No icon

tu-tuong-mau-he-va-tin-ngung-rong-trong-phat-giao-viet-nam

TƯ TƯỞNG MẪU HỆ VÀ TÍN NGƯỠNG RỒNG TRONG PHẬT GIÁO VIỆT NAM

Posted by: MT | 28/02/2014

TƯ TƯỞNG MẪU HỆ VÀ TÍN NGƯỠNG RỒNG TRONG PHẬT GIÁO VIỆT NAM

TƯ TƯỞNG MẪU HỆ VÀ TÍN NGƯỠNG RỒNG
TRONG PHẬT GIÁO VIỆT NAM (.PDF)

Tượng Bạch Y Quán Âm và hàng Rồng Thần tại chùa Viên Quang_Đà Nẵng

Tượng Bạch Y Quán Âm và hàng Rồng Thần tại chùa Viên Quang_Đà Nẵng

Biên soạn: HUYỀN THANH

Do dân tộc Việt Nam là cư dân sống tại vùng sông nước và thiên về nông nghiệp nên tôn sùng Rồng (Nāga) là Linh Vật có sức mạnh siêu nhiên. Ở trên Trời thì điều hòa mây mưa, sấm sét giúp cho lúa đậu được mùa, nuôi dưỡng cây cỏ thực vật, ngăn chận bão tố lụt lội… đem lại cuộc sống an vui thịnh vượng cho người dân. Ở dưới nước thì hóa thân thành Thủy Thần âm thầm gìn giữ non sông đất nước, trừng trị kẻ ác bảo vệ người hiền….luôn thiên về hiện tượng tốt lành chứ không gây điều xấu ác như quan điểm về loài Rồng của người phương Tây (Rồng là sinh vật biểu thị cho sự  xấu xa độc ác)

_ Tại Việt Nam đã sớm hình thành tín ngưỡng thờ phụng Rồng, một linh vật có thể sống cả trên bờ lẫn dưới nước với năng lực điều khiển được nước lửa, mây mưa, sấm chớp, gió bão, cùng với mọi khả năng màu nhiệm khác có thể ngăn chận được mọi tai họa hiểm nghèo như hạn hán, ngập lụt, giông bão… giúp cho con người có được cuộc sống ấm no hạnh phúc và tín ngưỡng Rồng được dân tộc Việt biểu thị qua việc thờ cúng Thủy Thần

Sách Hoài Nam Tử ghi nhận rằng: “Người Việt lấy kim xâm vào da, vẽ hình Rồng để tỏ ý tôn vinh Rồng vậy”.

Từ tín ngưỡng này đã tạo thành truyền thuyết “con Rồng cháu Tiên” nhằm minh họa về nguồn gốc của dân tộc Việt là:

“Cháu ba đời Viêm Đế, họ Thần Nông tên là Đế Minh, sinh ra Đế Nghi, Khi Đế Nghi đi tuần phương Nam đến Ngũ Lĩnh gặp được nàng con gái Vụ Tiên (Vụ Tiên nữ: ?Tiên Nữ ở núi Vụ) đem lòng yêu mến, mới cưới về rồi sinh ra Lộc Tục. Lộc Tục cai trị phương Nam, lấy hiệu là Kinh Dương Vương, đặt tên nước là Xích Quỷ. Kinh Dương Vương lấy con gái của Động Đình Quân Long Nữ, sinh ra Sùng Lãm. Sùng Lãm nối ngôi vua, xưng hiệu là Lạc Long Quân (vua Rồng Lạc Việt). Lạc Long Quân lấy Âu Cơ, sinh ra một cái bọc chứa một trăm quả trứng, nở ra một trăm người con. Sau này, Âu Cơ dắt 50 người con lên núi, Lạc Long Quân dẫn 50 người con xuống biển và người con cả do mẹ Âu Cơ dắt đi, được truyền ngôi vua, hiệu là Hùng Vương, đặt tên nước là Văn Lang, mở lối cho sự phát triển đất nước Việt Nam”. (Lĩnh Nam Chích Quái_ Hồng Bàng Thị)

