Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Phúc Giác Hải – Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu và ứng dụng tiềm năng con người, hiện tượng ngoại cảm không phải lúc nào cũng đúng 100%.
Nhà ngoại cảm không phải cái máy
– Theo thông tin từ Cục Người có công (Bộ Lao động và Thương binh Xã hội) được đưa ra trong chương trình “Trở về ký ức” trên VTV1, nhiều người nghi ngờ về khả năng của các nhà ngoại cảm trong việc tìm mộ hài cốt. Là một nhà nghiên cứu lâu năm về vấn đề này, ông có quan điểm như thế nào?
Nhà nghiên cứu Nguyễn Phúc Giác Hải- Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu và ứng dụng tiềm năng con người.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Phúc Giác Hải: Có ít nhất 4 h́ình thức t́ìm mộ.
H́ình thức thứ nhất: nhà ngoại cảm nhận thông tin của thế giới tâm linh. Ví dụ Phan Thị Bích Hằng nhìn ảnh của người mất, hình ảnh đó sẽ dẫn đến thông tin người đã mất, cô ấy sẽ là người phiên dịch thông tin đó cho người khác.
Hình thức thứ 2 là hình thức lên đồng: Nhà ngoại cảm mời vong hồn người liệt sỹ, người cần tìm để nhập vào cô đồng. Cô đồng là người chuyên môn có cửa sổ để mở ra và đóng vào cơ thể mình cho linh hồn ra vào. Nhiều trường hợp đi tìm đã đúng.
Hình thức thứ 3: Nhà ngoại cảm mời liệt sỹ nhập vào một trong những người nào đó trong gia đình. Những người trong gia đình này không có khả năng, nhưng nhờ bàn tay của các nhà ngoại cảm đặt trên đầu để mở luân xa thứ 7. Liệt sỹ sẽ nhập vào người nào thích hợp nhất.
Hình thức thứ 4: Dự báo bằng khả năng thấu thị. Đây là khả năng của một số ít nhà ngoại cảm có thể nhìn thấy hình ảnh đã xảy ra trong quá khứ, hiện tại hoặc tương lai. Một số nhà ngoại cảm tìm mộ ít nhiều có khả năng thấu thị để nhìn thấy những gì diễn biến trong quá khứ và đang xảy ra khi đoàn tìm mộ tiến hành, nhưng rất ít người có đồng thời cả ba khả năng này cùng một lúc để có thể nói trước những gì có thể tìm thấy như một “thực tế ảo” (Đó là trường hợp nhà ngoại cảm Vũ Thị Hòa mà tôi có dịp khảo sát trực tiếp nhiều trường hợp).
– Câu chuyện hài cốt liệt sỹ Phùng Chí Kiên được nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng tìm ra được cho rằng là sai, đó chỉ là mảnh sành vụn và một chiếc răng động vật. Theo ông, tỷ lệ phần trăm tính chính xác của các nhà ngoại cảm là khoảng bao nhiêu?
Nhà nghiên cứu Nguyễn Phúc Giác Hải: Hiện tượng tìm mộ bằng phương pháp ngoại cảm không phải đúng 100%, họ đúng 30, 40, 50, 70% tùy theo tài năng và từng giai đoạn khác nhau của các nhà ngoại cảm. Nếu như Bích Hằng đă có thành tích tìm mộ trước đây, mà nay có sai thì chỉ là trường hợp rơi vào tỷ lệ không thành công.
Các nhà ngoại cảm không phải cái máy, mà cái máy cũng có lúc sai. Trong nhiều trường hợp việc dẫn đường rất chính xác nhưng tìm lại không chính xác, bản thân nhà ngoại cảm không tự giải thích được.
– Tại sao các chỉ dẫn lại chính xác, đến khi tìm lại không chính xác thưa ông?
Nhà nghiên cứu Nguyễn Phúc Giác Hải: Trường hợp nhà văn Bùi Minh Quốc (Đà Lạt) có vợ là nữ nhà văn Xuân Quý bị chết trên chiến trường. Khi đi tìm, các nhà ngoại cảm chỉ vào vị trí A, nhưng đào mãi không thấy họ nản. Có một nhà ngoại cảm thứ 2 chỉ dẫn đào dịch sang 1 mét thì thấy một bộ xương có mái tóc dài. Trên mái tóc đó có kẹp tóc bằng inox lau đi có hàng chữ: “Tặng chị Xuân Qúy”. Trong trường hợp này thông tin chính xác hơn cả ADN.
Như vậy để thấy rằng, hài cốt chỉ cách vị trí đã tìm có 1 mét. Trường hợp Bích Hằng có thể thông tin chỉ dẫn đến nơi tìm mộ là đúng như gia đình đã xác nhận các cảnh quan phù hợp với chỉ dẫn, nhưng khi đào có thể là sai trong phạm vi sai số dẫn đến kết quả sai (Bích Hằng không phải là người có khả năng thấu thị giỏi như chị Vũ Thị Hòa và hiện cũng bị phê phán).
– Như vậy không phải nhà ngoại cảm nào cũng tìm đúng?
Nhà nghiên cứu Nguyễn Phúc Giác Hải: Đối với những nhà nghiên cứu chúng tôi gặp khá nhiều trường hợp như thế. Trong cuốn “Sự thật tưởng như huyền thoại” của nhóm Bộ môn Cận tâm lý của Thiếu tướng Nguyễn Chu Phác làm chủ biên có ghi lại trường hợp liệt sĩ là một phó giám đốc công an tỉnh Lào Cai.
