No icon

ngoai-cam-chet-va-tai-sinh-thuong-toa-thich-nhat-tu

Ngoại cảm, chết và tái sinh – Thượng tọa Thích Nhật Từ

Phật giáo đề cập đến khái niệm thần thông tức những năng lực đặc biệt, mà theo ngôn ngữ ngày nay, một phần trong số đó được hiểu đồng nghĩa với ngoại cảm.

 Ngoại cảm, chết và tái sinh

I. BA LOẠI NGOẠI CẢM

Ngoại cảm là năng lực truyền thông đặc biệt hai chiều giữa người có năng lực này với người âm ở thế giới vô hình. Năng lực truyền thông đó không sử dụng bằng các giác quan của mắt, tai, mũi, lưỡi và thân như con người ở thế giới thông thường. Năng lực ngoại cảm có thể giúp nhà ngoại cảm cảm nhận được tần số tâm thức với các vùng cảm giác, tri giác, tâm tư và nhận thức của vong linh, đặc biệt của người còn sống thông qua phương diện sắc diện, liên hệ đến bệnh tật và tuổi thọ của họ.

thích nhật từ

Nhà ngoại cảm khi phát hiện ra năng lực đặc biệt này, có người cho rằng đó là người nửa âm, nửa dương, nhưng theo đạo Phật đây là con người đóng vai trò rất quan trọng, mang lại niềm hy vọng và hạnh phúc cho hàng ngàn gia đình, vốn có những thao thức muốn biết thân phận của thân bằng quyến thuộc đã chết trong các cuộc chiến, do thiên tai, chết bất đắc kỳ tử hoặc tai nạn gây ra. Công việc của nhà ngoại cảm là bắt nhịp cầu giúp cho sự đoàn tụ, mang hạnh phúc đến cho người sống và kẻ mất, chẳng những mang ý nghĩa về phương diện xã hội, mà nó còn là nghi thức thực tập mang tính chất trị liệu và chuyển hóa rất lớn. Theo quan điểm Phật giáo, có ba loại ngoại cảm khác nhau.

1, Ngoại cảm bẩm sinh xuất hiện từ khi con người có mặt trong bụng mẹ:

Năng lực ngoại cảm của các nhà ngoại cảm bẩm sinh rất cao, và thời gian tồn tại có thể đến cuối đời. Tại Ấn độ, thời của đức Phật có rất nhiều nhà tiên tri (ngày xưa người ta dùng thuật ngữ là nhà tiên tri). Chẳng hạn nhà tiên tri A-tu-đà biết rất rõ về tướng trạng cùng những dự đoán của ông về cuộc đời đức Phật khá chuẩn xác và thành công.

2, Ngoại cảm sau một biến cố:

Sau các biến cố về bệnh lý, liên hệ đến những chấn động mạnh, tác động tích cực đến vùng hải mã ở vỏ não. Từ đó, năng lực này làm khai thông và mở cửa hết tất cả nguồn tiềm năng vốn có ở từng con người và mỗi chúng sanh. Các nhà khoa học hiện đại cho biết bộ não con người giống như máy siêu vi tính, nó là bộ máy vi tính lượng tử chứa đựng tối thiểu từ 100 cho đến 200 tỷ neutron thần kinh. Mỗi neutron thần kinh có chức năng duy trì, giữ các hạt giống của tri thức, tình cảm, nhận thức và hành động của con người. Nó tạo ra vùng nhớ và nhiều sử dụng khác nhau trong đời sống. Nghiên cứu cho thấy, các nhà khoa học chỉ mới sử dụng được vài phần trăm của khối lượng neutron thần kinh, còn người bình thường như chúng ta thì việc khai thác, sử dụng lại còn ít hơn nữa.

Nhà ngoại cảm sau một biến cố chấn động đến lớp vỏ não khiến nó bị thay hình đổi dạng. Dù cũng là con người như bao con người khác, nhưng năng lực nhìn thẩm thấu, nghe thẩm thấu và truyền thông thẩm thấu của họ đặc biệt cao hơn chúng ta. Đến độ trong khoảng thời gian vài năm đầu như trường hợp nhà ngoại cảm Bích Hằng, cô không tin mình có năng lực đó. Năng lực ngoại cảm do biến cố thập tử nhất sinh có thể tồn tại với con người trong 10 năm, 20 năm, 30 năm hoặc có thể suốt đời, tùy theo đời sống tâm linh và sinh hoạt tinh thần của nhà ngoại cảm như thế nào. Nếu nhà ngoại cảm đó có đời sống tinh thần vững chãi như người xuất gia thì năng lực ngoại cảm này có thể sống mãi với họ suốt cả cuộc đời, và theo truyền thống tái sinh của đạo Phật, ở đời sau họ lại tiếp tục duy trì được nguồn năng lực ngoại cảm, cho nên họ có khả năng đặc biệt hơn những người khác.

3, Ngoại cảm do đào tạo và huấn luyện:

Nhà ngoại cảm được đào tạo và huấn luyện có thể học hỏi được một số năng lực truyền thông, nhưng giá trị của năng lực này có một giới hạn nhất định. Họ có thể cảm nhận được sắc thái con người và dự đoán được người này đang bị vương vào chứng bệnh nào, chết theo cách thế ra sao ở mức độ đơn giản, nhưng không thể có được năng lực đặc biệt như nhà ngoại cảm bẩm sinh hoặc nhà ngoại cảm sau biến cố nhất sanh thập tử như vừa nêu.

II. THẦN THÔNG VÀ NGOẠI CẢM

Phật giáo đề cập đến khái niệm thần thông tức những năng lực đặc biệt, mà theo ngôn ngữ ngày nay, một phần trong số đó được hiểu đồng nghĩa với ngoại cảm. Sáu phép thần thông được kinh điển đạo Phật mô tả bao gồm:

1, Thiên nhãn thông: Tức khả năng nhìn thẩm thấu của con mắt mà không lệ thuộc vào con mắt giác quan thông thường.
2, Thiên nhĩ thông: Tức năng lực nghe các âm thanh đặc biệt không bị giới hạn bởi thời gian hay không gian vật lý.
3, Thần túc thông: Năng lực khinh thân độn thổ, thần biến bằng nhiều hình dạng ở nơi này và nơi khác.
4, Túc mạng thông: Tức năng lực nắm bắt được vận mệnh của con người từ đại cương đến chi tiết, diễn ra trong đời quá khứ dựa trên qui luật nhân quả của bản thân và những người khác.
5, Tha tâm thông: Tức năng lực thấu rõ tâm trạng, cảm xúc và nhận thức thầm kín của người khác.
6, Lậu tận thông: Tức năng lực và tuệ giác nhìn thấy tất cả khổ đau được nhổ tận gốc rễ khỏi cảm xúc, nhận thức, thân và tâm, đời sống và sinh hoạt.