Vì bà nội của Lạc Long Quân thuộc giòng giống Tiên và mẹ của Lạc Long Quân thuộc giòng giống Rồng, cho nên dân tộc Việt Nam xác nhận mình là con Rồng, cháu Tiên. Hiện tượng này minh họa cho truyền thống Mẫu Hệ của người Việt cổ xưa và là nét văn hóa đặc thù tách biệt với truyền thống Phụ Hệ của Trung Hoa. Do vậy dấu ấn tôn vinh người mẹ luôn hiện hữu trong sinh hoạt thông thường của người Việt như: sông Cái, đường Cái, đũa Cái (hay đũa cả), tiếng mẹ đẻ, cái bàn, cái ghế, cái nhà,  trường Mẫu Giáo (ngôi trường minh họa sự dạy bảo đầu tiên của người mẹ) và đất nước Việt Nam thường được gọi là đất mẹ… Như thế nhờ vào sự tôn vinh người mẹ mà dân tộc Việt Nam đã kiên trì tránh được sự đồng hóa của người Trung Hoa trong suốt ngàn năm đô hộ, bảo vệ được giòng tộc của mình.

Hiện nay trên di tích trống đồng của nền văn hóa Văn Lang có khắc vẽ những hình người đội mũ hình đầu Rồng hoặc những chữ S (biểu tượng cho sấm sét), biểu tượng rồng được chạm khắc xung quanh và trên trán bia Sùng Thiện Diên Linh, trên vách tháp cũng chạm khắc nhiều mảng rồng ổ. Vì các vua chúa thường tự nhận giòng tộc của mình là biểu tượng của Rồng, còn dân chúng đều là thuộc hạ của Rồng. Do vậy, các đền miếu phụng thờ Thủy Thần của dân gian hầu hết là nơi thờ phụng rắn như: đền thờ Bát Hải Long Vương ở xã Hải Dương, đền Mẫu Thoải ở huyện Duy Tiên, đền thờ Linh Lang Đại Vương ở Thủ Lệ, đền thờ Thủy Thần Bảo Ninh ở làng Linh Đàm, đền thờ Ông Cụt Ông Dài ở sông Cầu, đền thờ Uy Linh Đại Vương ở làng Nhật Tân, ngôi đình Đình Rắn ở Mỏ Cày Bến Tre, đôi rắn thần ở đền Vĩnh Hòa tại Kiên Giang….

_Truyền thuyết cho rằng vào buổi lập quốc, khi người Việt bị giặc xâm lược thời Ngọc Hoàng đã sai Rồng mẹ mang theo một đàn Rồng con xuống hạ giới giúp người Việt đánh giặc. Khi thuyền giặc từ ngoài biển tiến vào bờ thì đàn Rồng phun ra châu ngọc, biến thành muôn ngàn đảo đá trên biển chặn bước tiến của thuyền chiến giặc… Giặc tan, đàn Rồng không về Trời mà ở lại hạ giới, nơi vừa diễn ra trận chiến. Vị trí Rồng mẹ hạ xuống chính là vịnh Hạ Long (vùng biển đảo thuộc thành phố Hạ Long, thị xã Cẩm Phả và một phần của huyện đảo Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh), nơi Rồng con xuống là vịnh Bái Tử Long, nơi đuôi Rồng quẫy nước trắng xóa là Bạch Long Vĩ (nay là bán đảo Trà Cổ thuộc tỉnh Hải Phòng)

_Sự tích hồ Ba Bể (Bách khoa toàn thư mở Wikipedia)

Ngày xưa, ở vùng Bắc Kạn, mỗi năm dân làng Năm Mẫu đều có tổ chức lễ cúng Phật lớn, gọi là lễ Vô Giá. Dân chúng khắp miền mạn ngược tề tựu lại rất đông. Một hôm, có một bà lão bệnh cùi đến làng dự lễ. Quần áo bà rách rưới, tả tơi. Người bà bốc mùi hôi hám, rất khó chịu, khiến mọi người phải lánh xa. Bà lão hủi này đến nhà nào xin ăn, đều bị xua đuổi, mắng nhiếc. Người ta sợ lây bệnh cùi hủi.

