No icon

chu-siddham

Chữ Siddham

Chữ Siddham

Chữ Siddhaṃ, cũng có khi viết là Siddhāṃ, là một trong các thể loại chữ phổ dụng để viết tiếng Phạn Sanskrit. Về mặt tự nghĩa thì “Siddhaṃ” có nghĩa là “thành tựu”. Chữ này có nguồn gốc từ miền Nam Ấn Độ và  niên đại hình thành vào khoảng thế kỷ thứ 5 hoặc 6.

Chữ  Siddhaṃ rất thịnh hành vào đời Đường tại Trung Hoa. Vào thời này có 3 Đại Sư Ấn Độ gồm Vajrabodhi (Kim Cương Trí), Amoghavajra (Bất Không Kim Cương), Śubhakara-siṃha (Thiện Vô Úy) đã qua hoằng pháp tại đây. Các vị này đã dịch kinh Phạn sang Hán đồng thời phổ biến các kinh Mật Giáo được ghi chép bằng thể chữ Siddhaṃ. Tên gọi Siddhaṃ tại Trung Hoa đã được phiên thành nhiều từ Hán khác nhau, âm Hán Việt đọc ra thành Tất Đàn, Tất Đàm, Tứ Đàm, Thất Đán, Thất Đàn… Ngày nay trong sách Đại tạng Hán và Đồ tượng vẫn còn lưu lại các bài chú và chữ chủng tử bằng chữ Siddhaṃ.

Chữ Siddhaṃ sau đó được truyền sang Nhật Bản bắt đầu từ khi Hoằng Pháp Đại Sư Không Hải sang Đại Đường học Mật Giáo với Huệ Quả (ngài Huệ Quả là đệ tử của Bất Không Kim Cương và Huyền Siêu). Không Hải là người đã sáng lập ra trường phái Chân Ngôn Tông hay còn gọi là Đông Mật (với ý nghĩa là trường phái Mật giáo xuất phát từ Đông Tự 東寺 của Nhật Bản). Trường phái này xưa rất thịnh tại Nhật và vẫn còn ẩn tàng cho tới ngày nay.

Chữ Siddhaṃ tại Nhật được Không Hải Đại Sư phát huy rực rỡ. Chữ này tại Nhật gọi là Bon-ji (âm đọc hai chữ “Phạn tự” của người Nhật) và được xem là chữ cao quý, thậm chí sách xưa của Nhật còn nói rằng chữ này chỉ dành cho hàng Đại Bồ Tát. Có nhiều trường phái thư pháp Siddhaṃ tại Nhật, trong đó nổi bật nhất là trường phái thư pháp Từ Vân. Hiện tại bảo tàng Nhật còn lưu giữ 2 phiến lá bối (lá dùng để chép kinh thời xưa) có ghi chữ Siddhaṃ, được cho là do tăng nhân Nhật thỉnh từ Trung Quốc về vào khoảng thế kỷ thứ 5. Trên một phiến lá bối là bài Phật Đỉnh Tôn Thắng Đà La Ni và phiến kia là bài Bát Nhã Tâm Kinh.

SÁCH HƯỚNG DẪN VIẾT CHỮ PHẠN SIDDHAM (.PDF)

Hiệu chỉnh lần cuối 5/2013

Tống Phước Khải

Comment