So với sáu thần thông vừa nêu, ngoại cảm liên hệ đến hai năng lực nhìn thẩm thấu (thấu thị) và nghe thẩm thấu (thấu thính). Cái nhìn thẩm thấu giúp nhà ngoại cảm có thể nhìn xuyên dưới lòng đất, đoán biết, hoặc chỉ vẽ sơ đồ ở một nơi rất xa đến hàng trăm cây số mà họ chưa từng đặt chân tới bao giờ. Thế nhưng các mô tả đó lại chính xác đến từng chi tiết, sự kiện, dữ liệu diễn ra trong quá khứ và có mặt ở hiện tại. Năng lực thẩm thấu đặc biệt này được các nhà khoa học gọi là con mắt thứ ba, và kinh điển đạo Phật gọi đó là Thiên nhãn thông.

Khả năng nghe của con người có thể bắt được các tần sóng âm phù hợp với ngôn ngữ, phong tục tập quán nơi mình sinh ra. Nguồn sóng âm khác với ngôn ngữ con người mà ta có thể tiếp nhận ở mức độ đơn giản. Chẳng hạn loại sóng âm của các loài động vật mà thông qua đó biết được trạng thái cảm xúc vui, buồn, cùng những thông tin truyền thông của chúng ở mức độ tương đối. Nhà ngoại cảm có khả năng nghe rất rõ những cuộc truyền thông và đối thoại trực tiếp với người cõi âm, do bởi họ có một phần của Thiên nhĩ thông. Họ nắm bắt được tần số tâm thức của vong hồn đã qua đời, từ đó tạo ra điểm hội tụ mà khoa học gọi đó là trường sinh học. Mức độ tập trung cao độ bao gồm các yếu tố về tâm lý, sức khỏe, thời tiết và lòng thành của thân bằng quyến thuộc còn sống hỗ trợ cho trường sinh học hội tụ rõ rệt hay mờ ảo. Năng lực tâp trung, đời sống tinh thần và tâm linh của nhà ngoại cảm càng cao thì điểm hội tụ trường sinh học càng lớn, giúp cho độ phán đoán về phương vị cũng như nơi ở của hài cốt hoặc hương linh được chính xác, và không thể nhầm lẫn trong tình huống có sự trùng tên với nhau giữa các hương linh.

Năng lực Tha tâm thông xuất hiện ở một số nhà ngoại cảm đặc sắc và nổi tiếng trên thế giới. Bởi vì một số nhà ngoại cảm có năng lực nhìn thẩm thấu, nhưng lại không có năng lực nghe thẩm thấu. Do đó, trong những cuộc tìm kiếm hài cốt để xác định vong linh đã siêu sinh hay chưa, hoặc đang có mặt ở phương vị nào trên mặt đất thì một số nhà ngoại cảm đạt thành công, do bởi họ có năng lực nhìn thẩm thấu. Ngược lại, một số nhà ngoại cảm lại không có năng lực nghe thẩm thấu và truyền thông thẩm thấu, chính vì vậy mà cơ hội truyền thông giữa người sống và kẻ mất gặp một số trở ngại. Đối với nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng, cô có cả hai năng lực này nên mức độ chuẩn xác và thành công lên đến trên 10.000 tình huống.

Bản chất của Thiên nhãn thông giống như sự hội tụ thấu kính có chức năng truyền đạt thông tin, và nhà ngoại cảm có thể nắm bắt sự kiện như một máy chụp ảnh, máy quay phim ghi nhận lại các dữ liệu một cách chuẩn xác. Người bị khiếm thị, nếu biết tập trung năng lực và có sự hướng dẫn cũng có thể phát ra năng lực ngoại cảm, và mức độ thành công trong sự tập luyện này có thể cao hơn người có nhãn quan bình thường như chúng ta.

Năng lực thấu thị. Đối với năng lực nhìn thẩm thấu, nhà ngoại cảm có thể nhìn thấy rõ hình thù, vóc dáng cho dù thân thể vật lý, hình hài của người quá cố đã qua đời cách đây vài mươi hoặc vài trăm năm, xương đã tan rã không còn gì để nhận dạng; nhưng năng lực thẩm thấu này với sự tập trung cao độ giúp họ hình dung được từ trường năng lượng sinh học của vong linh, và thông qua đó xác định được phương vị của vong linh hiện đang nằm chỗ nào. Nếu có sự phối hợp đặc biệt giữa nhà ngoại cảm có năng lực nhìn thẩm thấu và nhà ngoại cảm có năng lực nghe thẩm thấu thì kết quả của những cuộc tìm kiếm có thể cao gấp nhiều lần so với những nỗ lực rời rạc, đơn lẻ.

Năng lực thấu thính. Đối với năng lực nghe thẩm thấu, nhà ngoại cảm có thể nghe được các tần sóng âm cao thấp khác nhau từ thượng giới, trung giới, hạ giới, tích tụ và giải mã chúng một cách chuẩn xác về nội dung cũng như những gì mà thế giới cõi âm đang gởi gắm cho thân bằng quyến thuộc đang còn sống. Trường sinh học của con người sau khi qua đời không mất hẳn, nó như bản chất của thế giới vật lý được bảo tồn. Nguồn sinh học về sóng âm này lan tỏa ra, và nhà ngoại cảm khi thiết lập được tần sóng âm tương thích với các vong hồn, họ có thể đọc được tâm trạng của các vong hồn này. Khi ấy, các loại vong hồn sẽ gởi gắm thông tin và lời nhắn nhủ đến thân bằng quyến thuộc. Vì đặt trên nền tảng truyền thông âm thanh, nên một số nhà ngoại cảm khó xác định và hỗ trợ được các vong hồn chết trong bụng mẹ, tức là thai nhi chưa có tiếng nói, chưa chào đời, hoặc vừa chào đời nhưng vì sự cố nào đó đã phải qua đời một cách tức tưởi thì luồng sóng âm tạo ra trường sinh học đó không rõ rệt, vì vậy khó có thể giúp họ được siêu sinh thoát hóa theo tinh thần Phật dạy.