Tuy nhiên, có người biết động lòng thương hại. Đó là một người đàn bà goá, ở với con trai. Bà không kinh tởm, gọi bà lão vào nhà cho ăn uống no đủ. Sau đó, bằng lòng cho bà lão ăn mày ngủ nhờ một đêm, ở góc vựa lúa, trong lều. Đến nửa đêm, hai mẹ con bỗng giật mình thức giấc, nghe có tiếng động ầm ầm dữ dội từ phía vựa thóc. Mở cửa vựa thóc ra, không thấy bà lão cùi đâu, mà là một con giao long lớn uốn mình ầm ầm như tiếng sấm. Hai mẹ con kinh hãi trở ra, thao thức, lo sợ, không ngủ được nữa.

Đến sáng, thấy bà lão đi ra từ vựa thóc, nói: “Tôi thật sự không phải là người, tôi là một con giao long, chỉ giả dạng ăn mày để thử lòng từ thiện của tín hữu nam nữ đến làng Năm Mẫu lễ Phật. Tất cả mọi người đều xua đuổi tôi, ngoại trừ 2 mẹ con nhà này. Họ đều là khẩu Phật tâm xà, sẽ không tránh khỏi hình phạt của bề trên đã giao phó cho tôi thi hành,đó là một trận đại hồng thủy. Hễ khi nào thấy có nước nguồn bắt đầu đổ về đây, thì hai mẹ con hãy mau mau chạy lên đỉnh núi mà tránh.Còn hai mảnh vỏ trấu này sẽ giúp con cứu người”.

Nói xong, bà lão biến mất. Qua ngày hôm sau, trong lúc mọi người đang chen nhau đến dự lễ Phật giữa làng, bỗng nhiên, nước ở đâu cuồn cuộn đổ tới tứ phía, tràn vào thung lũng. Người ta trèo lên mái nhà, trèo lên cây. Nhưng nước cứ dâng tràn đầy lên mãi, ngập cả những nóc nhà và cây cao. Tất cả mọi người đều bị chết ngộp, trừ 2 mẹ con bà goá kia đã chạy vội thoát lên được trên đỉnh núi cao, thả hai mảnh vỏ trấu là hai chiếc thuyền. Mặc mưa to, hai mẹ con chèo thuyền đi cứu người.

Trên núi, hai mẹ con dựng lên một gian nhà nhỏ sinh sống. Nơi này, về sau trở thành một ngôi làng đông đúc, và ngày nay vẫn có tên là làng Năm Mẫu. Cả thung lũng bị nước tràn ngập thì hoá thành 3 cái hồ rộng lớn, mênh mông như bể, nên người ta gọi là Hồ Ba Bể. Nước ở ba hồ lưu thông nhau, nhưng ghe thuyền không thể đi được từ hồ này sang hồ kia, vì có các đập đá lớn ngăn trở. Hồ Ba Bể rộng bát ngát, nước trong xanh như ngọc bích, nổi bật giữa núi rừng hùng vĩ của miền thượng du Bắc Việt. Giữa hồ là một hòn đảo nhỏ, người địa phương gọi đó là Gò Bà Góa”.

_Trong quyển Lĩnh Nam Chích Quái, được sưu tập và biên soạn của tác giả Trần Thế Pháp vào khoảng Thế Kỷ 15 có ghi nhận truyện thứ tám truyện Man Nương (tức sự tích về Phật Mẫu Man Nương) như sau:

“Vào khoảng đầu thế kỷ thứ nhất, bên bờ tây sông Thiên Đức có ngôi chùa Phúc Thắng. Trụ trì trong chùa là nhà sư Đà La, chẳng những tài cao đức rộng mà còn có nhiều thuật phép lạ, nên được dân chúng khắp nơi kính phục, tìm đến theo học rất đông.