Người nhà đã tìm rất nhiều nhà ngoại cảm nhưng không được. Sau đó, ông mời nhà ngoại cảm Hoàng Thị Thiêm dùng phương pháp áp vong. Vong của liệt sỹ nhập vào đứa cháu gái nội 16 tuổi. Cô bé miêu tả trận đánh rất chi tiết và được ghi hình đầy đủ. Băng hình này được báo cáo với công an tỉnh Lào Cai. Công an Lào Cai tin tưởng vào thông tin này đã giúp đỡ gia đình đi tìm hài cốt ở nơi chỉ dẫn. Đến gần nơi vong lại nhập vào cô bé, nó nhắm mắt chạy và dẫn đường đến chỗ hài cốt.
Khi người nhà định lấy xương để xét nghiệm ADN thì cô cháu gái của liệt sĩ bị nhập quát lên: “Tao đây chứ không phải là ai, không phải thử cái gì”. Sau đó người nhà không thử nữa và tất cả thông tin đều chính xác.
Tôi là người trực tiếp đi dự lễ truy điệu liệt sỹ này ở Lào Cai và phỏng vấn cháu bé mà vong liệt sỹ nhập vào. Cháu bé nói rằng khi đó cháu không biết cái gì cả, nói vô thức.
– Nhưng theo con số của Cục người có công đưa ra là gần 100% mẫu tìm kiếm của các nhà ngoại cảm đều sai?
Nhà nghiên cứu Nguyễn Phúc Giác Hải: Gần 100% trên bao nhiêu mẫu? Thống kê của họ là bao nhiêu trường hợp là đúng, không đúng, số lượng thống kê là bao nhiêu đă khảo sát, trên những nhà ngoại cảm nào?
Hơn nữa thế nào là giám định ADN, giám định cần tiêu chuẩn: thời gian của xương không bị hủy hoại, lấy mẫu như thế nào?
Vùi dập các nhà ngoại cảm khác?
– Thông tin đó đưa trên phương tiện truyền thông có ảnh hưởng đến uy tín của các nhà ngoại cảm và sự phát triển của lĩnh vực nghiên cứu ngoại cảm con người không thưa ông?
Nhà nghiên cứu Nguyễn Phúc Giác Hải: Vừa rồi trong ngành y có nhiều trường hợp sai, câu chuyện thiếu y đức như làm giả mẫu xét nghiệm, nhất là gần đây vụ ném xác bệnh nhân xuống sông…là những “con sâu bỏ rầu nồi canh”. Những ‘con sâu’ đó ảnh hưởng đến y đức người thầy thuốc nhưng không vì thế mà ngành y sụp đổ.
Nhưng đối với lĩnh vực ngoại cảm thì khác, nó là những ‘đứa trẻ mới sinh’ c̣òn non nớt, chưa được nuôi dưỡng, chăm sóc cho nên người, người ta vứt bỏ “đứa trẻ khoa học ngoại cảm” đó ra ngoài đời. Chúng tôi là những người đang cố gắng bỏ công sức chăm sóc cho “đứa trẻ” đó nên người.
Đáng lẽ khi phê phán một nhà ngoại cảm nào đó cần nên hỏi các cơ quan nghiên cứu để hiểu rõ hơn vấn đề, thì nay một số báo chí và truyền thông mang tính vùi dập, khiến quần chúng không hiểu được đầy đủ vấn đề.
Điều này không phải chỉ ảnh hưởng đến những nhà ngoại cảm chân chính mà còn ảnh hưởng đến cả một lĩnh vực khoa học cần được phát triển mà thế giới còn đang cố gắng tìm hiểu. Nếu vấn đề này không được giải quyết thỏa đáng, nhiều nhà ngoại cảm sẽ không dám xuất đầu lộ diện nữa và chúng tôi không có đối tượng nghiên cứu nữa!
Nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng bị coi là lừa bịp trong việc tìm hài cốt liệt sỹ Phùng Chí Kiên.
VTV đưa lên cần có sự công bằng về việc đưa sự kiện. Nhưng trên VTV lại nói rằng Bích Hằng “lừa bịp” thì theo tôi đó là một sự xúc phạm. Bích Hằng không lừa bịp. Đó là một cái sai thuộc về sai số có thể giải thích được. VTV tự cho mình là cơ quan phán xét, tôi xin hỏi thông tin ấy đã là chính xác, khách quan chưa?
– Hiện nay có rất nhiều nhà ngoại cảm ‘rởm’, lợi dụng để kiếm lợi. Theo ông, làm thế nào để ngăn chặn, quản lý được số lượng nhà ngoại cảm thực sự?
Nhà nghiên cứu Nguyễn Phúc Giác Hải: Những người lợi dụng khát vọng tìm mộ của gia đình, thân nhân liệt sỹ lấy nhiều tiền, không có khả năng, tự nhận…tôi nghĩ chúng ta cần lên án, phê phán kịch liệt.
Nhà nước chưa giao cho Viện hoặc đơn vị nào “cấp phép” các nhà ngoại cảm và quản lý họ. Viện chỉ làm nhiệm vụ nghiên cứu hiện tượng ngoại cảm và ứng dụng của nó. Nếu chúng tôi được cấp kinh phí để mua máy đo trường sinh học của các nhà ngoại cảm hoặc tự xưng là ngoại cảm, thì đó là phương tiện khách quan giúp Viện loại bỏ nhiều nhà ngoại cảm rởm.
Trân trọng cảm ơn ông!
Theo: Trí thức trẻ
Comment