Nhà ngoại cảm Bích Hằng cho biết, cô đã sử dụng năng lực vừa đối thoại vừa vấn thoại, dựa vào cuộc đối thoại với một vong hồn mà cô có chủ đích tìm kiếm. Thỉnh thoảng, cô cũng tình cờ gặp các vong hồn khác không nằm trong đối tượng tìm kiếm của cô. Những cuộc đối thoại được diễn ra, nhờ cô có tài ăn nói khéo léo, tạo thiện cảm đặc biệt với thế giới cõi âm, nên khi tiếp xúc với cô, một số vong hồn ban đầu còn trêu trọc, giỡn đùa, hoặc không nói thật tình, nhưng cuối cùng họ đành phải thành thật vì thấy được tấm lòng từ bi, tình thương đặc biệt của cô nhằm giúp cho thế giới cõi âm được siêu thoát, nên họ hỗ trợ rất đắc lực.

III. CÕI ÂM VÀ TRƯỜNG SINH HỌC CỦA HƯƠNG LINH

Chất liệu hội tụ của trường sinh học là cơ sở dữ liệu quan trọng để nhà ngoại cảm giải mã và phán đoán chính xác đối tượng mà họ đang tìm kiếm. Cho dù hương hồn đã qua đời lúc 3 tháng tuổi, 30 năm tuổi hoặc 100 năm tuổi thì điểm hội tụ của trường sinh học tỏa ra cũng giống hệt cách thức trước khi họ qua đời. Ví dụ một bé gái chết lúc 3 tháng tuổi thì nhà ngoại cảm sẽ cảm nhận được hình thù của vong hồn đó dựa theo cấu hình vật lý trước khi chết với hình thức là 3 tháng tuổi. Một người 30 tuổi, dù đã chết cách đây 100 năm thì nhà ngoại cảm vẫn cảm nhận được người này dưới hình thù vóc dáng là 30 tuổi. Có thể nói, yếu tố trường sinh học hỗ trợ đặc biệt giúp cho nhà ngoại cảm phán đoán thành công.

Thế giới cõi âm là thế giới xã hội giống như con người trên dương thế, tuy nó không có cấu trúc trật tự, không có ranh giới giữa các quốc gia, và người âm xuất thân từ nhiều quốc tịch khác nhau, nhưng khi qua đời họ trở thành những người mà đời sống chỉ liên hệ đến dòng cảm xúc, tri giác, tâm tư và nhận thức. Thế giới vật lý đối với họ chỉ là ảo giác được hình thành bởi những gì quan trọng và ấn tượng nhất trong cuộc đời, và khi qua đời những ấn tượng đó vẫn còn lưu giữ lại tạo ra trường sinh học. Nhờ vào sự hội tụ của trường sinh học mà nhà ngoại cảm có thể tiếp nhận và thấy được vong hồn với vóc dáng, hình thù giống hệt như lúc còn sống.

Tại sao đôi lúc có những hiện tượng thân bằng quyến thuộc chưa siêu thoát trở về nhà yêu cầu người thân hãy cúng giấy tiền vàng mã hay các phẩm vật khác? Họ có thể về báo mộng rằng tôi đang khát sữa, nếu các vong hồn đó là bé trai hoặc bé gái đang sống trong sự chăm sóc, nuôi nấng bằng sữa mẹ. Hoặc những cụ già có thể về báo mộng với con cháu mình rằng cha mẹ đang thiếu quần áo, nên cúng đốt vàng mã gởi xuống cho họ. Theo Phật giáo, sở dĩ có hiện tượng trên là do khi còn sống các vong hồn này từng có những quan niệm sai lầm về thế giới cõi âm. Họ nghĩ rằng cõi âm là cõi tồn tại lâu dài và vĩnh hằng cần phải đầu tư tất cả, còn cõi dương với thời gian tồn tại chỉ vài mươi năm là hết, bởi thế dân gian Trung Hoa thường có câu:”Sanh ký, tử quy” tức là “sống gởi, thác về”.

Kim tự tháp nguy nga tráng lệ của các vị Faraon (vua Ai Cập) cũng phát xuất từ quan niệm sai lầm về hai cảnh giới sự sống này. Một bên vĩnh hằng và một bên tạm thời, vì vậy mà họ đầu tư rất nhiều cho thế giới của cái chết; thậm chí họ chôn theo cả người thân, người thương, gia tài, của cải, châu báu xuống dưới cõi âm để tiếp tục hưởng thụ đời sống đó. Người Trung Hoa khi tiếp thu lại nền văn hóa này đã có những cải biên tích cực. Thay vì chôn người và của cải châu báu thật thì họ cải biên lại bằng nhiều hình thù khác nhau của các loại giấy vàng mã, mà giá trị gởi gắm tình thương cho mối quan hệ giữa người quá cố và người còn sống vẫn được duy trì.

Trong nền văn hóa châu Á, chăm sóc cho người quá cố là đồng nghĩa mang lại hạnh phúc cho những người đang sống ở dương thế. Mối quan hệ tình thân, tình thương giữa người sống và kẻ chết không kết thúc khi người đó nhắm mắt lìa đời, mà tiếp tục đến vài mươi năm hoặc vài kiếp sau nữa. Chính vì vậy, ảo giác sai lầm khi còn sống ảnh hưởng khá trừu tượng đối với thế giới cõi âm. Người không tin có đời sau cho rằng sau khi chết con người không còn gì, hình hài sắc thân trở về với cát bụi, thần thức với bốn loại hình gồm cảm giác, tri giác, tâm tư và nhận thức sẽ không còn điều kiện để tồn tại và phát triển. Vì vậy, sau khi qua đời, họ không chuẩn bị cho sự tái sinh, bởi quan niệm rằng chết là dấu chấm cuối cùng trong đời sống của mình.