Thuở ấy, trong vùng có một người con gái tên gọi Man Nương, cha mẹ mất sớm, lại nhà rất nghèo, cũng tìm đến chùa để theo học.

Man Nương tính tình thật thà, chất phát, lại siêng năng chăm chỉ, nhưng vì có tật nói lắp không tụng kinh được, nên sư Đà La giao cho việc nấu nướng để tiếp đãi các tăng ni đến chùa.

Một đêm vào giữa tháng năm, trời khi ấy đã khuya, Man Nương nấu chín nồi cháo đã lâu mà nhà sư và các tăng ni vẫn còn mải mê tụng kinh niệm Phật. Ngồi tựa ở cửa bếp để chờ, vô tình Man Nương ngủ thiếp đi từ lúc nào không biết.

Khi tụng kinh xong không thấy Man Nương bưng cháo lên như mọi lần, sư Đà La bèn xuống bếp để xem sự thể thế nào. Thấy Man Nương đã ngủ say, không tiện đánh thức dậy, nhà sư liền né người bước qua để vào lấy cháo. Không ngờ chỉ như vậy thôi, mà Man Nương đã mang thai.

Có thai được ba tháng thì Man Nương cảm thấy xấu hổ quá, bèn bỏ chùa ra về. Sư Đà La, sau đó cũng rời đi nơi khác. Mấy tháng sau Man Nương sinh hạ được một mủn con gái, bèn tìm đến nơi nhà sư đang tu hành để trả con lại.

Sư Đà La ôm đứa trẻ, cùng Man Nương đi tới cây phù dung ở một ngã ba đường. Đó là một cây cổ thụ, cành lá sum xuê xanh tốt, lại có cái hốc rất to ở phía gần gốc. Đặt đứa trẻ vào trong hốc cây, nhà sư nói: “Này cây, ta gửi con Phật. Ngươi hãy giữ lấy, sau này sẽ được thành Phật”.

Nhà sư nói xong, thấy miệng hốc cây tự nhiên khép kín ngay lại.

Trước khi từ giã Man Nương, sư Đà La bảo nàng hãy tiếp tục đi tu, rồi giao cho một cây trượng mà bảo: “Ta cho nàng vật này. Khi nào trời hạn, đem cắm xuống đất, tự nhiên sẽ có mưa lớn”. Man Nương cung kính nhận lời.

Từ đó, mỗi khi trời làm hạn hán, Man Nương lại cắm trượng xuống đất, thế là trời lại đổ mưa to. Dân chúng trong vùng thấy vậy, đều rất đỗi vui mừng và cảm phục.

Một năm, trời đổ mưa to lại thêm bão lớn, làm cho cây phù dung có đứa bé ở trong, bị đổ. Cây trôi đến bến sông mà phía trên có ngôi chùa sư cụ Man Nương đang trụ trì thì dừng lại, dập dềnh ở bên mép nước.

Dân trong làng thấy vậy, bèn cùng nhau mang thừng chão ra buộc vào để kéo cây lên. Nhưng lạ thay, mấy chục người, rồi sau đó mấy trăm người, cùng xúm vào, mà cây vẫn không nhúc nhích.

Giữa lúc ấy, sư cụ Man Nương chống gậy từ trong chùa bước ra bến rửa tay. Thấy sự lạ, sư cụ bèn cầm vào một đầu dây kéo thử. Nhưng thật chẳng ngờ, khi sư cụ vừa khẽ chạm tay vào thì cây cũng lập tức chuyển động. Mọi người vui mừng, nhờ sư cụ kéo hẳn cây lên bờ, trong lòng ai ấy cũng đều thấy vừa ngạc nhiên vừa vô cùng cảm phục.

Cho rằng cây phù dung này linh thiêng nên dân làng bàn nhau sẽ cưa ra, để tạc thành tượng thờ. Nhưng khi những người thợ mang dao, cưa đến để phát cành xẻ gỗ, thì dao và cưa đều bị quằn, mẻ, không thể làm gì được.

