau, nhưng máy vẫn soi thấu” – tiến sĩ Bằng nói.
Comment