Có rất nhiều người suốt cả cuộc đời làm việc thiện, phước báu, sống cho quê hương xã tắc, làm những việc đem lại lợi ích cho cộng đồng và xã hội, ấy thế mà họ không ra đi được. Do vì không tin tưởng rằng, có một thế giới tiếp tục trong tiến trình tái sinh tùy theo nghiệp lực. Các ách tắc, trở ngại trong tiến trình tái sinh đều liên hệ đến quan điểm khi còn sống. Bởi phần lớn con người khi chết đi đều chưa chấp nhận cái chết diễn ra với mình là một sự thật, tiếc nuối đó đã mang lại tâm lý sợ hãi. Chính vì thế, chúng ta thường nghe người xưa hoặc nhà ngoại cảm kể lại, tiếp xúc với hương linh thường là nỗi khổ đau cùng cực với những giọt nước mắt sầu thương, họ mong mỏi cuộc sống này có thể kéo dài thêm một vài năm nữa, ấy thế mà cái chết đã đến với họ như một sự thật.

Phủ nhận cái chết diễn ra như một sự thật, các hương hồn trở thành vất vưởng bơ vơ, nay đây mai đó, trở thành những vong hồn”hồn đơn phách chiếc”. Do đó mà công tác tìm kiếm, xác định thông qua sự đối thoại, vấn thoại, cùng những nỗ lực của người còn sống giúp hương linh được siêu sinh gặp khá nhiều khó khăn. Bởi khi còn sống tâm lý của người đó như thế nào thì khi qua đời trạng thái tâm lý đó sẽ ám ảnh và có mặt với hương linh như thế đó, tính khí lúc còn sống ra sao thì khi chết hương linh cũng sẽ mang tính khí đó. Ví dụ lúc còn sống, chàng thanh niên là một người hài hước thì khi qua đời, tiếp xúc với họ cũng sẽ thấy tính cách khôi hài này chẳng khác gì so với lúc còn sống. Hoặc nếu là người cau có, khó chịu, dễ hờn dỗi, tự ái, mặc cảm, sĩ diện thì khi qua đời các trạng thái tâm lý đó vẫn giữ nguyên như vậy. Nếu không có sự trợ niệm đắc lực của những nhà tu hành và thân bằng quyến thuộc thì cấu trúc tâm lý đó vẫn theo đuổi, khiến họ khó có thể gặp được nhà ngoại cảm; mặc dù nhà ngoại cảm đang nỗ lực tìm kiếm, giúp đỡ họ.

Nhà ngoại cảm Bích Hằng cho biết, 40% tình huống bị thất bại, không thành công ngoài các yếu tố vừa nêu còn có yếu tố bản thân của hương linh đó không sẵn sàng chấp nhận sự hỗ trợ, trợ niệm. Họ đã lẩn tránh, vì vậy mà trường sinh học trở nên mờ ảo, khi tồn tại chỗ này, khi hiện hữu chỗ khác, khó có thể nhận dạng được phương vị của họ đang nằm vị trí nào. Có những tình huống vong hồn thì còn nhưng xác và cốt lại được đưa đi nơi khác. Bản chất của hương linh thường bám víu vào nơi cái chết diễn ra với họ, ví dụ như ở chiến trường, họ sẽ giữ lại và xem nơi đó như là cảnh giới sống của họ. Khi cốt được chôn dưới lòng đất, một số hương linh không nhận dạng ra nó đang nằm ở đâu, nhưng đại đa số đều có thể nhận dạng được. Hoặc khi tro cốt được đưa về một nơi nào đó để thờ tự, nhưng do bản chất quyến luyến, không chấp nhận cái chết, khiến họ phải chầu trực mãi ngay tại địa điểm diễn ra cái chết. Chính vì thế, những cuộc tìm kiếm thông qua năng lực của nhà ngoại cảm, đôi lúc thành công khá cao, nhưng đôi lúc cũng bị thất bại không như như ý muốn.

Quan điểm của Phật giáo giữa sự sống và cái chết chỉ là một dấu chấm trên một đường thẳng dài được kết nối bằng hàng triệu, hàng nghìn các dấu chấm khác. Mỗi một đời sống, sanh và tử của mấy mươi năm chỉ là một dấu chấm, đừng quan niệm chết là hết, hoặc chết là dấu chấm cuối cùng. Nhờ niềm tin như thế nên sau khi qua đời, chúng ta hướng tâm về đời sống tùy theo nghiệp dẫn dắt mình đi, từ bỏ được quan niệm tiếc nuối, sợ hãi, chấp trước, nhất là tình cảm giữa vợ chồng, cha mẹ, con cái, tình thân hữu, nghĩa tri kỷ, tình đồng bào v.v… Tất cả sợi dây tình cảm quyến luyến đó đối với thế giới cõi âm đều là sợi dây xích.

Thể hiện tình cảm thương yêu nhiều chừng nào thì sự trói buộc trong tiến trình sinh tử sẽ diễn ra nhiều chừng đó. Mỗi giọt nước mắt, dòng cảm xúc sầu khổ, đau thương, hoặc mỗi sự quyến luyến, bịn rịn của những người còn sống đều có thể khiến cho người quá cố động lòng trắc ẩn, nhất là người có tinh thần trách nhiệm, là trụ cột kinh tế của gia đình sẽ không an tâm mà ra đi vĩnh viễn. Qui luật tâm lý lúc còn sống ảnh hưởng nhiều đối với hương linh sau khi qua đời. Do đó, để có tiến trình tái sinh tốt thì thân bằng quyến thuộc cần hỗ trợ cho hương linh một cách đắc lực.

Hỗ trợ quan trọng liên hệ đến các qui luật mà bản chất của nó giúp hương linh tháo gỡ được sự chấp trước về cái tôi. Theo quan điểm Phật giáo, cái tôi được hình thành bởi năm tổ hợp: hình hài, cảm xúc, tri giác, tâm tư và nhận thức. Khi một hương linh qua đời, năm tổ hợp đó chỉ còn hai đó là hình hài và ý thức. Hình hài và ý thức bắt đầu bị tách đi theo cách thức ly tâm vĩnh viễn, trong khi bản chất tâm thức của hương linh lại cố níu kéo vào hình hài, vóc dáng, và càng níu kéo nhiều chừng nào thì tiến trình tồn tại với cảnh giới cõi âm diễn ra tỉ lệ thuận nhiều chừng đó. Vì vậy, tại sao có tình huống người thì qua đời chỉ vài phút sau là đã đi tái sanh, nhưng cũng có người phải mất đến mấy mươi năm, hoặc thậm chí là vài thế kỷ vẫn chưa thể siêu sinh.

