No icon

ly-ky-nha-ngoai-cam-x-nhin-thau-coi-am-tim-mo-trang-trinh

Ly kỳ nhà ngoại cảm 9X nhìn thấu cõi âm, tìm mộ Trạng Trình

Đi tìm sự thực “nhà ngoại cảm” 9X tự nhận tìm thấy mộ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm

LTS: Mộ phần của danh nhân Nguyễn Bỉnh Khiêm vẫn là một bí ẩn chưa có lời giải, các nhà khoa học, các sử liệu hiện chưa chắc chắn bất cứ địa điểm nào. Nhiều nhà ngoại cảm thi nhau thi thố tài năng đi tìm kiếm, và người nào cũng khẳng định mình đúng. Trong số đó nổi lên Nguyễn Văn Tùng, “nhà ngoại cảm” trẻ sinh năm 1994, tự nhận là “học trò trong mơ” của cụ Trạng Trình, được bà Nhữ Thị Thục, thân mẫu của cụ Trạng dẫn đi tìm mộ? Những chuyện ly kỳ từ cuộc đời cậu thanh niên này khiến dư luận xôn xao. Liệu “nhà ngoại cảm” 9X này có thực sự tìm được mộ cụ Trạng Trình không hay đó chỉ là trò lừa đảo trong sự hoang tưởng của cậu thanh niên mới lớn?

Bài 1: Nhìn thấu cõi âm và tìm mộ Trạng Trình bằng sách Thái ất thần kinh?!

Đang thi tốt nghiệp môn Địa lý, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2012, Tùng xin gặp một giáo viên nói về khả năng ngoại cảm siêu phàm của mình khi được thân sinh cụ Trạng… dẫn đi tìm mộ.

nhà ngoại cảm
Sự việc đã gây xôn xao một vùng quê đất Cảng, khiến trung tâm Nghiên cứu tiềm năng con người vào cuộc, còn phóng viên thì tìm ra một sự thật khác…

Người được cụ Trạng chọn làm học trò (?!)

Anh Hùng, trú tại An Dương, Hải Phòng (vì một số lý do nhạy cảm nên chúng tôi đổi tên nhân vật) đang muốn tìm lại mộ người thân của mình trong kháng chiến chống Pháp bằng phương pháp ngoại cảm. Anh tìm kiếm khắp nơi nhưng chưa gặp được nhà ngoại cảm ưng ý, bởi có nhà ngoại cảm đưa ra cái giá quá đắt, có nhà ngoại cảm thì chưa đến đã nghe dân làng nói về quá khứ “bất hảo”… Sau nhiều lần tìm kiếm, anh được tư vấn đến “nhà ngoại cảm trẻ” từng được quảng cáo là tìm được mộ cụ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm. Nghe anh Hùng “thao thao bất tuyệt” về “nhà ngoại cảm trẻ” này, chúng tôi nảy sinh ý định muốn tìm hiểu “khả năng siêu phàm” của cậu ta.
Sau nhiều lần dò hỏi đường, chúng tôi đã có mặt tại thôn Thái Lai, thế nhưng, khi vừa hỏi về “cậu Tùng” có khả năng ngoại cảm, nhiều người dân đều lắc đầu khẳng định, cậu ta không hề có khả năng đó.

Tuy nhiên, tránh tình trạng “gần nhà gọi bụt bằng anh” chúng tôi vẫn tìm đến nhà “cậu Tùng”. Đón tiếp chúng tôi là cậu thanh niên trẻ tự nhận mình là Nguyễn Văn Tùng (SN 1994) trú tại thôn Thái Lai, xã Cấp Tiến, huyện Tiên Lãng, TP. Hải Phòng) có năng lượng “dị biệt”, có thể nhìn thấy cõi âm (?!). Theo Tùng, không chỉ nhìn thấy cõi âm, Tùng còn có khả năng tìm hài cốt ẩn sâu trong lòng đất, nói chuyện với vong hồn bằng suy nghĩ, nhìn thấy âm hồn đi ngoài đường… Khả năng của Tùng đã được đồn đoán khắp khu vực Tiên Lãng, thậm chí trung tâm Nghiên cứu tiềm năng con người đã phải vào cuộc xác minh.

