Chữ viết Lantsa là một trong các thể loại chữ dùng để viết tiếng Phạn Sanskrit. Chữ này có nguồn gốc từ Nepal – Ấn Độ. Âm đọc “Lantsa” là phiên âm từ cách đọc tên loại chữ này của người Tây Tạng. Ngoài ra phiên âm này còn được viết như sau: Lanydza, Lanja, Landzha, Lantsha, Lentsa, Lendza. Tuy nhiên, đây không phải là âm gốc. Âm gốc tại Ấn Độ được đọc là RAÑJANĀ .
Vấn đề âm gốc Rañjanā bị biến thành âm Lantsa và các âm khác cho chúng ta thấy hệ thống phát âm của người Tây Tạng có khác biệt so với Ấn Độ và người Tạng đã đọc trại đi một số âm tiết Ấn Độ (một số nghiên cứu của học giả phương tây về âm Ấn Độ trung đại cho rằng dân xứ Ma Kiệt Đà phát âm R thành “L”). Ngoài ra còn có nhiều trường hợp âm đọc Tây Tạng cũng bị biến đổi khác với âm Phạn gốc. Ví dụ như:
Bhaiṣajye =>Behkadze, Vajra => Benza, Svaha => Soha.
Niên đại hình thành chữ Rañjanā vào khoảng thể kỷ 11, chữ này xưa tại Nepal được sử dụng để ghi chép các kinh bản tiếng Phạn Sanskrit và cũng là chữ dùng để viết tiếng Nēpāl Bhāṣā (một loại tiếng địa phương ở Nepal) và còn được gọi là chữ Kutila. Chữ này sau được truyền sang Tây Tạng, Trung Quốc, Mông Cổ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Việt Nam. Khi được sử dụng trong các hình thức nghi lễ thì chữ này được xem là một loại linh tự.
Chữ Rañjanā có khá nhiều biến thể về kiểu tùy theo từng khu vực mà chữ này được truyền tới. Tuy nhiên, cho dù kiểu chữ có khác nhau nhưng cách kết hợp nét vẫn tuân theo một quy luật nhất định. Do đó cần phải nắm được quy luật viết chữ thì mới tránh được những sai sót. Quy tắc cấu tạo nét của chữ Rañjanā tương tự như chữ Siddhaṃ. Khi người viết nắm được quy tắc viết chữ Siddhaṃ thì có thể tự suy ra cách viết chữ Rañjanā.
Theo truyền thống Tây Tạng thì chữ Rañjanā không được truyền dạy rộng rãi. Khi dạy cho người ngoài hoặc dạy đại trà thì loại viết Uchen, là chữ viết thông thường của Tây Tạng, được sử dụng thay thế. Tuy nhiên, khi tiến hành các nghi thức quan trọng thì chữ Rañjanā luôn luôn là loại linh tự không thể thiếu vắng.
Hiệu chỉnh lần cuối 5/2013
Tống Phước Khải
Comment