Do bởi hương linh còn tiếc nuối về cảm xúc, tình yêu, gia tài, sự nghiệp, công trình, dự án, tinh thần trách nhiệm nên không thể an tâm mà đi. Trong các cuộc chiến, dù đứng từ bất kỳ góc độ nào, ý thức hệ chính trị nào thì các hương linh sau khi qua đời đều là nạn nhân của sự chấp trước trong cảm xúc, tình cảm hoặc bất kỳ điều gì đối với người còn sống. Sự chấp trước này sẽ làm cho thế giới cõi âm bị kéo dài, khổ đau ngày càng lớn. Vì lẽ đó, trong kinh điển đức Phật thường gọi thế giới cõi âm là ngạ quỷ. Ngạ là đói khát, đói về vật thực, cảm xúc, tình thương, cuộc sống và tất cả những gì họ từng có trong cuộc đời, trong suốt chiều dài của tiến trình sanh và tử.

Sự đói khát về mọi phương diện khiến họ trở thành các cô hồn vất vưởng trong thương đau. Trong các ngôi chùa của Phật giáo Bắc tông, cứ 4 giờ chiều mỗi ngày thì lễ cúng cô hồn thường diễn ra trong nghi thức với sự quán tưởng và hành trì long trọng. Sự quán tưởng và hành trì giúp cho người hành trì thiết lập được tần số tâm thức, và tần số tâm thức này có thể giao tiếp được với trường sinh học của hương linh. Khi hương linh tiếp nhận được tần số tương đương sẽ nghe được lời kinh tiếng kệ, cảm nhận được tấm lòng của người còn sống và đặc biệt là những vị xuất gia trong các ngôi chùa, nương theo Phật pháp nhiệm màu, rũ bỏ sự chấp trước về phương diện cảm xúc, từ đó mới có thể nhẹ nhàng ra đi.

Từ hàng ngàn năm qua, trong các ngôi chùa Phật giáo Bắc tông có nghi thức trai đàn chẩn tế mang ý nghĩa trị liệu và chuyển hóa rất lớn. Lễ trai đàn thường được tổ chức trong khuôn viên ngôi chùa, nơi mà vùng từ trường của lòng từ bi và giá trị trị liệu luôn tỏa ra xung quanh, giúp các hương linh hội tụ về. Trong cuộc chiến, các vong hồn có thể là kẻ thù của nhau lúc còn sống nhưng nhờ ảnh hưởng của vùng từ trường tâm linh và lòng từ bi mà họ trở thành người thân, giải tỏa được bế tắc và thù hận lẫn nhau trong cuộc đời. Nhờ đó, cơ hội giải phóng kiếp cô hồn, ngạ quỷ dưới cõi âm cũng dễ dàng thực hiện.

Việt Nam với diện tích 320.000 km, có trên ba triệu người đã chết trong chiến tranh, trong số đó có khoảng một triệu lính miền Bắc mà hiện vẫn còn một nửa chưa tìm được hài cốt, nếu làm một bài toán thì cứ trung bình một mét vuông có đến mười hài cốt. Các nhà ngoại cảm dù số lượng đã lên đến trên 100 vị và được xem là số lượng lớn nhất thế giới, nhưng vẫn không thể giúp hết cho các hương hồn có cơ hội đoàn tụ với gia đình. Ngoài ra, trên hành tinh này vẫn còn hàng triệu triệu sinh linh khác đã nằm xuống từng ngày, từng giờ, từng giây và từng phút. Nỗ lực của các nhà ngoại cảm rất cần thiết, nếu có sự phối hợp giữa nhà ngoại cảm và nhà tâm linh Phật giáo; giúp hương linh được siêu sinh thoát hóa là đồng nghĩa với việc mang an vui và hạnh phúc cho cõi dương, nhất là thân bằng quyến thuộc của người đang còn sống.

IV. CHẾT KHÔNG PHẢI LÀ HẾT

Các tôn giáo như Do Thái, Thiên Chúa, Tin Lành, Hồi giáo, Ấn Độ giáo, Nho giáo v.v… quan niệm rằng con người có mặt là do Thượng đế ban tặng sự sống, mượn bào thai của người mẹ để hình thành. Các triết gia Hi Lạp cổ đại quan niệm rằng con người đến từ đất, nước, gió hoặc lửa. Chủ nghĩa duy vật hiện đại quan niệm con người đến từ vật chất. Các quan niệm về nguồn gốc có mặt của con người dẫn đến việc thành lập những học thuyết lý giải về sự ra đi và nơi chốn sinh về của con người, hoàn toàn khác nhau.

Các nhà duy vật cho rằng sau khi chết con người sẽ trở về với nguyên lý vật chất. Đời sống con người chỉ có một kiếp sống duy nhất ở hiện tại. Sinh ra từ vật chất, phát triển ý thức, sống và làm việc trong cuộc đời; đến lúc già, bệnh và chết là dấu chấm cuối cùng, sau cái chết sẽ không còn gì nữa. Quan điểm đó được đạo Phật cho là cái nhìn giới hạn (đoạn kiến).

Theo Phật giáo, đối với thế giới sinh học gồm con người và các loài động vật thì cái chết không phải là dấu chấm cuối cùng. Cái chết giống như một con đường thẳng được nối kết bằng nhiều dấu chấm khác nhau. Chết ở nơi này là để tiếp nối sự sống ở nơi khác. Các nhà tôn giáo học hữu thần cho rằng con người được tạo ra bởi Thượng Đế và khi chết chỉ có hai cảnh giới tái sinh, hoặc lên Thiên đường để hưởng nhan đức chúa đời đời nếu tin Chúa. Trái lại, kẻ nào dám đặt vấn đề, không tin Chúa được xem là con chiên ngoài đàng, sau khi chết bị đày xuống hoả ngục và thiêu rụi kiếp kiếp. Quan niệm này Phật giáo cũng gọi là đoạn kiến, vì không phản ánh được bản chất sự sống không có điểm bắt đầu và không có điểm kết thúc.

Hậu quả của cái nhìn đoạn kiến sau khi con người chết là hết sẽ dẫn đến một đời sống buông lung và thiếu trách nhiệm đạo đức. Bởi nếu người thiện và kẻ ác đều có kết cục giống nhau thì cần chi phải làm lành lánh dữ. Có nhiều người, dù không tin có đời sau nhưng do sự giáo dục, tiếp xúc với người hiền lương, nên vẫn là con người tốt trong quãng thời gian nhất định. Đến khi gặp nhiều cạm bẫy, đánh mất sự làm chủ bản thân, người không tin kiếp sau có thể trở thành kẻ bị lún sâu trong vũng lầy nghiệp xấu và tội ác.