Theo Tùng kể, Tùng trở thành “nhà ngoại cảm” trong tình huống ngẫu nhiên khi tham gia dâng hương tại lễ xây dựng khu tưởng niệm Thượng thư, tiến sỹ Nhữ Văn Lan là thân phụ bà Nhữ Thị Thục (mẹ của trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm). Sau buổi lễ, tự nhiên, Tùng nghe thấy những tiếng nói từ đâu đó vang vọng đến. “Em nghe thấy trao đổi như bình thường, nhưng không nhìn thấy người”, Tùng giải thích. “Một hôm em vào ngôi chùa cổ gần nhà thì nghe thấy tiếng nói: “Đến xin học mà không thắp hương à?”. Em vội thắp ba nén hương, sau đó, em nhìn thấy tất cả tượng trong chùa là người thật.

Sau đó, em được Phật A di đà dạy học. Học ba ngày liên tiếp thì em được dẫn đến gặp một người cao tầm 1m7, râu tóc bạc và tự nhận là cụ Trạng Trình và bảo đó là thầy giáo mới của em”, Tùng kể.

Chúng tôi hỏi cách học như thế nào? Tùng nói: “Cách học là ngồi nhập thiền, hoặc lúc ngủ thì cụ Trạng đến và trước mắt có một quyển sách mở ra. Khi học hết trang quyển sách đó, tự lật sang trang mới. Những bài mà em đang học là viết chữ, tập dự đoán và nghiên cứu “Thái ất thần kinh”. Tùng cũng khẳng định trước kia mình viết được chữ Nho, tuy nhiên chúng tôi muốn ngỏ ý xin chữ thì Tùng không viết và giải thích rằng, Tùng không chuyên tâm viết chữ Nho nữa mà chuyển sang phần tìm mộ, nói chuyện với vong linh?!
Ly kỳ “nhà ngoại cảm” 9X nhìn thấu cõi âm, tìm mộ Trạng Trình – Ảnh 1
Chân dung nhà ngoại cảm 9X.

“Ly kỳ” chuyện tìm ra mộ Trạng Trình

Tùng kể cho chúng tôi về các địa điểm mà Tùng khẳng định đó là mộ cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm. Theo “nhà ngoại cảm” này, thì sở dĩ cậu ta biết được mộ Cụ (Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm – PV) là do Cụ chỉ bảo riêng cho Tùng bằng “Thái ất thần kinh” do Cụ truyền dạy và năng lượng trực tiếp được nhận từ Phật A di đà để tự tìm mộ của Cụ. Theo lời Tùng kể: “Em đã tính toán nhưng không dám chắc, chỉ xin Cụ một điểm báo. Cụ nói: “Đó là khu công thổ quốc gia, không ai dám phá. Nơi đây có chim và chuột ở, nếu gặp đàn chim bay lên thì đúng”. Tuy nhiên, Tùng chưa kịp đi tìm mộ Cụ thì vào một đêm cậu ta đang học bài thì có một người phụ nữ bước vào và nói: “Còn lâu cháu mới biết được mộ ông ấy, thôi theo ta, ta sẽ chỉ cho”. Lập tức, Tùng đứng dậy theo (đi bằng vong – Tùng giải thích). Trên đường, người phụ nữ này hé lộ cho Tùng biết bà là Nhữ Thị Thục (thân mẫu Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm).

Tùng kể tiếp: “Đi đến khu vực góc tây quán Trung Tân, tại đây, em thấy có một hòm đựng đồ châu báu. Cách quán Trung Tân khoảng 500m theo đường bờ đê lối ra cầu phao Đăng (hiện tại), phía trong đê là một hòm gỗ dày trát một loại nhựa gì đó, trong đựng nhiều thư tịch, đặc biệt có cuốn “Thái ất thần kinh”. Đi khoảng 100m từ vị trí này, phía tay trái đê, tức bờ sông, tại đây theo cụ Trạng nói là Bạch Vân Am (?!)”. Nhưng theo cách mà Tùng nói, trong cái đêm bà Nhữ Thị Thục đưa Tùng đi thì: “Em nhìn rõ gần phần bến có một ngôi nhà (gọi là Am Bạch Vân) nằm gần hai bụi tre nhỏ, dưới hai bụi tre có đặt một tấm bia và một tấm đặt ở Am Bạch Vân. Ngoài ra còn một số cột lim và dăm hòn đá tảng kê chân cột cùng gạch cổ bị chôn vùi”.