Dân làng lại phải nhờ đến sư cụ Man Nương. Chỉ sau khi sư cụ thắp hương đặt lễ vật, khấn vái, rồi đứng ở đấy chứng kiến, thì tốp thợ mới phát cành và xẻ cây được.

Họ cưa thân cây làm bốn khúc, dự định sẽ tạc bốn pho tượng thờ. Nhưng đến đoạn gốc nơi có cái hốc đặt đứa trẻ ngày trước, thì tự nhiên một tảng đá lăn ra.

Vì thấy tảng đá làm cho các mũi cưa bị gãy, nên tốp thợ tức quá, hè nhau lấy gáy rìu đập lấy đập để vào, cho hả giận. Lạ thật, tảng đá vẫn trơ ra, còn các gáy rìu, tất cả đều bị quăn queo, méo mó.

Biết không thể làm gì được, nhưng vẫn tức, tốp thợ lại hò nhau bê tảng đá ném xuống sông. Nhưng thật bất ngờ, chỉ vừa chạm mặt nước, thì tảng đá lóe sáng, rồi vừa phát sáng vừa chìm xuống dưới đáy, làm cho cả một khúc sông sáng bừng lên, cùng với những quầng sáng rộng.

Tất cả tốp thợ kinh hoàng, thế rồi tự nhiên, không ai bảo ai, cùng lảo đảo, loạng choạng, rồi nhất loạt ngã vật ra đất, bất tỉnh nhân sự.

Tình thế thật vô cùng khẩn cấp. Những người được chứng kiến vội vã đi tìm lễ vật, hương đăng, rồi mời sư cụ Man Nương xuống tận nơi khấn vái. Lại thuê cả thợ lặn đến để vớt tảng đá lên. Chỉ đến khi các việc thật xong xuôi, mới thấy tốp thợ dần dần hồi tỉnh lại.

Bốn khúc gỗ cắt ở cây phù dung ra, sau đó được tạc thành bốn pho tượng thờ. Lúc ấy nhà sư Đà La hay tin, cũng trở về chứng kiến. Ngài đặt pháp hiệu cho bốn pho tượng là Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện, ý là để cầu mong cho dân làng yên vui và quanh năm mưa gió thuận hòa, không bị mưa, bão, sấm, sét làm cho thiệt hại.

Ngài lại bảo đem tảng đá vào đặt bên cạnh các pho tượng đã tạc. Thế rồi,mọi người nhìn thấy, các pho tượng tự nhiên đều sáng bừng lên, hệt như đã được dát bên ngoài bằng vàng, bằng bạc.

Sau đó, theo lời dạy của nhà sư Đà La, bốn pho tượng được đưa về bốn ngôi chùa lớn trong vùng, và các ngôi chùa này, từ đấy được mang tên như của bốn pho tượng đã tạc. Riêng tảng đá, được đặt ở chính ngôi chùa có sư cụ Man Nương đang trụ trì, tức là ngôi chùa có bến sông đã vớt được cây phù dung dạo trước.

Sư cụ Man Nương còn trụ trì tại ngôi chùa này mấy chục năm nữa rồi mới viên tịch, lúc ở tuổi gần một trăm. Ngày viên tịch là ngày mồng bốn tháng tư (âm lịch), đúng bốn ngày trước lễ Phật đản. Dân chúng trong vùng vừa thương tiếc nhưng cũng vừa kính cẩn, tôn xưng sư cụ là Phật mẫu Man Nương. Danh hiệu “Phật mẫu” này để chỉ, khi sinh thời cụ đã sinh ra đứa trẻ (tảng đá), sau trở thành tiền thân của bốn ngôi chùa Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện trong vùng.