Quan điểm của các nhà duy vật Carvaka của Ấn Độ cổ xưa cho rằng sau khi con người chết, thân thể tâm vật lý sẽ trở về với cát bụi. Họ quan niệm rằng ý thức chỉ là một phần của vật chất. Các nhà duy vật biện chứng thời hiện đại, dù tiến bộ hơn nhiều những vẫn cho rằng sau khi chết, không có sự tái sinh.

Đức Phật khẳng định rằng quan niệm chết là hết, không có sự tiếp tục kiếp sau là một quan niệm sai lầm. Học thuyết “bất sanh, bất diệt” trong Bát Nhã Tâm Kinh cho rằng nếu mọi sự vật, hiện tượng không tự nó sanh ra, tức không có nguyên nhân khởi đầu thì nó cũng không có sự kết thúc vĩnh viễn. Sau cái chết, sự sống của con người được chuyển từ hình thái này sang hình thái khác tùy theo nghiệp chung và nghiệp riêng của mỗi người.

Nếu kết cuộc của sự sống và cái chết đều giống nhau, chẳng ai muốn làm lành lánh dữ hay nỗ lực dấn thân phục vụ xã hội để làm gì. Niềm tin có một kiếp sau sẽ giúp con người nghĩ đến tính trách nhiệm đạo đức trong mỗi hành động, lời nói, và việc làm ở hiện tại và tương lai. “Bất sanh bất diệt” vẽ ra tiến trình sống chết của các chúng sinh, nhằm khẳng định rằng chết chỉ là một phần của sự sống. Sự sống nào cũng dẫn đến cái chết. Sống và chết tương tác, như sóng và nước không thể tách rời. Quan niệm sống chết của đạo Phật ngày nay được chứng minh phù hợp với vật lý học hiện đại.

V. KHÔNG CÓ ÂM PHỦ DƯỚI LÒNG ĐẤT

Đạo Phật khẳng định giữa sống và chết có khoảng trung gian quyết định loại hình và cảnh giới sự sống. Khoảng trung gian đó tồn tại dài hay ngắn tùy thuộc vào thái độ buông xả hay dính mắc của người chết trong giờ khắc cái chết diễn ra. Người Phật tử được huấn luyện chuyển hóa sẽ thấy cái chết là điều rất bình thường, không có gì đáng sợ hãi. Nhờ đó, dòng cảm xúc tiếc nuối về sự sống, người thân thương, gia tài sự nghiệp được chuyển hóa, nên tiến trình tái sinh được “thuận buồm xuôi gió”.

Những ai có thói quen tiếc nuối điều gì thuộc về quá khứ mà không chịu chuyển hóa ngay lúc đang còn sống thì khi chết, dòng cảm xúc tiếc nuối là một ách tắc lớn cho tiến trình tái sinh. Cá tính của người còn sống được lưu truyền trong tái sinh dưới hình thức quán tính hoặc thói quen. Năng lực quán tính sẽ định hướng cá tính, nghề nghiệp, sở trườn và thái độ ứng xử của người đó ở đời sau. Tính cách này hiếm khi thay đổi nếu không có sự hỗ trợ tích cực của giáo dục định hướng.

Quan niệm của Nho giáo về “sanh ký tử quy”, nghĩa là “sống gởi thác về” là một nhận thức sai lầm về cảnh giới sống của người chết là dưới lòng đất, cần được thay đổi. Nếu con người nghĩ rằng sống tạm ở nhờ, gởi gấm thân phàm trên cõi đời trong mấy mươi năm thì khó mà sống có chất lượng về đạo đức, tâm linh, đóng góp và phục vụ cho xã hội. Từ quan niệm cõi dương chỉ tồn tại mấy mươi năm, cõi âm mới là cõi tồn tại vĩnh viễn, giới vua chúa Ai Cập đã cho xây dựng các kim tự tháp hoành tráng bằng mồ hôi, nước mắt và cái chết của người dân vô tội, ngay cả người thân thương nhất của vua cũng bị chôn sống theo, cùng với nhiều vàng ngọc châu báu. Bởi họ nghĩ rằng cảnh giới âm phủ giúp họ tồn tại lâu dài nên đã tạo ra những điều bất nhẫn và bất nhân.

Về quan niệm này, người Trung Hoa có sự cải biên. Thay vì chôn người sống, nhà thật, vàng bạc thì họ làm bằng giấy vàng mả. Trong tình huống này, ý niệm về sự chôn cất vẫn còn, sát sanh bằng tâm vẫn thầm lặng diễn ra. Vẫn còn nhiều người tin vào phong tục sai lầm này, nên khi chết đi họ cứ bám vào ảo giác nghĩ rằng mình đang cần áo quần để mặc, nhà cửa để ở, thực phẩm để ăn. Tồn tại với thân trung ấm, các hương linh có cảm giác đói khát về cảm xúc, nhận thức và hưởng thụ của các giác quan, mà khi còn sống họ đã từng trải qua. Đức Phật khẳng định không có âm phủ nào để trở về, chỉ có những cảnh giới để tái sinh, bao gồm năm cảnh giới chính: ngạ quỷ, súc sinh, A-tu-la, con người, và chư Thiên.

Địa ngục không phải là cảnh giới dưới lòng đất và càng không phải là một loại hình sự sống. Kéo dài sự tồn tại dưới hình thức hồn ma bóng vía của thân trung ấm sẽ làm cho người quá cố chất chồng thêm khổ đau không gián đoạn, và cũng không có bất cứ phương tiện nào để thể hiện niềm vui. Đây là hình ảnh diễn tả bản chất nỗi đau đối với loài ma quỷ chưa được siêu.

VI. CHẾT VÀ TÁI SINH THEO NGHIỆP

Về bản chất tái sinh, ngài Na Tiên tỳ kheo đưa ra một ví dụ sâu sắc về hình ảnh cái cây. Cho dù cây có đứng thẳng cách mấy vẫn có độ nghiêng nhất định. Nếu dùng máy cưa hay dụng cụ cắt một thân cây thì chắc chắn cây sẽ ngã về phía nó đang bị nghiêng. Nếu độ nghiêng của cây khoảng 100 trở lên thì sự ngả sẽ diễn ra trước khi cái cây bị cưa đứt, lớp vỏ bên ngoài sẽ bị gãy đổ tức khắc.