Ly kỳ “nhà ngoại cảm” 9X nhìn thấu cõi âm, tìm mộ Trạng Trình – Ảnh 2

Khu di tích quán Trung Tâm mà Tùng nhắc đến trong giấc mơ.

Đi vòng qua cầu Chiến Lược sang bờ đê phần đất Tiên Lãng chừng 3km, theo chỉ dẫn của Tùng: “Khi nào thấy một khoảng cách từ bờ sông bên này sang bên kia chừng 300m, xe có thể gặp sự cố, nhưng quan trọng hơn khi ấy phải có được linh cảm gần đến mộ Cụ, thì sẽ tự nhìn thấy. Đặc biệt, nếu không có chim hoặc chuột chạy ra, bay lên thì không phải”. Vị trí ấy, theo Tùng kể: “Khi vong của em đi, bà Nhữ Thị Thục có chỉ rõ và dặn phải nhớ kỹ, vì tại đây còn có ngôi mộ của một vị Hoàng tử mà Nguyễn Bỉnh Khiêm đã an táng trước khi Cụ qua đời”.

“Dòng sông lúc bấy giờ rộng gần 300m, buổi sáng nước ra, buổi chiều nước vào, 9h sáng nước dữ, 4h chiều nước lành, nước trong có màu vàng nhạt, chiều nước đục màu đỏ. Giữa sông có một bãi bồi nhô lên khỏi mặt nước, trên bãi bồi có một tấm bia. Phần bên sông Tiên Lãng có một tấm bia đặt dưới cây cổ thụ, gần bến cũng có một con kênh nhỏ. Do bồi lở gần 500 năm, phần bên Vĩnh Bảo bị nước khoét sâu, phần Tiên Lãng được bồi. Như vậy, phần mộ của Cụ không di chuyển mà do sông bị khoét vào đất Vĩnh Bảo thành dòng mới…”, Tùng nói như một “siêu nhân”.

Sau khi có câu chuyện trở thành học trò cụ Trạng, ngay lập tức danh tiếng của Tùng “nổi như cồn” khắp vùng. Không những vậy, Tùng còn “bổ sung” cho mình khả năng ngoại cảm và chuyển sang “nghề” gọi hồn, tìm hài cốt liệt sỹ. Những câu chuyện cậu ta kể về khả năng “siêu phàm” của mình, càng khiến chúng tôi quyết tâm tìm hiểu thực hư…

Nói vanh vách về ngày mất, lễ táng cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm

Khi chúng tôi hỏi về ngày mất và về lễ an táng của Trạng Trình, Tùng tường thuật khá chi tiết: Cụ mất ngày 15/11/1585 vào hồi 20h. Ngày đưa Cụ về nơi an nghỉ vào ngày 17 tháng 11 năm 1585. Lễ tang được phát vào hồi 7h35 ngày 16 tháng 11 năm 1585 (?).

Cụ Trạng dặn con cháu đem chọn hai nơi bằng hai quan tài khác nhau, một cái thật và một cái giả. Quan tài thật được đưa vào lúc 1h sáng ngày 16 tháng 11 năm 1585. Số lượng người đưa Cụ về nơi an nghỉ chỉ có 5 người trực tiếp biết và 4 người khác tham gia. Quan tài được đưa xuống thuyền chuyển đi đến địa điểm Cụ chọn để mai táng. Phần quan tài không có xác cụ được đưa vào lúc 9h sáng 17 tháng 11 năm 1585. Xung quanh khu vực chôn có đóng những cọc gỗ và quan tài được đặt ở giữa, đây là quan tài được làm bằng nguyên thân cây cổ thụ.

TRẦN PHƯƠNG – XUÂN LĨNH
Nguồn: DSPL

TAMTHUC

Comment