Lại nói về bốn ngôi chùa này, từ khi có bốn pho tượng thờ mới, thì càng ngày càng trở nên linh ứng đặc biệt. Những năm lụt lội hay hạn hán kéo dài, dân chúng đến đây cầu đảo, đều thấy luôn luôn ứng nghiệm. Từ đấy, thiện nam tín nữ tìm về ngày mỗi thêm đông. Để tưởng nhớ Phật mẫu Man Nương, nên dân chúng trong vùng lấy ngày mồng bốn tháng tư, ngày sư cụ viên tịch, làm ngày lễ hội của cả bốn ngôi chùa.

Hàng năm, cứ đến ngày này, ở các nơi dân chúng lại nô nức tìm về trảy hội, và dùng nước sạch để tắm rửa cho các pho tượng Phật trong chùa. Lâu dần, trở thành phong tục, gọi là hội tắm Phật”.

 

Những chi tiết trong Truyện tích trên minh họa hiện tượng bản địa hóa Phật Giáo của dân tộc Việt Nam trong thời kỳ mới du nhập: kết hợp tư tưởng Phật Giáo quyền năng [như Mâu Tử (Thế Kỷ II_III) đã lập luận trong tác Phẩm Lý Hoặc Luận của mình là: “Ðức Phật là bậc giác ngộ, có khả năng biến hóa khôn cùng, không bị những quy luật khách quan chi phối, làm được tất cả những gì mà con người không thể làm”] với tư tưởng Mẫu Hệ và tín ngưỡng Rồng (tức năng lực chi phối mây, mưa, sấm, sét)… hình thành Phật Mẫu Man Nương với bốn Đức Phật Pháp Vân (Dharma-megha), Pháp Vũ (Dharma-varṣaṇa), Pháp Lôi (Dharma-garjita), Pháp Điện (Dharma-vidyu) và đứa bé gái hóa thành hòn đá chiếu hào quang (Thạch Quang) thì được tôn xưng là Thạch Quang Phật (Pāṣaṇa-prabha-buddha)…phò trợ cho nhân dân và cả dân tộc.

1_Tượng Pháp Vân, nữ thần mây, ở chùa Diên Ứng, tức chùa Dâu, nên gọi là bà Dâu.

2_Tượng Pháp Vũ, nữ thần mưa, ở chùa Đậu, nên gọi là bà Đậu. Nay chùa đã bị Pháp phá, tượng Pháp Vũ đem về chùa Dâu thờ chung với chị.

3_Tượng Pháp Lôi, nữ thần sấm, ở chùa Phi Tương, tức chùa Tướng, nên gọi là bà Tướng.

4_Tượng Pháp Điện, nữ thần chớp, ở chùa Phương Quang, tức chùa Dàn, nên gọi là bà Dàn.

Còn Man Nương, vì là mẹ của cả bốn, nên được tôn là Phật Mẫu, thờ ở chùa Tổ – Mãn Xá, tức chùa Phúc Nghiêm. Khối đá giữa thân cây, là Thạch Quang Phật, cũng được thờ ở chùa Mãn Xá.

Ảnh hưởng của Tứ Pháp ở Việt Nam rất lớn, nhiều lần triều đình nhà Lý phải rước tượng Pháp Vân về Thăng Long để cầu mưa.

Ngày nay, trên khắp đồng bằng Bắc Bộ, có không ít nơi có hệ thống thờ Tứ Pháp, nếu ít thì một hai chùa, đủ thì phải bốn chùa, nhưng chỉ Bắc Ninh mới có 5 chùa, vì riêng Bắc Ninh mới có Phật Mẫu Man Nương.

Tượng Phật Mẫu Man Nương ở chùa Tổ (Phúc Nghiêm) Mãn Xá

(xem hình trong file PDF)

Tượng Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện ở chùa Dâu, chùa Tướng, chùa Dàn. Nhìn kỹ thì phong cách của các vị có sự khác biệt. Pho Pháp Điện trẻ nhất.

Thạch Quang Phật được thờ ở Chùa Tổ sau đó chuyển về thờ ở Chùa Dâu.