Tương tự, dòng chảy của nghiệp qua nghề nghiệp và những gì được lặp đi lặp lại sẽ trở thành quán tính của hành vi. Chính quán tính nghiệp đẩy con người tái sinh theo một quỹ đạo, mà đôi lúc người chuẩn bị ra đi không có sự lựa chọn. Tất cả người chết phải tái sinh theo sức đẩy của nghiệp. Sức đẩy này tạo ra sự thiên sai vạn biệt của sinh giới với những yếu tố bẩm sinh, cá tính, khuynh hướng, lối sống vốn chịu ảnh hưởng từ cộng nghiệp văn hóa, phong tục tập quán khác nhau. Chẳng phải ngẫu nhiên mà con người có và duy trì được phong tục tập quán khác nhau. Trong tiến trình tái sinh, tất cả thói quen của văn hóa, phong tục tập quán và lối sống được lưu giữ lại dưới dạng thức năng lực nghiệp. Năng lực nghiệp chi phối khuynh hướng sống của con người từ lúc có mặt trong bào thai người mẹ.

Nghiệp cảm tương thích giữa người mới chết và cha mẹ tương lai sẽ tạo ra sự đi về của tái sanh. Ở đây cần có sự tương ứng nghiệp, cùng họ hàng nghiệp, sự tái sinh mới hình thành được, theo đó, người mới được sinh ra sau mười tháng có cùng mẫu số nghiệp với cha mẹ và họ hàng, để cùng chịu một hệ cộng nghiệp, được thể hiện qua gien di truyền, tướng mạo, màu da, bối cảnh gia đình và lối sống.

Trong kinh, đức Phật đưa ra ẩn dụ về cây nến, nếu dùng lửa thắp sáng ngọn nến lên thì từ cái không lửa sẽ trở thành có lửa. Lửa có thể bị chong chênh nếu ta dùng tay lắc, hoặc một cơn gió thổi qua thì ánh sáng đó bị lập lòe, do tác động của sự vận chuyển không khí. Nếu tác động này quá mạnh, lửa có thể bị tắt, và lúc này điều gì xảy ra với ngọn lửa? Đức Phật đã đặt ra câu hỏi đó. Một số vị tỳ kheo trả lời:

– Lửa sẽ đi theo hướng của gió thổi. Nếu gió thổi qua từ phía bên tay trái thì lửa sẽ bị tắt và bay về phía tay trái. Tương tự, lửa có thể bay về hướng đông, tây, nam, bắc.

Đang khi nhiều vị tỳ kheo khác im lặng, đức Phật dạy như sau:

– Việc tìm kiếm và định hướng sự ra đi của lửa là điều không cần thiết. Trong khi ngọn lửa đã bị tắt, việc bàn luận nó đi về hướng nào là một vấn đề không thích hợp.

Ví dụ này được Thế Tôn đưa ra để nói về cái chết, về sự ra đi của những vị xuất gia chân chính có một đời sống tu học vững chãi, đạt được giá trị an lạc ở hiện đời thì sự giả định về tiến trình tái sinh của người đó về hướng A, B, hoặc C là điều không thích hợp. Bởi vì các ngài sẽ ra đi theo nguyện ước, thay vì đối với các chúng sinh, sự ra đi là theo nghiệp. Nói cách khác, có hai sự đi của cái chết. Tái sinh theo nghiệp dẫn và tái sinh theo phát nguyện.

Trong kinh Đại Bát Niết Bàn, đức Phật đã có câu trả lời làm thỏa mãn những người tò mò về sự ra đi của người đã giác ngộ. Phật đưa ra hình ảnh ẩn dụ về cái chết và tái sinh của các bậc chứng đạo cũng tương tự như vầng mặt trờ. Cũng giống như sự xoay chiếu của mặt trời 12 tiếng vào ban ngày vừa kết thúc thì bóng tối cũng bắt đầu xuất hiện. Lúc đó, không có nghĩa là mặt trời bị mất đi, nó vẫn tiếp tục rọi sáng ở nửa bên kia trái đất, nghĩa là mặt trời vẫn tiếp tục tồn tại vào ban đêm ở cảnh giới mà ta không thấy được. Điều đó chứng tỏ cái chết và tái sinh của các bậc chứng đạo đi theo nguyện ước của các ngài, miễn là nơi nào có nhân duyên, và thông qua nhân duyên đó, sự lợi lạc, an vui và hạnh phúc của chúng sanh được thiết lập.

VII. TÂM LÝ TRƯỚC CÁI CHẾT

Tâm muốn về chỗ nào, nguồn năng lượng tái sinh đẩy ta về chỗ đó. Những đột biến tâm lý vào giờ phút cuối cùng trước khi chết có thể diễn ra theo chiều hướng tốt hoặc xấu. Có người suốt đời làm điều xấu, nhưng những năm tháng cuối đời được hướng dẫn điều hiền lương, đạo đức, nên họ hồi đầu, ăn năn, sám hối, làm lành, ăn chay, tu phước thì cận tử nghiệp này mở ra tiến trình tái sinh tốt đẹp. Còn người chưa chuyển hoá được nội tâm, sự thanh tịnh chưa trọn vẹn thì khi đối diện cái chết, nỗi sợ hãi, sự tiếc nuối v.v… có thể làm sự tái sinh xấu đi.

Thái độ bình thản đối với sự sống và cái chết, không bận lòng bởi các cảnh ngộ sẽ giúp người sắp chết có cái chết an lành. Chết là điều mà sớm hay muộn ai cũng phải một lần trải qua. Vấn đề sống thọ hay chết yểu không quan trọng. Điều quan trọng là sống như thế nào, tức chất liệu và chất lượng đời sống ra sao mới là điều đáng quan tâm. Nếu suốt quá trình sống ta làm lành lánh dữ, an vui, hạnh phúc thì nghiệp này sẽ tạo ra tiến trình cận tử nghiệp có cùng chiều hướng tốt, lúc đó tâm được an và ra đi nhẹ nhàng. Đó là điều phúc cho người quá cố lẫn thân bằng quyến thuộc.

Theo tâm lý học đạo Phật, luyến tiếc vào các kỷ niệm vật sẽ là cản lực lớn cho tiến trình tái sanh. Hương linh sẽ có cơ hội bám víu vào thi thể, kỷ niệm vật, nơi có kỷ niệm hạnh phúc. Trong nền văn hóa phương Tây, người ta có khuynh hướng trang điểm cho người chết trước khi tẩm liệm. Người làm nghề trang điểm sẽ đánh phấn, tô son cho người chết, nhằm làm cho người chết nằm yên nghỉ trong tư thế ngủ an lành. Nhiều người cứ nghĩ rằng làm như thế là thương tưởng, quý trọng người ra đi, mà trên thực tế tình huống này sẽ làm cho hương linh dễ bị chấp trước và dính mắc nhiều hơn. Bởi lúc còn sống mình không đẹp mà khi chết mình lại đẹp như vậy, khiến hương linh có tâm trạng tiếc nuối, muốn bám víu vào hình hài, thân thể đó không muốn ra đi. Do đó, một số lương linh có thể tiếp tục tồn tại dưới hình thức khổ đau của ngạ quỷ.

Khi thái nuối tiếc xuất hiện, hương linh thường bám víu vào bất kỳ kỷ vật nào, bao gồm hài cốt, mộ huyệt, di ảnh, mồ mả, đền thờ họ tộc, giọng nói được ghi âm và các video. Chấp vào các di vật như những bản sao về đời sống quá khứ của hương linh sẽ làm hương linh chấp dính vào, nên bị trì hoãn trong tái sinh. Trong kinh, đức Phật nêu ra các tình huống tiếc nuối:

– Gia tài, sự nghiệp khiến hương linh nuối tiếc, khó có thể buông.

– Tình yêu giữa vợ và chồng (trường hợp này nguy hiểm nhất), giữa cặp tình nhân; tình thương da diếc giữa cha mẹ và con cái, anh chị em.

– Các dự án, kế hoạch chưa làm xong nên họ không sẵn sàng chấp nhận cái chết. Sự tức tối trong tình huống này sẽ khiến hương linh rơi vào trạng thái ngạ quỷ.

Nói chung, bám vào bất kỳ cái gì trên đời này trong giới phút chết có thể làm cho sự ra đi của hương linh gặp trục trặc, kẹt lại một thời gian trong cảnh giới thân trung ấm, vốn là một điều bất hạnh cho người mất.

VIII. LỰA CHỌN CÕI ĐI VỀ

Mấu chốt quan trọng là làm chủ tâm thức trong lúc sống thì khi vô thường, tử biệt đến, người ra đi giữ được trạng thái nhất tâm bất loạn, nhẹ nhàng vẫy tay chào với cuộc đời, tiếp tục tái sinh theo nghiệp. Người chết phải tiếp tục tái sinh ở những gia đình tương thích về nghiệp, nhằm tiếp tục sự sống dở dang. Cõi đi về của con người là tái sinh theo nghiệp lực hoặc tái sinh theo phát nguyện.

Trong bản đồ 10 pháp giới, có 6 pháp giới thuộc cõi phàm, 4 pháp giới thuộc cõi thánh. Bốn cõi Thánh gồm Phật, Bồ-tát, A-la-hán và Thanh văn (Độc giác hoặc Duyên giác). Sáu cõi phàm gồm như sau. Thứ nhất là chư Thiên, nghĩa là con người ngoài hành tinh có phước báu, tuổi thọ, hình thù, sức khỏe, và sự bình an cao hơn con người ở cõi Ta bà này. Thứ hai là nhân, nghĩa là con người chúng ta, sống trong kiếp người ở hành tinh cõi Ta bà này được xem là trung bình về phước và nghiệp.

Thứ ba là A-tu-la, được gọi là các vị thần. Ở Việt Nam, A-tu-la được tôn thờ ở Đình, Bà được tôn thờ ở Miếu. Văn hóa Đình ở miền Bắc gắn liền với chùa, Đình thường được xây dựng cạnh chùa. Đình thờ những vị quan tướng có công với quê hương xã tắc, còn được gọi là Thành Hoàng của địa phương. Đây là nghệ thuật nhớ ơn và ghi nhận công đức của những người có công đóng góp cho quê hương xã tắc.

Thứ tư là súc sinh, những ai lúc còn sống đặt nặng sự hưởng thụ dục lạc đến độ sa đọa, tâm độc ác, thú tính, hoặc tiếc nuối tài sản, sau khi chết nếu hết phước phải sinh vào loài cầm thú, gia súc. Đó là bất hạnh lớn vì loài thú không phát triển ý thức. Khi mang thân phận của loài cầm thú, gia súc thì chẳng biết đến kiếp nào mới có thể đầu thai làm người. Loài thú trong các rạp xiếc có năng lực trực quan mạnh nên nghe, cảm nhận được ngôn ngữ và thực hành theo sự huấn luyện của con người.

Thứ năm là ngạ quỷ, có thể tồn tại nơi mồ mả, bàn hương án, nơi cái chết đã diễn ra, và có mặt giữa ban ngày chứ không chỉ vào ban đêm. Đa số hương linh đều rất cần sự giúp đỡ của những người còn sống. Do đó, ta không nên sợ ma, vì ma không thể hại con người. Ma là đối tượng đáng thương do vì oan ức, tiếc nuối, hận thù, không biết cách tháo gỡ nên họ cứ lẩn quẩn trong cảnh giới sinh tử không siêu thoát được. Ta cần thực tập lòng từ bi hỗ trợ cho hương linh rủ bỏ thân phận khổ đau thông qua các khoá lễ cầu siêu.

Thứ sáu là địa ngục, vốn không có thật, chỉ là cách để răn dạy con người về nhân quả đạo đức. Thực tế, không có địa ngục thật mà chỉ có địa ngục trần gian. Theo kinh Địa Tạng định nghĩa, địa ngục là nỗi đau được tiếp nối không gián đoạn. Kẻ làm ác liên tục, tạo nỗi khổ niềm đau cho người khác là đang thiết lập địa ngục giữa đời thường.

Trên thực tế chỉ có tám cảnh giới, trong đó Thanh văn, Duyên giác và A-la-hán là ba danh xưng khác nhau nhưng chỉ chung một trình độ tâm linh A-la-hán. Bậc Thánh chỉ có ba gồm: Phật, Bồ-tát và A-la-hán. A-la-hán gồm có Thanh văn, Duyên giác, hoặc Độc giác. Bậc phàm gồm năm cảnh giới: nhân, thiên, A-tu-la, ngạ quỷ và súc sinh.

Thượng tọa Thích Nhật Từ

TAMTHUC

Comment