Tượng Pháp Vân chùa Dâu, phía trước là hộp đặt Thạch Quang Phật

(xem hình trong file PDF)

Bên cạnh hệ thống năm chùa của Bắc Ninh, còn nhiều nơi khác nữa. Như ở ngoại thành Hà Nội có hệ thống:

1. Chùa Sùng Nghiêm (chùa Keo) thờ Pháp Vân (hai pho)

2. Chùa Ninh Hiệp (chùa Nành) thờ Pháp Vân gọi là bà Nành

3. Chùa Pháp Vân, Pháp Vũ ở Thanh Trì

4. Chùa Đại Bi (chùa Sét) thờ Tứ Pháp

Ở Hưng Yên, xã Lạc Hồng

1. Chùa Thái Lạc thờ Pháp Vân

2. Chùa Hồng Cầu thờ Pháp Vũ

3. Chùa Nhạc Miếu thờ Pháp Lôi

4. Chùa Hồng Thái thờ Pháp Điện

Xã Lạc Đạo

1. Chùa Lạc Đạo thờ Pháp Vân

2. Chùa Hoằng thờ Pháp Vũ

3. Chùa Hướng Đạo thờ Pháp Lôi

4. Chùa Tân Nhuế thờ Pháp Điện

Ở Hà Tây

1. Chùa Pháp Vân thờ Pháp Vân

2. Chùa Thành Đạo (chùa Đậu) thờ Pháp Vũ

Ở Hà Nam

1. Chùa Quế Lâm (chùa Bến, nên gọi là bà Bến), chùa Do Lễ, chùa Thôn Bốn, chùa Tiên thờ Pháp Vân.

2. Chùa Trinh Sơn, chùa Bảo Sơn (chùa Bà Đanh) thờ Pháp Vũ ( nên gọi là bà Đanh)

3. Chùa Đặng Xá, chùa Nứa thờ Pháp Lôi

4. Chùa Bầu thờ Pháp Điện (gọi là bà Bầu)

(Trích trong Bách Khoa Toàn Thư mở Wikipedia)

_Hệ thống tín ngưỡng này hàm chứa ý nghĩa là:

.) Vị sư Ấn Độ Khâu Đà La (Kṣudra) còn gọi là Ca La Xà Lê (Kāla-ācārye: vị A Xà Lê màu đen) biểu thị cho việc thuận theo tín ngưỡng dân gian Việt Nam mà truyền dạy Giáo Lý của Phật Giáo Mật Tông.

.) Phật Mẫu Man Nương, một người con gái bản địa, biểu thị cho việc tiếp nhận Pháp truyền thừa của Mật Giáo, gìn giữ không cho mầm giống Giải Thoát bị đứt đoạn và hay sinh ra hết thảy Công Đức của Như Lai (Tathāgata), tức là Năng Sinh của Pháp (Dharma)

.) Thạch Quang Phật  (Pāṣaṇa-prabha-buddha) biểu thị cho Đại Bi Thai Tạng (Mahā-kāruṇa-garbha) là Lý Thể vốn đầy đủ các Công Đức của Tâm Bồ Đề thanh tịnh. Ngoài ra, còn biểu thị cho trứng Rồng là nơi nơi lưu trữ mầm chủng Phước Đức, Trí Tuệ phát huy năng lực của hàng Rồng Thần

.) Bốn Phật Bà Pháp Vân (Dharma-megha), Pháp Vũ (Dharma-varṣaṇa), Pháp Lôi (Dharma-garjita), Pháp Điện (Dharma-vidyu) tượng trưng cho sự thủ hộ, hoằng dương Giáo Pháp của Đức Phật Đà (Buddha) kèm theo khả năng điều khiển năng lực của Thiên Nhiên (Mây, mưa, sấm, chớp) của hàng Rồng Thần: tuôn rải nước Cam Lộ (Amṛta) thấm nhuận khắp nơi, khiến cho ngũ cốc chín đầy, hộ trì đất nước, tiêu trừ các tai nạn việc chẳng lành và làm cho tăng trưởng Tài Bảo… giúp cho người dân được ấm no hạnh phúc

Hiện tượng này đã nêu bật nét đặc thù của Phật Giáo Việt Nam trong Thế Kỷ thứ  II và trở nên một bức tường thành tư tưởng vững chắc chận đứng nhiều đợt tấn công xâm lược muốn đồng hóa văn hóa Lạc Việt thành văn hóa lệ thuộc Trung Hoa trong nhiều thời đại.

 

_Trong thời kỳ đầu của Phật Giáo Việt Nam, tư tưởng Đức Phật (Buddha) quyền năng ban Phước trừ họa đã nhanh chóng thấm sâu vào Tâm Thức người Việt, dần dần hình thành ông Bụt trong các truyện cổ tích Việt Nam, hiển hiện qua hình tướng ông Tiên râu tóc trắng tinh, tay cầm cây phất trắng luôn âm thầm giúp đỡ người hiền thiện vượt qua mọi sự khổ đau, đạt được sự an bình hạnh phúc.

Sau này, khi Phật Giáo lan truyền rộng rãi trong nhân gian, đến Thế Kỷ XVIII thì hình tượng ông Bụt ban Phước trừ họa được thay thế bằng hình tướng Phật Bà Quán Âm biểu tượng cho Bà mẹ hiền luôn để mắt chăm sóc con thơ để kịp thời cứu khổ cứu nạn và ban cho sự thỏa mãn mọi ước nguyện.

Truyền Thuyết cho rằng Công Chúa Ba hay Quán Âm Diệu Thiện đã tu hành đắc đạo tại Hương Sơn tại miền Bắc Việt Nam cho nên hình ảnh Phật Bà Quan Âm và Quan Âm Thị Kính luôn hiện rõ vai trò nhẫn nhục, Từ Bi, vị tha, cứu khổ qua 2 tập truyện thơ: Quan Âm Thị Kính, Quan Âm Nam Hải và các vở chèo lưu diễn trong nhân gian.

Đến đây, tư tưởng Mẫu Hệ ẩn tàng trong Tiềm Thức của con Rồng cháu Tiên lại được kết hợp với công hạnh Đại Bi của Đức Quán Thế Âm Bồ Tát hình thành tín ngưỡng Nam Hải Bạch Y Quán Thế Âm qua hình tượng một bà mẹ hiền luôn luôn thể hiện lòng yêu thương, chăm sóc, cứu giúp chúng sinh vượt qua mọi biển khổ

Tượng Phật Bà chùa Hương (bằng đá)

Trong một ý nghĩa sâu xa hơn: Bồ Tát Quán Thế Âm hiện thân Bạch Y cư trú tại biển Nam (Nam Hải Quán Âm), khởi lòng yêu thương muốn diệt trừ mọi ách nạn khổ đau, giúp cho sinh linh được an vui nên đã sai khiến hàng Rồng Thần dốc sức cứu độ chúng sinh… ngầm minh họa cho tư tưởng: Bà mẹ hiền dẫn dắt con cháu xuống phương Nam hình thành đất mẹ và kêu gọi con cháu Tiên Rồng trên bờ dưới biển cùng chung sức xây dựng nước Việt  hiền hòa, yêu thương giúp đỡ lẫn nhau cùng tiến bộ ở phương Nam.

Như vậy, tư tưởng Mẫu Hệ tín ngưỡng Rồng của dân tộc Việt Nam một lần nữa lại được thể hiện mạnh mẽ qua sự thờ phụng Đức Bạch Y Quán Thế Âm với các hàng Rồng Thần cùng nhau bay đến vui mừng trợ giúp…biểu thị cho nét đặc trưng của Phật Giáo Việt Nam.

Quán Âm phổ hóa
Thần Long chung sức dựng Nam-bang

(xem hình trong file PDF) 

Tượng Bạch Y Quán Âm và hàng Rồng Thần tại chùa Viên Quang_Đà Nẵng

01/03/2014

Advertisements


Comment